Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG CĂN CỨ GÌ ĐỂ CÓ THỂ CHO RẰNG, “THI XÃ BÍCH ĐỘNG ” LÀ TỔ CHỨC ĐẦU TIÊN CỦA HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Trần Nhuận Minh
Thứ hai ngày 30 tháng 5 năm 2016 2:12 PM
Cho đến nay, Tao đàn, của vua Hồng Đức nhà Lê, mà sau này ta gọi theo miếu hiệu của vua là Thánh Tông, vẫn được coi là tổ chức đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam. Mùa đông năm Ất Mão (1495), vua Lê thấy 2 năm liền được mùa, thời tiết thuận hòa, nhân dân no đủ, bèn phấn hứng viết luôn 9 bài thơ ca ngợi: “Quỳnh uyển cửu ca”, rồi giao cho các văn thần cùng họa. Tất cả có 28 người họa. Thấy trùng với 28 người hiền trong tích xưa, nhà vua bèn dừng lại ở con số 28 và lập thành Tao Đàn, tự xưng làm Nguyên súy, Thân Nhân Trung, Thái Thuận cho làm Phó Nguyên súy. Có sách ghi Sái Thuận – có lẽ năm sau (1496), Thái Thuận kiêm luôn Sái phu chăng? (tương đương như Chánh Văn phòng ). Có tài liệu ghi Đào Cử làm Sái phu, chắc là ở năm sau nữa ( 1497) ? Chính nhờ lời đề tựa tập thơ của Tao Đàn, do Sái phu Đào Cử viết, mà đời sau coi đó là một tổ chức, bởi nó có người lãnh đạo, có người theo, có nơi hoạt động, có thành tựu và có chủ thuyết: “Giữ đạo làm vua, đạo làm tôi, khuyên người làm việc quan, mượn cảnh ngụ tình, để khích lệ tiết tháo trong sạch của các quan”. Đây là Hội thơ cung đình, gồm các quan cao cấp trong triều, nhằm “ ca ngợi vua sáng, tôi hiền, thời tiết thuận hòa, nhân dân no đủ, quan lại thanh liêm”. Sau khi vua mất, ngày 30 tháng Giêng năm Đinh Tị ( 3 / 3/ 1497) không ai nhắc đến Tao Đàn nữa. Như vậy Tao Đàn được thành lập và hoạt động trong khoảng 1 năm rưỡi, từ mùa đông năm 1495 đến ngày 3 tháng 3 năm 1497.
Còn Thi xã Bích Động được thành lập sớm hơn 171 năm. Chủ súy là Trần Quang Triều, con trưởng Trần Quốc Tảng, anh ruột vợ vua nhà Trần, mà sau khi băng hà, có miếu hiệu là Anh Tông. Năm 1301, mới 14 tuổi, Quang Triều đã được phong vương (Văn Huệ vương). Tháng 4 năm Giáp Tí ( 5 / 1324), được phong chức Nhập nội Kiểm hiệu Tư đồ, nhưng ông xin thôi, rời Thăng Long về ở gần chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều ( thuộc tỉnh Hải Dương cho đến năm 1962) sung cho nhà chùa gần như toàn bộ tài sản của mình, lập một ngôi nhà tranh ở cạnh chùa, gọi là am Bích Động. Các bạn thân của ông thường đến chơi, cùng làm thơ, gọi là Thi xã Bích Động ( như tương đương ngày nay là “Câu lạc bộ thơ Bích Động” hoặc lớn hơn thì gọi là “Hội thơ Bích Động”).
Năm 1988, có lẽ tôi là người đầu tiên viết bài về Thi xã Bích Động với một đề xuất là “ Tổ chức sơ khai và đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam”. Có 5 tiêu chí tôi đã nêu. Một là có người lãnh đạo: Văn Huệ vương Trần Quang Triều; hai là có tôn chỉ mục đich; ba là có lực lượng ( tức là có các tác giả chủ chốt); bốn là có “ trụ sở”, có vùng hoạt động; năm là có thành tựu. Về lực lượng, đến nay chưa biết có bao nhiêu người tham gia, nhưng ít nhất còn lại 3 tên tuổi lớn là Trần Quang Triều, Nguyễn Ức và Nguyễn Sưởng. Còn một người nữa là Tự Lực tiên sinh, chưa rõ là ai. Và tôi cho rằng Trần Quang Triều, Nguyễn Ức và Nguyễn Sưởng là những người sáng lập loại thơ thế sự trong văn học Việt Nam.
Thi tập của Trần Quang Triều, hiện còn 11 bài, có câu:
Kỉ đa lối khối hung trung sự
Thả hướng tôn tiền thí nhất kiêu
(Bao nhiêu khối bất bình ngổn ngang trong lòng
Thử rót chén rượu tưới vào đó xem nó có tan không)
Thi tập của Nguyễn Ức, hiện còn 20 bài, có câu:
Hồi thủ bất tu phòng tại hậu
Võng la chính thị nhãn tiền ki
( Đừng ngoảnh đầu lại đề phòng đằng sau
Lưới giăng chính là cơ sự đã ở ngay trước mắt)
Thi tập của Nguyễn Sưởng, hiện còn 16 bài, có câu:
Hồ hải thập niên tri kỉ thiểu
Công danh nhị tự khiểm nhân đa
( Có đi sông biển 10 năm, mới biết là người hiểu mình rất ít
Còn hai chữ công danh thì lừa dối người ta đã nhiều)
Về tôn chỉ, mục đích, mà ta thường gọi là chủ thuyết, theo tôi đây là điều rất quan trọng. Sách “Thơ văn Lí Trần” tập 3, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1978, trang 26, ghi nguyên văn như sau: “Tôn chỉ của thi xã là: Ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi thú nhàn hạ ( không ra làm quan - TNM chú thêm) công kích thói bon chen, cầu cạnh ở đời”. Như vậy là đã có tính phê phán ( đám quan lại “bon chen, cầu cạnh”) và có tính xã hội rõ rệt.
Đây là Hội thơ của các sĩ phu ( trí thức) ở Quỳnh Lâm, Đông Triều, tức là ngoài kinh thành Thăng Long, mà tôn chỉ gần với tôn chỉ của Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay hơn Tao Đàn của vua Lê. Thi xã được thành lập và hoạt động trong khoảng hơn 1 năm, từ tháng 5/1324 đến tháng 7/1325 ( tức tháng 8 năm Ất Sửu, Quang Triều mất).
Tập san THƠ số 3 của Câu lạc bộ thơ Lê Thánh Tông, thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, do tôi làm chủ biên, đã xuất bản tại Quảng Ninh năm 1988 ( Tập san xuất bản được 6 số thì dừng vì không còn tiền in) đã ra một số riêng về Thi xã Bích Động , với số thi phẩm ( trích trong số hiện còn ) của ba tác giả trên. Tuy nhiên Nguyễn Trung Ngạn, tác giả Giới Hiên thi tập ( Giới Hiên là bút hiệu của Nguyễn Trung Ngạn) thì tôi rất băn khoăn. Trần Quang Triều đã về ở ẩn, tu tại gia, tại Quỳnh Lâm, Đông Triều và Nguyễn Ức, Nguyễn Sưởng thường qua lại với Trần Quang Triều, không rõ lúc đó, hai ông còn làm quan hay đã nghỉ. Nguyễn Trung Ngạn làm quan đến Đại hành khiển, Thượng thư hữu bật, một trong số ít quan lớn trong triều. Năm 1321, Nguyễn Trung Ngạn bị giáng chức từ Ngự sự đài xuống làm Thông phán châu Anh Lãng, nay thuộc tỉnh Lạng Sơn, rồi sau đó lại được khôi phục, chuyển về làm quan quản lí cung Thánh Từ của Thượng hoàng ở phủ Thiên Trường, sau này là huyện Mĩ Lộc tỉnh Nam Định. Thời gian Nguyễn Trung Ngạn ở Thiên Trường cũng là thời gian hoạt động của Thi xã Bích Động ( Thi xã chỉ hoạt động trong khoảng từ tháng 3/1324 đến tháng 7/ 1325, và chỉ ở chùa Quỳnh Lâm mà thôi, không ở nơi nào khác trên đất Đông Triều, Quảng Ninh bây giờ). Đường xa, đi và về hai nơi Mĩ Lộc – Đông Triều bằng ngựa hoặc bằng thuyền không dễ dàng, lại chịu nhiều áp lực của người làm công việc quản lí hằng ngày nơi làm việc của vua Cha và các quan, cho nên tôi nghĩ Nguyễn Trung Ngạn không thể đi về tham gia Thi xã trong thời gian đó được. Hơn nữa, nói chung, thơ Nguyễn Trung Ngạn khác hẳn lối thơ rất gần nhau về xu hướng nghệ thuật và cảm quan thời thế của nhóm tác giả Trần Quang Triều, Nguyễn Ức và Nguyễn Sưởng. Vì thế, tôi cho rằng, Nguyễn Trung Ngạn không thể là thành viên của Thi xã được, như một số bài báo đã nêu. Trong Hoàng Việt thi tuyển, Bùi Huy Bích ( 1744 – 1818 ), cũng không ghi Nguyễn Trung Ngạn tham gia thi xã này. Nguyễn Sưởng có bài thơ tặng Nguyễn Trung Ngạn đi xứ Bắc, lời lẽ rất thân tình, chứng tỏ hai ông là bạn gần gũi nhau, nhưng đó là năm 1314, trước khi có Thi xã đến 10 năm.
Do những căn cứ trên, từ 1988, tôi đã cho rằng: “Thi xã Bích Động” có đủ cơ sở để được gọi là tổ chức đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam.