Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LẠI XIN CHO HAI CHỮ BÌNH YÊN

Dương Đức Quảng
Thứ hai ngày 19 tháng 4 năm 2010 9:23 PM


Sáng chủ nhật 18/4/2010, ông bạn nhà thơ, hoạ sĩ Trần Nhương, chủ trang Web TNc gọi điện bảo tôi vào Website Ba Sàm để đọc bài của ông Phạm Viết Đào viết về bài “Xin cho hai chữ bình yên” của tôi. Ông Trần Nhương nói  tôi  có gì trao đổi lại thì viết “cho vui”. Thú thật, lâu nay tôi vốn tránh xa sự ồn ã, chỉ muốn “Giữa chốn đông người/Tôi chọn cho mình góc khuất”, như một câu thơ trong bài Góc khuất tôi viết đã lâu, từ hồi còn chưa về hưu. Vì thế tôi rất ngại chường tên tuổi của mình lên mặt báo hoặc các trang mạng để lời qua tiếng lại với bất kỳ ai. Trong trường hợp này cũng vậy, chả muốn viết lại điều gì “cho vui” như ông bạn Trần Nhương nói.Thế nhưng...


Tôi đã vào cả trang Ba Sàm và cả Blog của ông Phạm Viết Đào, đọc khá kỹ bài viết của ông ấy và thấy không cần thiết phải trao đổi lại nội dung những điều ông Đào viết về bài của tôi. Bởi vì ông Đào có quan điểm riêng của ông ấy đối với Trung Quốc và tôi cũng có quan điểm riêng của tôi về vấn đề này, không nên áp đặt cho nhau.

Lâu nay tôi cũng như nhiều người đều nghĩ rằng thái độ tốt nhất khi phê phán  bài viết của một ai đó thì trước khi đăng bài viết của mình tác giả nên đăng bài của người viết bị phê phán song song với bài viết của mình để mọi người cùng phán xét. Giá như ông Đào đăng bài viết của tôi rồi đăng bài viết của ông ấy cùng trên Blog của ông thì tốt hơn nhiều, khi chỉ để một đường link vào Blog của tôi mà tôi nghĩ chắc không có nhiều người vào đọc. Tôi tiếc rằng, ngoài một số điều ông Đào viết đi ra ngoài và đi quá xa bài viết của tôi mà ai đọc cả hai bài viết đều có thể hiểu đó là điều gì, ông Đào đã có một vài thông tin và trích dẫn chưa thật chính xác mà tôi thấy cần nói lại.

Thứ nhất, ông Đào giới thiệu tôi “nguyên là Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí của Văn phòng Chính phủ thời ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng; có thời ông được coi là tham mưu số 1 cho nguyên thủ quốc gia về mặt thông tin, ngôn luận…”. Tôi xin được thưa lại như sau: Tôi có nhiều năm làm Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí của Văn phòng Chính phủ không chỉ trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà cả trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, song tôi chưa bao giờ “được coi là tham mưu số 1 cho nguyên thủ quốc gia về mặt thông tin, ngôn luận…” như ông Phạm Viết Đào viết. Bởi vì, nguyên thủ quốc gia phải là Chủ tịch nước chứ không phải là Thủ tướng Chính phủ và tham mưu về báo chí cho Chủ tịch nước phải là những cán bộ lãnh đạo, những nhà báo tên tuổi chứ không phải tôi, chỉ là một nhà báo bình thường, tuy có chút chức vụ nào đó nhưng không thuộc vào diện tham mưu cho nguyên thủ quốc gia, nhất là lại càng không phải là “tham mưu số 1” như ông Đào nói. Tôi cần phải nói rõ điều này vì tôi tự biết mình là ai, không được phép nhận cái gì mình không có.

Thứ hai, trong bài viết của mình ông Phạm Viết Đào có lấy lại hai cái ảnh trên Blog của tôi vào bài viết của ông ấy, trong đó có một tấm ảnh tôi cùng anh chị em nhà báo chụp chung với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dưới chân cột cờ Lũng Cú trong lần Thủ tướng lên thăm và làm việc với Hà Giang đầu năm nay. Việc tôi có mặt trong tấm ảnh này chắc không phải là điều gì lạ, bởi vì trong bài viết có tấm ảnh này tôi đã kể lại tất cả sự việc. Là một nhà báo, sau chiến tranh biên giới Tây Nam chống bọn Pôn Pốt, tôi đã về huyện Hà Tiên, giáp biên giới với Campuchia để gặp gỡ và viết bài về ông Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Huyện uỷ, một đại biểu trẻ dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6, sau đó được bầu vào Trung ương Đảng. Tôi lại có 12 năm làm công tác báo chí giúp việc lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực này, thì việc tôi có chụp ảnh cùng Thủ tướng cũng là chuyện bình thường, hơn nữa lại là chụp ảnh chung với nhiều anh chị em nhà báo khác. Tôi rất hiểu ý tứ của ông Phạm Viết Đào khi lấy lại chiếc ảnh này để đưa vào bài phê phán bài viết của tôi trên Blog của ông ấy. Song, tôi chỉ xin nói lại về việc trích nguồn tài liệu khi ông Đào đưa tấm ảnh đó vào trong bài viết của mình. Trên Blog của tôi, trong bài Dưới chân cột cờ Lũng Cú ngày sinh , tôi có đưa một số ảnh, không chỉ có tấm ảnh ông Đào lấy lại. Dưới tấm ảnh ông Đào lấy lại tôi viết chú thich: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ 4, hàng trước, trái sang), nhà báo Dương Đức Quảng (thứ 3, hàng trước, trái sang) dưới chân cột cờ Lũng Cú”, thì trên Blog của ông Đào chú thích đó được sửa lại như sau: Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ 4, hàng trước, trái sang), nhà báo Dương Đức Quảng (thứ 3, hàng trước, trái sang), sát cạnh Thủ tướng dưới chân cột cờ Lũng Cú trong chuyến thăm Hà Giang 19/1/2010.( Nguồn: Blog Dương Đức Quảng ).

Thiết nghĩ, khi ông Đào trích từ nguồn Blog của tôi thì nên giữ nguyên những dòng tôi viết chú thích dưới tấm ảnh đó, không nên thêm vào bất cứ chữ nào không đúng với nguyên bản nguồn tư liệu mà mình đã dẫn. Còn khi đã viết thêm vào, dù chỉ một chữ, thì cũng nên nói rõ đó là chữ của mình, chứ không phải là từ nguồn tư liệu gốc. Tôi hiểu vì sao ông Đào lấy lại tấm ảnh này và thêm bốn chữ “sát cạnh Thủ tướng” (không kể mấy chữ thêm vào cuối dòng chú thích này). Nhưng như thế là không đúng với nguồn tư liệu đã dẫn. Còn tôi, đọc dòng chú thích tấm ảnh trên Blog của ông Phạm Viết Đào thì tự hỏi: Chả nhẽ mình lại ngô nghê đến mức phải cần thêm hai chữ “sát cạnh Thủ tướng ” như thế dưới tấm ảnh này?

Thứ ba, tôi rất cảm kích trước tấm lòng yêu nước nồng cháy của ông Phạm Viết Đào, không chỉ thể hiện trong bài viết của ông phê phán bài viết của tôi. Nếu tôi biết không sai, thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ông Phạm Viết Đào chưa có điều kiện để thể hiện lòng yêu nước của mình ngay tại chiến trường miền Nam, song với vốn ngoại ngữ tiếng Rumani được học trong nhiều năm ở nước ngoài, đến mức thành thạo, ông Phạm Viết Đào đã dịch cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm ra tiếng Rumani để bạn đọc quốc tế biết về tấm gương hy sinh của một nữ bác sĩ, liệt sĩ vì nền độc lập và tự do của Tổ quốc Việt Nam. Là một nhà báo từng 8 năm có mặt trên các chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó có chiến trường Quảng Ngãi, nơi chị Thuỳ Trâm hy sinh, tôi hiểu và thật sự kính trọng tấm lòng yêu nước và việc làm nghĩa cử đó của ông Phạm Viết Đào, nhất là hôm nay tôi lại được nhắc đến điều này vào đúng dịp 5 năm ngày cuốn Nhật ký của chị Thuỳ Trâm về với gia đình. Cũng như ông Phạm Viết Đào, tôi hiểu nền độc lập tự do của Tổ quốc không tự dưng mà có, mà phải đổi bằng biết bao xương máu của thế hệ này đến thế hệ khác. Song tôi nghĩ, một khi Tổ quốc đã giành được độc lập và tự do thì việc giữ bình yên cho đất nước, cho cuộc sống của mọi người là điều rất quan trọng. Tôi không dám lớn tiếng về lòng yêu nước, nhưng tin rằng dù bây giờ đang có hoà bình nhưng một khi Tổ quốc bị xâm lược thì, cũng như cha tôi, sau khi mẹ tôi mất, gửi lại 7 đứa con còn thơ dại (mà đứa con út là tôi khi đó chưa đầy 5 tháng tuổi) cho chị gái nuôi để lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp; anh chị em tôi đã trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ trên các chiến trường, anh trai và anh rể tôi bị thương, anh trai tôi hiện vẫn còn mảnh đạn trong đầu; các cháu tôi tham gia chiến đấu chống Trung Quốc bảo vệ Tổ quốc năm 1979 ở biên giới phía Bắc, trong đó có một cháu bị thương, nay là thương binh hạng đặc biệt..., thì khi đất nước lâm nguy tôi tin rằng các con tôi và cháu tôi, những thế hệ chưa trải qua chiến tranh, cũng sẽ tham gia chiến đấu để gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bất kỳ trong hoàn cảnh nào và bất kỳ ở đâu. Tôi rất thấm thía cái giá của xương máu trong các cuộc chiến tranh vừa qua, nên như trong bài viết của tôi, tôi chỉ xin cho hai chữ bình yên trên đất nước này. Nếu ông Đào hay ai đó hiểu rằng tôi cầu xin nước ngoài, trong trường hợp này là Trung Quốc, cho Việt Nam được bình yên thì quả thật điều đó đã đi ra ngoài và đi quá xa nội dung bài viết của tôi.

Một lần nữa tôi nghĩ rằng không ai có quyền được độc quyền về lòng yêu nước. Vì thế nếu tôi và ông Phạm Viết Đào thể hiện lòng yêu nước khác nhau cũng là chuyện bình thường, không nên áp đặt lòng yêu nước của người này cho người khác. Như trên tôi đã viết, tôi thấy không cần thiết phải trao đổi lại tất cả nội dung những điều ông Đào phê phán bài viết “Xin cho hai chữ bình yên” của tôi, mà tôi chỉ muốn nói lại vài điều ông Đào viết về tôi không chính xác;. Còn toàn bộ nội dung bài viết của ông Phạm Viết Đào phê phán bài viết của tôi đúng, chưa đúng hay đi ra ngoài, đi quá xa nội dung bài viết thì tôi tin rằng nếu ai đã đọc cả hai bài viết đều có thể nhận ra. Một lần nữa tôi lại xin cho hai chữ bình yên.


Chả biết những điều tôi viết trên đây có khiến cho bạn đọc phải cảnh giác để khỏi rơi vào cái gọi là “… luận điệu đang tìm cách tác động vào “bên trong” và “bên trên” gây nên những cú “tự diễn biến…”  như ông Đào, nửa thật nửa không, “ lo lắng” và “cảnh báo” hay không?

Nguồn: http://vn.myblog.yahoo.com/dd_quang1945