Thế là "Đám mây hình thiếu phụ" của nhà thơ Vương Cường đã đi hết một hành trình nửa vòng trái đất. Thời tiết ở New York đang bắt đầu vào xuân. Nắng lung linh - hoa anh đào rực rỡ. Chắc "Mây" nhớ rét nàng Bân nơi cố quốc nên bỗng dưng hôm qua trời trở nên sũng nước. Tôi đi đón "Mây" trong vần vũ cơn mưa.
"Đám mây hình thiếu phụ" không phải là tựa đề của một bài thơ. Nhưng có vẻ như "nàng" là một nửa tự tách ra của nhà thơ để gửi gắm tâm tư khi cô đơn, nên Vương Cường đã "tấn phong" cho nàng thành "mẫu nghi" trong số 36 bài. Tôi cũng tin họa sỹ Văn Sáng phải đọc thơ VC rất kỹ mới quyết định khoác áo tím cho "nàng mây".
Nói một cách trung thực, tôi hơi... sợ đọc thơ VC. Thơ anh có tính học thuật cao, ngôn từ chọn lọc, nhịp điệu hiện đại, khác xa với cách cảm nhận văn chương của một người bảo thủ và cổ điển như tôi. Hồi còn đi học, những buổi tối mất điện trong ký túc xá, tôi thường được các bạn đề nghị đọc thơ. Bởi tôi thuộc nhiều thơ tình của Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Olga Bec-gôn... Sau này, khi chạm đến những bài thơ chỉ gặp tứ mà không gặp vần tôi đâm ra lúng túng, thiếu tự tin.
Trước khi gửi sách sang NY tặng tôi, VC viết email dặn dò, mong rằng tôi sẽ đối xử "tử tế" với "nàng mây" của anh. Tôi trang điểm cho nàng bằng nét gạch chân cùng những mẩu giấy nhỏ màu vàng đánh dấu những câu thơ mang hình đám mây.
Lần đâu tiên nhận ra "bầu trời ngây thơ ríu rít xanh", VC đã "yêu vàng mây thấp thoáng phía chân trời". "Vàng mây" theo anh mỗi buổi sớm mai "hồng hào lấp ló ngoài cửa gió". Nàng theo anh vào đêm thiêm thiếp ngủ - "Vàng mây anh thiếu nữ vẫn thêu thùa". Khi đón gió gặp thiên đường rộng mở "anh dắt vàng mây về phía ánh đèn mơ". Dọc con phố hoa bằng lăng tím ngắt "vàng mây anh tóc xõa liễu chiều hồ". (Vàng mây - T.10)
Khi gắng nhủ lòng "đừng trông ngóng bóng người đi" trong thời khắc chuyển giao mùa xuân, "năm tháng khí trơ ngày qua ngày không tết", mây bỗng vô duyên "đổi màu đổi dáng" - núi quá vô tình khi không nhận ra mình dựng vách ngăn thành cho đôi lứa cách xa. (Giao thừa ơi - T.25).
Lúc trắng tay, VC khất thực trên "cánh đồng mây"; khất thực dòng sông, khất thực "ngang tàng gió". Nhưng "mây vẫn lượn vô tình", "sông òa vào nỗi lòng của biển", "gió vào nhà hồ lô cửa khép" - "Một mình anh biết gõ cửa phương nào" (Khất thực - T.24).
Khi hai người yêu nhau xa cách, internet là sứ giả tuyệt vời chuyển đi những thông điệp của yêu thương. "Đêm mạng rớt", chuyến tàu đang lao vào khúc cua bỗng đột ngột dừng. Lữ khách xô vào nhau nghiêng ngả. Em giận dỗi đợi chờ, anh muốn với sang em mà chẳng thể. Mây kéo nhau về mà không thể khỏa lấp lòng trời đang trống rỗng. Áo choàng mây thành lạnh lẽo phạc phờ. "Mạng vẫn rớt em gần thành xa ngái" (Đêm mạng rớt - T.18)
Mây tràn vào thơ VC với đầy đủ sắc màu, hình hài, nói hộ anh mọi cung bậc tình cảm, tâm tư. Khi "em và anh ríu rít tháng ngày dệt bài ca của nắng" thì cánh sóng trên đại lộ hai chiều trời cũng vương màu "mây tím". Mây chuyển thành "ngũ sắc" lung linh khi hai người yêu nhau viết lời của gió. "Mây hoen nước mắt" trong "trầm trầm" nỗi buồn của cỏ; Và cánh sóng vương "màu mây lửa" khi hai người "lặng lẽ dệt bài ca không lời" (Trên đại lộ hai chiều trời - T.44).
"Đám mây hình thiếu phụ" hiện lên khi anh đứng giữa cánh đồng lúc trời chiều, ngóng về phía trời xa. Hình như là một buổi chiều mùa đông. Lúa đã gặt chỉ còn trơ gốc rạ. Lá đã rụng, chỉ còn những cành cây đâm tua tủa lên trời. Chiều "chẳng có màu xanh - chẳng có màu vàng - chẳng có màu trắng". "Chỉ có gió cứ lồng lên thành bão". Và VC đã gọi tên nàng "đến mòn cả hoàng hôn". (Anh gọi tên em - T.19)
Có tới hơn ba chục câu thơ trong mười tám bài thơ của VC nhắc tới "đám mây". Khi bão giông, mây thành "già" trước tuổi (Hy vọng); Lúc không biết đâu sẽ là bến đỗ bình yên, "hoang mây quá nửa đời người" (Ngày mai); Lúc gom gió được cả "một thùng mây con gái" (Gom gió); Khi niềm vui khói sương, nỗi đau lắng lại, "mây áo mỏng hững hờ thắt nút" (Hoàng hôn muộn); Khi yêu thương bừng bừng như lửa đốt, mưa chẳng thể lách qua nổi "màu mây mỏng tang" làm dịu đi nỗi nhớ, thì "thêm yêu cả ánh trăng vàng ngơ ngác sau màu mây" (Nói với em). Mây tím là khi "khát suối ngần đỏ máu" (Hy vọng"); Khi khoảng cách giữa hai người được tính bằng thời gian từ lần gặp cuối cùng "một trăm sáu mươi tám giờ ba mươi hai phút bốn mươi giây" (Thơ viết từ Xiêng Khoảng); Khi anh một mình - vượt mấy ngàn cây số, chẳng thể vớt "vệt mây tím chấp chới chìm dần trong bến Ninh Kiều" (Mặc định với Cần Thơ).
Thơ Vương Cường dằng dặc nỗi cô đơn "Em đom đóm lập lòe bên bờ dậu - ta một mình thức ngủ một mình ta" (Có khi). Người đàn ông trong anh "yêu đến hết sông gầy hồn loang đáy" (Đêm mạng rớt), và khát khao một tổ ấm gia đình có "bàn tay xới bát cơm nước mắt"; có "hai chiếc gối lửa cháy ấm rực trong phòng" (Giao thừa ơi). Khi hai kẻ tình si gặp nhau trong một đêm Sài gòn không ngủ, "từng tế bào ran dậy những bờ yêu" (Đêm Sài Gòn).
Vương Cường hầu như không nhắc đến nụ hôn. Càng không thấy sự khát khao gụi gần da thịt. Thiếu phụ trong thơ anh luôn "hun hút" ở một nơi xa "bốn ngàn cây số". Anh quen với những lời yêu gửi qua bàn phím, những buổi chiều độc thoại với đám mây. Và vì thế những đám mây trong thơ anh đều mang hình thiếu phụ.