Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÁI TAI VÀ VĂN HÓA NGHE

Trần Huy Thuận
Chủ nhật ngày 18 tháng 4 năm 2010 10:09 AM

“Gảy đàn liệu có lọt tai trâu?”
(Văn Như Cương)
 
Người lành mạnh, người bình thường nghe bằng hai tai.
Người có đủ hai tai lành lặn, nhưng chỉ có một tai làm việc, dân gian gọi là người chuyên có... nghe một tai! Cái tai chuyên môn hóa ấy, chỉ rặt nghe các đệ tử ruột, không nghe ai khác, không nghe ý kiến khác ngoài ý kiến tâng bốc ca ngợi mình!
 Trung ngôn, nghịch nhĩ - Những lời nói thẳng làm nhiều sếp nghe không lọt lỗ tai! Còn nghe chưa thủng lỗ tai, nghe chưa ra đầu ra đuôi đã vội… phán, là hành vi của những kẻ hồ đồ.
Người sợ liên lụy trách nhiệm thì dù thiên hạ nói gì cũng... ngô nghê giả điếc!
Cũng có người bị gọi là tai lành tai điếc, mặc dù anh ta chẳng... điếc chút nào cả. Đó là loại người có tính tầm phào; nghe đấy mà đâu có nghe? Đầu óc còn để tận đâu đâu!
Nghe cho có nghe, nghe mà chả nghe gì cả, nghe đâu bỏ đấy là những cách nghe của không ít quan chức làm công tác tiếp dân, mắc bệnh lãnh cảm!
Dân đội đơn kêu khản cả giọng mà quan làm như không nghe thấy gì, đích thị quan ấy bị điếc lòi tai.
Kẻ thích đưa chuyện làm quà, thường mới nghe hơi nồi chõ, đã lê la đi kể khắp nơi, được người đương thời gọi là... buôn dưa lê!
Dự Hội thảo khoa học mà có người mặt cứ ngây ra như mặt ngỗng ỉa, chẳng hiểu mô tê gì cả, chẳng khác chi... vịt nghe sấm!
Mấy anh chàng có tính hão huyền, thường hay nằm mộng nghe kèn!
Đem tâm sự nói với người vô tâm, chẳng khác gì đem đàn gảy tai trâu, thà vạch đầu gối ra mà nói, còn hơn!
Kẻ lười chảy thây thường điếc tai: làm, sáng tai: họ! (dừng)
Người thô lỗ thì nói cứ như đấm vào tai người nghe! Hiền như Bụt cũng phát tức. Kẻ khôn ngoan bao giờ cũng nhẹ nhàng nói ngon nói ngọt, nói như rót mật vào tai. Đặc biệt, nếu dùng cách nói này với sếp, thì dễ đưa sếp... lên mây lắm. Rồi thì muốn gì, sếp cũng sẵn sàng chiều, ngay cả lúc ấy ta có đề nghị sếp ký giấy bán... cầu Long Biên, sếp cũng ký! (Bởi xưa có câu: Nói ngọt, lọt đến xương mà!)
Tai luôn luôn vểnh lên nghe ngóng chuyện người khác, đích thị là tai của kẻ hay kiếm chuyện rồi! Nói thế thôi chứ, một khi đã bị vạch mặt chỉ tên, những kẻ này cũng dễ cụp tai như chó cụp đuôi thôi!
Trên bảo, dưới không nghe là căn bệnh yếu sinh lý của đấng mày râu; nhưng thời nay, cụm từ ấy còn được dùng để ám chỉ cảnh kỷ cương không nghiêm, phép vua thua lệ làng; cảnh cá mè một lứa, không ai bảo được ai; hoặc cũng để nói về tình trạng người trên ở chẳng chính ngôi, để cho người dưới chúng tôi hỗn hào!, như dân gian thường nói!
Thế đấy! Có đôi tai lành lặn để nghe; nhưng nghe như thế nào, lại không phải là chuyện đơn giản!