Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"BÁNH TRÔI NƯỚC" CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG MỘT BÀI THƠ SEX ĐẮT GIÁ

Vũ Bình Lục
Chủ nhật ngày 18 tháng 4 năm 2010 5:43 AM

Chúng tôi đã có bài phân tích, phản biện cách hiểu của các tác giả sách “Hướng dẫn giáo viên lớp 9” (HDGV Lớp 9), về giá trị nội dung và nghệ thuật bài thơ “Bánh trôi nước” của nữ sỹ Hồ Xuân Hương. Bài viết của chúng tôi đã được tạp chí “Tri thức trẻ” số 4-2002 giới thiệu cùng bạn đọc.
 Quan điểm của chúng tôi, cho rằng, bài thơ “Bánh trôi nước” chỉ đơn thuần là một bài thơ vịnh vật, ẩn dụ, nằm trong nhóm các bài “Quả mít”, “Ốc nhồi”, “Vịnh cái quạt”…của thơ Nôm Hồ Xuân Hương, hoàn toàn trái ngược với cách hiểu của sách “HDGVlớp 9”. Không nên xã hội học một bài thơ tình được viết rất tinh vi, vừa trữ tình đằm thắm, lại được thể hiện bằng một giọng điệu trào phúng nhẹ nhàng tinh tế. Đem tất cả những vẻ đẹp và phẩm chất đáng quý của người phụ nữ mà khiên cưỡng áp đặt vào một cái “bánh trôi nước” “vừa trắng lại vừa tròn” thì không thể chấp nhận được. “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương có vẻ đẹp riêng, “rằng hay thì thật là hay”(Truyện Kiều), nhưng, trong nghệ thuật nói chung, sự bình tán quá mức, thoát ly giá trị nội hàm ngôn ngữ, nhiều khi lại vô tình hạ thấp giá trị tác phẩm. Và hãy để “Bánh trôi nước” tự hát lên vẻ đẹp đích thực của nó.
 Tuy nhiên, cũng có vài ý kiến trao đổi lại. Có người viết thư tay cho tác giả. Có người viết bài đăng báo, như tác giả Phan Nguyễn (PN) ở ĐHSP Huế chẳng hạn. Chúng tôi cũng lại có đôi lời nói thêm cho rõ.
 Một nhà thơ đã nói, đại khái, “ai đem phân tích một mùi hương”? Ở một phương diện nào đó, thơ cũng có điểm tương tự. Có ý kiến cho rằng, không nên phân tích thơ ca, bởi thơ ca chỉ có thể cảm, từ cảm mà hiểu, chứ không nên phân tích. Người xưa từng xem thơ như một thế giới kỳ ảo, linh diệu, lại hình như có cả sự “can thiệp”, chi phối của thần thánh. Ông Hoàng Đức Lương (Thời Hồng Đức Lê Thánh Tông-1460-1497) cho rằng “Thơ là mùi vị ở ngoài mùi vị, miệng thường không nếm được, là màu sắc ở ngoài màu sắc, mắt thường không thấy được”... Theo tôi, có lẽ đây là một kiểu định nghĩa về thơ sâu sắc nhất, hàm chứa những điều khiến chúng ta phải suy ngẫm về thiên chức của thơ ca, về bản chất và đặc trưng riêng biệt của thể loại này.
 Như trên đã nói, chúng tôi cho rằng bài thơ” Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương đơn giản chỉ là bài thơ tình, nói về vẻ đẹp “cặp tuyết lê”của người phụ nữ, theo đó là những cảm xúc ái tình chân thực, có pha chút trào phúng nhẹ nhàng “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn / mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Phản biện ý kiến của chúng tôi, tác giả PN viết rằng: “ Bánh trôi nước là một thứ bánh mà các cụ ta ngày xưa thường làm để thờ cúng tổ tiên và lễ thần linh, do đó, không thể có chuyện Hồ Xuân Hương dùng nó để ẩn ý mô tả cặp tuyết lê của người phụ nữ”. Thì cứ cho là như thế, và nếu như phán đoán của PN gần với sự thật, thì xin hỏi rằng tại sao các tác giả sách HDGV và tác giả PN lại nỡ đem cái bánh trôi nước thiêng liêng kia mà ví với thân phận nguời đàn bà, vốn chỉ được xem là thân phận thấp hèn trong xã hội phong kiến ngày xưa? Chả lẽ PN lại không tự mâu thuẫn đấy ư ? Chúng ta đều biết, với Hồ Xuân Hương khi đối diện vỡi cuộc đời bất công, thì tất cả “hiền nhân quân tử” trong thiên hạ, cũng chỉ xứng đáng để bà “Đứng chéo” mà liếc mắt trông theo. Thậm chí, đến như “cái ấy” của chị em, cũng được ví như cái quạt để  “mát mặt anh hùng khi tắt gió / che đầu quân tử lúc sa mưa” đấy sao?
 Chung quy, tác giả PN bảo vệ cho quan điểm của sách HDGV, rằng đó là hình ảnh của người phụ nữ có vẻ đẹp ngoại hình “lý tưởng” và tất tật những phẩm chất cao quý của họ. Chúng tôi trước sau cho rằng đó là những kiến giải hoàn toàn suy diễn, khiên cưỡng, thoát ly ý nghĩa nội hàm ngôn ngữ tác phẩm. Làm sao mà có thể chấp nhận được cái bánh trôi nước “vừa trắng lại vừa tròn” như hòn bi kia, lại có thể xem là “hình thể đẹp” của người phụ nữ, với cả những phẩm chất nhân hậu, thuỷ chung, hiền hoà…lại còn biết “đấu tranh cho nhân phẩm của mình” nữa chứ!
 Tác giả PN nghĩ rằng cụm từ “bảy nổi ba chìm” là một thành ngữ diễn tả số phận con người, nhất là đó lại là người phụ nữ, vì Hồ Xuân Hương dùng từ “thân em” chứ không phải từ “ của em”. Trời ơi! Nếu như viết là “ của em”… thì còn gì là Xuân Hương nữa ? Thân ở đây là “thân thể”, chứ đâu phải là “thân phận”, nó là cặp tuyết lê của chị em, “vừa trắng lại vừa tròn”… Thành ngữ “ bảy nổi ba chìm”, thông thường chỉ sự vất vả cơ cực của số phận con người, nhưng ở đây Hồ Xuân Hương dùng với nghĩa miêu tả cụ thể cái bánh trôi nước, lại ngầm tả cặp vú bảy phần nổi ba phần chìm, với đầy đủ “nước non” vừa hư vừa thực. Chả lẽ bạn cũng không cảm thấy sao? Theo tôi, đó mới chính là thiên tài Xuân Hương, như một bậc thầy về tiếng Việt ở những cảnh huống khác nhau. Và câu “rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”, lại cũng vẫn là nghĩa cụ thể về công việc làm bánh, nhưng lại ngầm chỉ những thao tác và cảm xúc thăng giáng của ái tình. Nói khác đi, đó là một nghệ thuật chơi chữ rất tài hoa của tác giả bài thơ. “Mặc dầu” ư? Đó chính là sự buông thả, là sự tuỳ thuộc vào “đối tác”, tức bạn tình, mà “rắn” mà “nát”…Chả lẽ bạn cũng chưa cảm thấy sao?
 Nguyễn Du từng miêu tả tâm lý Thuý Kiều ở lầu xanh, khi ông dùng từ “mặc”, theo nghĩa hoàn toàn thụ động, phó mặc cho số phận : “Mặc người mưa Sở mây Tần / riêng mình nào biết có thân là gì”… Ở trường hợp “Bánh trôi nước” thì ngược lại, không hoàn toàn theo nghĩa “phó mặc” mà còn hàm nghĩa như một tuơng tác đồng thuận, tuỳ thuộc vào đối tác, vào “ tay kẻ nặn”, vào bạn tình. Tài năng điều động từ ngữ, những hình ảnh thơ, những thành ngữ dân gian với nhiều nghĩa khác nhau, linh hoạt, biến ảo của Hồ Xuân Hương, khiến người đọc tha hồ mà cảm nhận, mà tưởng tượng trong cái “ma trận ngôn từ” hết sức thú vị của tiếng ta.
 Còn như câu cuối, câu “mà em vẫn giữ tấm lòng son” thành ra cũng chỉ là một cách nói cho vui, thuộc phong cách trào phúng Hồ Xuân Hương, chính là vì lẽ ấy!
 Cuối cùng, cũng phải nói thêm rằng, Hồ Xuân Hương có nhiều bài thơ thuộc loại này. Nhiều người khó tính cho rằng đó là những bài thơ “dâm” và “ tục”. Xin không bàn đến ý nghĩa phồn thực ở đây. Chỉ biết rằng, chính Hồ Xuân Hương trong thơ mình, cũng đã từng lên án, vạch mặt chỉ tên những kẻ tự xưng là “Hiền nhân quân tử” bằng một cận cảnh độc nhất vô nhị, khi chớp được thần thái của họ lúc nhìn trộm thiếu nữ ngủ ngày đã vô ý phô ra cái phần tuyệt mỹ quý giá của sở hữu mình: “Quân tử dùng dằng đi chẳng được / Đi thì cũng dở, ở không xong”…
 Nguyễn Du từng tả Thuý Kiều tắm, khoả thân, bằng một câu thơ thật đẹp: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà / dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên”. Còn Hồ Xuân Hương, với bản lĩnh mạnh mẽ của mình, đã viết một bài thơ “sex” thật đắt giá. Đó chính là bài thơ “Bánh trôi nước” mà lâu nay người ta cứ cố tình không hiểu, hoặc vô tình đã làm cho nó méo mó đi một cách thật dễ thương vậy!
     
Phước An 2002-Hà Nội 2010
      V.B.L