Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CĂN PHÒNG NHỎ THẤP THOÁNG BẠN VĂN CHƯƠNG

Dắc Trung
Thứ tư ngày 21 tháng 4 năm 2010 9:03 PM

      Đó là căn phòng ở số 64 phố Bà Triệu, Hà Nội, mà tôi đã gắn bó suốt ba chục năm :
“ Phòng của tôi rất nhỏ
Chỉ hơn mười thước vuông
Bốn mặt tường toàn sách
Càng nhìn càng dễ thương.
Phòng của tôi rất nhỏ
Thường tiếp khách văn chương
Ai tiện đâu ngồi đó
Bất luận ghế hay giường
Chuyện Đông-Tây-Kim-Cổ
Luận thế thái, nhân tình
Tốt, xấu, sai và đúng
Đáng trọng hay đáng khinh
Phòng của tôi rất nhỏ
Nhưng lòng rộng vô cùng
Trải dài bao trang sách
Vẫn ngày càng mênh mông
Tôi yêu căn phòng nhỏ
Có đời tôi ở trong
Hạnh phúc là thế đó
Khi tôi thấy vừa lòng…”
      “Căn phòng nhỏ” ấy đã ghi dấu ấn rất nhiều bạn văn chương, mà bây giờ mỗi khi nhớ đến họ những kỷ niệm lại hiện về ...
      Khoảng cuối năm 1987 nhà thơ Hữu Loan từ Nga Sơn, Thanh Hoá đưa con gái tên là Định ra học Trường cao đẳng Mỹ thuật và gửi gắm họa sĩ Vũ Giáng Hương, người phụ nữ tài hoa xinh đẹp đã một thời là bạn tâm giao với Hữu Loan nhờ giúp đỡ kèm cặp. Ông ở chơi mấy tuần lễ với nhà thơ Tú Sót cùng số nhà với tôi và cả hai thường sang phòng tôi đàm đạo. Từ khi chưa gặp tôi đã biết danh ông qua bài thơ “Màu tím hoa sim” nổi tiếng và được nghe kể nhiều về ông nên rất dễ thân tình. Tóc dài bạc quá nửa vuốt ngược về phía sau, râu cũng để dài bạc quá nửa, mắt sáng, gầy, quắc thước, khoẻ, nhanh nhẹn, giọng sang sảng đặc chất Thanh Hoá, ông vui tính, sôi nổi. Xong tú tài Hữu Loan đi dạy học, tham gia cách mạng giành chính quyền, vào bộ đội, đi chiến đấu, làm “Báo Chiến sĩ ”, rồi “Báo Văn nghệ”, viết rất khoẻ. Ông kể với tôi bài “Màu tím hoa sim” là lời ông khóc vợ. Người vợ tên là Ninh, con nhà giầu ở thành phố Thanh Hoá, mặc tân thời, răng trắng, “nàng có ba người anh đi bộ đội” (trong bài “Màu tím hoa sim”) nhưng họ đều không tán thành cuộc hôn nhân này vì không “môn đăng hộ đối”. Khi lấy Hữu Loan nàng mới tròn mười bẩy tuổi, rất yêu chồng và hiếu thảo với mẹ chồng. Bà cụ ở quê, mặc váy nơm vải thô, áo vá, thường khi thay cứ ngâm ở cầu ao được ghép bằng những đoạn tre, đi làm về mới giặt rồi phơi lên sào, trên dậu, hoặc dây mây. Nàng giặt áo cho mẹ. Bà cụ ăn trầu, rụng răng phải dùng cối giằm. Nàng nhai trầu cho mẹ. Cưới được năm ngày Hữu Loan phải đi chiến đấu. Mấy tháng sau về thì vợ đã chết. Nàng chết đuối dưới làn nước lạnh. Hữu Loan vô cùng đau đớn ra gục bên mộ vợ và tối ấy về viết bài thơ “Màu tím hoa sim”. Ông nói đó là nỗi đau bất tử, tiếng khóc bất tử.  Bài thơ sau này mới được phổ biến và mới nổi tiếng, chứ khi đó ông chỉ dám chép trong sổ tay. Một hôm tình cờ có anh bạn ở Văn nghệ khu bốn đọc được và đưa ra cuộc họp phê phán về tư tưởng uỷ mỵ tiểu tư sản. Kiểm điểm xong, một bạn làm thơ khác vỗ vai Hữu Loan: “Dù sao đó cũng là bài thơ rất hay”. Rồi sau đó Hữu Loan bị gán vào tội “Nhân văn giai phẩm” phải kỷ luật. Khi đó ông đang đeo hàm trung tá, bất bình bỏ về quê, không thèm làm chế độ gì, đóng xe bò, phá đá núi, đập nhỏ chở đi bán kiếm sống và làm thơ. “Ba người anh đi bộ đội”của nàng tỏ ra coi thường, Hữu Loan tuyệt giao luôn. Hữu Loan thích uống rượu “cuốc lủi ” nguyên chất nhâm nhi với lạc rang. Ông nói thời buổi bây giờ rượu Tây, rượu Tầu đủ loại, đủ mác không thiếu và kẻ nốc rượu cả chai đến say sỉn cũng không thiếu, nhưng gặp được người biết uống rượu lại có tâm hồn đồng điệu để tri âm, tri kỷ thật khó. Muốn uống rượu trước hết phải yêu rượu, hiểu rượu mà rượu cũng yêu mình, hiểu mình. Chọn rượu, kén rượu để uống cũng như chọn bạn, kén bạn để chơi. Không thể tuỳ tiện. Uống rượu là thú vui tao nhã và cao đạo tiêu biểu cho lối sống phóng khoáng, hoà đồng với thiên nhiên mang đặc trưng triết lý Lão Giáo như “Nhóm Thất hiền”đời nhà Tống (Trung Quốc). Họ có bẩy người, đều là nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thư pháp lừng danh. “Thần tửu” trong nhóm là thi tài Lưu Linh. Ông đi khắp thiên hạ bằng một chiếc xe bò. Du ngoạn để tìm cảm xúc làm thơ. Ôm chặt trong lòng một túi thơ, một bầu rượu cùng người hầu luôn đem theo chiếc xẻng được lệnh chôn ông chủ tại chỗ khi ông chết kèm với bầu rượu, còn túi thơ thì lưu lại cho hậu thế.
     Thi nhân là vậy. Không phải uống rượu để say, mà mượn rượu để gọi hồn thơ. Nghe ông nói, tôi chợt nhớ tới cụ nho Tại, bạn tâm giao của bố tôi. Có lần trong hơi men lâng lâng cụ ngân nga :
“ Hễ rượu lại ngâm thơ
Thơ chẳng ra thơ, làm tội rượu
Một mình thêm nhớ bạn
Bạn đâu có bạn lại như mình ”
    
       Khi ấy tôi còn nhỏ, chỉ nhớ, rồi thuộc chứ không hiểu. Sau này mới ngẫm ra được cái sâu xa của ý tứ.“Hễ rượu lại ngâm thơ”- thi nhân mượn rượu gọi hồn thơ, khác tiểu nhân uống rượu giải sầu. “Thơ chẳng ra thơ làm tội rượu”- tưởng cụ khiêm tốn tự chê thơ mình, nhưng không, cụ chê thơ thiên hạ. “Một mình thêm nhớ bạn”- tưởng cụ nhiều cố hữu, nhưng không,“bạn đâu có bạn lại như mình”-cụ cô đơn, không có bạn, bởi không tìm đâu ra tri âm tri kỷ. Chỉ bốn câu thơ về rượu thôi mà nói được cả tâm trạng, cả thế sự, vừa khiêm nhường, vừa cao ngạo.
      Tôi nhìn sang nhà thơ Tú Sót và bỗng nhớ tới hai câu của ông đề tặng bức tranh “Lão say” của Bùi Xuân Phái vẽ một ông già say rượu, áo không cài khuy phô bộ ngực gầy giơ xương, quần buông lá tọa, ống thấp ống cao, tay chống gậy, tay cầm nậm rượu lảo đảo chân nam đá chân xiêu, ngất nga ngất ngưởng:
“ Khắp thiên hạ đều say chổng chĩnh
Chỉ mình ta còn tỉnh mà thôi
Người ta yêu đã khuất rồi
Tìm đâu cho được bóng người ta yêu ”
  
        Đọc thơ “Lão say”của ông mà nhớ tới Khuất Nguyên. Khuất Nguyên làm quan nước Sở đời Sở Hoài vương. Sở Hoài vương đam mê tửu sắc uống rượu triền miên say đến nỗi quên cả năm tháng, ngày đêm. Hỏi những người xung quanh nhưng ai cũng sợ, nói không biết. Vua quay hỏi Cơ Tử. Cơ Tử nghĩ: “Làm chủ thiên hạ mà đến năm tháng, ngày đêm cũng không hay thì xã tắc nguy rồi. Nhưng mọi người nói không biết, chỉ mình ta nói biết thì ta cũng nguy mất thôi”nên cũng giả say nói không biết. Riêng Khuất Nguyên khác. Ông không say, cũng không giả say, dám lên tiếng khuyên nhà vua bỏ rượu, bớt hiếu sắc lo việc quốc gia đại sự. Sở Hoài vương không nghe. Cũng vì lời can gián đó mà Khuất Nguyên bị bãi chức, bị đi đầy. Uất hận quá ông trút lòng mình vào bài thơ “Ly tao” bất hủ rồi gieo mình xuống dòng sông Mịch La tự vẫn để giữ trọn nhân cách cao thượng của mình.
     Hữu Loan nhẩn nha uống rượu. Ông ngồi bệt trên chiếu, kéo ống quần nâu rộng thùng thình lên quá gối, khoác hờ cái áo bông bọc vải xanh trên vai, mỗi lần tợp một ngụm rượu gật gù lim rim mắt rồi lại ngâm thơ, giọng rất ấm, rất hay. Có được nghe ông ngâm trong lâng lâng hơi men mới xúc động, mới cảm nhận hết được cái hồn thơ của ông. Hồn thơ như bốc lửa, mạnh mẽ, dữ dội, tứ thơ táo bạo, hình tượng vững vàng sừng sững như núi và trên vách cao dựng đứng cheo leo ấy là cây, là hoa, là trái, là hương thơm, là ong bướm, là tiếng kêu của dã thú. Thơ ông mê sắc mà không dâm, oán thán mà không loạn. Chí ông cao, tâm ông sạch, viết ngắn mà tình dài, nghĩa rộng, triết lý sâu xa. Ông đọc trường ca ca ngợi tướng Nguyễn Sơn. Hữu Loan sùng bái Nguyễn Sơn. Sùng bái bởi Nguyễn Sơn không chỉ là lưỡng quốc tướng quân mà còn ở khí phách người anh hùng ngang tàng, mạnh mẽ, dữ dội, chết không sợ và không bao giờ chịu luồn cúi. Ông kể một lần Nguyễn Sơn đeo kiếm ngênh ngang đi giữa chợ, có người không biết bảo: “Cứ như ông tướng ấy”. Nguyễn Sơn quay lại cười: “Thì chính hắn là tướng đấy”. Hữu Loan vỗ tay đôm đốp, rồi lại uống rượu, lại đọc thơ...Được ngồi với ông, nhìn cốt cách, hiểu tư chất và được nghe ông ngâm thơ thật là những phút giây đáng quý, đáng nhớ và tôi rất ngưỡng mộ ông.
      Một hôm nhà văn Sao Mai, hồi ấy đang là Chủ tịch Hội Văn nghệ Vĩnh Phú  (cái chức mà có lần anh cười khà khà bảo tôi: “Bọn trẻ đánh đấm nhau không đứa nào chịu đứa nào, thế là chúng nó bầu bắt tao phải làm, chứ tao thiết đếch gì cái trò danh hão quyền rơm vạ đá này. Chỉ là bõ già coi chuông nhà thờ thôi ”) từ Việt Trì xuống.  Không vào nhà, đứng ngoài cửa đưa tôi can rượu mơ tự chế năm lít: “Tối nay tao ngủ với cậu”. “Sáu giờ chiều anh nhớ về ăn cơm”.“Có thằng mời rồi”, nói xong quay ngoắt ra cổng. Tôi nhìn theo. Tuổi gần bẩy mươi, cao lòng khòng, gầy và khoẻ, răng chắc, mắt long lanh, tóc chỉ muối tiêu, xoăn tự nhiên, sơ mi cháo lòng bỏ trong quần phăng xanh rất gọn gàng. Khác Hữu Loan không để râu, nhưng giống trong tim luôn bốc lửa, cũng bị quy kết là “Nhân văn giai phẩm” bởi cuốn tiểu thuyết “Thôn Bầu thắc mắc”, số phận cũng long đong chìm nổi khốn khổ, phải về lánh nạn ở quê vợ tại Làng Nhuộng, xã Yên Trung, huyện Ý Yên, Nam Định, đi đánh dậm, câu cá và vẫn viết văn, viết cả kịch bản chèo cho đội văn nghệ xã. Một cô diễn viên xinh đẹp rất mê tác giả và tác giả cũng không từ chối. Khốn nỗi người đẹp lại là em gái bà xã anh. Ấy thế rồi không biết anh thuyết phục bằng cách nào mà...“tre tốt đánh cả cụm”. Cũng may hồi đó chưa có “Luật hôn nhân và gia đình” và theo cách nói của anh là “triệt để khai thác công suất”. Kết quả có mười hai con và ba mươi sáu cháu. Đại gia đình vỡ đất khai hoang làm chủ một trang trại lớn mãi huyện Thanh Sơn. Từ khi “phải” làm Chủ tịch Hội Văn nghệ anh cũng “phải” một mình về Việt Trì ở trong một gian của trụ sở hội. Tránh được sự giám sát kiềm kẹp của hai “cảnh sát trưởng”, tận hưởng cuộc sống độc thân, tha hồ vi vu chẳng ai quản lý. Một lần đến kiểm tra sức khoẻ ở bệnh viện tỉnh, anh quen một cô y sĩ tuổi đã ngoài bốn mươi nhưng mũm mĩm, nõn nà “rực rỡ như bông hoa rừng”– anh bảo thế - lấy chồng miền Nam tập kết, được hai con trai. Sau giải phóng chồng về Nam, rồi “bùng”, bặt tin luôn. Cũng chẳng biết bằng cách nào mà mấy tháng sau “bông hoa rừng” ấy đã biến nhà văn già Sao Mai thành chàng trai dũng mãnh. Lần trước đem bản thảo tiểu thuyết “Mắt chim le” về nhờ tôi biên tập anh say sưa kể: “Cô ấy yêu tao say đắm chú mày ạ. Mà rất thẳng thắn. Nàng bảo: “Em chưa già, mà cũng chẳng còn trẻ. Đi bước nữa thì con em khổ, mà em cũng khổ. Em muốn làm bạn với anh, mong anh là chỗ dựa tinh thần cho mẹ con em”. Tôi cười: “Cô ấy nói thế là khôn. Này, nhưng hai bà chị có biết không đấy?”. “Biết thế quái nào được”. Nên mừng hay nên lo cho ông anh đây? Lần này xuống chắc vì bản thảo “Mắt chim le”. Tôi định tối hôm ấy sẽ trao đổi kỹ với anh. Nhưng mới hơn ba giờ chiều đã thấy anh đến, vẫn đứng ngoài cửa: “Cậu cho tao ra ga. Nửa giờ nữa tầu chạy”. “Anh đi đâu?”. “Về Việt Trì. Tao nhớ cô ấy quá”. “Còn chuyện bản tháo “Mắt chim le” thì sao?”. “Cứ để đấy, tháng sau tao xuống sẽ bàn”. Thất thập cổ lai hy rồi mà vẫn còn mãnh liệt thế. Xin bái lạy sư phụ.
      Tôi đưa “sư phụ” ra ga, quay về đã thấy nhà văn Chu Văn đang chờ trước cửa. Anh Sao Mai ào ào vui vẻ, anh Chu Văn trái lại nho nhã, điềm đạm. Biết tính anh, tôi lấy trà ngon, đun nước sôi già, tráng ấm chén thật kỹ, pha đúng quy cách, rót ra chén tống rồi mới san sang chén quân. Thong thả thưởng thức hết chén trà thứ ba, vẻ hài lòng, anh mới mở chiếc cặp giả da màu đen lấy ra hai tập bản thảo khá dầy, đánh máy trên giấy pơ-luya mỏng được đóng bìa chắc chắn (tính anh vốn cẩn thận) đủng đỉnh nói: “Chú đừng tự ái. Trước khi giao bản thảo này cho chú anh đã đưa nó tới ba nơi. Hai nhà xuất bản cũng to khoẻ như Nhà xuất bản Thanh Niên của chú, nhưng đọc xong, họ “ngại” không muốn in vì gai góc quá. Cả hai đều băn khoăn về nhân vật Xoan của anh. Họ gửi trả lại kèm bức thư viết rất khéo, dù tác giả khó tính đến đâu cũng không thể mếch lòng. Anh có kẹp trong đó chú xem cho biết. Còn nhà xuất bản thứ ba thì anh chủ động rút bản thảo về vì biên tập viên tỏ thái độ cửa quyền”. Anh lắc đầu: “Đời buồn quá chú ạ. Con người ta khi nắm trong tay chút quyền là nghĩ ngay đến chuyện hành. Văn chương mà thế thì còn gì là văn chương nữa.  Người làm văn chương mà thế thì không buồn sao được phải không chú? ”.
      Đó là bản thảo tiểu thuyết “Sao đổi ngôi”. Tôi đặt ngay ngắn lên bàn: “Cảm ơn anh đã tin cậy giao cho em. Ba tuần nữa, kể từ hôm nay, em về Nam Định, anh em mình sẽ trao đổi cụ thể bản thảo này ”.
      Đúng hẹn, về Nam Định, tôi đến căn hộ tầng một trong khu tập thể ở phố Hàn Thuyên. Hai anh em ngồi đối diện trên ghế sa-lon đóng bằng gỗ tiết kiệm. Điện phập phù lúc có lúc mất. Trên bàn viết của anh đặt một bình ắc-quy thắp bóng 12 von cạnh chiếc radio cổ lỗ, đối diện là tủ sách đồ sộ. Anh pha trà rất cầu kỳ. Chị xách làn đi chợ: “Trưa nay chú phải ở lại ăn cơm với anh chị”. Tất nhiên tôi không dám từ chối. Hai anh em bàn đến bản thảo “Sao đổi ngôi”. Tôi đề nghị anh bỏ cả ba chương đầu, rồi thay đổi kết cấu, cốt truyện, chi tiết này cần bổ sung, tính cách nhân vật kia cần thay đổi và hoàn chỉnh, cho tới từ ngữ, câu cú...Chúng tôi tranh luận rất hăng. Anh có cái lý của người sáng tác. Tôi có cái lý của người biên tập. Không dễ dàng nhân nhượng.  Có điều anh cư xử rất bình đẳng, rất tôn trọng lắng nghe ý kiến của tôi. Say sưa đến nỗi chị đã bưng mâm đặt lên bàn. Đặc biệt có món ba ba nấu chuối xanh rất hấp dẫn, vậy mà mãi khi chị phải sẵng giọng: “Anh em chú định tuyệt thực chắc?”. Bấy giờ chúng tôi mới tạm nghỉ, cầm đũa, tấm tắc khen ngon.
      Cuộc tranh luận diễn ra không chỉ ngày hôm ấy mà cả sáng hôm sau. Cuối cùng sau một lúc đăm chiêu, anh xoa xoa tay lên trán mấy lần rồi khẽ gật đầu:  “Anh thấy chú có lý. Nhưng cắt đi tính ra ngót trăm trang, sửa chữa viết lại nhiều chỗ như thế xót lắm đấy, vất vả lắm đấy. Anh rất mừng vì thấy chú trưởng thành, cứng cáp trong nghề nghiệp nhanh như thế. Hậu sinh khả uý, anh vui lắm”. Hồi đó cách nhìn nhận đánh giá văn học nhiều người còn khắt khe và nông cạn lắm. Đã có những tác phẩm bị đánh lên đánh xuống vì các lý do hết sức vớ vẩn. Bởi thế tôi nói: “Anh em mình cũng nên lường trước, nếu “Sao đổi ngôi” bị thổi còi thì cũng ngại cho mấy cái chức của anh lắm đấy. Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh, chấp hành Hội nhà văn Việt Nam lại đại biểu Quốc hội. Bay mất liệu có tiếc?” . Rít hơi thuốc thật sâu, lặng lẽ nhả khói, anh nhếc mép cười: “Cám ơn chú biết lo cho anh. Nhưng đời anh sống bằng tác phẩm chứ đâu bằng chức vụ. Người ta có hai thứ chức và danh dễ làm liên lụy đến nhân cách. Trong hai thứ đó danh là bất biến, chức là phù hoa khả biến. Giữ sao cho cái danh trọn vẹn khó lắm, nhưng lại là đích, là tâm”.
      Đến tận nhà tác giả trao đổi về bản thảo như trường hợp anh Chu Văn là rất hãn hữu. Phần với anh tôi vốn có quan hệ thân thiết đặc biệt, mặt khác tôi muốn kết hợp về thăm vợ con và gia đình cũng sinh sống ở thành phố Nam Định. Tuy nhiên cũng có trường hợp hãn hữu kiểu khác, như với Lê Lựu. Chẳng hiểu vì nguyên nhân gì nhà văn bị vợ “cấm phòng” phải ôm chăn màn đến bàn làm việc ở Tạp chí Văn nghệ quân đội ngủ. Biết tin, tôi điện: “Đến đây tớ nấu cơm cho ăn và ngồi viết cho xong cuốn “Chiến sĩ đồng bằng đi”. Lê Lựu đến. Chúng tôi bàn bạc thống nhất đề cương và Lê Lựu cặm cụi ngồi viết.  Hoặc Lê Thấu, cũng vênh váo làm phách với vợ mang chăn màn đến phòng làm việc ở Báo Nhân dân ngủ. Biết tin, tôi điện: “Đến đây tớ nấu cơm cho ăn rồi sửa cho xong tập bản thảo “Mặt trời xanh lá cây đi”. Lê Thấu đến. Bàn bạc thống nhất với tôi rồi cặm cụi sửa.  Thời bao cấp “gạo châu củi quế” lấy gì nuôi lâu được. Chỉ tuần lễ là tìm cách trả bọn chúng về với vợ. Lý lẽ rất đơn giản: “Tao rất muốn vợ mắng mà không được. Chúng mày được vợ chiều quá hoá rồ. Liệu bỏ nhà đi mãi được không? Khôn ngoan nhất là về xin lỗi rồi tìm cách lập công chuộc tội”. Ngoài ra hầu hết các tác giả đều đến “căn phòng nhỏ” của tôi  mỗi khi cần trao đổi về đề cương hay bản thảo, như các nhà văn Xuân Cang, Hà Ân, Triệu Bôn, Hà Minh Tuân, Thép  Mới, Mai Ngữ, Hoàng Văn Bổn, Vi Hồng, Nguyễn Hữu Nhàn, Lê Bầu, Vũ Bão và các nhà thơ  Xuân Sách, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện, Lữ Giang, Quang Dũng, Phạm Lê Văn (Thợ Rèn), Thu Bồn, Tế Hanh, Phùng Quán ... và nhiều anh em khác tuy không cộng tác viết cuốn sách nào cụ thể nhưng mỗi khi có dịp qua, ghé vào chơi, pha ấm trà trò chuyện một lát, lại đi như Tô Đức Chiêu, Văn Linh, Trịnh Thanh Sơn, Nghiêm Đa Văn, Bùi Bình Thi, Tạ Vũ, Trần Huy Quang,  Hoàng Quốc Hải…
      Một lần, mùa đông, rét lắm. Khoảng hơn hai giờ khuya, có tiếng đập cửa. Tôi dậy: “Ai đấy?”. “Nguyễn Trọng Tạo đây, anh cho tôi ngủ với”. Chà, Nguyễn Trọng Tạo, anh chàng đa tài và đa tình này, hồi ấy từ Quân khu bốn ra học Khoá một Trường viết văn Nguyễn Du. Tạo vào nhà, vẻ phờ phạc, một con kiến rất to bò trên cổ áo len, loại kiến này thường chỉ ở bụi cây, bãi cỏ. Hắn cởi vội áo khoác ngoài, tháo giầy chui vào chăn rồi thiếp đi ngay. Lần khác, cũng quá nửa đêm, mùa đông, trời rất rét, có tiếng đập cửa. Tôi dậy: “Ai đấy?”. “Đỗ Chu đây. Anh cho tôi vào ngủ với”. Đỗ Chu, anh chàng bảnh trai, bẻm mép, viết truyện ngắn rất hay. “Hương cỏ mật”,“Thung lũng cò” của hắn đọc rồi không thể quên. Bước vào, cởi caí áo bông tàng màu xanh treo vào mắc bên vách, hắn tháo đôi giầy da bò mốc thếch, khô cứng như gỗ rồi chui vào chăn. Tôi vừa nằm xuống vội bò dậy ngay, chân hắn thối như cóc chết, đành bật đèn ngồi làm việc và nghe hắn“kéo gỗ” . Sáng hôm sau, đi ăn về, hắn cố tạo vẻ nghiêm túc: “Cám ơn anh đã cho tôi ngủ, lại mời ăn phở. Tôi xin biếu anh một chi tiết tôi chưa dùng để anh viết truyện”. Cái chi tiết hắn biếu tôi thế này: một cô gái trẻ ở quê lặn lội hàng trăm cây số đến thăm chồng mới cưới là bộ đội đóng quân mãi gần biên giới. Doanh trại trên sườn đồi. Cô gái trình giấy tờ rồi ấp úng với đồng chí trực ban: “Em muốn gặp anh Tuấn ạ”. “Ở đây có hai Tuấn. Tuấn “ngọng” và Tuấn “sẹo” cô muốn gặp Tuấn nào?”. “Dạ, Tuấn nhà em có sẹo ở trán là do ngày còn bé cưỡi bò bị ngã ạ”. “Thế thì nó là thằng Tuấn “sẹo”. Đồng chí Tuấn đi công tác rồi”. “Vậy ... hôm nay anh ấy có về không ạ?”. “Lên tiểu đoàn bắt lợn chứ đi đâu mà không về”. Tối ấy đôi vợ chồng trẻ được nghỉ ở “Buồng hạnh phúc” trong dãy nhà khách của đơn vị. Hàn huyên đủ chuyện cũng đã khuya, anh chồng xem ra “máu” lắm rồi, nhưng cô vợ lại cứ bẽn lẽn e thẹn, cúi đầu mân mê gấu áo, tai mắt luôn băn khoăn với những tiếng ồn ào ở xung quanh. Sốt ruột, chồng kéo tay vợ. Vợ nhìn bóng điện bên vách: “Anh tắt đèn đi”. Anh chồng ngồi thừ ra vẻ rất đăm chiêu khiến vợ lo lắng: “Sao vậy anh?”. Chồng lắc đầu: “hông được đâu em ạ. Muốn tắt cái bóng đèn này anh phải đi báo cáo trực ban. Rồi trực ban báo cáo chỉ huy. Rồi chỉ huy phải có công văn cử người mang đến nhà máy điện. Rồi nhà máy điện mới cho công nhân đến. Rồi...Rồi...Như thế thì phiền phức quá, nhất là đêm hôm khuya khoắt không biết cấp trên có đồng ý không. Mà dẫu cấp trên có đồng ý thì từ giờ đến sáng chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa cũng chả làm kịp...”. Cô vợ ngây thơ đâu có biết Tuấn “sẹo” láu cá “bịp”, đành cúi đầu ấp úng: “Thế thì để đèn cũng được”. Đấy, hắn thanh toán với tôi phí dịch vụ phòng ngủ và bữa ăn sáng bằng mẩu chuyện hắn bịa ra như thế.
      Viết ra đây để các bạn thấy dân văn nghệ sống rất vui vẻ, vô tư, thoải mái và đối với nhau rất chân tình mộc mạc.
( Trích trong “ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG” )