Dáng lom khom bên cái móng nhà, dì tôi 86 tuổi vẫn phải đôn đáo lo âu bên gian nhà vừa khởi công.
Ngôi nhà cấp bốn mái tôn trước đây khuất sau vườn đành gác lại vì không sửa được. Nó hư nát, cứ mưa là dột “tứ bề tám bên” như lời dì kể. Mà đất Diên Khánh này vào mùa mưa có trận như trút nước xuống.
Hay tin dì đặt móng, vợ chồng tôi đang chơi với cháu nội trong Sài Gòn vội thu xếp ra ngoài Nha Trang bằng chuyến xe lửa đêm để sáng sớm hôm sau bắt xe đến Diên Khánh. Chỉ nghĩ con cháu lúc này có mặt được là tốt lắm. Một cử chỉ động viên bà lão chắc là cần thiết nên cố đi. Dì ở tuổi tưởng chỉ nghỉ ngơi lại còn lâm vào việc nặng. Phải lo toan đến việc cửa nhà lúc này là cơ khổ chứ như dì tôi thì phấn khởi sướng vui nỗi gì.
Số là vài tháng nay biết được ý dì, anh chị em bọn tôi kẻ bắc người nam bảo nhau giúp giùm tiền bạc gửi biếu dì làm nhà. Số tiền chuyển cho dì sau Tết vừa rồi tạm đủ dựng ngôi nhà một trệt, chưa nghĩ tới đẹp xấu gì, miễn là chắc chắn. Điều cần nhất là nền phải tân cao hơn gian nhà cũ thì may ra chống chọi nổi với mưa lụt miền Trung.
Người phù giúp dì tôi tiếng thế toàn bên ngoại, vì bên nội xung quanh dì lâu nay đâu còn ai. Hầu hết những người ruột thịt bên chú dượng tôi - chồng dì - đều đã qua Mỹ hoặc nước ngoài hết cả. Như để hết lại sự dang dở, như cách buông bỏ cho dì tôi những nỗi buồn hiu quạnh bất kể bao nhiêu năm chú dì trông đợi từng ngày nước nhà thống nhất đoàn tụ... Hơn chục năm nay bà lão sụm già đi nhanh quá.
*
Dì đứng thứ ba bên ông bà ngoại nhà vợ tôi. Tính ra các cụ sinh thành được cả thảy bảy người con thì sáu là gái, duy có một trai lại sớm bỏ mất vì căn bệnh thương hàn thiếu thuốc.
Mẹ vợ tôi là trưởng cả, kế đến là dì đang sống trong Sài Gòn rồi tới dì. Còn cậu tiếp đã mất tên Vinh. Cậu là con trai độc nhất nên ông bà ngoại rất trông đợi không may đột ngột ra đi khi còn rất trẻ. Thời ấy đâu có kháng sinh trụ sinh như bây giờ, nên sự mất mát kia khiến cả gia đình ông bà ngoại như có chuỗi sốc kéo suốt nhiều năm tháng. Càng về tuổi già các dì tôi càng hay nhắc tới người cậu mà lũ chúng tôi chẳng ai biết được khuôn mặt. Mẹ vợ tôi, khi đã lên bậc cụ cửu (90 tuổi) mấy năm nay rồi mà mỗi lần kể chuyện gia đình vẫn buột thốt “cậu Vinh cậu Vinh, cậu là thiệt thân thiệt phận nhất nhà” đủ hiểu vết thương lòng kia to lớn và khó lành đến là nhường nào.
Lại trở về chuyện dì tôi ở Diên Khánh. Là con thứ, dì được ông ngoại yêu chiều lấy tên bông hoa đặt tên. Nhưng nhắc đến đời riêng lắm nỗi khổ của dì thôi thì cho tôi gọi chệch đi chút, tránh xui xẻo thêm cho dì và cũng mong làm vậy để lấy khước. Thôi thì gọi là dì Hoa dì Huê, nhắc tới bông tới hoa là được.
Tiếng là lấy được tấm chồng con nhà dòng dõi nhưng cuộc sống của dì Hoa của chúng tôi sao vẫn khổ thế. Mà khổ ngay từ hồi bao cấp ngày xưa khi dì và chú dượng tôi còn ở đất Thanh Hóa. Tôi nhớ mỗi lần chú dì ra Hà Nội, khi tới thăm nhà bố mẹ vợ tôi, ít khi dì giấu nổi những nỗi phiền muộn nơi tỉnh lẻ. Gánh nặng thành kiến với người có nguồn gốc xuất thân phong kiến như chú lấy dì hồi ấy còn nặng nề lắm.
Chú dượng tôi đúng là có dây mơ rễ má tới dòng hoàng tộc triều Nguyễn. Thành Diên Khánh do chúa Nguyễn Hoàng xây để chống chọi với nhà Tây Sơn từ hồi thế kỷ 18, các hoàng tử Cảnh, … đã từng đến đây trấn thủ. Dòng họ nhà chú dượng tôi bắt nguồn, có hơi hướng của họ nhà vua thì cũng là điều thường. Nghe nói ông còn ở vai anh của hoàng đế Bảo Đại do chi họ ông nằm tại chi trên của ngài Vĩnh Thụy.
Chẳng biết có phải vì thế hay không mà cái ông cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc ấy, dù làm việc mẫn cán suốt chừng ấy năm trời, kể từ ngày chiếc tàu biển Ba Lan cập bến đưa ông đến tỉnh Thanh cho tới khi trở lại quê hương Diên Khánh sau 1975, ông vẫn không vào nổi cái chức trưởng phòng phó phòng làng nhàng. Văn bằng tú tài thời Pháp thuộc cùng với sự chịu thương chịu khó của chú dượng cũng “đâu người ta ngó tới” như câu cửa miệng mỗi khi chú phân trần với gia đình bên vợ tôi ngày xưa chú đến chơi.
Sinh mệnh chính trị anh cán bộ các thời kỳ còn chiến tranh ngày trước là thế. Nguồn gốc gia đình đã mắc mớ vào đám phong kiến địa chủ thì con đường phấn đấu tiến lên chẳng bao giờ nên nghĩ đến nữa. Cả một giai đoàn khá dài công tác tổ chức cán bộ của ta tính đếm trên cái điểm này rất dữ.
Không những đã có phốt về thành phần, ông chú dượng tôi còn khái tính khái nết, đúng hơn là tính tự trọng ở ông rất cao.
Dì tôi kể, hồi chú làm đội phó đội giảm tô, rồi theo tiếp đội cải cách ruộng đất, chỉ vì chú nhất định không chịu nghe ý kiến của ông đội trưởng vu đại cho một nông dân chỉ cỡ trung nông nâng lên thành địa chủ (là do cấp trên giao chỉ tiêu), ông đội trưởng này báo cáo cấp lãnh đạo khiến chú cứ từ đấy như dừng lại ở anh viên chức làng nhàng.
Khi hồi hương về đất Diên Khánh, dù gia đình riêng của chú cũng nhẹ gánh - nhà có 4 người, chú dì và hai đứa con - ấy thế mà cuộc mưu sinh cứ vẫn lận đận cơ hàn.
Mảnh đất gia tộc của chú dượng tôi trước kia khá là bề thế rộng rãi. Nó nằm một góc thành Diên Khánh với cây cối xum xuê, nhưng không hiểu vì chệch hướng phong thủy hay số kiếp sao đó mà mảnh đất đó cứ ngày một cùn mằn thui chột đi. Tiếc buồn mà không sao níu kéo lại cho được.
Nghe kể lại thời trước cụ ông thân sinh ra chú dượng tôi vốn là một nhân vật có học và khả kính ở vùng này. Ngay cho đến giờ hễ ai nhắc đến cụ là một điều Thầy hai điều Thầy - ngôn từ gọi người đáng kính trọng ở xứ này.
Nhưng oái oăm là hoàn cảnh khiến cụ phải cheo cưới tới hai bà vợ. Con cái bà vợ cả (gồm ba người trong đó có chú dượng tôi) người thoát ly, người sau Hiệp định Geneve tháng 7/1954 tập kết ra Bắc. Còn bà vợ hai của cụ thì con cái ở lại, sống bên các cụ nên đương nhiên trực tiếp hưởng hết phần lộc lá ông cha để lại.
Những tưởng chú dì tôi đưa con cái về từ đất bắc hậu phương trở về sẽ mang lại vui sướng và cả vinh dự cho gia tộc cho dòng họ. Nhưng đâu được như thế mà trái lại biết bao trục trặc đã liên tiếp xảy ra, kể ngay từ buổi đầu hội ngộ.
Thôi thì chung quy ngẫm ra cũng chỉ quanh chuyện đời sống gia đình, là những chuyện kinh tế làm ăn kiếm ra đồng tiền nhiều hay ít cả thôi…
Đời sống trong cái gia đình lớn của chú dì tôi sau giải phóng đương nhiên lâm vào cảnh khó khăn như mọi gia đình đông con cháu, nhiều miệng ăn mà ít tay làm.
Không chịu nổi thì đám con cái cháu bên bà vợ hai của cụ Thầy lần lượt tìm đường xuất cảnh. Có người liều lĩnh cưỡi sóng gió, phó mặc sống chết mò xuống nam Trung Bộ hoặc tận Kiên Giang Cà Mâu vượt biển ra nước ngoài. Kẻ thì sau này học tập cải tạo xong, hoặc khi có người sang trót lọt làm giấy tờ bảo lãnh, trước sau cũng tìm mọi cách lục tục kéo đi cho bằng hết.
Trước khi đi thì khỏi phải nói, cái chuyện không nhà nào tránh được là đất đai nhà cửa cứ chia năm xẻ bẩy ra, rồi mạnh ai nấy bán đi. Là kiểu bán đổ bán tháo, như không sức gì có thể can ngăn cho được.
Nên khoảnh đất trước kia đẹp đẽ chắn vén là thế nay vào tay hết các vị chủ đất mới. Trước kia là đất nhà đất vườn gia tộc chung cả, nhưng do ưu nhượng đám con cháu bà dì hai, nên mau chóng nó biến thành “miếng da lừa”, đến nỗi vài chục năm nay chẳng còn gì đáng kể ngoài thẻo đất bớt lại cho chú dì tôi ở.
Rồi không may chú dượng mất sớm vì bệnh. Cửa nhà dì tôi càng thêm hoang vắng đơn côi. Cậu em con trai thứ của dì lập gia đình, có vợ có con với cảnh ra ở riêng túng bấn đã xin dì cho bán phần đất phía ngoài. Để em góp tiền làm căn nhà trong hẻm trên thành phố Nha Trang tiện vợ chồng đi làm.
Ngôi nhà của dì tôi như vậy là bị chặn mất mặt tiền thông ra đường cái. Nó chỉ còn một lối đi rộng hơn một thước để vào nhà. Phận tân cô thế cô của dì và cô em gái liên tục bị các bên hàng xóm - những ông bà chủ mới - o ép bắt nạt, khi lấn đất chỗ này khi giành giật chỗ khác. Họ còn nuôi lợn nuôi gà, rồi bò trâu chồn thỏ đủ kiểu, gây mùi hôi thối khó chịu cho dì mệt chán mà bán đi càng hay. Tuy nhiên rất may là dì tôi kiên tâm bám trụ…
Dì nói với chúng tôi, dì lấy chú không mong hương hỏa gia sản. Nhưng đã bỏ đất quê bắc về đây là quyết giữ lấy tiếng thơm gia đình chú ngày xưa. Nơi này mãi mãi phải còn với gia tộc Nguyễn Phước của chú. Để hai con của dì, cháu nội cháu ngoại của dì có chỗ chăm nom hương khói cho ông bà cụ kỵ bên nội mà cuộc đời của các bậc ấy cũng nhiều thiệt thòi hệ lụy. Giọng nói của dì khi kể lại chuyện nhà mình đúng là giọng của con người thuở xưa. Nó nhân hậu tử tế lắm. Mọi lời dì thốt ra không hề oán thoán điều gì ngay khi nhắc đến những người em người cháu bên nhà chồng. Chẳng phải có lúc họ từng hỗn hào xấu chơi với nhà dì, nhưng đâu dì chấp mà niệm tình tha thứ cho những con người đã bỏ quê hương mà đi.
Dì nhỏ nhẹ, nếu ai cũng lo lấy thân, muốn ăn sung mặc sướng mà bỏ đi hết thì rồi lấy ai trông nom mộ phần, lấy ai chăm nén nhang thơm nối dài cho các bậc tổ tiên.
Gia tộc bên nhà chú dượng tôi dù sao cũng dính dấp đến dòng họ hoàng tộc định cư dài lâu trên đất Phú Khánh này, như dì nói nếu dứt bỏ hết thì tội nghiệp cho những người mang dòng họ của chú quá. Vậy thôi.
Ngồi hầu chuyện dì, trong lòng bọn tôi có lúc the thắt nghe những chuyện dì chống chọi chừng ấy năm trời sau khi chú dượng mất. Nghĩ gia cảnh của dì tôi mà không cầm được nước mắt.
Đúng là trong câu chuyện dì nói về gia tộc của chú hơi nhiều. Nó đâu muốn gợi một thời quá vãng vàng son. Bởi dì biết chứ, dì đâu có được hưởng lợi gì từ khi về hẳn đây theo phận nhà chồng. Nhưng như dì nói, dì thương chú, chỉ một lòng thương yêu chú dượng tôi. Dì nhắc mãi, người tốt bao giờ cũng chịu phận thiệt thòi.
Nhớ tháng trước trên Đà Lạt, vợ chồng tôi có ghé qua viếng thăm Dinh 3 vua Bảo Đại. Vàng son đến như ông vua nước Nam cuối cùng này rồi cũng tất tưởi ra đi trong tủi buồn thì dấu son dấu hài của gia đình bên chồng dì tôi có chút đỉnh đó thôi phỏng có ý nghĩa gì nữa mà dì tôi phải vương vấn.
Nhưng như dì bảo, dì chỉ thương chỉ nhớ chú tôi. Bao nhiêu là kỷ niệm vui buồn đất bắc và sau này là ở quê chú Diên Khánh. Biết là mơ hồ mà vẫn đắm đuối quá với những điều đã thành quá khứ, nay chỉ có thể nhớ nhung kể lại mà thôi.
Tấm ảnh chú tôi đặt trang trọng dưới ảnh song thân của ông trên bàn thờ kia như một lời nhắc nhở dì. Cũng chỉ là mơ hồ, nhưng với dì tôi như điều an ủi vỗ về để dì vượt qua những gian nan đời thường.
Những con người của thuở xưa. Chỉ thưở xưa mới có, như dì tôi, như lớp người xưa là vậy. Thương nhớ về một thời...
Nha Trang - Sài Gòn, tháng 4/2010