Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYẾN ĐI THỰC TẾ SÁNG TÁC CỦA CHI HỘI NHÀ VĂN SÔNG CHẢY

Vũ Xuân Tửu
Thứ tư ngày 21 tháng 4 năm 2010 8:14 PM
 
 Ghi chép
 

Năm 2008, Chi hội Nhà văn sông Chảy được thành lập, gồm các nhà văn Việt Nam đang sinh sống, công tác tại ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, theo quy định, mỗi năm sẽ tổ chức họp mặt tại một tỉnh. Năm đầu, thành lập tại Yên Bái, năm sau, hội thảo tại Sa Pa và năm nay, đi thực tế tại Tuyên Quang; cứ cơm lần gạo lượt như vậy mà luân phiên.
Tham dự chuyến đi thực tế tại Tuyên Quang, năm nay, có nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn Hoàng Minh Tường-Phó ban sáng tác, nhà thơ Nguyễn Hoa-Phó ban công tác hội viên, nhà văn Nguyễn Xuân Hưng-Giám đốc hãng phim Hội Nhà văn, nhà thơ Đỗ Hàn-Chánh văn phòng, nhà văn Trần Nhương-“Tổng quản” website trannhuong.com, nhà văn Văn Chinh- trang web của Hội Nhà văn Việt Nam và nhà văn Tô Đức Chiêu.
Trong số mười một nhà văn Chi hội Sông Chảy, có chín nhà văn tham dự: Hà Lâm Kỳ-chi hội trưởng, nhà văn Trịnh Thanh Phong-Chi hội phó, nhà văn Đoàn Hữu Nam-Chi hội phó, nhà thơ Ngọc Bái, nhà văn Phù Ninh, nhà văn Đinh Công Diệp, nhà văn Vũ Xuân Tửu, nhà văn Thế Sinh, nhà thơ Cao Xuân Thái. Còn nhà văn Mã A Lềnh và nhà thơ Pờ Sảo Mìn vắng mặt, có lý do.
Đoàn giáo viên của Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái, cùng tham gia chuyến đi thực tế, càng làm cho không khí chuyến đi thêm sinh động.


Trần Nhương và Ngọc Bái bên tấm bia ghi tên tuổi lớn của văn nghệ KC
*
Sáng 19/4/2010, năm chiếc xe ô tô chở đoàn, xuất từ nhà khách Tân Trào của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, vượt cầu Nông Tiến, theo tỉnh lộ ĐT 185, men theo hữu ngạn sông Lô và sông Gâm, lên xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, thăm di tích Đại hội II của Đảng Cộng sản Đông Dương, họp từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951. Tại nơi đây, cũng diễn ra Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt, thành lập Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (3-7/3/1951), Hội nghị Liên minh nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Căm-pu-chia (11/3/1951) và Đại hội chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (1/5/1951). Đồng chí Mai Đức Thông-Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa cũng vào tận nơi đón tiếp và hướng dẫn tham quan.
Khu di tích mới được tôn tạo, nằm ẩn trong rừng cọ với cây sui cổ thụ. Nghe nói, thời ấy, lán trại đóng trong rừng già, dân công và công trường dựng lán, đào hào nhộn nhịp, lại diễn ra nhiều hội nghị quan trong, với đông đảo đại biểu trong nam, ngoài Bắc và có cả đại biểu quốc tế về dự, nhưng máy bay thám thính, và mạng lưới gián điệp chỉ điểm dày đặc của Pháp cũng không phát hiện được. Hội trường bằng gỗ, tre, nứa, mái lá cọ mà cao ráo, khang trang, có cả bục cao, dành cho phóng viên báo chí, nhiếp ảnh, quay phim tác nghiệp. Ngoài bìa rừng, có nhà bia trang nghiêm, trên bia ghi đậm dòng chữ: “Đại hội đại biểu lần thứ II, thương nhớ các đồng chí đã hy sinh vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa cộng sản”. Trước khi vào đại hội, các đại biểu đã thắp hương tưởng niệm, tại đây. Lán Bác Hồ làm việc ở gần hội trường, xung quanh có lán của các đại biểu quốc tế và lán của đơn vị bộ đội bảo vệ đại hội. Nghe nói, ban ngày, Bác làm việc ở lán, có đồng chí Tạ Quang Chiến bảo vệ tiếp cận, buổi tối, lại về nghỉ ở nhà ông Nguyễn Xương Thành, trong bản Bó Củng.
*
Xã Kim Bình, trước đây thuộc xã Vinh Quang, sau tách thành hai, nhưng từ xa xưa, vùng này thuộc tổng Cổ Linh. Con suối Cổ Linh chảy qua Kim Bình, ngày nay đã được gắn vào thương hiệu “Mắm cá ruộng Cổ Linh”, là một trong những đặc sản của xã. Kim Bình, địa danh lịch sử đã được đặt tên cho nhà khách Tỉnh ủy Tuyên Quang và một đường phố ở thị xã Tuyên Quang; nó cũng được gắn cho thương hiệu “Rượu chuối Kim Bình” của xã. Tôi xin được một bầu rượu chuối vừa nhấm nháp, vừa nghe ông Đào Ngọc Vang-Bí thư đảng ủy xã báo cáo, năm 1998, xã Kim Bình được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và năm 2009, trường trung học cơ sở xã đạt chuẩn quốc gia. Cả mười bảy thôn bản đều có chi bộ đảng. Ngày 20/3/2010, đảng bộ xã đã tiến hành đại hội điểm, bà Hà Thị Khiết là Bí thư Trung ương đảng cũng về dự và chỉ đạo. Hiện nay, toàn xã không có người nghiện ma túy.
Chiêm Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt. Từ thế kỷ XI, quan dân Chiêm Hóa đã cùng đại quân Lý Thường Kiệt chủ động phá quân Tống, từ nơi chúng chuẩn bị xuất binh, mà bia “Bảo Ninh Sùng Phúc” còn ghi. Ngày nay, trên đà đổi mới, Chiêm Hóa lại phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng và bảo vệ quê hương. Theo ông Mai Đức Thông-Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa cho biết, diện tích huyện, rộng ngang tỉnh Thái Bình, nhưng chỉ có mười bốn vạn dân, với mười tám dân tộc anh em. Toàn huyện có bốn trăm linh hai thôn bản, thì cả trăm phần trăm đều có chi bộ đảng. Tỷ lệ đảng viên chiếm bốn phảy năm phần trăm dân số. Chín mươi bảy phần trăm cán bộ công chức xã có trình độ đại học. Nông nghiệp vẫn còn chiếm bốn mươi phần trăm tỷ trọng cơ cấu kinh tế. Hệ số sử dụng đất đạt tỷ lệ cao. Huyện đang tiến hành thay đổi cách đánh giá kinh tế, chuyển từ sản lượng sang giá trị, tập trung canh tác ba nghìn héc-ta lạc và một nghìn bốn trăm héc-ta đậu tương. Do công tác đôn đốc, chỉ đạo sâu sát, nông dân đã cấy xong trước tết Nguyên đán Canh Dần, nên hạn hán vừa qua, lúa không bị ảnh hưởng xấu. Tuy có nhiều cố gắng, nhưng số hộ nghèo còn chiếm hai mươi phần trăm. Điều này cũng đáng suy nghĩ, có lẽ muốn xóa đói giảm nghèo, thì không chỉ hỗ trợ kinh tế, cách lam làm, mà còn phải khích lệ ý chí phấn đấu vươn lên của mỗi hộ, mỗi người, để chủ động khắc phục.
 Không biết có phải là men rượu chuối Kim Bình ngấm vào trong dạ, hay do say sưa với thành tựu của huyện, mà tôi lớn tiếng đề xuất rằng, về số liệu về kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng của huyện rất đáng nể, nhưng còn thiếu về số người làm thơ. Thời gian tới, huyện nhà cần có một trăm nhà thơ. Nghe vậy, cô Hoàng Thu Nga, cán bộ ban Tuyên giáo Huyện ủy, cười phớ lớ.
Nhà thơ Hữu Thỉnh nêu hai ấn tượng của mình với địa phương, đó là, diện tích rừng xanh ngày càng mở rộng và di tích cách mạng được tôn tạo bảo tồn. Nhưng ông đề nghị địa phương phải chú ý nguồn tài nguyên trí tuệ. Tài nguyên thiên nhiên rồi sẽ cạn kiệt, nhưng tài nguyên trí tuệ thì càng khai thác, lại càng phong phú. Ông đề nghị Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Website của Hội và Website trannhuong.com, phải tuyên truyền cho Kim Bình. Ông cũng trao đổi với cán bộ xã Kim Bình, Hội Nhà văn sẽ tặng sách văn học cho xã. Địa phương có nhiều gỗ, cứ đóng giá sách đi.
*
Đứng từ sân  trụ sở ủy ban nhân dân huyện Chiêm Hóa, nhìn sang núi Bách Thần, thấy có đền thờ đang được xây cất trên nền xưa. Nơi đây, nhà văn Lan Khai đã viết tiểu thuyết “Trên đỉnh non Thần”. Năm 2006, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã long trọng kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của ông. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã đánh giá cao sự nghiệp văn chương của “Nhà văn đường rừng”. Hôm đó, bà Vương Kim Ngân-Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa cũng về dự. Nghe chúng tôi giới thiệu, nhà văn Trần Nhương xúc động, giơ máy ảnh chụp cảnh “núi Thần, sông Gấm” (cách gọi của nhà văn Lan Khai), đưa ngay lên mạng.
Từ Chiêm Hóa lên Nà Hang còn bốn mươi cây số, nhưng ngày xưa, chỉ có thể đi ngựa theo lối mòn qua đồi, qua núi, hoặc xuôi mảng trên sông Gâm. Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, tỉnh đã mở đường ô-tô lên “Na Hang Quốc”, tôi thấy choáng, khi đọc tài liệu lưu trữ, với dòng khẩu hiệu: “Chiêu mộ anh hùng, phá đèo Cổ Yểng”. Hồi đó, đi từ thị xã Tuyên Quang lên Nà Hang, chỉ một trăm cây số, nhưng ô-tô chạy cả một ngày. Còn mấy ông cán bộ đi tỉnh họp, vác súng kíp, đạp xe, thấy thú thì bắn, nên đi về cũng mất cả tuần. Hồi những năm tám mươi, chúng tôi đi xe đêm, còn thấy hươu, nai phóng qua đường rầm rầm. Các cụ báo, ngày xưa, cọp từ núi Bách Thần còn bơi qua sông Gâm sang phố huyện bắt lợn. Từ mấy năm trước, khi làm thủy điện trên Nà Hang, người ta mở rộng thêm mặt đường, trải nhựa át-phan phẳng lỳ, nên mô-tô, ô-tô đi từ huyện về tỉnh chỉ mất hai tiếng rưỡi thôi. Hôm thấy cái ô-tô siêu trường, siêu trọng chở tua-bin lên nhà máy thủy điện, tôi chạy theo, đếm được bảy mươi sáu cái bánh xe, to uỳnh, thế mà mặt đường vẫn không suy chuyển.
Công trình nhà máy thủy điện Tuyên Quang được khởi công từ cuối năm 2002, sau sáu năm hoàn thành. Đó quả là chuyện thay trời chuyển đất, chợt nhớ câu thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Thế gian biến cải vũng nên đồi”. Dung tích hồ khoảng hai tỷ ba mét khối nước. Trên tàu tuần tra của Ban quản lý du lịch sinh thái Nà Hang, hai cô hướng dẫn viên Đinh Trà My và Nguyễn Thị Chung, thay nhau giới thiệu, hồ thuỷ điện được hình thành trên ngã ba sông Năng và sông Gâm. Dưới chân núi Pác Tạ còn đền thờ phu nhân Chiêu văn vương Trần Nhật Duật. Nhà văn Phù Ninh bảo, núi Pác Tạ nom như cái nậm rượu khổng lồ của nhà trời. Các cô giải thích, từ Pác Tạ có nghĩa là cửa ngòi, cửa sông. Nhưng tôi lại nghe, dân cố thổ giải nghĩa là “cái mồm đứng”! Nhớ hồi mới dâng nước, chúng tôi chạy thuyền co-le qua hồ, mùi lá mục, xác động vật thối inh. Rác rưởi trôi nổi, cán thành từng đống bên cạnh thân đập. Thương nhất là những rừng cây bị chôn chân, cắm rễ xuống lòng hồ từ bao đời, nay dở sống dở chết, vật vờ trong đáy nước.
Con tàu tuần tra do Bộ Quốc phòng lắp ráp, chế tạo có ghế tựa, đệm mút, ngồi rất êm. Tàu chạy với tốc độ ba mươi sáu ki-lô-mét một giờ, thế mà sau bốn mươi lắm phút mới tới hòn Cọc Vài. Nơi đây, hồ nước mở rộng, trong xanh, núi non nhấp nhô, nom như vịnh Hạ Long thu nhỏ. Bên kia núi là miền Thượng Lâm chín mươi chín ngọn núi. Một vùng đất dày đặc truyền thuyết: đèo Ái Au (muốn lấy nhau), núi Rặng Bừa, Nà Liềm (ruộng liềm), Cọc Vài (cọc buộc trâu của Tài Ngào), đường cày Tài Ngào tạo nên sông Gâm, cầu Da bắc qua núi Nàng Tiên… và ngược vào Bản Cài, nơi ông Ngô Gia Khảm đặt công binh xưởng, thời chống Pháp. Thấp thoáng bên hữu ngạn là ba dòng thác: Khuổi Sung (cha), Khuổi Nhi (con) và Nậm Mè (mẹ), phong cảnh sơn thủy hữu tình. Núi non Thượng Lâm sinh ra con gái đẹp. Những cô gái đẹp người đẹp nết thấp thoáng trong các bản người Tày. Bên xã Hồng Thái, phía sông Năng, có loại mận ngon của người Dao trên núi cao. Không biết tự bao giờ, dân Nà Hang truyền nhau câu ca: “Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm”.
*
Nếu nhìn trên bản đồ, hình mặt hồ thủy điện Tuyên Quang, nom như cái sừng hươu khổng lồ, tả ngạn tạo nên bởi sông Gâm, hữu ngạn tạo nên bởi sông Năng. Thời gian này, phải xả nước chống hạn nên hồ cạn, từ cao trình một trăm hai mươi mét, rút xuống chín mươi bảy mét. Chỉ còn bảy mét nữa là xuống mực nước chết. Chúng tôi xuống phòng điều khiển trung tâm, độ cao sáu mươi bảy mét. Kỹ sư Nguyễn Xuân Dương trực chính, cho biết, thiết bị cơ khí là của Trung Quốc, nhưng thiết bị điều khiển là của Nhật, điều khiển từ xa. Nhà máy có ba tổ máy, mỗi tổ máy công suất một trăm mười bốn mê-ga oát, tổng công suất ba trăm bốn mươi hai mê-ga oát. Đường ống áp lực rộng bảy mét rưỡi, côn nhỏ dần lại, tạo áp lực. Hiện nay, do thiếu nước, phải tích nước năm giờ cho chạy một giờ, từ mười bảy giờ đến mười chín giờ cho chạy một máy, lúc này, đang cho chạy tổ máy số hai. Sản lượng điện năm ngoái là một tỷ ba ki-lô oát giờ, nhưng cùng kỳ năm nay chỉ bằng ba mươi chín phần trăm mà thôi. (Tôi vào mạng in-te-nét, xem báo cáo số liệu của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện năm 2009 đạt gần tám mươi lăm tỷ ki-lô oát giờ. Như vậy, Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, lớn thứ hai miền Bắc đang hoạt động, đã đóng góp một phần không nhỏ).
Ca trực có chín người, liên hệ với A0 (Trung tâm điều khiển quốc gia), lập trình tự động. Bình thường, trưởng ca thay quyền giám đốc quyết định. Bây giờ, nhà máy chỉ có một trăm năm mươi người, nhưng lúc thi công cao điểm, có hàng chục nghìn người.
Gian máy ở độ cao năm mươi chín mét hai, anh công nhân hướng dẫn Hoàng Văn Hùng lại gọi theo từ chuyên môn, là độ cao năm mươi chín chấm hai. Ba tổ máy được đánh số H-1, H-2, H-3, nom như những cái oản khổng lồ, màu vàng. Ngước lên trên, thấy những cái cần cẩu khổng lồ, ngự trên đỉnh trần gian máy.
Có lần lên Nà Hang, nhìn nước lai láng đầy hồ mà lòng dưng dưng, đồi đất bỗng biến thành đảo nhỏ nhấp nhô trong sóng nước. Chân đập, nước phun vọt lên như bờm ngựa khổng lồ. Dưới ánh nắng chiều, cầu vồng ngũ sắc hiện ra lung linh và những đám bụi nước màu lam huyền ảo, bay là là chân sóng. Tôi tỷ mẩn lấy la bàn đi vị trí cửa xả nước, chính hướng nam-bắc. Anh Thái-Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nà Hang cho biết, cốt nước lụt ở thị trấn là năm mươi tư mét. (Trong khi đó, cốt nước lụt của thị xã Tuyên Quang là hai mươi sáu mét, chênh nhau ba mươi tám mét, so với mực nước biển. Có lẽ là so với điểm Hải Phòng).
*
Sáng 20/4/2010, trong buổi làm việc cuối cùng với tỉnh Tuyên Quang, bà Vũ Thị Bích Việt-Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã báo cáo tóm tắt tình hình địa phương. Mỗi nhà văn được phát một tài liệu tham khảo, đó là bản “Báo cáo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2009 và phương hướng, mục tiêu, giải pháp cơ bản năm 2010”. (Số 102/BC-UBND, ngày 3/12/2009).
Nhà thơ Hữu Thỉnh, nói về vai trò, nhiệm vụ xã hội của nhà văn và thông báo tình hình chuẩn bị Đại hội nhà văn Việt Nam, nhiệm kỳ VIII, năm 2010-2015. Ban Chấp hành đang đề nghị trung ương cho đại hội toàn thể. Các nhà văn hoan hô. (Kể cũng phải, Hội Nhà văn chưa đầy một nghìn người, Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình rộng rinh; vừa rồi, Đại hội họ Vũ (Võ) toàn quốc, hơn một nghìn người ngồi vẫn thoải mái. Vả lại, nhà văn thì không ai có thể đại biểu cho ai được). Nhà thơ hữu Thỉnh cũng cám ơn sự quan tâm của tỉnh đối với Hội văn học-Nghệ thuật tỉnh, Chi hội nhà văn Sông Chảy, cũng như đối với Hội Nhà văn Việt Nam. Tuyên Quang là một trong số ít tỉnh, tặng thưởng thêm năm mươi phần trăm giá trị giải thưởng cho anh chị em văn nghệ sỹ địa phương đoạt giải quốc gia và quốc tế về văn học, nghệ thuật.
Kết thúc chuyến đi thực tế, đoàn đến thăm di tích “Nhà văn nghệ Việt Nam”, tại đồi Yên Giã, thôn Xuân Huy, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng đã làm việc tại đây, như: Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Tố Hữu, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Bùi Xuân Phái, Diệp Minh Châu, Nguyễn Đỗ Cung, Dương Bích Liên, Phạm Văn Khoa, Sỹ Ngọc, Đinh Đăng Định, Tô Ngọc Vân, Huy Cận, Đỗ Nhuận, Kim Lân, vv… Một quần thể kiến trúc thanh nhã, mới được xây dựng, nằm cạnh hồ thủy lợi Ngòi Là, nom rất thơ mộng. Công trình gồm: một ngôi nhà sàn ba gian hai chái, một con rùa đá đội bia, cái sân gạch và hàng cau. Họa sỹ Vũ Giáng Hương-Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức khánh thành công trình, ngày 21/8/2009. Bên kia hồ là núi Là, có tên chữ Linh Sơn. Nghe nói, thời trước, nhà văn Lan Khai đã từng phát cây, dọn cỏ, trồng cấy dưới chân ngọn núi Linh Sơn đó. Nơi đây, hội tụ khí thiêng văn chương và sẽ có ngày phát tích, làm rạng danh văn chương Việt Nam với thế giới.
Sang năm 2011, Chi hội nhà văn Sông Chảy sẽ đi thực tế tại Mường Lò (Yên Bái).
Mường Lò có suối nước mắt chảy suốt một cuộc tình, có truyện thơ Xống trụ xôn xao (Tiễn dặn người yêu) thổn thức, có điệu xòe cho lúa tốt và có rượu cho văn nhân nhâm nhi. Vậy có thơ rủ rê rằng:
Rủ nhau đến chốn Mường Lò
  Ngắm cô gái Thái, ôm vò rượu tăm
Nhanh chân các bác nhà văn...
 Tuyên Quang, đêm 20/4/2010
 V.X.T