Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀN VỀ NHÂN CÁCH

Đỗ Trọng Khơi
Chủ nhật ngày 4 tháng 4 năm 2010 1:30 PM

          Nhân cách là danh từ cao quý. Người nào bị coi là mất nhân cách, người đó tất sẽ bị thiên hạ khinh thường. Điều này đã được ghi nhận từ xửa xưa. Nhưng buồn thay, ngày nay thời được coi là văn minh hiện đại thì nhân cách lại là điều đang bị chính con người xem nhẹ, đôi khi nó không còn được chú trọng gì. Vậy xã hội văn minh hiện đại mà chúng ta đang xây dựng sẽ đưa con người về đâu? Nói tới một xã hội tốt đẹp, tất xã hội ấy đã được xây dựng do con người, vì con người. Mà nói tới danh từ Con Người thì trên hết phaỉ đề cao phẩm chất nhân cách. Nhân cách trong cư xử quan hệ, nhân cách trong lao động học tập là một đảm bảo bằng vàng cho mỗi con người. Con người có nhân cách là người có tinh thần tự chủ, ý chí độc lập sáng tạo. Người thiếu nhân cách, tất là người không có khả năng độc lập, sáng tạo. Người ấy sẽ trở thành kẻ sống lẩn khuất, yếu hèn, thậm chí sống giả danh. ở đời người yếu hèn sẽ đánh mất mình, kẻ giả danh sẽ trở nên độc hại. Vạn vật khi đã sinh ra ở đời đều có nhu cầu được duy trì, tồn tại. Mà muốn tồn tại thì phaỉ cạnh tranh, thậm chí tiêu diệt lẫn nhau. Cái thật phaỉ cạnh tranh với cái giả. Điều chân lý phaỉ đủ mạnh để tiêu diệt điều vô lý. Dĩ nhiên cái giả cái vô lý chúng cũng sẽ hành động như vậy để duy trì sự tồn tại của mình. Con người có nhân cách dường như càng ngày càng phaỉ đối mặt với cạm bẫy nguy hiểm là vì thế.
Con người mất nhân cách ở nước ta ngày nay đã nhiều đến mức đại trà, phổ biến chưa? Bài viết nhỏ này không có tham vọng khảng định gì, cũng không dám đưa ra một giải pháp chẩn trị nào, mà chỉ xin nêu một số đề dẫn để mọi người cùng suy xét.
 
1. Quan làm được, dân sao không.
 
Mối quan hệ giữa quan - cán bộ với dân có thể nói đã trở nên không thân thiện gì. Nhiều lắm vị quan gia ngại dân và coi dân như con tốt trên bàn cờ chính trị, xa hoa của mình. Dân thì sợ quan và coi quan như những kẻ ăn bẩn. Thực tế là thế. Không phaỉ là một thực tế toàn cục thì cũng là thực tế cục bộ. Nó như căn bệnh đang đến hồi kịch phát. Thời gian ủ bệnh thì đã âm ỉ từ lâu. Chẳng thế mà trong dân gian cả mươi mười lăm năm trước đây đã truyền nhau những câu thơ, kiểu: ...Đầy tớ thì ở nhà lầu/ Bố con ông chủ cứ gầm cầu mà chui.... Không chỉ là thơ viết chơi chơi đâu mà là một sự biểu lộ tình cảm, tâm thế đấy. Sự công khai lên tiếng của nhân dân trên khắp mọi diễn đàn công luận, sự bầy tỏ thái độ với các cơ sở chính quyền của dân ta ở Thái Bình và những địa phương khác là không thể xem nhẹ. Song có điều cũng cần phaỉ nói cho sâu sát, dân ta thời nay là dân của nền kinh tế trí thức, kinh tế thị trường trong nhu cầu hội nhập để phát triển. Mà cơ hội phát triển trong nền kinh tế này có cho mọi người. Một người dân từ lúc đi mua phế liệu rong, một thầy lang từ lúc còn tay trắng cũng đã trở thành ông chủ làm ăn lớn, xây được nhà lầu, mua được xe hơi. Một vị quan chức nhà nước, ví như làm giám đốc một công ty ăn nên làm ra, khiến cho gia đình công nhân trong công ty có đời sống khá giả thì sao ông giám đốc giỏi giang ấy lại không có quyền được ở nhà lầu đi xe hơi. Thành ngữ của ông cha ta cũng từng lưu lời dạy phân minh một người lo bằng kho người làm. Nhân dân ta xưa nay rất coi trọng người có công có đức. Do vậy, dân làm thơ châm biếm phản đối là phản đối loại quan tham, thứ đầy tớ giả cầy đã rất mất phẩm chất, không còn nhân cách con người nữa. Ngày nay bao nhiêu cán bộ giữ gìn được phẩm chất cách mạng như giữ gìn con ngươi của của mắt mình? Hẳn số người đã và đang  mang thứ con ngươi tăm tối không ít đâu. Đây là một nỗi đau lớn và là nỗi sợ lớn.
Có một câu chuyện nhỏ, một anh làm nghề xế lô tính tình vốn hiền hòa chịu khó. Gần đây dân trong xóm bỗng thấy anh hay đi đánh quả về đêm. Hỏi thì anh trả lời, mặt buồn giọng thật: Tôi dùng xích lô chuyên chở hàng thuê. Một lần chở hàng thuê cho nhà vị sếp nọ, thấy nhà cửa tiện nghi của họ tôi ngất luôn. Trời đất, tiền của ở đâu mà nhiều thế? Thì ông ấy chính là sếp ở công ty vợ tôi làm chứ đâu xa. Trong khi vợ tôi tháng tháng lĩnh đồng lương còm cõi.... Tôi bảo Lẽ nào chỉ vì cho vị sếp nọ tham lam, bất chính mà chú mày cũng hỏng theo. Không nghĩ tới danh dự gì à. Anh xích lô trả lời ráo hoảnh Vị quan kia, ông ta có danh giá không? Có nhiều là đằng khác! Cứ xem cách ông ta lên xe xuống ngựa, xem vẻ mặt vợ con ông cứ hơn hớn thì rõ. Cái danh giá của nhà ấy, xã hội ngày nay khối anh thèm rỏ rãi.... Thái độ, lời ăn tiếng nói của anh xế lô nọ khiến tôi lúng túng. Hình như mỗi khi giáp mặt với những vị quan và vợ con họ, người phaỉ e dè xấu hổ là những anh lao động nghèo áo rách, trong đó có tôi. Hình như cái tâm lý xã hội đang có xu hướng phó mặc hay hòa hoãn, bất lực kiểu sống chung với lũ. Do đó mới dẫn đến điểm, từ chỗ quan tham thì dân nổi dậy, tới lúc quan làm được dân sao không? Quả thực thế thì môi trường xã hội ngày nay, quan niệm sống úm ba la, quan và dân đều hùa nhau ăn cắp của cải đất nước, thật nguy hiểm lắm. Trước thời cách mạng XHCN ở Trung Quốc có nhà văn Lỗ Tấn, trong một bài tùy bút ông viết: Nền văn minh Trung Quốc là nền văn minh ăn thịt người... Đất nước Trung Quốc như cái nhà bếp chuyên soạn ra những bữa thịt người. Theo ngôn chí ấy mà xét, thì ở Việt Nam ta đang vào kỳ văn minh gì? Nếu nói là văn minh ăn cắp có oan không? Bao nhiêu quan - cán bộ ở ta có tài sản hàng chục, hàng trăm tỷ đồng? Hẳn là không ít! Bao nhiêu người dân, công nhân ở ta có đánh quả ít nhiều tài sản của công? Hẳn là không ít! Ai đó bảo, thế còn mừng chán. Văn minh ở nước ta mới phát triển tới mức ăn cắp. Nhưng từ kẻ ăn cắp đến tên giết người cách nhau chả mấy bước chân đâu. Từ vị quan tham đến tên phá nước, bán nước khoảng cách có khi chỉ ngắn bằng... ý thích.
Lại bàn thêm về chuyện chữ nghĩa. Có bốn chữ, một cái bình phong, một kiểu cứu cánh kỳ diệu mà hết thảy các quan tham đều mơ ước, là hạ cánh an toàn. Làm quan ở Nhà nước XHCN Việt Nam ta, dù là quan tham hủ bại tới cỡ đâu, vốn dĩ đã nghỉ hưu thì mặc nhiên được coi là an toàn rồi, là cái quan định luận tốt cả rồi.
Xã hội ta muốn mau mau thoát ra cơ cảnh này, thì trước hết phaỉ xây dựng, giáo dưỡng lại nhân cách tốt đẹp cho mỗi con người. Người có nhân cách đẹp thì dù trong hoàn cảnh nào cũng không sa đọa, không thành tên ăn cắp được. Và đã ăn cắp, hủ bại thì cho dù đã hưu trí, đã xuôi tay phủ mặt cũng không thể được an toàn. Còn thân thì thân phaỉ bại. Thân mất thì danh phaỉ liệt. Vết nhơ danh tiết với dân với nước con cháu, họ tộc phaỉ xấu hổ thay.
 
2. văn hóa nói thật nghe thật.
 
Đã làm người ăn cắp dù ăn cắp vặt hay ăn cắp lớn, thẩy đều không muốn người khác biết. Còn khi việc ăn cắp lỡ lộ càng không muốn việc loang rộng ra. Vì vậy bao nhiêu người ăn cắp đáng bị bóc trần, lên án thì vẫn trong cảnh kín như bưng. Con người ta có nhiều loại tính cách. Cơ bản nhất là hai loại, tính cách mạnh mẽ dũng cảm và tính cách yếu hèn bạc nhược. Người tính cách yếu hèn thì dễ nạt nộ, dụ dỗ. Người mạnh mẽ thì khó đe dọa, sai khiến. Dĩ nhiên kẻ ăn cắp cũng mang chung tính cách - người này. Hơn thế người ăn cắp là loại người rất có tài mánh khóe, thủ đoạn. Vậy để bảo vệ mình, bịt sự thật lại họ có trăm phương ngàn kế. Nhẹ thì mua chuộc, lôi kéo làm chân tay đồng đảng, nặng thì thanh trừng, sát hại lẫn nhau. Bởi vậy khi ai đó biết sự thật về người ăn cắp, tội ăn cắp mà không chịu sự mua chuộc, lôi kéo thì cũng rất e dè khi nói ra.
Lại xin kể câu chuyện nhỏ. Ông bạn tôi là một kỹ sư, đang công tác ở một công ty lớn. Một lần ông than thở: Chỉ khác nhau cái ngưỡng cửa, trong hay ngoài phòng họp lời nói của con người đã khác xa nhau.... Tôi hỏi: Lẽ nào có hai tiếng nói về sự thật? Ông bạn đáp: Trong phòng họp thì không được nghe đúng sự thật đâu.... Chỉ bấy nhiêu chữ ông bạn thốt ra khiến tôi thao thức bao ngày tháng sau. Vì lẽ gì nên vậy, miếng cơm manh áo ư ? Vì thế lực phi sự thật quá lớn ư ? Hay vì cái tâm lý buông xuôi, chấp nhận hiện trạng tiêu cực này như một bất khả kháng, thậm chí, như một tồn tại tất yếu của quá trình xây dựng xã hội? ở các cấp chính quyền nào đó mà sự thật không được lên tiếng thì ở đấy các cấp lãnh đạo họ thường lắng nghe gì? Tất nhiên ở nơi khuất vắng sự thật thì sự giả dối sẽ đến trị vì. Bao vụ án tham ô tưởng đã là lớn vừa mới dịu đi thì dư luận đang lại rất đau lòng công phẫn về vụ tham ô, phá hoại ở PMU18. Vị Thứ trưởng, Tổng Giám đốc cờ bạc trai gái, tham ô lãng phí hàng trăm ngàn tỉ đồng vậy mà đã mấy năm nay vẫn được bình bầu là đảng viên tốt, cán bộ tiên tiến, vẫn được đề bạt lên chức, thậm chí được đề cử vào cả Trung ương Đảng. Chao ôi, chân lý - sự thật ở nơi này bao năm đã lẩn trốn, ngoảnh mặt đi đâu?
ở nơi nào đó chưa tạo điều kiện dân chủ cho sự thật được lên tiếng thì ở nơi ấy không thể có công bằng xã hội. Một nơi sống thiếu tiếng nói thật, thiếu sự công bằng hiển nhiên nơi ấy mọi điều đều được phép, trừ cái gọi là nhân cách, phẩm giá con người.
 
 3 cần phaỉ biết xấu hổ.
 
Xấu hổ, tính biểu hiện về tâm lý tự nhiên và tối thiểu của con người. Một bé thơ cũng đã có biểu hiện tâm lý này. Con người còn biết xấu hổ thì còn đấy cái ngưỡng phân cách điều tốt - xấu, thật - giả... Trớ trêu thay con người trong xã hội ta ngày nay dường như càng lớn lên thì tính biết xấu hổ càng teo nhỏ đi. Còn trớ trêu hơn nữa, thậm chí phi lý, người càng có bằng cấp cao càng ít biết xấu hổ. Mách có chứng.
Ai trong chúng ta đang sống giữa những ngày tháng này lại không nghe, đọc những bài viết về nạn bằng giả, hàng giả... Kẻ làm hàng giả là để có lợi nhuận nhiều móc khống từ túi khách hàng. Kẻ lo có những tấm bằng giả từ cấp Phổ thông tới bằng Tiến sĩ thì để làm gì? Hẳn không phaỉ để đi làm phu hồ hay cày cấy rồi. Kẻ phaỉ hao tiền tốn của chạy bằng giả không để làm thầy thiên hạ thì cũng để làm quan đè đầu cưỡi cổ thiên hạ. Hỡi ôi, kẻ làm thầy mà thiếu tư cách, mất nhân cách thì sẽ dạy ra những lớp học trò như thế nào? Lớp học trò vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay từ các ông thầy giả danh nọ khi ra trường đi công tác, lao động họ sẽ làm việc và cư xử với con người ra sao? Khỏi phaỉ bàn nhiều mọi người chắc đã tự rút ra câu trả lời. Còn kẻ phaỉ mượn cái hư danh để làm quan, trước đã tốn tiền mua bằng, sau lại hao của để đoạt chức thì khi đã ngồi yên vị loại quan này sẽ thi hành trách nhiệm quản lý xã hội - con người ra sao? Thầy giả thì sinh trò giả. Tất nhiên rồi! Còn quan giả thì sinh cái gì giả? Sinh ra hệ thống chính quyền giả ư ? Cực nguy! Chí nguy!
Có một cô làm kế toán cho một xí nghiệp kể với tôi rằng, nếu để phá sản thì dễ phaỉ đa số các công ty xí nghiệp quốc doanh đáng phá sản từ lâu rồi. Tôi bảo: Cô dám nói vậy sao, có bằng chứng không?. Cô cười, nhắc nhẹ: Anh cứ nhìn thực trạng đời sống của công nhân trong các công ty, xí nghiệp thì rõ. Và cô nói thêm, như ở xí nghiệp cô, một xí nghiệp loại nhỏ, riêng ba tháng đầu năm này vừa quyết toán, báo lỗ hơn một tỉ. Tôi đem chuyện này hỏi một sếp cốp thì được ông nhủ: ... Làm ăn có lãi đã hiếm. Vả nữa, có công ty sản xuất có lãi thì vẫn... báo lỗ. Vì sao? Vì cái lưỡng lợi, vừa trốn được thuế, vừa đục nước béo... quan! Thực thế ư ? Thực thế thì các công ty quốc doanh kiểu này nó hóa ra cái thùng ngàn vạn đáy. Của cải đất nước đổ vào bao nhiêu cho đủ! Thực thế thì còn gì đất nước! Sẽ có người hỏi, những xí nghiệp, công ty kiểu ấy sao không cho phá sản ngay đi. Xin thưa, xí nghiệp công ty loại ấy thường là cái sân sau nhà quan tham. Dĩ nhiên loại quan tham này cũng vẫn là loại manh mún tiểu nông thôi. Quan tham lại có thực tài, thực học (nghĩa là không phaỉ loại nương thân trong những tấm bằng giả) mà lại có nhiều thì đất nước lâm vòng đại họa từ lâu rồi.
Lại nghĩ, khi những ông thầy những vị quan mà phaỉ nương thân trong những tấm bằng giả họ có biết xấu hổ không? Nếu không phaỉ là không, thì cũng chỉ biết xấu hổ in ít. Có người cãi, chả phaỉ. Cây còn có loài cây xấu hổ nữa là người. Khác chăng cây khi xấu hổ thì cánh lá nó cụp lại, còn quan giả cầy khi xấu hổ họ càng tìm cách phô trương sức mạnh. Sức mạnh - đấy là cách giấu đi sự xấu hổ, sự dốt nát hữu hiệu nhất. Và còn lợi hại hơn cách phô trương sức mạnh, là cách cái giả gieo nhân dòng giống của nó vào rộng khắp xã hội. Theo định luật: Bất cứ cái gì đã trở nên phổ biến thì nó đều có sức mạnh và có lý do tồn tại. Nhiều trường hợp nó còn được tấn phong! Vậy coi như những gương mặt lỡ có khi phaỉ đỏ lên vì xấu hổ thì nó đã có cái mẹt xã hội - xấu - hổ - hóa che cho rồi còn gì.
Rõ ràng để xây dựng xã hội văn minh, công bằng, dân chủ thì không thể không lấy nhân cách đạo đức, nhân cách nghề nghiệp của con người làm nền tảng. Để điều căn cốt, gốc rễ của con người là nhân cách, đạo đức, tài năng trở lại mạnh mẽ với con người, không bị kìm hãm thì dòng mạch xin hãy khởi từ phẩm tính tự nhiên, là khả năng biết xấu hổ.
Còn biết xấu hổ con người còn có khả năng giữ gìn tư cách, nhân cách.
Còn biết xấu hổ xã hội còn có hy vọng rũ bỏ đi cái văn minh ăn cắp để xây dựng một nền văn minh thực sự: Hiện đại - Công bằng - Dân chủ.

ĐTK