Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HOA GẠO

Vũ Duy Chu
Thứ tư ngày 24 tháng 3 năm 2010 2:09 PM
 
 
Tôi xa quê đã hơn bốn mươi năm, nhưng làng quê tuối thơ tôi vẫn còn nguyên vẹn trong kí ức. Mỗi khi có dịp trở về, tôi thường đắm mình trong sự tĩnh lặng của mặt nước đầm sen bảng lảng làn sương mai, của khu vườn thơm hương dìu dịu, lích chích tiếng chim sâu chuyền cành cần mẫn. Năm nay, tôi chọn tháng ba để trở về.
Bao giờ đom đóm bay ra
Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng
Tháng ba ngày xưa ấy. Cái đói của những ngày giáp hạt. Cái rét cắt thịt cắt da của sương muối mưa phùn. Trên nền trời xám xịt, những bông hoa gạo trước cổng trường tôi cứ rừng rực cháy lên. Giờ ra chơi, tôi thường đứng dưới gốc cây đắm đuối nhìn lên, xòe tay hứng một bông hoa đang rơi. Hoa gạo ít khi rã từng cánh mà rơi. Năm cánh hoa còn nguyên trong đài hoa xoay xoay theo chiều thẳng đứng trong gió như một con cù hoa nhẹ nhàng đậu xuống vệ cỏ đẫm mưa phùn. Nhụy hoa là những vòi nhỏ và dài như cọng tăm nuột nà, phía đầu trên cùng uốn cuộn lại như những cái móc nhỏ xíu, hệt như được đính một hạt gạo còn vương một lớp phấn mỏng tang. Chúng tôi mê mải ngắt từng cọng nhụy hoa ngoắc vào nhau chơi trò chọi gà. Chỉ đến khi tiếng trống vang lên báo hết giờ nghỉ mới chạy vội vào lớp học.
Hoa gạo, một thứ hoa dân dã mà đẹp lạ kỳ và đầy kiêu hãnh. Ít có loài hoa nào chịu được phong sương, dầm trong gió bấc mưa phùn mà nở. Sương muối, đến lá mạ trên đồng còn xoăn lại, giàn trầu của mẹ tôi lá úa vàng rụng lả tả, trơ những dây ngoằn ngoèo héo quắt. Vậy mà trước cổng trường tôi, trên khu vườn sau của mái chùa giữa đồng, những đốm lửa thắp lên từ cây gạo vẫn bập bùng, bập bùng. Hoa gạo làm ấm lên bầu trời mùa đông buồn bã và trống trải.
Các cụ già làng tôi thường bảo Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề, không phải để hù dọa lũ trẻ chúng tôi. Các cụ nói với sự sùng kính niềm tin Phật tử. Không hiểu sao, từ bao giờ, ba loại cây này đã gắn bó như có phép siêu nhiên trong tâm thức văn hóa làng quê đất Việt. Các cụ còn nói, cây gạo mùa ra hoa thường có nhiều chim về chuyền cành líu lo, nhưng không có loài chim nào chọn cây gạo làm tổ, vì cành lá không khi nào sum xuê cả. Trừ quạ, quạ chọn cây gạo làm tổ, vì gạo được coi là cây vũ trụ. Quạ là Kim ô, loài chim thiên sứ báo điềm trời. Những hồn ma vất vưởng nương nhờ cửa Phật để mau được siêu thoát, thường trú ngụ dưới gốc gạo, rồi theo thân cây đi lên mà hòa vào cõi vĩnh hằng. Thảo nào, tôi thường thấy những nén hương nghi ngút, những chân hương đã lụi tàn trong những miếu thờ con con dưới gốc cây gạo những miền đất tôi qua. Thứ văn hóa tâm linh mang màu sắc huyền bí đã thắp lên sự hướng thiện trong lòng mỗi con người đang bon chen kiếm sống trên đường đời. 
Ngày xưa, tôi từng đứng dưới gốc cây gạo sau chùa nhìn lên những chùm hoa. Thân cây cao vút, nổi những ụ, những khối u, rồi có lúc đột nhiên thân cây mở ra những hốc tối rêu phong. Da cây sần sùi thô ráp và có gai. Vì vậy, chưa bao giờ tôi trèo được lên cây gạo, dù rất muốn hái những bông hoa thắp lửa trên cao kia. Hoa gạo cứ xoay vòng rơi xuống quanh tôi. Sau bao nhiêu năm, tôi chợt nhận ra những vòi nhỏ nuột nà của nhụy hoa giống như những nén hương bé xíu đang cháy giữa năm cánh hoa đỏ rực xòe ra như đài sen. Cả bông hoa như một chiếc lư hương dâng lên thanh thoát. Trời đất đã ban tặng những loài cây tâm linh để con người đem về gieo trồng nơi thờ tự. Làng quê đất Việt, có ngôi chùa mái đình nào vắng bóng đa, vắng bóng bồ đề cổ thụ cành lá la đà?
Chùa làng tôi, trường xưa của tôi không còn cây gạo nữa. Nhưng tháng ba, theo suối Yến vào Chùa Hương, dọc những sườn đồi trung du uốn lượn theo dòng sông Lô, tôi vẫn gặp những bông hoa gạo hắt đỏ lên nền trời chiều xa vắng. Loài hoa hồn vía quê kiểng rồi sẽ có lúc lại mọc lên trên nền xưa đất cũ của làng tôi.
Chuyến đi tháng ba năm ấy, tôi đã viết xong bốn câu thơ về hoa gạo dang dở hồi nào.
Trung du, gió ngược lên đồi
Bập bùng hoa gạo giữa trời mưa sa
Áo chưa đủ ấm tháng ba
Mắt tôi mang lửa từ hoa ấm vào.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 3.2010
V.D.C