Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VÀ TÂM SỰ KHI ĐỌC TT "KHÉP LẠI OAN KHIÊN"

Vũ Xuân Tửu
Thứ sáu ngày 26 tháng 3 năm 2010 2:42 PM
 

TNc: Ngày 25/3/2010, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, đã tổ chức hội thảo tiểu thuyết “Khép lại oan khiên” của tác giả Võ Minh Cư.
Tham dự có đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Báo Người Hà Nội, Câu lạc bộ thơ Thi đàn Thứ Bảy và đông đảo bạn bè của tác giả, cùng bạn đọc.
Nhà văn Vũ Xuân Tửu đến từ Tuyên Quang, có bài phát biểu tham luận. Xin giới thiệu cùng các bạn

Một cuốn tiểu thuyết đầy ắp tư liệu về đồng bằng Bắc bộ, trong cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống Pháp, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Qua ngòi bút chân thực của tác giả, chúng ta thấy, cuộc kháng chiến chính nghĩa oai hùng bao nhiêu, thì cuộc cải cách ruộng đất diễn ra bi tráng bấy nhiêu.
Trong phần cách mạng dân tộc, tác giả phản ánh quá trình diễn ra cuộc kháng chiến chống Pháp ở vùng nông thôn Việt Nam. Phát huy sức mạnh của cả dân tộc, toàn dân hăng hái tham gia kháng, địch-ta phân tuyến rõ ràng, tốt-xấu cụ thể, kẻ theo địch là phản diện, người theo ta là chính diện. Một bức tranh hoành tráng, nông dân rào làng kháng chiến, chiến đấu bằng vũ khí thô sơ, tự tạo (giáo búp đa, bàn chông, đạp lôi… ), đối chọi với đội quân viễn chinh và bảo hoàng nhà nghề, vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại (súng pháo bắn tăng xình, tàu thủy, máy bay bà già… ). Trải qua bao hy sinh, gian khổ, nhưng rồi chính nghĩa đã thắng, cũng như bao cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc. Ngòi bút tác giả tung tẩy, giọng văn hào sảng, các sự kiện tiếp diễn cuốn hút người đọc.
Nhưng đến giai đoạn mô tả về cải cách ruộng đất, thì phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa gặp bài toán khó. Trong làng ấy, bỗng dưng được chỉ đạo phân chia giai cấp, để đấu tố lẫn nhau, phải tìm ra Quốc dân đảng để tiêu diệt. Vấn đề giai cấp được đặt lên trên dân tộc. Đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản thực thi; theo lý luận, đấu tranh giai cấp được coi là động lực phát triển xã hội. Thế là, cả làng, cả xã bỗng dưng bị xới tung cả lên, những người có chút ruộng đất, những người có tý trí thức và những người cách mạng trung kiên bị quy vào thành phần địa chủ hoặc Quốc dân đảng để tiêu diệt (tử hình, tù đày). Hoàn thành cải cách ruộng đất, trong nông thôn chỉ còn lại thành phần bần, cố, nông, tiến lên xây dựng xã hội kiểu mới. Bây giờ, sau hơn nửa thế kỷ khổ công tìm kiếm, chúng ta mới ngộ dần ra từng bước con đường xây dựng một xã hội giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh
Tác giả lý giải giai đoạn bi thương này, là do những người bị đấu tố không báo cáo kịp thời lên cấp trên, để chỉnh sửa. Nhưng trong tiểu thuyết “Thời của thành thần”, nhà văn Hoàng Minh Tường đã phản ánh rằng, người ta cũng có báo cáo đấy chứ, nhưng việc đã rồi mới điều chỉnh, sửa sai. Những cảnh đấu tố như thời trung cổ, hành tội những người có tâm, có tài và có công với dân, với nước. Tại sao phải đào tận gốc, trốc tận rễ những anh nhà giàu và trí thức nông thôn?
Hãy nhìn ra thế giới, cải cách ruộng đất ở Trung Quốc diễn ra bi thương là hình mẫu để áp dụng, nên không tránh khỏi hậu họa. Pôn-pốt đày trí thức ra khỏi thành thị cải tạo lao động, để xây dựng xã hội mới bằng những con người nghèo kiệt. Hay nhìn xa hơn sang Liên Xô, qua tiểu thuyết “Quần đảo GULag” của Xôn-giê-nít-xưn, thì những người có trí tuệ, có chính kiến ngoài xã hội và trong quân đội, đều bị đưa vào hệ thóng nhà tù khỏng lồ, gọi là  Nha tổng quản trị các trại lao động cải tạo. (Hiện nay, tác phẩm này đã được đưa vào trường đại học và phổ thông Liên bang Nga).
Vậy, nhà văn lý giải thế nào đây cho đầy đủ, chính xác về những vụ việc tương tự, diễn ra ở hầu khắp các nước khi bước vào con đường xây dựng xã hội mới. Bởi vậy, một tác phẩm, vài tác phẩm chưa thể lý giải trọn vẹn, mà cần nhiều tác phẩm, cần độ lùi thời gian, cần nhiều nhà văn tâm huyết với dân tộc để cùng giải tỏa; ngõ hầu, gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh, để xã hội mai sau không lặp lại vết xe đổ của xã hội đi trước. Và bên Trung Quốc đã có “văn học vết thương”.
Ngày nay, dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới, người cầm bút soi chiếu vào quá khứ, thấy sự vật rõ ràng hơn, nhưng chưa phải là tất cả, còn cần một quá trình lâu dài. Nhà văn Trần Bạch Đằng đã viết rằng: “Văn học không mang chức năng phục thù, khi nhắc điều đau thương hôm qua là cốt cảnh giác hôm nay và ngày mai, giúp người thưởng thức cảm nhận điều nên tránh với bao xót xa và với niềm tin của cả dân tộc, hết thế hệ này đến thế hệ khác đổi mác để xác lập là cao cả, là chính đáng, là thiêng liêng”.
Xin trở lại tiểu thuyết “Khép lại oan khiên” của Võ Minh Cư. Sự vững vàng về bút pháp, cộng với cái tâm trong sáng, nên tác giả, tuy với vị trí như của người trong cuộc, nhưng không gợn một nét thù hận gì. Đây là một điểm mạnh của tác giả so với nhiều tác phẩm khác viết về vấn đề này. Người nông dân tin và theo đảng Lao động Việt Nam, đấu tranh giành độc lập và bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tất cả diễn ra như một trào lưu, không mảy may ngờ vực, dù có điêu linh, nhưng vẫn chan chứa tin yêu. Một giai đoạn lạ kỳ trong lịch sử dân tộc. Nhân vật chính, Võ Ngọc Trung có một thoáng nghi ngờ về bản chất và mục tiêu của cải cách ruộng đất, nhưng không đến nỗi khủng hoảng lòng tin. Tôi nghĩ, đây là một mẫu có thực, tâm lý diễn ra thực như thế, nếu cường điệu lên, lấy cái suy nghĩ của người trí thức hôm nay mà lắp vào thời ấy, thì có lẽ khiên cưỡng. Xã hội phát triển theo tiến trình của nó, tâm lý con người cũng phản ánh bức tranh xã hội ấy.
Thời điểm diễn ra trong tiểu thuyết chỉ khoảng chục năm, từ cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến cải cách ruộng đất. Với góc độ là người dẫn chuyện, câu chuyện kể xoay quanh từ lúc xây lăng mộ cho đến khi khánh thành, bằng cách thông qua các giấc mơ về bố, về mẹ và những người trong cuộc, nên thuyết phục người đọc. Giọng kể rủ rỉ, tuần tự lớp lang, giản dị,  kiểu người thật việc thật, tạo nên sự tin cậy giữa người đọc và tác giả
Trong tác phẩm, có nhiều chi tiết ấn tượng, như: chị em du kích đòi bỏ váy mặc quần để tiện cho việc luyện tập và tác chiến, cảnh chiến đấu bên những luống cày và bên những ngôi mộ ngoài cánh đồng, cảnh đào hầm hào trong các lũy tre, cảnh chế tạo đạp lôi khiến cho quân Pháp tưởng như đạn từ lòng đất bắn lên, mẹo dùng súng trường bắn ba phát một trên hộp sắt làm cho địch tưởng súng liên thanh, cảnh hàng trăm cái thuyền nan chở bộ đội qua sông, cảnh hộ đê chống lụt, cảnh bốc mộ cô Bìa mớ tóc nổi lên phủ kín quan tài, hoặc cảnh khoác lồng gà đi bán, để lấy tiền tàu xe đi tìm mộ cha, vv… Tất cả, thật dung dị mà cũng thật hoành tráng, đậm nét nông thôn vùng vựa lúa Thái Bình. Tôi rất ấn tượng với hình ảnh về cây gạo đầu làng, nó như một hàn thử biểu báo hiệu điềm lành và điều dữ cho dân làng. Và câu chuyện trong “Khép lại oan khiên”, cũng được bắt đầu từ đó.
Ngôn ngữ giản dị, chân phương, không cầu kỳ, như sự chân chất của những người nông dân vậy. Nhiều chỗ tác giả dụng ý cho lắng lại, sau các trận đánh ác liệt, bằng những câu hình ảnh, mô tả mảnh trăng tinh nghịch như một cô thiếu nữ “nháy mắy lặn xuống sông Trà Lý”, hoặc “mảnh trăng như cái liềm vàng gặt mây”… tạo nên sự sinh động trong tình cảnh, sự lung linh trong câu văn. Nhưng không chỉ thế, tác giả còn mạnh dạn miêu tả sự lưu manh hóa của lớp cùng đinh, khi tham gia đấu tố, để mong được chia phần quả thực, như chuyện mụ Hướng, dựng chuyện chửi nhà sư, bằng ngôn ngữ trần trụi.
Nguyên cái trường đoạn tả về cô Bìa bị bắt, có thể tách thành cái truyện ngắn hay. Nhân vật có thân phận, bố chết đói, mẹ góa con côi, được cách mạng quan tâm tham gia du kích một cách vô tư và nhiệt tình. Rồi không may bị địch bắt, trúng kế ly gián, diễn biến tâm lý có lô-gíc, tác giả mô tả kỹ càng. Cô ta cam tâm làm tay sai, chỉ điểm cho địch, dẫn đến bị du kích thủ tiêu. Cái chết bi thương của cô và sự đối sử có nhân có hậu của ông Trung, lại khiến ông Trung càng bị quy nặng hơn trong cải cách ruộng đất… Một nhân vật có đất sống, sinh động.
Trong tác phẩm, bề bộn về những tư liệu chiến tranh, nhưng đã được tác giả dụng công, xử lý khéo, nên đọc hấp dẫn. Đoạn giữa, có hơi nặng về tư liệu lịch sử, mô tả các trận chống càn, còn ít mô tả diễn biến tâm lý nhân vật, trừ đoạn nói về sự tỉnh ngộ của ông Trung trong cải cách ruộng đất và cô Bìa bị địch bắt. Nếu thoát ra được sự giàng buộc thực tế, từ tư liệu đó, hư cấu lên các tuyến nhân vật, thì tiểu thuyết càng vững vàng hơn.
Đoạn kết (chương XX) thể hiện sự cao tay ấn của tác giả, khi xử lý tác phẩm, khiến độc giả cảm tưởng như tác giả đứng ngoài cuộc, khách quan trong quá trình dẫn dắt, xử lý các tình huống, không lồng cái riêng của mình vào, nên đọc thấy thoáng đãng, đau mà vẫn cười được. (Chẳng hạn, chuyện kín của nhà sư, không có bộ phận sinh dục đàn ông mà vẫn bị khép tội cưỡng dâm mụ Hướng, đến lúc này, tác giả mới mở nút).
Tự nhiên, tôi chú ý đến câu kết: “Những oan khiên trong chúng sinh còn mê muội tham, sân, si đem đến cho ngài thì lòng từ bi nhà Phật chính là cứu cánh giải thoát tất cả”. Liệu có phải vậy chăng? Bây giờ, người ta đang đưa đạo Phật lên ngôi. Đạo nào cũng hướng thiện cả thôi, nhưng liệu lòng từ bi có làm xã hội phát triển và hội nhập thế giới, hay có ý khuyên người ta nhẫn nhịn chăng?
Tranh chữ “Nhẫn” thấy nhan nhản khắp nơi, từ công sở đến tư gia và bày bán ở các đền chùa cho khách thập phương. Ngày trước, tôi cũng thích chữ “Nhẫn”, dù dao đâm vào tim vẫn nhẫn nhịn để cầu an. Nhưng bây giờ, tôi nhờ “ông đồ nho”, nguyên trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy, viết cho chữ “Tấn”, treo trong phòng văn.
Nếu xét trên trục thời gian, giai đoạn kháng chiến dài hơn (9 năm), tác giả viết dung lượng lớn hơn (17 chương=380 trang), còn giai đoạn sau ngắn hơn (1 năm), dung lượng viết về cải cách ruộng đất ít hơn (2 chương=100 trang). Đó là xét tương quan về thời gian diễn biến sự việc (gấp 9 lần) và khối lượng trang viết (gấp 4 lần); còn thực tế, như trên đã nói, tác giả gặp khó khăn trong cách lý giải sự kiện. Dài vắn không phải câu chuyện đong đếm, mà cơ bản, chính là vấn đề tác giả đặt ra cho xã hội cần giải quyết và cho người đọc suy ngẫm. Bởi lẽ đó, tôi trao đổi sâu hơn về phần này. Và có lẽ, cũng chính vì vấn đề nổi cộm đó, mà tác giả đặt tên tiểu thuyết là “Khép lại oan khiên”.
Quá trình tham gia cách mạng, chúng ta có một lớp nhà văn-chiến sỹ. Với tư cách người chiến sỹ, họ sẵn sàng xả thân trước trận tiền, nhưng trước vấn đề gọi là “nhạy cảm chính trị”, với tư cách nhà văn, có khi lại đắn đo, mặc dù đã có độ lùi nửa thế kỷ, nhưng sao khó viết vậy. Đó chính là cái nhọc nhoài của người cầm bút (từ dùng của nhà văn Mã A Lềnh – Lao Cai). Nhưng với tiểu thuyết “Khép lại oan khiên”, tác giả viết được ngần ấy, cũng là quý hóa lắm rồi. Tác giả gửi đến chúng ta một thông điệp, khép lại oan khiên với một tấm lòng bao dung, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.
Đất nước đang trên đà đổi mới, đến một lúc nào đó, nhà văn nước ta sẽ được phóng bút, như các nhà văn Trung Quốc, viết “văn học vết thương”? Và lúc đó, cũng như các tác phẩm viết về thời kỳ ấy: Ác mộng của Ngô Ngọc Bội, Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường, Dưới chín tầng trời của Dương Hướng… sẽ được đưa vào trường học. Có lẽ, đến lúc đó, chúng ta mới có cái nhìn toàn diện và khách quan về văn học Việt Nam và mới có điều kiện công tâm đánh giá, thế nào là tác phẩm văn học ngang tầm thời đại!
Tác giả Võ Minh Cư làm thơ, đã có bốn tập thơ: Tình trung du, Chiều Bình Ca, Dòng sông nhân ái, Lãng đãng thu vàng và nhiều bài đã được đăng trên tạp chí Nhà văn, báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) và phát trên Đài tiếng nói Việt Nam… nên ngôn ngữ anh sử dụng đằm thắm, cô đúc. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay, anh viết trong thời kỳ đi học tại Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, khóa I. Nhiều vấn đề về chiến tranh và xã hội đã thấm cái nhìn mới hơn…
*
Có câu chuyện vui vui thế này, một ông trưởng ban pháp chế, trong hội nghị chuyên đề, phát biểu rằng: “Tôi nói vậy, có phải luật thì phải, không phải luật thì thôi”. Lúc ấy, tôi cảm thấy buồn cười, nhưng trong hoàn cảnh của mình lúc này, ngẫm cũng không khác ông ta là mấy, chim chích vào rừng văn chương mênh mông, đâm hoảng, cũng mượn lời ông ấy, nói mấy lời nôm na, có phải chuyện văn chương thì phải, không phải thì thôi.
Tôi không phải là người làm công tác lý luận phê bình văn học, mà chỉ là người cầm bút nghiệp dư, nên mạn phép nói lên đôi điều cảm nhận và tâm sự, khi đọc tiểu thuyết “Khép lại oan khiên” của tác giả Võ Minh Cư mà thôi.
 Tuyên Quang, 3/2010
V.X.T