Nhà thơ Tú Xương, tên thật là Trần Tế Xương (sau đi thi đổi là Trần Cao Xương), tự Tử Thịnh, sinh năm 1870, mất ngày 28.1.1907. Ông người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
Trần Tế Xương là nhà thơ trào phúng Việt Nam mà về phương diện nghệ thuật có những cống hiến quan trọng. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học, ông là người đã từ bỏ những hình thức cũ để cố gắng phản ánh cuộc sống bằng hình thức của chính cuộc sống, phong phú, đa dạng, phức tạp. Với Tú Xương ngôn ngữ hàng ngày đã được nâng lên thành ngôn ngữ nghệ thuật với tất cả vẻ đẹp của nó.
Mới đây nhất, khi khảo sát về lịch sử dịch thuật trong quá khứ, chúng tôi phát hiện Tú Xương là một dịch giả rất đáng chú ý. Đó là việc ông dịch 81 bài thơ Đường. Văn bản được chép trong Đường thi hợp tuyển ngũ ngôn luật giải âm (AB.194, thư viện Viện Hán Nôm). Tài liệu ghi rõ "Đường thi hợp tuyển ngũ ngôn luật giải âm; Vị Thành Tú tài Trần Cao Xương Tử Thịnh diễn tập".
Trong suốt tập thơ dịch, Tú Xương đã dịch thơ Đường với một phong cách rất riêng của ông. Bút pháp trào lộng, hóm hỉnh của Tú Xương trong phong cách thơ ông xuất hiện cả trong những bài thơ dịch, tạo nên nét riêng rất đáng chú ý. Về từ ngữ, ông đã sử dụng cả những từ vốn được ông dùng trong thơ sáng tác để dùng trong bản dịch, khiến cho tác phẩm dịch của ông như một sáng tạo mới. Đó là nét đặc sắc của Tú Xương trong thơ dịch. Điều này sẽ góp phần khẳng định chân dung một dịch giả trong văn học Việt Nam. Và vị trí của ông, với tư cách là một dịch giả cần được khẳng định.
Lâu nay, chúng ta biết Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là một dịch giả có nhiều bản dịch thơ Đường nhất tính suốt thời trung đại và cận đại. Trong cuốn Thơ Đường, do ông dịch, được Nguyễn Quảng Tuân tập hợp, có 84 bài dịch thơ Đường. Nhưng xin được nêu ở đây về điểm khác giữa việc dịch của Tản Đà và Tú Xương là trong khi Tản Đà dịch thơ Đường sang chữ quốc ngữ và đăng báo, thì Tú Xương chuyển sang chữ Nôm, thể hiện bằng chữ Nôm.
Với việc dịch thơ Đường, Tú Xương đã đóng góp vào lịch sử văn học Việt Nam như một dịch giả có phong cách độc đáo, đưa được những từ ngữ đời thường đầy hóm hỉnh vào bản dịch một cách nhuần nhuyễn, tạo nên một bản dịch hoàn toàn có thể có một đời sống độc lập bên cạnh bản gốc.
Xin giới thiệu một chùm bài dịch của Tú Xương
1. Dã vọng
Bóng lộn ngàn cao buổi tối mòng
Một mình chưa dễ đứng ngồi xong
Cây lồng sắc chiếu màu thu tía
Non ánh tà dương lộng vẻ hồng
Trẻ mục giục trâu lùa cái nghé
Người săn cưỡi ngựa xách con hồng
Cùng trông lại biết ai hay tá?
Tưởng hái rau vi những ngại ngùng
Vương Tích
2. Thánh Tuyền yến
Phất phơ tràng áo bước lên non
Ngoảnh lại bên đình lạch suối con
Bầu sánh cúc pha ba chén cạn
Vần lơi tùng thét mấy cung dồn
Lơ thơ bóng rủ ngoài cành lọn
Ngào ngạt hoa bay trước gió tuôn
Rừng vắng tà tà say ngắm cảnh
Lô xô len đá khói đùn đùn.
Vương Bột
3. Sơ nguyệt
Nửa vành vừa hé mái cung lên
Một bánh xe trông chửa vẹn tuyền
Thấp thoáng đầu cành trên bể ló
Lô nhô ban tối áng mây ken
Chắn ngang luống để sông Ngân trắng
Hiu hắt vì ai mặt ải đen
Trăm mối bên lòng càng áy náy
Dãy thềm chòm cúc giọt sương hoen.
Đỗ Phủ
4. Đảo y
Gần thu miếng đá gượng lau rồi
Cũng biết chàng nay việc chửa rồi
AÁo kép chờ nay ba tháng lạnh
Chăn đơn chực đó mấy năm trời
Nghề riêng dám trễ tay canh cửi
Của chút làm ghi dạ một hai
Chăm chỉ buồng thêu đà hết sức
Tiếng chày văng vẳng thấy chăng ai.
Đỗ Phủ
5. Đăng Nhạc Dương lâu
Mấy cảnh Tiêu Tương vẫn tiếng đồn
Lầu đây hồ đấy trải bao còn
Chia ra Ngô Sở chiều ngang dọc
Chốt lại càn khôn thoả nước non
Một chữ thân bằng tin nhạn vắng
Nghìn trùng quan tái chiếc thuyền con
Xa xa cõi bắc lầm phong hoả
Thăm thẳm Trường An mắt đã mòn.
Đỗ Phủ