Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÔN VINH DANH NHÂN VĂN HÓA LÀ TÔN VINH VĂN HÓA DÂN TỘC

Trần Vân Hạc
Thứ hai ngày 15 tháng 3 năm 2010 5:55 AM

Có lần do tò mò, tôi hỏi một học sinh bậc PTTH:
- Cháu có biết đất nước mình có bao nhiêu danh nhân văn hóa thế giới không?
Em học sinh suy nghĩ một lát rồi ngần ngừ:
- Dạ… cháu cũng không rõ lắm, hình như có Bác Hồ thì phải.
Tôi buồn mãi và nhớ lại cuối năm 2009 lần về Lệ Chi Viên, Gia Bình, Bắc Ninh, nơi cách đây gần 600 năm đã xảy ra vụ án oan thảm khốc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam: Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Trãi cùng ba họ của Nguyễn Trãi bị rơi đầu bởi những âm mưu đen tối tranh dành quyền lực và hãm hại trung thần của triều đình phong kiến. Hỏi thăm từ già đến trẻ, không ai biết Lệ Chi Viên và đền thờ Nguyễn Trãi ở đâu!?
Dân tộc ta trải 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Trong suốt chiều dài của lịch sử ấy đã sản sinh biết bao anh hùng dân tộc, biết bao danh nhân văn hóa lỗi lạc, những người con ưu tú của dân tộc, mà cuộc đời và sự nghiệp của các bậc vĩ nhân ấy không chỉ phản ánh tinh thần của dân tộc, hơi thở của thời đại, khát vọng và ý chí của nhân dân, mà còn là những dấu son sáng ngời đã trở thành những giá trị tinh thần to lớn của dân tộc. Mỗi dân tộc, một nền văn hóa dân tộc có thể có nhiều danh nhân văn hóa song có rất ít người đạt tới tầm cỡ danh nhân văn hóa thế giới. Đấy là điều rất đáng tự hào của dân tộc ta.
Chính cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân văn hóa thế giới của dân tộc ấy, là hành trang, là điểm tựa, là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ soi mình vào đó để hiểu về tổ tiên, đất nước và những gì mình có hôm nay, để biết trân trọng nâng niu cuộc sống, biết sống, biết yêu, biết đấu tranh và khoan dung nhân ái như truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đồng thời bạn bè năm châu có thêm điều kiện hiểu về đất nước và con người của chúng ta.
Với danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, bậc khai quốc công thần đệ nhất thời Lê, văn võ kiêm toàn, là nhân vật vĩ đại về nhiều mặt, rất hiếm có trong lịch sử. Công lao sự nghiệp của ông rất lớn. Đạo đức phong cách của ông vô cùng cao đẹp. Ông là một anh hùng dân tộc vĩ đại, là nhà chính trị lỗi lạc, nhà chiến lược thiên tài, nhà ngoại giao kiệt xuất, đồng thời là một nhà văn lớn, nhà thơ lớn, nhà sử học, nhà địa lý học, nhà làm luật pháp và âm nhạc xuất sắc. Ngay từ khi còn sống , Nguyễn Trãi đã được những người đương thời khen ngợi là: “Kinh bang hoa quốc, cổ vô tiền”, nghĩa là: (Dựng nước và làm vẻ vang Tổ quốc, từ xưa chưa ai được như ông). Nguyễn Mộng Tuân, một người bạn của Nguyễn Trãi, đã ca ngợi Nguyễn Trãi: “Gió thanh hây hẩy gác vàng, người như một ông tiên ở trong toà ngọc, cái tài làm hay, làm đẹp cho nước, từ xưa chưa có bao giờ… “Nguyễn Trãi không phải là ông tiên. Nguyễn Trãi là người chân đạp đất việt Nam, đầu đội trời việt Nam, tâm hồn lộng gió của thời đại lúc bấy giờ, thông cảm sâu xa với nỗi lòng dân lúc bấy giờ, suốt đời tận tuỵ cho một lý tưởng cao quý. Nguyễn Trãi là khí phách của dân tộc, là tinh hoa của dân tộc. Sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Trãi là một bài ca yêu nước và tự hào dân tộc. Nguyễn Trãi rất xứng đáng với lòng khâm phục và quý trọng của chúng ta. Ca ngợi người anh hùng dân tộc, chúng ta đã rửa mối “hận nghìn thu” của Nguyễn Trãi”. Đại thi hào Nguyễn Du lại nổi tiếng với kiệt tác “Truyện Kiều” mà mỗi câu, mỗi dòng đều như một viên ngọc lung linh tỏa sáng muôn mầu. Truyện Kiều chan chứa nỗi đau nhân thế, chuyên chở khát vọng cháy bỏng về hạnh phúc, tình yêu, tự do và công lý, đồng thời tố cáo sâu sắc sự tàn bạo của chế độ phong kiến. Truyện Kiều được coi là đỉnh cao của nền thi ca Việt Nam, chứa đựng những tư tưởng nhân văn lớn, đạt tới sự điêu luyện và hoàn mỹ về nghệ thuật ngôn từ. Bởi vậy Nguyễn Du được xem như là một nhà thơ lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, “người Việt Nam đẹp nhất”, đã kế thừa và phát huy xuất sắc những giá trị cao quí của truyền thống dân tộc. Người là linh hồn, là ngọn cờ sáng ngời lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta, dân tộc ta. Đất nước ta rất tự hào đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới và càng tự hào hơn nữa chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi là một danh nhân không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn của thế giới. UNESCO đã tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa do “các đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật”, và “đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng nhân dân Việt Nam, đóng góp cho cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của các dân tộc trên thế giới”.  
Hàng năm chúng ta vẫn long trọng tổ chức kỷ niệm ngày sinh, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu… nhưng kết quả chưa cao, những giá trị tinh thần to lớn chưa sống trong tâm hồn mọi thế hệ. Một câu hỏi lớn đặt ra là: chúng ta đã biết tôn vinh đúng mức những danh nhân văn hóa thế giới của dân tộc chưa. Trong khi những giá trị văn hóa là những cái sẽ sống mãi trong lòng người. Trong cuộc sống của nhân loại, không có gì sánh bằng những giá trị văn hóa, chính những giá trị văn hóa ấy góp phần to lớn làm nên sự vĩnh cửu của văn hóa mỗi dân tộc. Chúng ta đã xây nhiều đền, dựng nhiều tượng, dạy một số tiết trong nhà trường, song tác dụng chưa nhiều. Phải chăng chúng ta chưa đặt ra đúng mức: tôn vinh các danh nhân văn hóa chính là tôn vinh những giá trị văn hoá to lớn của dân tộc, là mang giá trị văn hoá lớn lao ấy vào đời sống tinh thần  toàn dân tộc, đồng thời qua dó quảng bá hình ảnh dân tộc với toàn thế giới. Đó chính là việc góp phần tích cực giáo dục đạo đức nhân văn cho thế hệ trẻ, cho toàn dân. Bởi chỉ có văn hoá mới làm nên nhân cách, làm nên trí tuệ, làm nên khát vọng, làm nên ý chí cho một dân tộc giúp dân tộc ta chiến đấu và chiến thắng, xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giầu mạnh. Đã đến lúc chúng ta cần có những giải pháp tốt cho việc tăng cường giáo dục các giá trị đạo đức nhân văn cho thế hệ trẻ thông qua việc tôn vinh đúng mức, bằng nhiều hình thức các danh nhân văn hóa thế giới của dân tộc ta. Nhìn lại hệ thống giá trị đạo đức nhân văn chúng ta thấy rằng từ thời cổ đại, loài người đã thừa nhận hệ thống giá trị: Chân, Thiện, Mỹ và đến nay vẫn được mọi người thừa nhận, tuy có một vài sự khác nhau giữa các quốc gia, dân tộc. Tiếp đó là hệ thống giá trị nhân văn của Nho giáo thời phong kiến là Nhân, Trí, Dũng. Sinh thời, Bác Hồ thường dạy: Nhân, Trí, Dũng, Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Trung với nước, Hiếu với dân. Như vậy, cái đức cái thiện, lòng yêu dân, yêu nước là cốt lõi trong thước đo giá trị nhân văn của con người Việt Nam. Mà chính cuộc đời, sự nghiệp và những giá trị văn hóa to lớn của các danh nhân văn hóa thế giới cùng bao anh hùng dân tộc của dân tộc ta hội tụ đủ những điều đó. Tôn vinh các danh nhân văn hóa thế giới của dân tộc không chỉ là tôn vinh một con người cụ thể, mà lớn hơn chính là sự tôn vinh những giá trị văn hóa, tinh hoa của dân tộc, làm cho hồn cốt văn hóa dân tộc ấy ăn sâu vào tiềm thức mỗi người, vào đời sống của cả dân tộc.
Nếu cuộc đời và sự nghiệp cùng những áng văn thơ bất hủ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, của Hồ Chí Minh luôn được vang lên trong lòng mỗi con người Việt Nam từ khi còn trong bụng mẹ, đến khi nhắm mắt xuôi tay, thì mỗi con người Việt Nam chúng ta chắc chắn sẽ sống đầy nhân tính, luôn khát khao vươn tới thịnh vượng, hòa bình, hình ảnh Việt Nam thân yêu của chúng ta trong lòng bè bạn năm châu sẽ tươi đẹp hơn nhiều.
         Trần Vân Hạc