Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lễ trao giải cánh diều vàng 2009: HỘI CHỨNG NHỒI NHÉT VINH QUANG

Đỗ Minh Tuấn
Thứ tư ngày 17 tháng 3 năm 2010 9:22 PM

Mặc dù BTC Ngày Điện ảnh Việt Nam lần thứ nhất tuyên bố Lễ trao giải Cánh diều Vàng năm nay sẽ có những nét mới hấp dẫn, nhưng trên thực tế Lễ trao giải Cánh diều đêm 14/3 đã diễn ra một cách tẻ nhạt và nhiều bất cập. Những bất cập trong công tác tổ chức đã khiến cho Lễ trao giải trở nên lộn xộn, thiếu đi sự sang trọng, tinh tế và đúng mực.
 
Lời nguyền bản sao đã ứng nghiệm
 
Trước khi Lễ trao giải Cánh diều vàng 2009 diễn ra, báo chí đã hình dung một cuộc cạnh tranh thú vị giữa hai ứng viên nặng ký cho giải phim hay nhất là Chơi vơi và Đừng đốt. Sau khi Đừng đốt được trao giải Bông sen Vàng tại LHP quốc gia, người ta vẫn hy vọng với tiêu chí tôn vinh những tác phẩm có đổi mới, tìm tòi, giải Cánh diều của Hội Điện ảnh sẽ tôn vinh Chơi vơi nói riêng và dòng phim nghệ thuật nói chung. Mặc dù vậy, ngay trong lúc đó, trên báo chí vẫn có những ý kiến cảnh báo rằng cuộc cạnh tranh giữa Đừng đốt và Chơi vơi chỉ là cuộc cạnh tranh giả. Nhiều khả năng Cánh diều Vàng năm nay sẽ chỉ là bản sao của LHPVN lần thứ 16, nghĩa là mọi giải thưởng Cánh diều rồi sẽ được dồn cho Đừng đốt mà thôi. “Lời nguyền” ấy được tung ra như sấm truyền, chẳng có bằng chứng gì rõ rệt. Ấy vậy mà, thực tế đã cho thấy lời nguyền bản sao đã ứng nghiệm. Đừng đốt được trao giải Phim hay nhất và 5 giải cá nhân.
Lý giải kết quả này, các nghệ sĩ điện ảnh nghĩ theo hai hướng: Một số người cho rằng BGK bị sức ép của BTC và các cấp có thẩm quyền nên trao giải cho một phim có nội dung chính trị. Một số người khác cho rằng chẳng có ai ép BGK, chỉ có các nghệ sĩ điện ảnh vì đố kỵ, không muốn vinh danh Chơi vơi của Bùi Thạc Chuyên nên dồn giải cho Đừng đốt như một cách bỏ phiếu trắng cao tay.
 Ngoài giải Cánh diều Vàng, bộ phim Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh còn nhận được giải Phim được khán giả bình chọn.
 
Có dấu hiệu nhồi nhét vinh quang?
 
Việc trao giải phim hay nhất cho Đừng đốt, một phim về nhật ký của nữ Anh hùng Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm ghi nhận sự hướng thiện của các cựu chiến binh Hoa Kỳ trong việc lưu giữ cuốn nhật ký này có thể được xã hội chấp nhận trong bối cảnh sự kiện chính trị Ngày Điện ảnh Việt Nam đầu tiên cần ghi nhận tôn vinh những tác phẩm về chiến tranh cách mạng. Bộ phim cũng đã gây được những ấn tượng và xúc động cho khán giả, góp phần bồi đắp thêm tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ trong bối cảnh hội nhập hôm nay. Nhưng việc trao đến 6 giải cho Đừng đốt, gấp ba lần số giải thưởng cho Chơi vơi là dấu hiệu nhồi nhét vinh quang khiến công luận quay sang ngậm ngùi cho đối thủ của Đừng đốt là Chơi vơi. Một phim hay cũng có thể được nhiều giải thưởng, nhưng giải thưởng phải trao đúng người. Nếu chỉ trao Cánh diều Vàng cho Đừng đốt và Giải Đạo diễn xuất sắc cho Đặng Nhật Minh thì công luận có thể đánh giá giải thưởng năm nay không tôn vinh cái mới, người mới, nhưng sẽ không thấy ngạc nhiên thất vọng từ A đến Z như tiêu đề một bài báo trên VietnamNet viết về kết quả Cánh diều Vàng năm nay. Việc trao giải diễn viên chính nữ xuất sắc cho  Minh Hương có thể xuất phát từ thiện chí tôn vinh hình ảnh nữ Liệt sĩ Anh hùng Đặng Thùy Trâm nhưng đã không được các  nghệ sĩ và báo giới tâm phục khẩu phục vì diễn xuất của Minh Hương thua các diễn viên nữ chính khác như Linh Đan, Hải Yến (Chơi vơi), Ngô Thanh Vân (Bẫy rồng), Nguyễn Thị Thu (Được sống).
Sự “nhồi nhét vinh quang” cho Đừng đốt cũng làm cho đạo diễn Đặng Nhật Minh có lúc thấy khó xử. Lẽ ra chỉ nên để ông phát biểu một lần, cùng lắm hai lần thôi, còn để cho Giám đốc sản xuất hoặc Giám đốc Hãng phim phát biểu, đằng này BTC bắt ông xuất hiện trên sân khấu phát biểu đến bốn lần khiến vị đạo diễn nhạy cảm này cũng thấy ngượng với sự vồ vập thái quá nên khéo léo thanh minh về việc cứ liên tục vòng đi vòng lại, nói hết phần của Hãng phim, của đoàn phim. Xem ra, yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau, khiến người được yêu lộ liễu quá cũng thấy ngại ngùng.
Sự “nhồi nhét vinh quang” còn thể hiện ra trong việc BTC biến những tác phẩm độc lập như Bài ca hy vọng thành sở hữu của phim Đừng đốt. Bài ca hy vọng của nhạc sĩ Văn Ký đã sống trong lòng bao thế hệ nửa thế kỷ qua, trước khi được đưa vào phim. Vậy mà trong các thông tin về chương trình Lễ trao giải đều ghi tiết mục: Trình bày bài hát trong phim Đừng đốt,  MC cũng đọc dõng dạc trên sân khấu như vậy khiến cho khán giả người nước ngoài hoặc các khán giả trẻ thiếu hiểu biết về âm nhạc Việt Nam lầm tưởng rằng Bài ca hy vọng là bài hát viết riêng cho Đừng đốt. Trong trường hợp này phải viết, phải nói rằng: Trình diễn ca khúc Bài ca hy vọng của nhạc sĩ Văn Ký, bài hát được sử dụng trong phim Đừng đốt. Nếu có văn hóa hơn phải giới thiệu qua lịch sử bài hát, sức sống của nó nửa thế kỷ qua.

 Vinh danh kiểu dùng đấu đong quân
 
Mấy năm trước, các Lễ trao giải Cánh diều Vàng đều có màn vinh danh các nghệ sĩ điện ảnh tiền bối với kịch bản chi ly, với ánh sáng, vũ công và âm nhạc điệu đàng, gây một không khí trang trọng và cảm động. Nhưng năm nay, Lễ trao giải Cánh diều Vàng lại chuyển sang vinh danh đại trà các nghệ sĩ được gọi là lớp nghệ sĩ điện ảnh đầu tiên. Hơn chục nghệ sĩ từ NSND Hải Ninh, NSND Huy Thành, NSND Trà Giang, NSND Đoàn Dũng, NSND Thế Anh đến các nghệ sĩ thuộc các thế hệ sau đứng dàn hàng trên sân khấu, màn từ từ kéo lên như cửa cuốn để họ lộ dần từ chân đến đầu. Cách vinh danh kiểu này thật vui vẻ và giản tiện, y như cách người xưa không đếm xuể số lính phải đào hố làm cái đấu để dồn quân lính vào đong từng đấu cho nhanh. Nhưng binh lính xưa chỉ là những con số, các nghệ sĩ hôm nay có tên tuổi riêng, có cá tính riêng, có bề dày sáng tạo khác nhau, không thể “đong” họ bằng cái đấu mang tên Những nghệ sĩ điện ảnh lớp đầu tiên.
NSND Bùi Đình Hạc không thừa nhận cái đấu này, ông không chịu lên sân khấu đứng chung với những người mà ông cho rằng thuộc lớp nghệ sĩ điện ảnh thứ hai, thứ ba. Theo ông, lớp NSĐA đầu tiên phải là những người như Nguyễn Hồng Nghi,  Phạm Văn Khoa, Mai Lộc, Bùi Đình Hạc, Huy Thành, Phi Nga, Tố Uyên... Vậy mà Tố Uyên, cô bé duyên dáng trong Con chim vành khuyên đã không được BTC đưa vào danh sách những nghệ sĩ được mời lên sân khấu để vinh danh tập thể, chị phải gặp BTC đấu tranh rằng tôi cũng là nghệ sĩ điện ảnh lớp đầu tiên. Nhưng khi chạy vội lên sân khấu để đứng vào hàng, Tố Uyên vẫn không được nhắc tên. Chị phải bước lên nhắc MC, trông rất tội nghiệp, nhưng vẫn không được nhắc tên. Chị lại phải bước lên nhắc MC lần nữa thì tên chị mới được vang lên.
Trong việc này MC không có lỗi, vì họ làm đúng chức phận, không thấy tên trong danh sách thì không dám tự tiện đọc lên. Người  đáng trách ở đây là BTC, đã tạo ra một cái đấu để “đong” nháo nhào các nghệ sĩ lớp đầu tiên mà lại còn bớt xén, không đong đầy đủ. Như vậy là vinh danh nghệ sĩ hay cố ý làm cho họ cảm thấy bẽ bàng, tủi hổ vì bị bỏ rơi?