Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN KHUYẾN VỚI THƠ XUÂN

Trần Trung
Thứ ba ngày 16 tháng 3 năm 2010 6:54 AM
 

Nói đến vẻ thanh cao, nét tinh tế trong hồn thơ Nguyễn Khuyến, người đời thường nhắc đến ba bài thơ thu nức tiếng của ông.
Với Tam Nguyên Yên Đổ, những bài thơ về mùa xuân của ông (phần lớn là thơ Hán tự) một mặt nằm trong phong cách thơ ông; nhưng, một mặt khác vẫn mang dư vị, dáng vẻ riêng - độc đáo và ấn tượng.
Chất men say cảm hứng trong thơ Nguyễn tiên sinh, không phải là chất men sảng khoái, phóng lãng. Mà, là tinh chất, là vị đạm thấm thía, đượm buồn của một thi nhân tài cao, học rộng. Thế mà, vẫn sẵn sàng rũ bỏ bụi công danh, danh lợi để trở lại vườn Bùi quê hương. Để sống đạm bạc với thiên nhiên nơi thôn hương cùng những người dân quê đồng chiêm trũng: lam lũ, vất vả mà tình nghĩa.
Tết đến, xuân về - lẽ thường tình là vui, là ấm áp. Song, thi nhân họ Nguyễn lại viết những câu thơ buồn thương, day dứt:
“Tuổi xuân, thêm được tóc râu phờ
   Nay đã năm mươi có lẻ ba
   Sách vở ích gì cho buổi ấy
  Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già”
(Ngày xuân dặn các con)
Nguyễn Du, trong lần đi sứ Tàu, nơi xa xôi biên ải, từng viết những câu thơ giá buốt tâm tư:
“Tóc sương là bạn đi cùng
Hai tuần chỉ thấy trập trùng núi xanh
Ơn vua chưa đáp chút tình
Mưa xuân nhuần thấm mà mình lạnh xương”
(Trên đường qua Nam quan - thơ dịch)
Còn, Nguyễn Khuyến - ở nơi làng quê Hà Nam, một năm nào đó, thi nhân đã đón những giọt mưa xuân của trời và giao thoa cộng hưởng với mưa tự lòng người:
“Mong xuân, xuân đến không hay
Hạt mưa lất phất từng mây im lìm”
(Xuân Nhật- số 3)
Chao ôi! Bẽ bàng làm sao! Trớ trêu làm sao! Xuân đến còn nghĩa lý gì khi nước mất, nhà tan! Yên Đổ hạ bút trong lời thơ thật đắng lòng, chua xót: “Trước cảnh loạn li, mầu xuân thật trơ trẽn”(Loạn li xuân sắc chân vô lại – Xuân nhật thị chư nhi, 2). Tất nhiên ở một góc nhìn – xúc cảm ân tình khác, Nguyễn Khuyến vẫn vui vẻ sẻ chia  với cảnh, với người quê nét phong tục và tâm lý:
“Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng
Ngoài cửa bi bô rủ chung thịt”
(Cảnh tết)
Tâm hồn vốn lặng lẽ, thanh đạm của Nguyễn Khuyến cũng bắt rất nhạy cảm giác se lạnh mà cũng thật quyến rũ và ngọn gió đông mỗi độ xuân về: “Gió đông phơi phới rước xuân vào”
Song, những câu thơ xuân phơi phới và ấm áp ấy không nhiều. Tiếng gọi bất chợt của quy luật muôn đời, với Nguyễn khuyến, với cảnh ngộ của riêng ông, vẫn ám ảnh và ăm ắp dư vị buồn đau:
“Năm mới đến, năm cũ qua
Mọi người vui vẻ sao ta riêng buồn”
(Xuân Nguyễn hữu cảm)
Nguyễn Khuyến “tự thương mình” vì thấy mình “chỉ là một hủ nho trong cảnh nhiễu nhương gió bụi” (Xuân bệnh - số 3). Từ nỗi ám ảnh nội tâm, khiến người thơ vừa chợt tả cảnh xuân với những câu thơ nào phải hờ hững, vô tình:
“… Hạt mưa lất phất tầng mây im lìm
      Cây xanh nảy lộc bên thềm
       Trên trời, dưới  nước cá chim vẫy vùng”
Thì, cũng liền đó, hình ảnh nhà thơ - tượng hình lên, sao mà buồn đau đến thế:
“Trước song say lại nằm khoèo
Những toan xỏ dép mà trèo non xanh”
Nguyễn Khuyến từng viết: “Sống thoi thóp rất là suy yếu; Đến nỗi xuân đi, xuân lại cũng không hay…”. Nhưng, đọc kỹ mới nhận ra trong thơ ông điều này: sự suy yếu của thể chất, chỉ là một phần; Nỗi lòng đau cảnh ngộ và phận người mới thật sự ám ảnh trong ông:
“Sách vở ích gì cho buổi ấy
 Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già”
(Ngày xuân dặn các con)
Và, để rồi thi nhân buồn chán với chính mình, vì thấy:
“Lối học cũ viển vông, sống có ích gì”
(Xuân nhật hữu cảm)
Buồn đau và liên tưởng, và nghĩ suy từ cái “chết chỗ quang minh” của con thiêu thân lao mình vào lửa sáng:
     “Giống lông cánh, phận mình nho nhỏ
     Chết là yên, chết chỗ quang minh
…. Đèn chong chừng cũng thương mình
     Thân tàn ra bụi, lệ tình chưa khô”

(Đêm xuân thương con thiêu thân - Xuân dạ liên nga)
Nhà thơ Xuân Diệu từng có lời bình phẩm giản dị mà sâu sắc về Nguyễn Khuyến: “Nguyễn Khuyến là con người trí rất sắc mà tâm lại rất hiền!”
Thử đọc lại và suy ngẫm một vài điều mà Tam nguyên Yên Đổ đã dạy con nhân ngày xuân (một loạt bài “Xuân nhật, thị chư nhị”- Ngày xuân dạy các con):
“Bể học cần nên phòng ngừa sự tràn lan
Nhà Nho nhất thiết chớ ngại đói rét”

Với văn chương, Nguyễn Khuyến lưu tâm cho con (cũng là cho hậu thế muôn đời!): yêu cầu tinh sâu của kiến thức trong “bể học” mênh mang, chỉ đầy lên theo thời gian chứ không bao giờ vơi cạn. Nguyễn Khuyến biết hướng đạo cho con đi qua cái rộng dài của “Thiên kinh vạn quyển”… để rồi cũng biết đứng lại lo “thâm canh” cho vốn tri thức của mình. Nguyễn Khuyến dặn con: “Nhà Nho nhất thiết chớ ngại đói rét” cũng chính là muốn con phải đứng vững trước cuộc đời mà cảnh cơ hàn, phong trần từ đời luôn thử thách, đón đợi.
“Các con nối chí cha nên biết
Nghiên bút đừng quên lúa, đậu, cà

Con người từng đứng trên đỉnh cao huy hoàng của sự nghiệp bút nghiên như Tam Nguyên Yên Đổ tiên sinh, cũng là con người ý thức về sự gắn bó máu thịt với quê hương, với những con người “một nắng hai sương”, “chân lấm tay bùn”.
Những lời căn dặn cháu con vừa sâu sắc mà cũng rất đỗi  ân tình đó, phải chăng đã được chắt lọc và vắt ra từ tâm, từ trí của một con người tài hoa - kinh lịch như Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến không bao giờ ngạo mạn với mười năm “mũ mãng cân đai” ở chốn quan trường. Với ông, đó là những năm tháng “bôn ba” nhọc nhằn. Và may mắn làm sao, người thơ đã sớm “trở về” quê hương Yên Đổ, nghèo nàn mà nặng tình nặng nghĩa của mình. Cũng may mắn làm sao, khi trở lại vườn Bùi quê nhà, nhà thơ ngộ ra rằng đã không bị mất đi con người thật của mình: “Trở về may mắn, ta còn là ta!”.
Đọc thơ xuân Nguyễn Khuyến (vỏn vẹn trên dưới mươi bài!) khiến ta xúc động và cảm phục bởi một tâm hồn chứa nhiều u uẩn, dằn vặt song vẫn luôn “gìn vàng giữ ngọc”; luôn hướng tới cái trong lành, thanh nhã và cao thượng. Thơ xuân Nguyễn Khuyến vừa làm cho ta đồng cảm, mến thương nỗi niềm tâm sự từ ông; lại vừa giác đạo cho ta nhiều bài học  đáng quý - nhất là bài học về Đạo – Lý -  Làm - Người.