Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"CHÍNH KHÁCH" HAY "CÁN BỘ CẤP CAO" ?

Dương Đức Quảng
Thứ tư ngày 17 tháng 3 năm 2010 3:42 PM
 
Mấy hôm nay đọc trên mạng thấy có rất nhiều ý kiến bàn luận xung quanh việc chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sắp tới. Nhiều vị là lãnh đạo cấp cao đã về hưu, nhiều vị là học giả, là nhà lý luận chính trị cao cấp đã đưa ra nhiều ý kiến khiến dư luận rất chú ý và cư dân mạng bàn luận rôm rả. Một trong những ý kiến đáng chú ý đó là việc lựa chọn người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước sao cho xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân để đưa công cuộc đổi mới đất nước phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn. Có vị đưa ra tiêu chuẩn của người đứng đầu bộ máy của Đảng và Nhà nước phải “có tâm và có tầm”, không những có tâm với dân, với nước, hiểu được lòng dân mà phải có sự quyết đoán, có sức mạnh chính trị, nhất là có tư duy đổi mới và có tầm nhìn xa, trông rộng để đưa đất nước phát triển.
Tôi nghĩ đông đảo mọi người chia sẻ và đồng tình với những ý kiến đó.
Nhân chuyện cư dân mạng bàn chuyện lựa chọn người đứng đầu đất nước, tôi chợt nghĩ đến chuyện lựa chọn các cán bộ lãnh đạo, không chỉ là nguyên thủ quốc gia mà cả những người đứng đầu một ngành, một địa phương, những chính khách theo đúng nghiã của nó.
Ở ta bốn từ cán bộ lãnh đạo được dùng thay cho hai từ chính khách. Trên các phương tiện thông tin đại chúng ít khi dùng thuật ngữ chính khách, thậm chí có người sợ dùng hai từ đó sẽ đụng chạm đến điều “húy kỵ” nào đó, dễ bị hiểu nhầm. Bởi vì, ngay trong cuốn Từ điển Tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ biên soạn, Trung tâm Từ điển học và Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 2003 đã định nghĩa: "Chính khách: Người hoạt động chính trị chuyên nghiệp có tiếng tăm nhất định (ở các nước tư bản). Mấy chữ trong ngoặc đơn ấy gần như là một sự khẳng định chỉ ở các nước tư bản mới có khái niệm chính khách còn ở ta thì không. Bốn từ cán bộ lãnh đạo dùng để chỉ tất cả cán bộ lãnh đạo từ trung ương đến cơ sở lâu rồi thành quen, không dễ gì tách bạch cán bộ lãnh đạo cấp nào, cỡ nào thì mới là chính khách. Vì thế không ít cán bộ lãnh đạo ở những cương vị cao, thực chất là những chính khách, không mấy khi tự ý thức mình là “người hoạt động chính trị chuyên nghiệp”để hành xử “một cách chuyên nghiệp” trước những vấn đề mình phải đối đầu và giải quyết.
Chính vì không mấy coi trọng tính chuyên nghiệp của người làm chính trị, thực chất là chính khách, nên ngay từ khâu tuyển chọn “cán bộ lãnh đạo” cấp cao (chính khách) tiêu chuẩn chính trị chuyên nghiệp không mấy khi được đề cao và quy trình tuyển chọn còn nhiều vấn đề bất cập. Vì thế, ngay những vị từng là chính khách trên nhiều diễn đàn, thật cũng như ảo, đã góp ý cần sửa đổi quy trình tuyển chọn đó. Một trong những ý kiến đóng góp thiết thực là quy trình tuyển chọn cán bộ lãnh đạo cấp cao phải thật sự dân chủ, công khai và tiêu chuẩn đầu tiên phải là những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp có tư duy đổi mới, không những có kinh nghiệm thực tiễn, nắm bắt nhanh những biến động của đời sống xã hội mà phải là người có sức mạnh chính trị, có sức thu hút và tập hợp lực lượng quần chúng, có tầm nhìn xa, trông rộng, nhất là đáp ứng được sự tin cậy của người dân. 
Đã là chính khách thì hoàn cảnh gia đình, thành phần xuất thân hoặc nghề nghiệp của họ không phải là điều quan trọng nhất mà quan trọng nhất phải là ở bản lĩnh chính trị, ở hoạt động chính trị có tính chuyên nghiệp và ở hiệu quả lãnh đạo, điều hành của họ. Vì thế mới có chuyện ở Mỹ ông diễn viên điện ảnh Ri-gân trở thành Tổng thống và ở nhiều nước Bộ trưởng Quốc phòng không phải là sĩ quan cấp tướng, thậm chí có nước còn là Bà chứ không phải là Ông! …Sở dĩ như vậy là vì Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng hay nhiều cương vị lãnh đạo khác tương tự đều là những chính khách, những nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, những ngườihoạch định chính sách chứ không phải là những người “thiên lôi chỉ đâu đánh đấy”!Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh từng kể khi sang Pháp làm việc phía Pháp giới thiệu với ông: Bộ trưởng Y tế của họ không cần phải là bác sĩ, bởi vì ở cương vị Bộ trưởng Y tế ông/bà đó là chính khách, là người hoạch định chính sách về y tế chứ không phải là người chữa bệnh. Họ làm thế là để đề phòng nếu Bộ trưởng Y tế là bác sĩ thì có khi hoạch định chính sách lại nghiêng về phía bảo vệ quyền lợi của thầy thuốc mà coi nhẹ quyền lợi của người bệnh và của cộng đồng xã hội.
Còn tôi, tôi nhớ lại một câu chuyện được nghe đã lâu, cũng có chút nào đó tương tự như câu chuyện trên. Sau ngày giải phóng miền Nam ít lâu, ông Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy V được được điều động ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới là Bộ trưởng Nông nghiệp. Ông Võ Chí Công đã gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn, nói rằng mình ở chiến trường quá lâu, chỉ có kinh nghiệm hoạt động trong chiến tranh, không có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sợ khó đảm nhận tốt nhiệm vụ. Ông Lê Duẩn nói, chính vì thế mới cần ông Võ Chí Công làm Bộ trưởng Nông nghiệp vì nếu đã biết, đã có kinh nghiệm thì dễ chỉ đạo theo cách làm cũ, mà nông nghiệp thì đang cần có cách làm mới. Có lẽ ông Lê Duẩn biết chuyện ngay sau ngày giải phóng miền Nam, ông Võ Chí Công ra thăm miền Bắc, về nông thôn thấy xã viên trong các hợp tác xã nông nghiệp ra đồng làm việc theo kẻng của hợp tác xã, làm việc đủng đỉnh chờ “rong công phóng điểm”, không đầu tắt mặt tối như trước và thực tế thu nhập từ hợp tác xã, chiếm 95% đất, không bằng thu nhập từ 5% diện tích đất giao cho gia đình, đã thấy điều đó là không ổn. Trở về Đà Nẵng, ông nói chuyện với cán bộ, chính sách gì mà để nông dân không còn gắn bó với ruộng đất là cần phải xem lại. Sau này, ông Võ Chí Công là người ủng hộ “khoán chui” ở Hải Phòng, ủng hộ “khoán 100”, giao ruộng đất về lại cho hộ nông dân. Trong trường hợp này rõ ràng cuộc sống cần một ông Bộ trưởng Nông nghiệp là một chính khách có tư duy đổi mới chứ đâu cần một ông Bộ trưởng Nông nghiệp là giáo sư, tiến sỹ hay là kỹ sư về nông nghiệp nhưng lại bảo thủ!
Thế mới biết quan niệm về chính khách là rất khác nhau và làm chính khách thật không dễ. Có lẽ đã đến lúc cần quen dần với khái niệm chính khách để cán bộ lãnh đạo cấp cao của ta cũng thật sự là chính khách, là "những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp có tiếng tăm...", chứ không phải chỉ là các cán bộ lãnh đạo chung chung “được Đảng phân công” như cách hiểu phổ biến trước đây.   
Nguồn: Blog Đầu Gối, http://vn.myblog.yahoo.com/dd_quang1945