Vào khoảng canh ba, tôi thấy Cụ Lý Thái Tổ lặng lẽ rời khỏi tượng đài ở vườn hoa cạnh Hồ Gươm ra đi. Tôi đến trước Cụ và dập đầu hỏi Cụ đi đâu trong đêm khuya khoắt như thế này khi mà cả thành phố đang náo nức chuẩn bị đủ thứ cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long.
Nhưng Cụ không nói gì. Cụ im lặng, cúi xuống nhìn tôi đang phủ phục trước mặt và thở dài. Tuy tôi chẳng có trách nhiệm gì với Đại lễ 1000 năm Thăng Long, nhưng tôi vẫn kinh hãi lo rằng nếu những ngày Đại lễ tưng bừng ấy mà không có Cụ. Bởi thế, tôi cứ dập đầu lia lịa và cầu xin Cụ có thể nói cho kẻ thảo dân này biết vì sao Cụ lại ra đi và xin Cụ tha tội mà ở lại với muôn dân trong những ngày này.
Và như hiểu lòng kẻ thảo dân mạo muội và cũng không nỡ để thảo dân của mình phải quỳ lạy mãi thế, Cụ bảo tôi đứng dậy. Tôi hỏi Cụ có phải muôn dân có gì thất thố với Cụ mà Cụ bỏ đi không? Cụ lắc đầu. Tôi lại hỏi có phải muôn dân chuẩn bị Đại lễ 1000 năm thiếu hoàng tráng không? Cụ mắng: Nói bậy. Ta đâu phải là vị Vua thích hình thức lòe loạt. Câu hỏi láo xược của ngươi đáng tội chém. Nhưng ngươi hỏi chân thành nên ta tha tội.
Sợ quá và cũng mừng quá vì thoát chết, tôi chỉ biết cúi đầu đa tạ Long ân của Cụ mà chẳng dám hỏi thêm câu gì nữa. Đến lúc đó thì Cụ cất tiếng: ta đi vì lòng thấy buồn quá. Ta vừa chứng kiến các nữ hậu duệ của ta túm vào đánh đập man rợ một hậu duệ khác ngay trước mặt ta. Ta không hiểu các người dạy dỗ con cháu như thế nào mà ra nông nỗi này.
Cụ nói rằng phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay vốn dịu dàng, chăm chỉ và nhân ái vô cùng. Thế mà bây giờ, các hậu duệ nữ của ta trông hình thức đều xinh đẹp mà ác như quỷ dữ. Họ công khai hành hung bạn mình một cách độc ác ngay trước mặt ta, công khai ngồi xem một con người bị đánh đập tàn nhẫn như xem hội cho dù chưa biết nguyên nhân gì, công khai quay clip như quay cảnh chọi gà, chọi trâu, rồi công khai đưa lên mạng để thêm một lần vui thú. Người hay là ma quỷ hiện hình đây? Với những hậu duệ này thì Cụ Lý hay Cụ Lê cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Ta không thể hiểu các người dạy dỗ con cháu lịch sử nước nhà như thế nào?
Cụ còn nói nhiều đêm Cụ nhìn thấy những trai thanh nữ tú hậu duệ của Cụ đến tiêm tiêm chích chích ma túy ngay dưới chân Cụ. Có lần Cụ thấy một hậu duệ nữ đi xe khủng, dùng điện thoại khủng nói với ai đó như thế này: Tôi đi đâu mặc tôi. Không phải bà đẻ ra tôi thì muốn bắt tôi làm gì cũng được. Cho dù là ngôn ngữ thời hiện đại, nhưng Cụ vẫn hiểu cô gái ấy đang nói chuyện với mẹ mình.
Thanh thiếu niên như thế mà những người lớn hình như đi đâu hết cả hoặc quá bận những chuyện đẩu đâu. Còn chuyện gì quan trọng hơn việc dạy dỗ con cháu thành người nữa đây. Chẳng lẽ chuyện san lấp hồ nước, phá rừng, chuyện lấy đất ruộng của nông dân làm quá nhiều sân Golf, chuyện lo thăng quan, tiến chức, chuyện tham ô tham nhũng ...quan trọng hơn cả ư?
Rồi Cụ thở dài và nói nhìn thấy mọi chuyện như thế mà người bảo ta cứ ngồi yên trên bệ đá xung quanh chất đầy lễ vật và hương khói được ư? Cứ mà cờ trống, đèn hoa là vui ư? Cứ khai trương, khai mạc mà ý nghĩa ư? Như vậy chỉ còn nước là rời khỏi đây cho đỡ rầu lòng mà thôi. Cụ nói Cụ chẳng bao giờ rơi nước mắt ngay cả trong những năm tháng đất nước vô cùng hiểm nguy với những đe dọa của thù trong giặc ngoài. Thế mà bây giờ Cụ không sao cầm được nước mắt.
Cuối cùng Cụ cúi xuống xoa đầu tôi như an ủi kẻ thao dân yếu đuối và bất lực này và phất áo ra đi. Tôi thét lên gọi Cụ và tỉnh giấc. Tôi nằm suy nghĩ mãi rồi mệt quá ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy đã thấy trời sáng, vội lao lên xe máy đi làm. Nhưng thực chất là cố chạy ra bờ hồ xem Cụ còn ở đó không. Nhưng hỡi ôi, đường tắc nghẽn dằng dặc. Mọi người chen chúc nhau, cãi cọ nhau, tranh giành từng nửa bánh xe máy một.
Đến được bờ hồ thì trời đã gần trưa. Từ xa nhìn thấy tượng Cụ vẫn đứng đó. Mừng quá suýt đâm vào xe một người đi trước. Khi đến được vườn hoa nơi có tượng Cụ. Tôi vội dựng xe máy chạy đến trước Cụ. Không biết hồn thiêng của Cụ có còn trong bức tượng đá hay không. Chỉ thấy trên gương mặt uy nghi và thánh thiện của Cụ đọng đầy những giọt nước. Có lẽ đó là những hạt mưa từ đêm qua.