Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BI HÀI CHUYỆN “CHẠY CHỨC” Ở THIÊN TRƯỜNG

Nguyễn Quang Thân
Thứ hai ngày 15 tháng 3 năm 2010 5:45 AM

“Hãi hùng, nghẹt thở, kinh hoàng, chen chúc, bẹp ruột, chặt chém trong đêm xin – cướp ấn đền Trần”… Đó là những kiểu giật tít của báo chí sau ngày rằm tháng Giêng, lễ hội “khai ấn đền Trần” ở Nam Định. Chưa hết, báo Tiền Phong phát hiện nhiều bản ấn in sai: 4 chữ Ban Phúc Vô Cương ( ban phúc không bờ bến) đã được khắc sai: “ Ban phúc vô cường” ( ban phúc không mạnh). Chắc chắn đây là lỗi của “cậu đánh máy” và đã có ấn giả!
Cái linh thiêng, tốt đẹp chỉ cách cái lố bịch một sợi tóc!
Lễ khai ấn có từ thời Trần, mở vào khoảng giữa “tháng ăn chơi”, mục đích là để nhà vua và Triều đình khẳng định một năm làm việc mới của hệ thống quan lại các cấp. “Khai ấn” chỉ có nghĩa là “bắt đầu đóng triện”, hệ thống khởi động làm việc sau nhiều  ngày cất ấn nghỉ Tết. Một số sách sử có chép là cũng nhân dịp này nhà vua tổ chức thưởng công, phong tước, nhưng có lẽ việc này chỉ kềm cặp thêm mà thôi. Đời sau, ngày khai ấn, trở thành một lễ hội dân gian lành mạnh và tốt đẹp là để tưởng nhớ công đức nhà Trần, cũng là nhắc nhở mọi người nhất là quan lại, trở về với công việc và bổn phận sau Tết. Nên nhờ rằng thời Trần kỷ luật, kỷ cương rất nghiêm, một di sản tích cực của Trần Thủ Độ.
Không biết từ bao giờ, có lẽ là chỉ mấy năm nay thôi, ngày khai ấn với tất cả vẻ đẹp và ý nghĩa của nó đã biến thành một lễ hội rất nhuốm màu sắc thời đại: xin ấn, cướp ấn để cầu mong thăng quan tiến chức, thậm chí làm ăn phát tài. Cái biến tướng tha hóa đó cũng giống như với bà chúa Kho. Đến đền bà chúa Kho, thay vì để tưởng nhớ cha ông làm hậu cần giỏi đánh giặc giữ nước, người ta lại mong vay vốn làm ăn. Đến đền Trần không phải để cùng nhau hứa hẹn một năm trách nhiệm, nghiêm chỉnh làm việc, người ta (có cả quan to, rất to) cầu xin, thậm chí “cướp” để “chạy chức” với thần thánh. Một bên là danh, một bên là lợi. Cái thói hám danh lợi ấy sinh ra từ đâu chúng ta biết quá rõ rồi.  
Tôi nghĩ rằng,  nếu có linh thiêng, các đời vua Trần không tuyển quan lại ( công chức) từ những người đến xin, đến cướp. Mà qua khoa cử, qua tiến cử người hiền tài, tam cố thảo lư, qua quy chế chặt chẽ và nghiêm nhặt của một triều vua thịnh trị. Kẻ xin làm quan, chạy đủ trò để được làm quan là kẻ vất đi, đáng chặt một ngón chân, vua cũng như dân không màng. Câu chuyện Trần Thủ Độ xin được chặt ngón chân cái của thằng cháu “chạy chức” dù đó chỉ là một chức “câu đương” ( chắc tầm cỡ tổ trưởng hay tiểu độ trưởng bây giờ) để phân biệt nó với người khác mà tiếp tục “ưu ái” nói lên tinh thần trong sáng, nghiêm chỉnh về mặt nhân sự của một trong những triều vua vĩ đại nhất của nước Đại Việt ta.
Triều vua ấy biết tổ chức hàng năm, “vào ngày mồng 4 tháng 4, tể tướng và trăm quan đến trực ngoài cửa thành từ lúc gà gáy, (sau đó) thành đội ngũ, nghi trượng theo hầu (Vua), đến đền thờ thần núi Đồng Cổ , uống máu ăn thề. Thề rằng:  Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết. Đọc xong, tể tướng sai đóng cửa điểm danh, người vắng mặt phải phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy, trai gái bốn phương đứng chật ních bên đường để xem như ngày hội lớn.” ( Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
Chen “bẹp bụng” để xin ấn, cướp ấn, chạy chức một cách công khai không thèm biết thế nào là xấu hổ, liêm sỉ, lại thêm trò ấn giả…tấn trò này lẽ nào không được Bộ Văn Hóa Thông Tin & Du Lịch ngó tới hoặc nghĩ ra cái gì để khôi phục lại vẻ đẹp xưa của cha ông? Hay là người ta nghĩ rằng đó là “nhiệt tình phục vụ làm đầy tớ của nhân dân”, không nên có ý kiến?
(Nguồn
http://thanngan.tk)