Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thêm một góc nhìn về phim "Bước khẽ đến hạnh phúc"

Nguyễn Anh Tuấn
Thứ năm ngày 13 tháng 11 năm 2014 7:05 PM

Trước khi xem "Bước khẽ đến hạnh phúc (BKĐHP), tôi đã được đọc khá nhiều ý kiến phê bình nặng nề về bộ phim này, tiêu biểu như: "là một tác phẩm khá tham vọng khi muốn nhắc đến nhiều vấn đề như hòa giải dân tộc, lý tưởng tuổi trẻ, nạn tham nhũng ở Việt Nam... Tuy nhiên, mọi cố gắng đều chỉ nằm ở mức độ nửa vời, ý tưởng trong phim chưa được phát triển đến nơi đến chốn, nhiều chi tiết còn nặng tính minh họa…" - "...nhìn về Việt kiều, về miền Tây Nam bộ quá sơ sài, bề nổi kiểu du lịch... hình ảnh trong phim đơn điệu, nhàm cũ, chẳng có nổi một cảnh sáng tạo đủ chiều sâu...Thủ pháp kể chuyện thì khá cũ... khiến phim lộ rõ sự sắp xếp gượng ép, thiếu tự nhiên." v.v.
Sau khi được xem phim, tôi muốn "khẽ khàng" được trao đổi lại chút ít với những nhận xét trên, tuy mang màu sắc học thuật, song lại trệch ra khỏi thực chất của bộ phim!
Ý tưởng nào trong phim chưa được phát triển đến nơi đến chốn? Cái độc đáo của phim BKĐHP, và cũng chính là bản lĩnh của đạo diễn Lưu Trọng Ninh có từ phim đầu tay Canh Bạc, theo tôi chính là chẳng minh họa cho một ý tưởng nào cả! Sự hồ hởi, tin yêu, khát vọng mong tìm lại cội nguồn và được làm điều gì đó có ích cho Tổ quốc của cô gái Việt Kiều Vivian là cảm hứng lớn, và cũng là điểm xuất phát của bộ phim từ màn chữ đầu cho tới cảnh phim cuối. Các nhà làm phim đã chọn đúng diễn viên, biết khai thác mặt mạnh của diễn viên để tạo nên một nhân vật phải nói hết sức tự nhiên và sinh động- kể cả thứ tiếng Việt chưa sõi lẫn tiếng Mỹ của cô; một người con gái mang dòng máu Việt với tất cả sự hồn nhiên, ngây thơ, bất cẩn, song giàu tâm hồn trắc ẩn và đầy lòng tự trọng của một nữ trí thức...đã được miêu tả qua hàng loạt chi tiết, tình tiết giàu tính điện ảnh và cũng giàu chiêm nghiệm của đạo diễn (đơn cử tình tiết Vivian chạy đập mặt vào cửa ra vào khi tin tưởng người đi trước sẽ làm như mình, và sau đó cô được một bài học chua chát về phép lịch sự dường đã biến mất ở VN!) Tôi không tìm thấy bất cứ chi tiết nào có tính minh họa trong phim như lời phê bình nọ! Đây là vai mà Ngân Khánh đóng như không diễn, cô sống tự nhiên với một nhân vật có sức cuốn hút, chinh phục, bởi đã được các nhà làm phim chăm chút kỹ lưỡng qua nhiều cảnh phim chân thực, bi hài xen lẫn, qua các mối quan hệ được xử lý khá "ngọt", trên cơ sở logich đời sống- với nhóm trẻ em đường phố, chàng kỹ sư lãng tử (Quách Ngọc Ngoan đóng), một chàng Việt Kiều có dã tâm (Doãn Tuấn đóng), các bà má Sài gòn và miền Tây Nam bộ... Những lời thoại ngắn gọn của Vivian không hề lên gân, lên lớp người xem về lòng yêu Tổ quốc của cô. Ở những cảnh đối đầu với tay Việt kiều độc ác, Vivian với bề ngoài mềm mỏng lịch thiệp song thông minh, quyết đoán, kiên định đã có những câu thoại khiến người xem khó tính nhất cũng phải "tâm phục khẩu phục". Hai nhân vật: kỹ sư Quân và cô bé đánh giày Rõ cũng được chọn lựa khá chính xác về diễn viên, tạo nên bộ- ba- nhân- vật làm trụ cột cho sự phát triển phim, đủ sức kéo cả phim đi một cách trơn tru, hợp lý, gây bất ngờ thích thú cho người xem hết trường đoạn này sang trường đoạn khác. Một nhân vật phụ- cô người mẫu chỉ đôi lần xuất hiện thoáng qua cũng đủ cho ta thấy tất cả sự lạnh lùng, trống rỗng của loại người chạy theo hưởng thụ và muốn nổi tiếng bằng mọi giá- đối lập gay gắt với cô gái đang tìm về cội nguồn... Với phim này, đạo diễn LTN phải chăng đã góp phần giải tỏa cái "vấn nạn" mà nhà văn Tô Hoàng từng gióng lên hồi chuông cấp báo: Điện ảnh VN không có nhân vật?(Trong một bản tham luận về ĐẢ năm 2008- Nhân vật ở đây hiểu là "những nhân vật có hồn cốt, có xương thịt; thông qua hành động và xung đột... khắc hoạ được tính cách").
Còn các ý kiến phê phán rằng: "những cảnh miền Tây đẹp nhưng cũ quá, làm 10 năm trước thì hợp", lại "quá sơ sài, bề nổi kiểu du lịch", theo tôi là một kiểu nói lấy được. Thế nào là cũ, thế nào là mới? Tình tiết đi về miền Tây Nam bộ tìm người thân cho hai em bé đánh giày mồ côi phải nói là một tình tiết đắt giá trong đường dây truyện phim, có tác dụng nhấn mạnh thêm tính cách "hào hiệp" của đôi nam nữ thanh niên, đồng thời có dịp bộc lộ một cách sinh động bản chất nhân hậu của người dân nơi đây- tương phản với những âm mưu bẩn thỉu, độc ác ở thành phố mà Quân & Vivian đang phải đối diện. Chuyện bà má nơi sông nước nhận hai đứa trẻ xa lạ làm ngoại của mình, và cảnh hai bà cháu chạy tới ôm lấy nhau, dẫn tới nước mắt của nhân vật phim lẫn của khán giả đã được đạo diễn chuẩn bị rất kỹ lưỡng, khiến phim thoát khỏi sự ngẫu nhiên hoặc sự áp đặt! Cùng nhiều cảnh đẹp sông nước miền Tây phù hợp với tâm trạng háo hức của Vivian, có cảnh những tia nước của lưới đánh cá tung lên như muôn vàn hạt ngọc trước mắt cô Việt Kiều đang say sưa; và một trong những cảnh phim giàu chất thơ, giàu tính điện ảnh hiếm có ấy đã không chỉ diễn tả vẻ đẹp của thiên nhiên, mà chính là vẻ đẹp của tình người- điều Vivian khao khát, và đang dần phát hiện ra ở quê hương mình.
Phim BKĐHP, thoạt tiên đúng là cho ta cảm tưởng "khá tham vọng khi muốn nhắc đến nhiều vấn đề". Nhưng, mục đích của phim lại không có tham vọng giải quyết những vấn đề đó. Những "vấn đề" trong phim thực ra chỉ là cái nền tạo ra bối cảnh hoạt động cho nhân vật chính, góp phần đắc lực lý giải tính cách, sự phát triển tâm lý nhân vật. Nếu vào tay một đạo diễn khác, có thể phim sẽ khai thác sâu thêm tình tiết chiếc điện thoại bị cướp- dẫn tới một cuộc tống tiền sặc mùi hình sự, hoặc những cuộc săn tìm nghẹt thở của tay Việt kiều trục lợi và đồng bọn đối với cô gái đã ngang nhiên đe dọa quyền lợi của chúng... Lưu Trọng Ninh đã không sa vào kiểu phim đó. Ở phim này, tiết chế tối đa những motip hành động, đuổi bắt, anh dừng lại lâu hơn ở những chi tiết trữ tình có khả năng khám phá tâm trạng nhân vật và gợi mở ở khán giả sự suy ngẫm, đồng cảm (mà không làm giảm đi tiết tấu căng thẳng của phim)- vốn là một thế mạnh của anh. Cảnh cô bé Rõ đánh giày cất tiếng rao quen thuộc của em giữa hè phố, trong tiếng nức nở cố kìm lại khi nghĩ về cảnh ngộ của em gái mình, là một ví dụ rất tiêu biểu cho phong cách LTN trong khả năng kết hợp nhuần nhị âm thanh, ánh sáng, động tác máy quay, diễn xuất, tình huống của nhân vật để gợi ra trong lòng người xem những cảm nghĩ khó tả thành lời về thân phận con người trong xã hội. Những cảnh quay nội-ngoại, đêm-ngày ở thành phố, với sự ăn ý về cảm xúc nghệ thuật giữa đạo diễn, quay phim và các thành phần nghệ thuật khác đã tạo ra một cảm giác về sự đe đọa, bất ổn thường xuyên đối với các nhân vật lớn bé - song đồng thời lại giúp ta thấy hy vọng hơn, tin hơn ở nghị lực sống dào dạt đang tiềm ẩn trong họ. ( Xin nhớ lại chi tiết cảnh quay chậm cô bé Ràng đang chạy đến với chị gái trên hè phố, khiến người xem bất giác lo âu vô cớ, rồi trở lại tiết tấu bình thường cảnh con bé ôm chầm lấy chị. Bâng quơ thôi, nhưng đó lại là loại chi tiết cảm xúc- biểu tượng cần có rất hữu ích, nếu xử dụng đúng chỗ trong những phim tâm lý xã hội).
Với lời phê bình: "Thủ pháp kể chuyện thì khá cũ", tôi rất băn khoăn, nên hiểu về cái cũ ra sao, và mong đạo diễn làm theo kiểu mới thế nào? Liệu tác giả đó có hiểu cho: ngay cả điện ảnh của thế giới hiện tại vẫn có dòng phim kinh điển thể hiện ngôn ngữ điện ảnh truyền thống song song với các dòng phim có khuynh hướng cách tân? Nếu xem phim "Người đọc sách" (The Reader), hoặc "Kiêu hãnh và định kiến" (Pride and Prejudice), "Kẻ trộm sách" (The book thief)- ta thấy ngôn ngữ điện ảnh của các bộ phim có giá trị nghệ thuật cao kể trên được sản xuất gần đây đâu có gì gọi là "mới" trong cách thể hiện? Phim ta chất lượng nghệ thuật còn kém xa phim thế giới, nhưng cũng không nằm ngoài quy luật: bài bản và phá cách luôn cùng song hành. Như vậy, xin lỗi, cái đòi hỏi phi lý trên thực ra là sản phẩm của lối phê bình phim cảm tính, tùy tiện, nghiệp dư nên bớt dần đi trên báo chí !
Có người cho rằng: "Câu chuyện tình của nhân vật chính Vivian với chàng nghệ sĩ Quân thì lại rất… Hollywood khi cả hai lao vào nhau khá chóng vánh ". Tôi nghĩ khác. Với sự miêu tả khá chu đáo tính cách của chàng kỹ sư lãng tử và đối tượng của anh- một cô gái cũng có chất lãng tử đáng yêu không kém, thì xử lý của đạo diễn về cách họ đến với nhau không làm khán giả ngỡ ngàng (dĩ nhiên trừ những nhà đạo đức giả), và rõ ràng phim Hollywood đâu phải là độc quyền ở lĩnh vực này! Cách Quân chinh phục Vivian mang đậm dấu ấn LTN, và có thể nói đó là những trường đoạn phim lý thú nhất của anh, của điện ảnh VN nói chung! Tuy nhiên, theo tôi, sau cảnh hai người ôm nhau lăn lộn trên đống rác nilon ở giữa phim mà khán giả thấy không chướng mắt, vào gần cuối phim, tới cảnh Vivian nằm bên lọ hoa sen của căn phòng tạm bợ do công nhân dựng lên cho họ, thì không nên có cảnh "nóng" nào nữa, để khán giả được sống trọn vẹn với hương vị, vẻ đẹp của một mối tình "gái trai tài sắc ngang nhau" đang lẩn trốn sự độc ác! Mặc dù đạo diễn đã xử lý cảnh "nóng" tột độ này một cách khá nghệ thuật, hơn đứt nhiều phim lấy cảnh "nóng" làm yếu tố câu khách thuần túy, song nếu như BKĐHP không có những cảnh này, bộ phim chắc sẽ hoàn hảo hơn, và những người cố bám vào chuyện "nuy toàn phần" của diễn viên Ngân Khánh để tìm cách hạ bệ phim này sẽ phải chưng hửng!
Sau rốt, tôi muốn nói lời cảm ơn sâu sắc tới "bà đỡ" của phim BKĐHP - Hồngngát Film, một hãng phim tư nhân duy nhất khắp ba miền cho tới thời điểm này đã không làm bất kỳ một phim giải trí nào, và đã dám làm một phim nghệ thuật đúng nghĩa, có giá trị: BKĐHP, bất chấp những quy luật nghiệt ngã của thương trường phim ảnh!

Hà Nội 6-11/2014
Đạo diễn, nhà báo Mai An Nguyễn Anh Tuấn