Nhớ về Anh Vũ, tôi lại nhớ vần thơ anh viết thưở nào.
Thị xã đèn dầu thị xã của anh
thị xã của em mà em bỏ vắng
bàn tay em sao anh không được nắm
chỉ bốn bề là đôi mắt em thôi.
Đôi mắt đen đen, đôi mắt cười cười
đôi mắt nghịch tinh một mình em có
lửa lom đom anh càng thấy rõ
đôi mắt em, trời ơi, đôi mắt em...
Những vần thơ này, dễ chừng Anh Vũ viết trên bốn thập kỷ rồi. Ngày ấy anh còn trẻ, thị xã Bắc Ninh còn trẻ và nhỏ bé. Quanh quanh một vòng đi bộ là hết. Nhưng ngày ấy, chúng tôi thấy thị xã sầm uất lắm. Những biển hiệu thuốc ông lang Chọi, hiệu sách Khánh Ký, tiệm may Ninh Xá, nhà hàng Quảng Lợi và đặc biệt tháp nhà thờ Lớn giữa phố thỉnh thoảng lại đổ hồi chuông vừa trầm tĩnh vừa ngân vọng vào từng phố nhỏ. Ấy là thời chiến tranh phá hoại, điện đóm bữa đực bữa cái. Thị xã quen cảnh đèn dầu. Những cô gái mảnh mai gánh nước giếng khơi từ trong ngõ nhỏ về nhà, tạo thành những vệt nước ngoằn nghèo khó hiểu trên hè phố. Căn nhà nhỏ số 50 phố Nhà Chung với mặt tiền hẹp, quay nhìn vào chợ. Đêm đêm, trên gác xép căn nhà đó, anh thường cậm cụi bên ngọn đèn dầu, ngọn bút lia xoàn xoạt trên trang giấy. Anh sáng tác thơ. Những câu thơ ào ạt cảm xúc, thường được anh viết bằng chiếc bút chấm mực màu tím. Những con chữ khi thẳng đứng, khi nghiêng nghiêng, cứ ùa ra, ứa tràn nỗi niềm. Dạo ấy, những năm đầu của cuộc chiến tranh phá hoại. Tuy bước vào cuộc chiến tranh khốc liệt, nhưng đời sống thị xã vẫn chưa bị xáo trộn nhiều. Một lớp người mê văn chương chữ nghĩa ở thị xã ngày ấy hay gặp gỡ nhau. Họ hổn hển đọc cho nhau những vần thơ, trang văn mới viết. Rồi chuyền tay nhau những cuốn sách hay vừa đọc. Đấy là Anh Vũ, Nguyễn Thanh Kim, Trần Anh Trang, Nguyễn Ngọc Ly. Thỉnh thoảng có cả Trần Ninh Hồ từ Bắc Giang xuôi về. Đỗ Chu thì nổi danh rất sớm, mỗi dịp anh về thị xã, coi như một sự kiện văn học cho đám mê viết lách ở thị xã. Anh Vũ mê thơ và làm thơ rất sớm. Tủ sách nhà anh khá phong phú. Nào văn học trong nước, ngoài nước. Đủ loại. Nào Kim Vân Kiều, Nhị Độ Mai, Trê Cóc, đến Thủy Hử, Tây Du Kí. Cả sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, rồi cả sách Hiệp khách Giang hồ, Chinh đông Chinh tây... Ngày ấy, Anh Vũ cũng như lũ chúng tôi, vớ được cuốn nào là đọc nghiến ngấu. Đọc như ăn gỏi, như thay bữa cơm. Rồi Anh Vũ hí hoáy cầm bút viết thơ, viết văn từ khi nào không rõ.
Căn nhà nhỏ bé phố Nhà Chung càng trở thành chỗ tụ bạ cho lũ chúng tôi, khi ông chú tôi chuyển về quê ở. Anh Vũ hoàn toàn được sống theo ý của mình. Anh thức khuya dậy sớm, có khi thức trắng đêm với đám bạn viết lách, đọc cho nhau nghe những câu thơ vụng dại, mà ngỡ như nổi đình nổi đám, làm đổi thay cả thế giới không bằng. Anh Vũ và chúng tôi, cái lũ mê chữ mê viết tới mức ngông cuồng, đã có thời được sống trong không khí bình yên và mơ mộng như thế.
Không vào được đại học, Anh Vũ thi vào Trung cấp sư phạm nhạc họa Hà Đông. Tuy học ở xa, hễ chủ nhật, anh lại nhảy ô tô về căn nhà nhỏ phố Nhà chung ở thị xã đèn dầu của anh. Bạn bè lại tụ bạ để đọc cho nhau những câu thơ mới viết tưởng cao rộng như giời bể. Anh Vũ vẫn cắm cúi viết những dòng thơ mực tím. Ngòi bút chấm mực vẫn chạy xoàn xoạt trên trang giấy mơ hồ. Ông chú tôi thi thoảng lại gồng gánh đôi quang sọt chất đầy mâm đồng, đỉnh đồng, nồi đồng, siêu đồng từ Bưởi nồi gần núi Thiên Thai, gánh vã bộ qua thị xã thăm căn nhà. Rồi ông chú tôi lại thũng thẳng trở về quê với món hàng nặng nhọc trên vai, hòng về kịp phiên chợ để bán kiếm đôi đồng tiền lãi. Độ ấy, bố tôi còn sống. Ông chú tôi hay ngồi giãy bày với bố tôi, rằng, chả biết anh Ứng làm vương làm tướng gì, mà giấy má, sách vở ngổn ngang đầy nhà. Ông chú tôi và bố tôi chỉ biết mơ hồ Ứng ôm mộng làm văn chương. Chả biết có thành danh không, hay lại rước họa vào thân, chứ khanh tướng gì cái tạng học trò dài lưng tốn vải ấy.
Ông bà nội tôi sinh nhiều con, nhưng tính đầu trai, chỉ còn bố tôi và ông chú tôi. Nhà neo, anh em lại hợp nhau, chả mấy ngày ông chú tôi không ghé vào thăm bố tôi. Việc Vũ Công Ứng, tên cúng cơm của Anh Vũ, mê viết lách, gia đình không ngăn cản, nhưng bố tôi và ông chú tôi đều nghiệm thấy đời người dính vào chữ nghĩa, trước sau rồi sẽ khổ.
Ấy rồi Anh Vũ gửi thơ mới viết tới các tòa báo. Rồi lác đác, một vài tờ báo in thơ Anh Vũ. Đến khi được in thơ trên báo Văn Nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội, thì Anh Vũ đã đủ tự tin để bước vào nghiệp văn chương của mình. Thơ Anh Vũ ngày ấy, đã ánh lên vẻ đẹp trong trẻo và nỗi đam mê ngất ngây. Anh viết đủ mọi đề tài, từ loanh quanh thị xã đèn dầu, rồi trải lòng tới nhiều làng xóm. Từ góc nhỏ gia đình, đến những ngả đường rộng dài đất nước. Mảng đề tài quan họ, đề tài về rừng cuốn hút anh khá mạnh. Chùm thơ về rừng của Anh Vũ in trên tạp chí Tác phẩm mới, tháng 8 năm 1970, tuy chỉ hai bài thôi (Màu xanh em gái mù và Chơi với rừng), đã gây ấn tượng mạnh với anh em viết. Anh được giải cao về cuộc thi viết về đề tài lâm nghiệp của Tổng cục Lâm nghiệp và Hội nhà văn tổ chức. Những câu thơ anh viết dạo đó, còn ngân trong nỗi nhớ của tôi
Ngọn gió rừng như con ngựa hoang
Vào rừng bạch đàn hiền như đứa bé...
(Chơi với rừng)
Cùng thời điểm đó, Anh Vũ cũng có mấy tập truyện thiếu nhi, ký tên Việt Tâm, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, cũng chứa chất hồn thơ, như Khói đất, Vườn trên cửa sổ... Tôi còn nhớ trước đó, trong một kỳ đi trại sáng tác của Bộ giáo dục, năm 1969, Anh Vũ đã viết xong tiểu thuyết “Suối đỏ”. Cuốn tiểu thuyết hơn hai trăm trang viết về trường giáo dưỡng thiếu niên chậm tiến, nơi anh từng công tác. Theo nhà viết kịch Lê Nhị Hà, trại trưởng, thì cuốn sách có nhiều chương hay. Chả biết bản thảo tiểu thuyết này của Anh Vũ, nay lưu lạc tận đâu?
Từ một anh giáo dạy vẽ của một trường học, để gắn liền với chữ nghĩa hơn, Vũ xin chuyển về Ty văn hóa Hà Bắc. Anh là một trong số mấy người tâm huyết dốc sức cho việc sáng lập Hội văn nghệ Hà Bắc. Anh say mê đi viết. Đi làm tạp chí, làm sách chuyên đề. Rồi tận tình hướng dẫn, biên tập cho các tác giả trẻ. Công việc chữ nghĩa thì sốt sắng và tinh tường, còn việc vun vén đời thường thì rất vụng. Gia đình anh khi ấy rất nheo nhóc. Người vợ anh, cô gái thành Nam mảnh dẻ thưở nào, nay đã là bà mẹ còm cõi của đàn con nheo nhóc (Tôi đã có bài Thím Phụng, viết về người vợ của Anh Vũ, in trên báo Văn Nghệ, 2007). Anh Vũ có thể viết bài thơ rất hay về vợ con, nhưng lo liệu cụ thể cơm áo gạo tiền cho vợ con, thì anh như bất lực. Thời bao cấp, ai mất sổ gạo ví ngang án tử hình. Vậy mà Anh Vũ đánh mất sổ gạo thật. Không chịu đi gõ cửa nhờ vả xin cấp lại sổ gạo, Anh Vũ chỉ biết cười trừ trước bữa cơm độn khoai sắn thòm thèm của vợ con. Thôi thì trời sinh voi sinh cỏ. Mặc kệ. Anh vẫn đam mê theo đuổi mộng văn chương của mình. Trường ca “Quan họ ra nguồn” với những câu thơ tài hoa, được anh viết ra trong thời gian này.
Một trăng như vệt móng tay
Chưa lên đầu gió đã bay khi nào
Hai trăng chếch bóng xoan đào...
Viết về quan họ, theo tôi, có hai nhà thơ vùng Kinh Bắc đã viết ra những câu thơ thất kinh, là Hoàng Cầm và Anh Vũ. Anh Vũ từng lăn lộn nhiều năm ở những làng quan họ cổ. Dạo đó, anh thường theo hai nhà nghiên cứu quan họ là Hồng Thao và Trần Ninh Quý, lang bang xuống các làng xóm dự các canh hát quan họ. Anh mê quan họ, có phải vì cái đắm say, phong tình hợp với tạng của anh?
Ới ai cuối bọn cười vang nhất
Chuông khánh chắc gì trong trẻo hơn.
(Diềm bâu)
Anh Vũ viết những vần thơ về quan họ ngất ngây. Thơ Vũ tài về cảm, gợi cảm. Những câu thơ như được viết liền mạch, nó chảy từ tâm hồn mong manh nhạy cảm của anh.
*
Tiếng là người quê Từ Sơn, nhưng Anh Vũ ở quê rất ít. Cái làng Sặt quê tôi có nghề buôn đồ đồng và sửa chữa đồ đồng, nên có tên nôm làng Sặt Đồng. Khi ông chú tôi rời làng lên tỉnh mở cửa hiệu nhỏ buôn bán đồ đồng, đem Anh Vũ đi theo. Vũ thành người của thị xã từ tuổi ấu thơ. Tập tục quê tôi, hễ đi buôn bán hay làm ăn xa mấy, hễ đến tết, hay ngày hội kỵ nhật thành hoàng làng, là như tất cả con cháu xa gần đều đổ về. Anh Vũ thì không theo tập tục ấy. Anh rất ít về làng, tuy làng cách thị xã có hơn chục cây số, mà tàu xe rất thuận tiện. Tôi nhớ có tết ông chú bắt Vũ phải về quê ăn tết, thì chiều muộn ba mươi tết anh mới về. Không khí tết quê năm ấy thật rộn rịp. Trước giờ giao thừa, trống chiêng trong đền, ngoài đình nổi lên thùng thình. Bữa ấy, Anh Vũ rủ tôi ra thăm đền. Trước nhà tam quan đèn hương nghi ngút, hai ông tượng quan ăn quan võ nom thật oai nghiêm và huyền bí, Vũ xúc động nắm chặt tay tôi, nói như nghẹn hơi “Phải cố làm gì để xứng danh với tổ tiên? Phải viết, phải viết thôi!”. Ấy cũng là tết duy nhất Anh Vũ ăn tết ở quê. Mồng hai tết, chúng tôi đi tảo mộ chi. Mồng ba tết đi tảo mộ họ đại tôn. Ngôi mộ tổ họ tôi to nhất làng. Từ bao đời, các cụ trong họ đã xây mộ tổ rất uy nghiêm, mà giản dị. Bên mộ tổ, Vũ lại nắm chặt tay tôi, như một lời thề quyết tâm. Khi con cháu tri tôn lục tục trở về nhà thờ họ để làm lễ tổ và thụ lộc, quay ra, tôi đã không thấy Anh Vũ. Thì ra, Vũ đã vọt ra ga ngược Bắc Ninh rồi. Anh em thì ngạc nhiên, còn tôi hiểu và thông cảm tính thất thường của Vũ.
Cái tính thất thường của Anh Vũ, như cả nhà tôi không ai tán đồng. Làng quê tôi thì biết bao lề lối. Mà con cháu sau này thấy bao nhiêu khê, cổ hủ. Anh Vũ không phản ứng, nhưng theo thì không theo, mặc cho gia đình nhiều ca thán. Anh sống theo lối của anh. Một bữa nhà tôi có giỗ, bậc con cháu như tề tựu đủ cả. Tất nhiên là thiếu Anh Vũ. Chợt có ai thông tin rằng, nom thấy Anh Vũ về đến đầu làng rồi. Ông chú tôi ngồi trên chiếc tràng kỷ thũng thẵng trả lời, chấp gì, chỉ khi nào anh ấy về đến nhà, mới chắc ăn. Mà đúng thật, Vũ không về thẳng nhà, mà tạt vào người quen nhờ làm mấy tấm vóc vẽ tranh sơn mài, tối mới về, khi đám giỗ đã tan.Vũ như trường hợp dị biệt trong gia đình chúng tôi. Tuy vậy, không ai giận Vũ cả. Ai cũng nghĩ, tính Vũ nghệ sỹ, thất thường, chấp làm gì.
Tính thất thường của Vũ, bạn bè đã nhiều lần chịu trận. Một bữa dự trại sáng tác của Hội liên hiệp tổ chức, rượu say rồi, Vũ nhất định không ngủ trong căn phòng sạch sẽ máy lạnh chạy ro ro, mà anh ôm chăn chiếu ra hiên nhà ngủ với gió trời. Mấy ông bảo vệ nửa đêm thấy vậy, nhắc anh vào phòng ngủ. Vũ làu bàu cự lự. Trong lúc mọi người sơ ý, anh vội chuồn ra vườn cỏ, trải chiếu làm một giấc đẫy đến sáng. Nói về tật uống rượu, Anh Vũ như không thua ai về tửu lượng. Anh thú nhất là uống rượu quê. Thường uống chay. Có khi chỉ cần cút rượu với quả ổi xanh chấm muối ớt, đã thành bữa rượu linh đình với Vũ. Rượu vào rồi, có khi Vũ lăn ra ngủ, mặc bạn bè ngồi chơi. Cũng có khi bốc lên, anh vùng dậy đọc thơ. Mà Vũ đọc thơ thì như người lên đồng, giọng trầm đầy ma lực. Anh đọc như xé toang vạt áo, như moi ruột gan trình làng với bạn bè Ngõ gạch gót trần không vướng cát/ Tôi buồn chẳng được vướng chân ai/ Người ta liền chị đông bè bạn/ Chẳng khiến mình thương cũng thở dài. Thơ Vũ hay vì hồn vía. Tứ thơ thường chẳng có gì rõ rệt. Nhưng cảm xúc cứ kéo người đọc đi trên con đường mê man. Tôi nhớ một lần anh về Hà Nội có việc, nghỉ lại đêm ở nhà tôi. Nửa đêm, anh đòi ra phố kiếm thuốc lào. Đêm vắng, phải ra mãi ngã ba cuối phố mới có quán nước. Vũ cầm điếu cày bắn mấy mồi thuốc rõ dài, rồi lững thững đi, mặc tôi ngồi chờ cửa. Một tiếng, rồi hai tiếng, không thấy Vũ về, tôi sợ anh quên lối, bổ ra tìm. Quán xá đã nghỉ cả. Vũ đi đâu? Bấm điện thoại gọi, thì Vũ đã cười khà khà,“xe ôm về xóm đồi Bắc Giang rồi, xá cho Vũ nhé!” Thì ra, anh dị ứng với đời sống thị thành. Tính Vũ thất thường thế, tôi đành chịu thua.
Ngay cả chốn định cư của gia đình, cũng do tính thất thường và ngẫu hứng của Vũ. Việc thuyên chuyển lếch thếch trường lớp của vợ chồng Vũ, ông chú tôi đã mấy lần hò Vũ đưa vợ con về quê Từ Sơn cho đỡ nheo nhóc. Nếu không thì về Bắc Ninh cũng đỡ vất. Bạn bè viết ở Bắc Ninh, Bắc Giang như Nguyễn Phan Hách, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Thanh Kim cũng lần lượt chuyển về Hà Nội cả. Anh em bảo, với năng lực viết và vẽ như Vũ, về Hà Nội làm cho tờ báo nào đó, dễ sống hơn. Có người thân gắt bẳn, sao Vũ cứ sống quẩn mãi một nơi như gà mắc tóc vậy? Nhưng Vũ dứt khoát không nghe. Tính Vũ thế. Đố ai bảo được Vũ làm điều gì mà Vũ không thích. Vì mê cái hoang sơ của vạt đồi xóm Tân Mới, gần nơi Phụng dạy học, thế rồi Vũ quyết định cắm chốt gia đình ở đấy. Bây giờ, sau hơn bốn mươi năm, vật đổi sao rời, chứ ngày Vũ làm túp lều tranh để vợ con trú ngụ quê mới, ông chú tôi và người nhà lên nom mà ngao ngán. Đã vậy, Vũ còn cao hứng dỡ béng một gian mái để người bạn điêu khắc là Lê Liên đắp pho tượng “Chuyện cổ tích” cao lừng lững giữa nhà. Mùa mưa ấy, ba gian nhà tranh nước lênh láng như ngoài trời. Vũ thất thường, nhưng dám vì bạn như vậy. Ấy rồi, có người là có sự sống. Quả đồi hoang dạo nào nay đã là xóm thôn trù phú, bà con tối lửa tắt đèn có nhau. Vũ rất thú vị khi mấy bác nông dân dừng trâu nghỉ giữa xá cày, tạt vào nhà Vũ làm mồi thuốc lào rõ say. Những người nông dân thuần khiết ấy, họ không hiểu Vũ viết gì, mà chỉ quý hóa gọi Vũ là bác-nhà-thơ-của-làng!
Cũng từ vạt đồi rộng rênh này, Vũ đi thồ đất sét về nặn tượng. Xen giữa những câu thơ viết dở dang, Anh Vũ trần lưng quay ra nhào đất đắp tượng. Anh nặn những hề, tễu và những con giống quen thuộc. Những hình khối tượng hồn nhiên, ngô nghê như có ngôn ngữ riêng của Vũ. Rồi anh hý hoáy đắp lò nung. Chiếc lò gốm nhỏ bé như cái cót thóc còm, khói bốc nghi ngút. Sau mấy ngày thúc lửa, hạ lửa, mẻ gốm đầu tiên cũng ra đời, cho Vũ niềm vui lạ lùng. Anh đã tìm thấy thêm một cách giải tỏa cảm hứng của mình. Xong mẻ gốm này, lại thêm mẻ gốm mới. Hàng loạt tượng người, tượng thú vẫn vẻ ngây ngô của hề, tễu, phảng phất nét hiền lành như mặt bụt mặt phật, bày ngổn ngang đầy vườn. Bạn bè đến, ai thích tượng nào, xách đi cái nấy. Có người quý Vũ, gọi là mảnh vườn bụt.
Không chỉ làm tượng gốm trang trí, Vũ mạnh dạn làm tượng đài. Sau mấy năm vật lộn chơi với đất sét, Anh Vũ đã thể hiện thành công mấy công trình, như tượng Ngô Sĩ Liên, tượng Nguyễn Khắc Nhu và đặc biết tượng đài Hoàng Hoa Thám cao hơn chục mét dựng tại khu di tích Phồn Xương (Yên Thế) vừa được nâng cấp từ tượng bê tông, nay đúc tượng đồng.
Sau những vinh quang hào nhoáng nhưng cũng lấy đi nhiều mồ hôi và sức lực của cuộc chơi tượng đài, Anh Vũ vẫn canh cánh với những vần thơ run rảy của mình. Anh có lối viết xuất thần, những vần thơ của anh vẫn như vọt ra từ cảm xúc. Ngoài các tập thơ ngắn, như: Miền quê quan họ, Đôi mươi quan họ, Lục bát bâng quơ, Gốc còn, Vết chân chim ... Anh Vũ viết liền hơi mấy trường ca: Lòng chảo khác, Tình chợ tình, Mặt trời trắng, Người hát sử thi Đề Thám... Anh còn viết mấy tập bình thơ về các nhà thơ lớp trước và bè bạn. Anh Vũ viết như nhập đồng, như ma đuổi. Bình tĩnh nhìn lại, thấy anh viết như có sự hối thúc nào đó. Có phải vì linh tính quỹ thời gian của anh còn lại ngắn ngủi và gấp gáp lắm rồi chăng?
Vào hạ năm nay, Anh Vũ cảm thấy thèm đi đây đó. Bạn bè quý anh, vẫn đón anh khi đi bằng ô tô, khi xe máy. Những xóm làng thân thuộc vùng Kinh Bắc, anh đã lăn lộn, đã gắn bó bao năm trời. Rồi những ngả đường Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang... Men rượu lá, rượu ngô, rượu sán lùng của bao miền đất làm anh ngất ngây. Tóc anh bay dài theo gió. Những vần thơ vẫn đắm say ngây ngất. Sau chuyến tang bồng, trở về với mảnh vườn cây cối lòa xòa và ngổn ngang tượng hề, tượng tễu, chìm thoảng hương hoa ngâu, anh lại thoải mái rít những mồi thuốc lào rõ dài, tợp một ngụm rượu, rồi ho, rồi nằm thấm mệt. Gia đình muốn đưa anh đến bệnh viện khám bệnh, anh xua tay khước từ. Thế rồi anh ra đi nhanh và nhẹ như hơi thở, hưởng thọ 72 tuổi.
Cái chết của Anh Vũ, đột ngột, làm bạn bè và tôi sũng buồn. Tôi lại liên tưởng đến những ngọn đèn dầu trong thơ anh viết thưở nào. Thị xã đèn dầu thị xã của anh/ Thị xã của em mà em bỏ vắng... Anh là nhà thơ của thị xã đèn dầu một thưở. Số phận các nhà thơ mà tôi quen biết, hầu hết, như những ngọn đèn dầu. Bình dị và khiêm nhường. Ánh sáng của nó không phải sáng choang gì, nhưng gần gũi, ấm cúng. Có lúc lom đom và khắc khoải vô chừng. Nhưng tiếc thay, nhà thơ Anh Vũ của tôi, ngọn đèn đã cháy đến giọt dầu cuối cùng của một ngày đầu tháng bảy lễ cô hồn này...
Hà Nội, 8-2014
V.T.T