Trong số các đạo diễn cùng lứa với mình-cứ theo thiển nghĩ của tôi- Lưu Trọng N
inh là người nắm vững hơn cả cách kể chuyện bằng màn ảnh. Từ “ Canh bạc” đến “ Bến không chồng”,” Ngã ba Đồng Lộc”…phim của anh không gây mắc mớ, khó hiểu về cốt chuyện kể, về các đường dây dẫn dắt, về diễn tiến và thân phận của các nhân vật chính, phụ…Tóm lại là phim của anh không khiến người xem sau khi xem xong phim bỗng nẩy sinh như cầu “ phải xem lại phim lần thứ 2, thứ 3, phải nghe lại lời thoại lần nữa, lần nữa ” mới hiểu phim và thoại kể điều gì, nói điều gì.
Đáng tiếc rằng, trong “ Bước kẽ đến hạnh phúc” lại dễ dàng tìm ra mấy chỗ “ đớt”.
Nhân vật trong phim đành rằng không cần phải “ khai lý lịch”, nhưng bộ phim chạy tới 2/3 người xem vẫn chưa rõ anh kỹ sư Quân ( Quách Ngọc Ngoan) kia là ai, nghề ngỗng ra sao, gia cảnh thế nào.. Chỉ thấy anh ta săm sắn, nồng nhiệt và vồ vập lấy một vẻ đẹp. Ngay cả khi Quân trợ giúp Vivian ( Ngân Khánh ) đi tìm cha mẹ cho cô bé đánh giày tội nghiệp vẫn chưa rõ gì về nhân vật này, ngoài bộ tóc bù xù, bộ áo quần áo lâu ngày chưa giặt và vẻ phớt đời, nghênh nghênh. Chỉ gần cuối phim, khi Quân đưa Vivian lên tầng thượng của ngôi nhà anh đang thiết kế, người xem mới rõ anh là kỹ sư xây dựng. Cô gái Việt Kiều Vivian về Việt Nam để chuyển giao những chiếc máy phục vụ cho việc phẫu thuật tim cho các cháu nhỏ như người xem loáng thoáng hiểu như vậy.Vì thiếu đôi ba khuôn hình miêu tả cụ thể những chiếc máy ( hoặc những kiện hàng ) kia thôi, người xem không tường Vivian về Việt nam cụ thể đảm nhiệm công việc gì ( người bán hàng, môi giới, chuyên viên kỹ thuật ..)? Cũng đáng tiếc như vậy là hình ảnh miêu tả cái chết của em gái cô bé đánh giày vì không kịp phẫu thuật trái tim đau. Hình ảnh ần dụ-những chiếc xe lao vun vút trên đường và một chú cóc bị xe cán chết là một tìm tòi rất đáng biểu dương về thân phận “ con ong, cái kiến” trong xã hội chụp giật hôm nay, ấy thế nhưng không phải với ai cụm hình ảnh kia cũng gợi nên cái chết đau lòng, không đáng xẩy ra của bé gái tội nghiệp.
Ngoài vài chỗ “ đớt” rất dễ khắc phục ấy, “ Bước khẽ đến hạnh phúc “ là một bài thơ chân thực, hết sức xúc động về tấm lòng của những bà con cô bác Việt Kiều hướng về quê hương mong muốn được góp sức với người trong nước tháo gỡ muôn vàn khó khăn, trở ngại trong cuộc sống nhiều thử thách hôm nay.
Có ý kiến cho rằng “ Bước khẽ tới hạnh phúc “ làm xấu đi, “ bôi đen” cuộc sống tại TP Hồ Chí Minh nói riêng, ở Việt Nam nói chung. Có sơ cứng, giáo điều, xưa cũ đến nghiệt ngã không đây?
Giở trang báo viết, để mắt tới trang báo mạng sáng sáng, những vụ tai nạn xe cộ, những tin cướp giật hoặc đâm chém nhau, những vụ lừa lọc tiền bạc, danh lợi đâu phải là chuyện thưa hiếm? Không xa vào chủ nghĩa tự nhiên nhưng cũng không lảng tránh hiện thực nhức nhối trong cuộc chiến với cái ác là yêu cầu bức thiết đối với truyền thông và nghệ thuật hiện nay.
Sinh hoạt của Sài gòn nói riêng, của đời sống ở Việt Nam trong “ Bước nhẹ đến hạnh phúc “ đã được cân đong, ao lào khá kỹ lưỡng mặt tích cực, mặt còn tồn tại: có đấy cảnh giật dọc, trấn lột, những vũ trường ban đêm giật giã tiếng nhạc và những khuôn mặt đáng ngờ.. nhưng cũng có đấy một bé gái đánh giày hồn hậu và đám trẻ nghèo quanh em biết thương yêu nhau, đùm bọc lấy nhau; một anh bán cà phê dạo sẵn sàng làm việc nghĩa; một bà chủ sạp chợ đêm luôn biết chở che những người cơ nhỡ, lang thang..Còn có cả vùng sông nước miền Tây với những bà má chịu bao đau thương trong chiến tranh nay giàu lòng trắc ẩn, luôn xử sự theo thước đo của tình người, sẵn sáng cứu vớt những đứa trẻ bất hạnh. Tuyến nhân vật tốt, nhân hậu như vậy trong “ Bước khẽ đến hạnh phúc” áp đảo hẳn những đám lưu manh, côn đồ. Những góc quay đường phố Sàigòn ồn ào, ken đặc xe cộ hoặc những hotel, quán bar sang trọng đều được suy nghĩ, chọn lọc để Sài gòn hiện lên trên màn ảnh dù náo nhiệt, đông đúc vẫn là một thành phố hiện đại, văn minh, đầy sức sống. Riêng phần tạo hình thôi, không thể tìm ra bất cứ tỳ vết nào của sự “ bôi đen”, “làm cho nhếch nhác, xấu xí đi”.Điều này nữa, Sài gòn hôm nay đáng yêu, đầy hấp dẫn hay đáng ghê sợ phải xa lánh- điều này còn căn cứ vào thái độ của Vivian ( với toàn bộ cấu trúc tâm lý, tính cách của một nhân vật văn học ) đối với Sàigòn. Cô gái Việt Kiều ngạc nhiên vì rất nhiều điều cô chưa từng thấy, chưa từng trải qua nhưng Vivian không hề kinh hãi, ghê sợ muốn trốn chạy mà ngược lại cuộc sống ấy, hiện thực ấy càng như kích thích niềm ham muốn và tình yêu của cô đối với quê hương, xứ sở…
Nói luôn, nhân vật Vivian nên được xem là một mẫu hình lạ, một nhân vật điện ảnh còn khó tìm thấy trong rất nhiều bộ phim của điện ảnh nước ta mươi, mười lăm năm trở lại đây. Đó là một nhân vật có hồn cốt, xương thịt chứ không phải là một ma-nơ-canh treo các món thời trang. Sự ngỡ ngàng, xa lạ; cái háo hức ban đầu dần dà chuyển biến thành sự gắn bó, quyến luyến của cô gái Việt Kiều với cảnh và người nơi quê cha đất mẹ đã được thể hiện qua những tình huống, bằng những cuộc đụng độ, trong những cung bậc cảm xúc cụ thể một cách rất tự nhiên, hồn nhiên nữa; tuyệt nhiên không gò gẫm, áp đặt hoặc khuôn vào những lời nói sáo rỗng, khô cứng.
Rất nhiều trường đoạn cái rưng rưng nước mắt ở Vivian trước cảnh túng thiếu cùng tấm lòng tốt của lớp dân nghèo thành phố đã truyền được cảm xúc tới người xem trong phòng chiếu.Chúng ta sót xa, ngùi ngùi còn hơn Vivian vì biết rõ chúng ta đã nỗ lực, đã cố gắng rất nhiều nhưng cuộc chiến đấu chống ngang trái bất công, chống đói nghèo sao quá gian lao, chật vật !
Các nhà báo trẻ có thói quen khen vai, khen diễn xuất mà quên phắt một điều không có “nhân vật ra nhân vật” được khắc họa trước từ trong kịch bản văn học, trong kịch bản phân cảnh và sự chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn, những cắt cúp chỉnh mà chuẩn của người quay phim làm sao có được thành tựu diễn xuất của diễn viên. Không thể phủ nhận những đóng góp của Ngân Khánh trong vai Vivian, nhưng cũng phải nghĩ thêm rằng chỉ cần sơ sểnh để gương mặt Vivian hí hửng, vui vẻ có phần kịch sân khấu; những bước đi của cô trên đường phố Sài gòn hơi nhanh hoặc hơi chậm hơn; hoặc nếu chuyển động máy để vồ chộp những cảnh Vivian vượt qua đường giữa dòng xe cộ chậm hơn, dài hơn..phép tổng ấy sẽ đưa đến một hình mẫu Vivian không đáng yêu, không gây nhiều thiện cảm, nhiều thuyết phục như chúng ta thấy đâu.
Xem “ Bước khẽ đến hạnh phúc” với nhân vật Vivian tôi đã thoáng nghĩ tới loại nhân vật điện ảnh có tính cách- điều quả là còn cai đích cần vươn tới của điện ảnh nước ta những năm sắp tới.
Trong “ Bước khẽ đến hạnh phúc”, ngoài Vivian còn nhiều nhân vật được khắc họa khá thành công. Ví như cô bé đánh giày với đôi guốc gỗ vắt vẻo qua vai, với vui buồn của một thời niên thiếu.Hoặc vai mấy bà má miền Tây. Hoặc vai anh cán bộ xã của diễn viên Lê Bình…Liệu có cần nhắc lại ở đây, thói quen của đạo diễn Lưu Trọng Ninh là luôn muốn tìm những khuôn mặt mới, còn xa lạ với người xem cho những nhân vật trong phim của mình. Anh cũng là đạo diễn có công phát hiện mầm đọt tài năng diễn trước ống kính của nhiều nam thanh nữ tú chưa có tên tuổi. Ví như các cô gái ở Đại học Sư phạm Vinh năm nào trong “ Ngã Ba Đồng lộc”, Hồ Ngọc Hà trong “ Hoa cỏ may”, Tăng Thanh Hà trong “ Dốc tình”, nữ diễn viên kịch nói Thúy Hà trong “ Bến không chồng”
Nếu cảm thụ “ Bước khẽ đến hạnh phúc” dưới góc độ như một bài thơ trữ tình mà giọng điệu chủ đạo là cảm xúc của chủ thể với khách thể thì cũng nên xem cung cách sử lý cốt chuyện, cung cách tạo dựng nhân vật, cung cách tạo hình của phim này-trong một chỉnh thể hữu cơ, thống nhất- có gì phảng phất theo kiểu tranh quốc họa Trung hoa. Không cần quá kỹ càng, quá tỷ mỷ, càng không cần nói đầy đủ, nói hết mà chỉ cần tới những phết phẩy, những tương phản đậm nhạt, sáng tối bông hoa, con tôm, con cua, con cá sẽ hiện lên hình hài, như dưới làn nước lững lờ, như trong sương khói, như thực như mơ…Về phương diện này, “ Bước khẽ đến hạnh phúc” khác hẳn và là một khúc ngoặt, một bờ bến mới của đạo diễn Lưu Trọng Ninh so với chính những “ Canh bạc”, “ Hãy tha thứ cho em”, “ Ngã ba Đồng Lộc”, “Bến không chồng” của chính anh.
Tôi đã xem khá nhiều bộ phim của các đạo diễn người Việt ở nước ngoài làm về bà con Việt Kiều trong những chuyến thăm lại nơi chôn rau cắt rốn, hoặc trở về nước chung lưng đấu cật để cùng hợp tác làm ăn trong việc kinh bang tế thế. Những bộ phim ấy có nhiều điểm thành công, thể hiện nhiều nỗ lực cố gắng để phản ánh đất nước và con người nơi quê hương.Nhưng ở các bộ phim ấy vẫn bộc lộ ra điều gì đó châng lâng của sự chưa tích tụ đủ vốn hiểu biết đời sống, hiểu biết văn hóa, hiểu biết tâm lý thưởng ngoạn của người trong nước nữa.
Với “ Bước khẽ đến hạnh phúc”, đề tài về sự hội nhập của bà con Việt kiều gây cho tôi cảm giác thực hơn, tự nhiên hơn và cũng căn cốt hơn.