Quen chị đã lâu, trước vẫn giữ thói quen thỉnh thoảng lên mạng là vào trang web riêng của chị, khi thì đọc thơ, lúc lại là những bài viết chị cởi lòng cởi dạ về đủ thứ chuyện trên đời. Nhưng vài năm trở lại đây, chị bỏ hẳn trang web ấy và dọn sang chỗ mà chị trịnh trọng gọi là “ngôi nhà mới” trên mạng Internet. Lý do “dọn nhà” thì rất đơn giản, chỉ vì trang web kia ai cũng có thể vào xem, nhiều người ác ý bình phẩm lung tung, vậy là chị quyết định chuyển sang “chơi” Facebook để: “ai mà cà trớn thì mời ra ngoài, không kết bạn nữa”.
1. Nguyễn Thị Hồng Ngát là tên của chị, cũng là tên mà chị đặt cho “ngôi nhà mới” trên Facebook. Chị bảo “nhà” thì xây từ lâu lắm rồi, nhưng độ hai ba năm trở lại đây, chị mới đưa vào sử dụng. Cũng bởi có dạo mấy đứa con của chị khóa tài khoản trên Facebook lại, không cho mẹ dùng nữa vì sợ mất thì giờ, rồi e người này người kia “nhảy” vào châm chọc linh tinh, trong khi tính chị thì nhạy cảm và dễ buồn. Nhưng cũng chỉ được vài bữa là chị nằng nặc “trả khóa đây để mẹ vào Facebook” chỉ vì nhớ bạn bè quá. Bạn bè ảo thì không nói làm gì, đằng này chị nhớ bạn bè thật, những người biết tên biết mặt ngoài đời hẳn hoi, hàng ngày vẫn cập nhật tin tức và liên lạc với nhau qua cái kênh mạng ấy. Chị bảo cái trò mạng xã hội kể cũng lạ, không dùng thì thôi, chứ đã dùng thì cứ như bị “nghiện”. Nhất là từ hồi chuyển sang ngôi nhà mới này, chị là có thể dễ dàng nói chuyện với người thân đang ở Úc, ở Pháp, rồi cả bằng hữu thân tình ở tận bên trời Mỹ.
Đến giờ, chị tự nhận mình đã là “Facebooker” chuyên nghiệp. Bạn bè trên Facebook của chị có tới gần 5000 người. Vui nhất là thỉnh thoảng sáng ra chị lại nhận được vài lời hỏi han, chúc tụng, rồi cả những lẵng hoa “ảo” nữa. Chị bảo cho dù đó chỉ là những lẵng hoa ảo nhưng đằng sau cái sự ảo đó là những con người thật, có tấm lòng thật đã bỏ chút thời gian cho mình khiến chị nhận ra người Việt mình cũng ga lăng đấy chứ, cũng hào hoa phong nhã và lãng mạn nữa chứ. Lắm khi sáng ra chị chưa kịp viết vài lời rủ rỉ tâm tình trên đó là y rằng có người “nhảy bổ” vào hỏi thăm. Mà nào có nhiều nhặn gì, chỉ là vài dòng tản văn tản mạn kiểu như “Hôm nay mưa rét. Mưa phùn. Các cô gái đã diện áo len, khăn quàng mỏng. Người phương Nam có nhớ mùa đông xứ Bắc không?”.
Chị bảo xưa khi chưa thạo mạng Internet, chị cũng kiếm ăn bằng tản văn nhiều lắm, đôi khi đang làm việc, nhìn ra cửa sổ thấy cây bàng thay lá cũng viết được cả bài dài. Giờ viết vài dòng tự sự trên mạng, thấy mọi người thích đọc, chị cũng vui. Rồi mỗi khi lười nhác không viết được gì thì chị “search” (tìm kiếm) cái hay, cái đẹp của bạn bè rinh về để mọi người ghé qua nhà có cái để đọc, để thưởng thức, giống như chén nước phải có mỗi khi khách ghé chơi nhà. Cũng bởi chị luôn coi “trang Phây” (Facebook) giống như nhà mình vậy, là nơi chị chia sẻ vui buồn, công việc, cuộc sống và xã hội một cách hữu ích và thiện tâm với suy nghĩ là một nơi không màu mè hoa lá mà giản dị như một vườn rau sạch, dù có thể có sâu cắn lá nhưng dứt khoát không có thuốc độc hại.
2. Nhiều người nghĩ chị rảnh rỗi nhưng kỳ thực không phải vậy. Nói đúng hơn là từ ngày về hưu, thôi giữ chức vụ hành chính cuối cùng là Cục phó Cục Điện ảnh, chị chưa tự cho mình nghỉ phép một ngày nào. Chị thổ lộ về hưu hôm trước là hôm sau chị lên kế hoạch để tay chân bận rộn luôn, nào là hôm nay dọn phòng này, ngày mai dọn phòng kia, rồi đi chợ, nấu cơm, đi “shopping” mua sắm lêu têu…cốt là để cái đầu khỏi bị ám ảnh về việc mọi ngày mình vẫn đến cơ quan, sao hôm nay lại thành ra thế này. Rồi chị đăng ký học lái xe ôtô, học xong 3 tháng cầm trong tay bằng lái xe là chị dốc tiền mua cái “xe cỏ” để tự do đi lại chẳng phiền hà ai. Dần dà quen với guồng quay cuộc sống mới, chị lại nghĩ bây giờ mà lại phải đi làm thì…sợ quá!
Ấy thế nhưng chị chỉ sợ…mồm vậy thôi, minh chứng là ngay khi nghỉ hưu ở Cục Điện ảnh là chị lao luôn vào công việc mới. Lúc bấy giờ Hội Điện ảnh quyết định thành lập Hãng phim riêng lấy tên Hoda Film và chị được tín nhiệm giữ vai trò Giám đốc. Thời điểm đó, mọi thứ với Hoda Film đều bắt đầu từ con số 0, từ tiền bạc đến nhân lực. Vậy mà sau 5 năm chị “cầm trịch”, hãng phim này đã cho “ra lò” được 4 bộ phim gây tiếng vang và giành nhiều giải thưởng, trong đó có “Đừng đốt” và “Nhìn ra biển cả”. Hết nhiệm kỳ 5 năm, nghỉ ở Hoda Film là chị thành lập luôn hãng phim tư nhân của chính mình với tên gọi Hồng Ngát Film. Đến giờ, Hồng Ngát Film cũng đã tròn 3 tuổi và chị tự hào vì đã làm được 3 bộ phim được xem là tử tế, gần đây nhất bộ phim truyện “Những đứa con của làng” vừa hoàn tất xong xuôi đã được chọn là một trong hai phim đại diện cho điện ảnh Việt Nam tranh giải tại “Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2014”.
Sau chừng ấy phim mà chị “đứng mũi chịu sào”, một người bạn làm nghề phê bình lâu năm trong giới điện ảnh bảo bảo với chị: “bây giờ mới công nhận Hồng Ngát sản xuất phim giỏi!”. Chị thì chỉ dám nhận mình toàn làm phim tử tế mặc dù phim nào cũng “tay không bắt giặc”, lọ mọ tự đi lùa tiền, lùa kịch bản, lùa cả đạo diễn làm phim cho mình, rồi đi theo rải chiếu cho họ ngồi, họ đi rồi thì lại lẽo đẽo theo sau cuốn chiếu. Thậm chí phim làm xong rồi, mọi người nhận hết tiền thù lao rồi, có khi tiêu hết rồi, chị mới sực nhớ ra mà chạy theo “lạy mọi người mang chứng từ về để tôi còn làm báo cáo”. Đổi lại, niềm vui với chị có khi chỉ đơn giản là có nhà đầu tư tự dưng tìm đến chị để hợp tác làm phim vì được bạn bè người quen giới thiệu: “muốn làm phim tử tế thì phải gặp bà này!”.
3. Chị vừa bước qua tuổi 64 cách đây gần hai tuần. Hôm sinh nhật, cả ngày chị túi bụi ở Cục Điện ảnh xem duyệt 5 bộ phim quốc tế gửi dự “Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2014”. Cuối giờ chiều vừa ở phòng duyệt phim bước ra thì bất ngờ chị nhận được một lẵng hoa tươi từ một người bạn là Công an. Thì ra biết hôm đó là sinh nhật chị nên người bạn ấy gửi hoa chúc mừng. Ngày hôm đó, có lẽ cũng nhờ Facebook nên nhiều người biết và chúc mừng sinh nhật chị.
Nhớ lại, chị bảo vẫn cảm động rinh rang, ngay lúc ấy tự dưng chị thấy có lỗi vì làm thơ, viết kịch bản nhiều mà chưa có một bài thơ hay kịch bản nào viết về ngành Công an. Vậy là chị ấp ủ làm một bộ phim nhựa phục dựng lại hình ảnh những chiến sĩ Công an trong cuộc sống đời thường, dung dị nhưng sẽ rất nhân văn. 64 tuổi, chị vẫn bận rộn quay cuồng, vẫn mải miết ấp ủ những ý tưởng mới. Chị bảo chị rất sợ sự trì trệ, sợ mình giống như một bà già lụ khà lụ khụ suốt ngày ngồi “ngáp ruồi”, lúc nào cũng than ngắn thở dài. Trong khi người bạn đời của chị ưa nhàn thì chị lại ưa bận. Chị nhận: “chồng mình cứ trầm ngâm nghĩ ngợi vậy nhưng giỏi giang lắm, chả thua gì ai, trong khi mình cứ như choi choi để rồi cuối cùng đi đến đích muộn hơn người khác”. Nhưng nói vậy thôi, chuyện sớm hay muộn với chị không quan trọng bằng việc có đủ cả sức khỏe và thừa sự háo hức để làm những việc mà chị nghĩ là có ích cho mình và cho cả cuộc đời.
Dương Cầm
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát từng tự lái xe từ Hà Nội vào Quảng Trị để làm phim
“Trong khi chồng ưa nhàn thì tôi lại…ưa bận” – nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát