Đổi mới thể chế đang là một yêu cầu tất yếu để phát triển kinh tế, khi mô hình kinh tế thời kỳ Đổi mới dù đã mang lại những thành tựu to lớn, song sau gần 30 năm, đã đến lúc cần phải thay đổi để đất nước tiếp tục phát triển.
Trong Thông điệp đón năm mới 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết: “Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.
Ngày 31/10 tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh tiếp tục đề nghị. “Chúng ta phải đổi mới thể chế, pháp luật, chứ không thể dùng lời khuyên, mong muốn để thay đổi”.
Thông điệp này còn được cả Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/10/2014.
Như vậy có thể nói, nhu cầu đổi mới thể chế đang là vấn đề không thể khác.
Song, muốn đổi mới thể chế có hiệu quả, không thể không bắt đầu từ một việc vô cùng quan trọng, có tính quyết định cho sự thành bại, đó là đổi mới công tác cán bộ.
Tại trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 1-11 về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) kể:
“Trước khi đi họp Quốc hội, có một doanh nghiệp nói với tôi thế này: Các ông đặt vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp, đầu tư công nhưng không thấy ai đặt vấn đề tái cơ cấu tổ chức bộ máy và tái cơ cấu chính các ông”.
Không dừng ở đó, ông Hiến còn thẳng thắn: "Công tác tuyển chọn cán bộ là yếu tố then chốt trong vấn đề này. Bởi nếu không có sự tuyển chọn công khai, minh bạch mà cứ theo tiền lệ "hậu duệ, quan hệ, tiền tệ" thì sẽ mất người tài, sẽ không có người để giúp dân, giúp nước”.
Cách đó ít lâu, tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nêu quan điểm tương tự: “Không đổi mới cán bộ, không đổi mới được nền kinh tế… Tiềm năng của đất nước không phải tài nguyên thiên nhiên, mà chính là con người, là thể chế. Giới hạn tiềm năng chính là giới hạn ở trí tuệ con người”.
Không thể nói gì hơn ngoài hai từ: Quá đúng!
Quá đúng bởi nói từ nhiều năm qua, không ít chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đúng và trúng. Thế nhưng khi thực hiện, không ít những chủ trương chính sách tốt đẹp đó bị làm sai lệch, thậm chí dẫn đến sai lầm, đổ vỡ. Lý do chính là bởi khâu thực hiện yếu kém tại các cấp cơ sở.
Sự đổ vỡ của một số chủ trương, chính sách do thực hiện yếu kém là biện chứng bởi suy cho cùng, thể chế chỉ là phương tiện, là công cụ. Vấn đề là người trực tiếp điều hành, điều khiển công cụ đó.
“Thể chế” giống như một chiếc ô tô và người điều hành giống như người tài xế.
Nếu ô tô hiện đại, có tốc độ cao vào tay người lái xe có trình độ, chiếc xe sẽ phát huy hết tiềm lực, sức mạnh và đạt vận tốc tối ưu.
Ngược lại, nếu “tài xế” yếu kém sẽ dẫn đến ba hậu quả.
Thứ nhất, người tài xế đó sẽ cố tình chạy chậm để vừa với khả năng của anh ta và như thế là làm kìm hãm sự phát triển ở ngành nghề, lĩnh vực, địa phương mà anh ta đảm nhận.
Thứ hai, anh ta sẽ phá hỏng chiếc xe bởi sự yếu kém của mình, thậm chí không loại trừ để tránh bị “ô tô thải loại tài xế”, anh ta sẽ “loại” chiếc xe bằng hành động ngấm ngầm chống đối, phá hoại.
Thứ ba, anh ta sẽ liều lĩnh chạy với vận tốc quá sức của mình để rồi cuối cùng là gây tai nạn.
Vì vậy, song song với việc “thay xe”, cần phải thay “tài xế”, tức là đổi mới thể chế, không có cách nào khác là phải đổi mới công tác cán bộ.
Ngoài việc đào tạo, nâng cao trình độ cho mỗi cán bộ, công chức để họ có thể tiến kịp với thể chế mới thì cần dũng cảm loại bỏ những “tài xế” yếu kém, thiếu tinh thần trách nhiệm, những ai dựa vào hậu duệ, tiền tệ, quan hệ… ra khỏi đội ngũ.
Không thể vì nể nang, vì bè phái, vì quan hệ… mà giao cỗ xe hiện đại vào tay những tài xế cổ hủ, yếu kém vì chính họ sẽ làm hỏng những chủ trương, chính sách tốt đẹp.
Và cuối cùng, vẫn phải nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” và “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.