Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chứng tích một thời đau khổ

Đỗ Lâm Hà
Thứ tư ngày 12 tháng 11 năm 2014 2:49 PM



( “Giời cao đất dày” tiểu thuyết của Bùi Thanh Minh – Nxb Lao động – 2013)


Tiểu thuyết “Giời cao đất dày” của nhà văn quân đội Bùi Thanh Minh viết theo lối truyền thống quen thuộc với người đọc Việt Nam nhưng trong nó đã tự cởi trói cho tư tưởng nghệ thuật khuôn mẫu bảo thủ lạc hậu trước đây. Tất cả sự và việc được chính tác giả là người dẫn truyện từ trang đầu đến cuối sách đều là cũ và thậm chí rất cũ về lịch sử “Tam nông” ở một làng quê ven biển cuối châu thổ Sông Hồng. Những “Chứng tích một thời đau khổ” ấy diễn ra thứ tự theo thời gian từ độ thập niên ba mươi đến tám mươi của thế kỷ trước (XX) nhưng chưa hẳn đã là dĩ vãng, chuyện đã rồi của hôm nay với làng tôi - Nó cũng na ná như cái làng Bùi trong “Giời cao đất dày” vậy. Mười chương tiểu thuyết, dày 230 trang khổ 13x19cm có độ lạnh làm nóng lòng người đọc liên hệ với hôm nay về nhiều chuyên đề sự sống nóng hổi đương đại nước nhà.

Tiếng kêu than “Giời cao đất dày” của Thuần, nhân vật chính cùng với gần ba mươi nhân vật vệ tinh diễn tiến trên hành trình qua miền “dâu, bể” hơn phần nửa cuối của thể kỷ hai mươi ở làng Bùi. Bố Thuần là ông Ro, một nông dân sớm giác ngộ cách mạng, làm Bí thư chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước năm 1940, trực tiếp tham gia cướp chính quyền trong cách mạng Tháng Tám, lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Pháp thắng lợi nhưng đến CCRĐ năm 1955 bị ông Đội quy oan là Quốc dân đảng phản dân hại nước rồi lĩnh án tử hình. Ông bị sử bắn chưa được 49 ngày thì con gái ông , chị gái của Thuần bị một tên côn đồ hiếp chết, gần đến trăm ngày ông, vợ ông là mẹ của Thuần đau khổ quá uất hận mà chết. Chỉ hơn ba tháng do ông Đội, cô Bi cốt cán mà Thuần mất đi 3 người thân. Đau đớn quá, Thuần căm phẫn ông Đội và cô Bi. Với hành động trẻ con Thuần làm bẫy ném phân vào cô Bi khi đi họp về nên anh bị ông Đội bắt giam vì tội “mưu ám sát” bà Chủ tịch xã. Nhưng được hai bà nông dân cùng làng bí mật cho anh trốn khỏi nhà giam. Năm ấy Thuần tròn 15 tuối. Từ ấy Thuần lang bạt lên Phú Thọ đi làm thuê, bị bọn cướp đường bắt làm nô lệ cho chúng, sau trốn khỏi bọn cướp anh đi làm thuê cho dân kiếm bữa ăn, chủ yếu làm công việc bốc mả. Cô Gấm con ông hủi thuê anh bốc mả cho bố mà ngày xưa bị dân làng chôn sống ông. Xong việc cải cát cho ông hủi, Gấm và Thuần thành vợ chồng. Gấm sinh con khó nên chết cả mẹ lẫn con, Thuần đau đớn, sau đó anh bị mắc bệnh hủi, địa phương quê của Gấm yêu cầu anh đi trại Phong. Anh bị cụt ngón chân , ngón tay và một vành tai. Bệnh viện chữa anh khỏi bệnh. Năm đó Thuần 30 tuổi - 15 năm lưu lạc đất khách quê người, anh quyết định trở về làng Bùi, nơi chôn rau cắt rốn – Quê hương. Trở về làng vì nhớ quê, cải cát cho bố, mẹ, chị gái của mình và trả thù ông Đội, cô Bi vu oan giá hoạ làm gia đình anh tan nát! Đau đớn thay khi về làng mang một hoài bão lớn nhưng với tay không, vợ chết, con chết, vết hủi còn hằn lại trên tay trên mặt, nhà cửa của anh HTX đã phá hết trồng dâu. Thuần không dám về thẳng làng Bùi sợ dân xua đuổi vì anh cứ nghĩ dưới con mắt của dân làng anh là con tên Quốc dân đảng phản dân hại nước và anh là một thằng hủi. Thực tế bố anh khi sửa sai đã được phục hồi Đảng tịch và danh dự (Anh không biết) nhưng dân làng Bùi sợ anh, xua đuổi anh là “thằng hủi” là có thật! Anh ra bãi sú, rừng tre phía ngoài đê biến cạn làm lều tạm trú, sống qua ngày. Anh bắt cua ốc, cặm cụi đan lát thúng mủng đồ gia dụng đem chợ bán nhưng dân lại không thèm mua hàng của thằng hủi. Anh vô tình gặp được Sa, một cô gái đẹp nhất làng Bùi nhưng bị câm, điếc nên dân làng ruồng bỏ, bị tên hàng xóm côn đồ hãm hiếp, tên bố dượng dã man, mẹ đẻ và các em cùng cha khác mẹ cũng khinh bỉ, ghẻ lạnh, cô đành trốn ra lều của Thuần và hai người thành vợ chồng. Khi vợ chồng Thuần tự sản xuất có bát ăn bát để, sinh được con trai hai tuổi thì bị sóng thần, bão tố cuốn đi tất cả cơ ngơi và đứa con thân yêu. Hai vợ chồng đau khổ đến cực độ, làm lại lều ở thì một lần nữa dân quân làng Bùi mang gậy gộc, loa ra xua đuổi thằng hủi lấy lý do tu sửa đê. Thuần cùng vợ đau đớn “Kêu trời trời chẳng thấu, hỏi đất đất không hay” đành tìm nơi bãi cát hoang ranh giới giữa hai xã, hai làng, nơi “Cha chung không ai khóc” dựng lều và khai hoang tăng gia, trồng cây gây rừng rồi làm dậu, trương bảng: “Rừng của người hủi, cấm chặt phá”. Ai ngờ tấm bảng đó lại hữu hiệu bảo vệ tài sản vô giá, trở thành vườn sinh thái giàu có của vợ chồng anh. Vợ chồng Thuần trở thành một nhà giàu có, một gia đình hạnh phúc so với dân làng Bùi, báo hiệu một tương lai hạnh phúc tươi sáng của gia đình anh, sự hận thù dần được rỡ bỏ trong lòng vợ chồng anh. Thiên truyện kết có hậu: “Làng Bùi đấy, làng Bùi gan góc dạn dày trong mưa bom bão đạn. Làng Bùi nhân hậu, công bằng nhưng làng Bùi cũng đầy rẫy những bất công, những chua chát. Dân làng Bùi vốn sống có nghĩa có tình, chỉ có lúc, có người bất nghĩa thôi. Làng Bùi bao dung như ngày nào toàn dân xông lên che chắn cho cha Thuần khỏi bị trúng đạn (Của giặc Pháp năm 1940 – ghi chú của ĐLH). Thuần tin vậy, tin một ngày nào đó dân làng Bùi lại dang rộng cánh tay đón Thuần vào làng.” (Tr 226).

Cốt truyện diễn ra nơi góc khuất ở một làng quê nông nghiệp lạc hậu đơn giản và xưa cũ ấy đã được nhiều chính khách, nhà văn trên chính trường, trên văn đàn nước ta nhắc đến. Còn “Giời cao đất dày” của Đại tá, nhà văn Bùi Thanh Minh, đủ thời gian lùi lại lịch sử để chạm bút vào nguyên cớ gây ra những sự những việc đau lòng của một thời xa cũ. Tôi tin nhà văn có một hoài bão mong một sự tốt đẹp cho một xã hội công bằng, văn minh giàu đẹp trong tương lại.

Đọc “Giời cao đất dày” của Bùi Thanh Minh tôi chợt liên hệ đến Thuý Kiều trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Do thằng bán tơ xưng suất, Vương ông bị gia biến, Kiều phải bán mình chuộc cha mất 15 năm gió bụi quê người nhưng nàng Kiều đã cứu được bố mẹ sống bình an, cac em được học hành, mối tình đầu được em Vân thay thế, sau trở về được gia đình, người yêu xóm làng tiếp đón ân cần. Còn trong “Giời cao đất dày” của Bùi Thanh Minh, do ông Đội, cô Bi vu oan, gia đình ông Ro tan nát, ông bị “Đồng chí” của mình xử bắn, con gái chết, vợ chết một cách uất ức. Sau mười lăm năm lưu lạc Thuần trở về thì bị chính dân làng mình xua đuổi. Xem ra Thuý Kiều thời Phong kiến xa xưa còn may mắn hơn nhiều lần Thuần ở làng Bùi thời đương đại. Cái thằng bán tơ, cái ông Đội không ai biết tên tuổi và nó quê ở đâu. Chính nó đã gây gia biến cho gia đình Vương ông, gia đình ông Ro mà Thuý Kiều và Thuần phải cát lầm, đau khổ.

Ông Ro ở làng Bùi là cán bộ Đảng do “đồng chí” của mình vu oan và kết án tử hình, khi chôn ông vẫn còn nguyên rợ trói hằn lên xương cốt suốt mười lăm năm. Ông già ở Phú Thọ là bố vợ của Thuần, là thông gia tương lai của ông Ro vì bị bệnh hủi, dân làng sợ lây nên đã trói ông, nhét dẻ vào mồm đem chôn sống xuống hố vôi trong tư thế nằm xấp suốt bao nhiêu năm. Ông Ro chết oan uổng là do sự sai lầm trong CCRĐ từ phía thượng tầng kiến trúc. Ông hủi chết đau đớn vì sự lạc hậu phía hạ tầng thường dân. Cả hai ông đều được một tay Thuần cải cát, cởi được sợi dây trói oan nghiệt đã hằn lên từng đốt xương tàn.

Cô Gấm trẻ đẹp, hiếu nghĩa nhưng bị dân làng khinh bỉ, xa lánh vì cô là con gái ông hủi. Cô mồ côi cha mẹ, sống cô đơn và luôn có một mong ước cải cát cho bố để tháo sợi dây oan nghiệt mà dân làng trói chôn sống ông trong hố vôi. Thuần về làng bị dân làng xua đuổi, làm ra sản phẩm tiêu dùng đem bán thì dân không thèm mua, trông thấy anh đi đâu thì dân làng lánh xa, họ đuổi anh bằng loa và gậy gộc…Tất cả chỉ vì anh là thằng hủi, mặc dù anh đã được viện Phong chữa khỏi cho xuất viện. Trên đường mười lăm năm gió bụi Thuần và Gấm đã thành đôi vợ chồng hạnh phúc. Không may khi sinh con đầu lòng chết cả hai mẹ con. Đau khổ Thuần lại đơn côi gió bụi và anh trở về làng Bùi nhưng lại bị làng xua đuổi. Việc cách ly với những bệnh nhân hay lây nhiễm là việc làm văn minh, khoa học, nhân đạo nhưng vì tập tục cổ hủ, lạc hậu mà nhân dân ta đến tận ngày nay đâu đó vẫn có thái độ xa lánh những người có bệnh. Không riêng gì bệnh hủi, hiện nay còn nhiều bệnh nhân cũng bị cộng đồng xa lánh như HIV chẳng hạn. Còn trường hợp một CCB bị nhiễm chất độc màu da cam có người con gái rất đẹp người đẹp nết mà vẫn bị ế chồng, con trai tráng kiện vẫn ế vợ! Tập tục xa lánh người có bệnh truyền nhiễm hiện nay vẫn còn là một góc khuất xám nơi làng quê, khiến cho bệnh nhân tiêu cực cô đơn.

Giời cao đất dày” còn thấp thoáng những trang viết về làng Bùi trên đường xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, có lẽ ngoài việc tạo điều kiện cho miền Bắc làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi nhưng chính phong trào xây dựng HTX nông nghiệp đã kéo dài sự lạc hậu, kéo dài lịch sử đói khổ cho nông dân hơn một phần tư thế kỷ. May thay sau 25 năm trì trệ có chính sách “Khoán 10” và “Chỉ thị 100” đã cởi trói cho nông dân, cho nông thôn Việt Nam.

Giời cao đất dày” nhấn về góc lều ngoài bãi biển cạn chân đê xem ra Bùi Thanh Minh muốn có được vành đai chắn sóng bằng rừng nước mặn, vành đai môi trường sinh thái cho quê hương anh. Thời HTX dân làng Bùi đói quá nên cua ốc biển cũng vơi dần, tre chân đê cũng chặt, rừng sú vẹt bị tiêu diệt… sinh vật biển không còn chỗ trú ngụ bỏ đi làm hết nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên. May thay trang trại của vợ chồng Thuần, Sa lại phát triển, thuỷ sản sinh lợi, chim cò về đậu kín rừng. Được như thế vì Vợ chồng họ chăm chỉ một phần nhưng rừng của họ không bị phá còn vì dân làng Bùi không ai muốn ra “Giây với thằng hủi”.

Giời cao đất dày” thông qua tiểu thuyết mà bạn đọc tự rút ra được những bài học lịch sử về sự nghiệp “Tam nông” nước nhà, về hoạch định đường lối, thực thi đại sự “Xây dựng nông thôn mới” từ nay về sau.

Đọc “Giời cao đất dày” tôi đã dừng lại hơi lâu ở những trang Bùi Thanh Minh viết về miền hư ảo, tâm linh có làm mờ đi cái chân thực của sự phản ánh không. Ví như mỗi khi Thuần ra nghĩa địa thắp hương trên mộ cha, mẹ, chị mình thì trong sương đêm mờ ảo lại hiện lên nguyên phiên toà ông Đội sử bắn tại chỗ ông Ro, hay sự xuất hiện con quái vật đầu cá thân và đuôi lại giống người đàn ông thường hiện hình hiếp chết đàn bà con gái làng Bùi.... Chính cái miền hư ảo, tâm linh ấy lại bảo hộ và chứng cho cái mảng hiện thực xã hội rất chân thực của tác giả trong tiểu thuyết. Cái ác của xã hội, của con người với con người trong một làng xã đã thấm vào tận tim gan óc vào máu của các nạn nhân như ông Ro, vợ con ông, ông Hủi, Gấm , Sa, Thuần. Riêng Thuần có lúc phát điên vì quá đau đớn mà không thể nào xoá đi trong óc hình ảnh cái dòng máu từ ngực bố mình vọt ra khi bị ông Đội sử bắn, hình ảnh bộ xương của bố vẫn bị trói gò dưới bùn đất; Hình ảnh ông hủi bị trói và chôn sống trong hố vôi, hình ảnh Sa bị lão bố dượng tàn ác, hình ảnh lão côn đồ hàng xóm hiếp chị Hương và hiếp Sa. Hình ảnh con quái vật là hiện thân của những kẻ tàn ác ấy. Đó chính là tâm lý học loài người.

Mười chương viết đã có kết cấu chặt chẽ, hợp lý trong “Giời cao đất dày”. Cây bút thuần thục Bùi Thanh Minh như làm xiếc với câu chữ để mô tả tâm lý của nhân vật, quá trình diễn tiến sự và việc đến nút thắt nút mở một cách triết lý, trong sáng. Xây dựng các nhân vật rất nét và điển hình về nội tâm và ngoại dạng. Các nhân vật được nhà văn nuôi dường bằng những chi tiết văn học tinh tế, tự nhiên, không áp đặt. Thấp thoáng trang văn còn có nét hài nhưng cô đọng và cũng là một cách phản ánh hiện thực càng chân thực hơn, văn học hơn.

Hư cấu là một nghệ thuật viết tiểu thuyết. Hư cấu để sự thực được thực hơn, được biện chứng hơn. Những mảng hiện thực xã hội Bùi Thanh Minh tâm huyết phản ánh trong “Giời cao đất dày” là rất thật để mong cho sự nghiệp tam nông nước nhà giàu mạnh công bằng văn minh. Tuyến nhân vật trong “Giời cao đất dày” ở cả hai phía chính diện và phản diện đều là người cần lao nên mâu thuẫn sảy ra là mâu thuẫn nội bộ, không đối kháng. Lời kêu than “Giời cao đất dày” qua cây bút của nhà văn sẽ dễ thấu nhân tâm.

Tiểu thuyết “Giời cao đất dày” của Đại tá, nhà văn Bùi Thanh Minh, với tôi là những “Chứng tích của một thời đau khổ” mà tôi đã từng sống, từng nếm trải – “Giời cao đất dày” sẽ còn là dấu ấn với tương lai xa./.

Tháng 9-2014

ĐỖ LÂM HÀ

Sn 58/01 – Tổ 50 – P.Quang Trung – TP.Thái Bình – ĐT 0987221404

Email: anhcautb@gmail.com