Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tí ơi

Kim Oanh
Chủ nhật ngày 6 tháng 10 năm 2013 6:02 AM

Kim Oanh

          Nếu như có một giấy chứng nhận hành nghề lâu năm về nuôi bò thì nhà thằng Tí chắc chẳng nhường cho ai. Hình như từ thời ba nó, ủa không, ông Nội nó, mà cũng chưa chắc, ông Cố nó kìa, đều chăn bò thuê.
          Nhà nó chăn bò giỏi đến nỗi, bao lần và bao thằng bé thuộc dòng tộc muốn vứt cái roi đi mà người ta năn nỉ quá, người ta đưa giá lên hấp dẫn quá hoặc người ta gia ơn gì đó khó trả quá, đến mức nhà nó cứ tiếp nối chăn bò cho cả vùng, vài vùng lân cận luôn. Tin đồn nhà nọ thuê chăn 30 con bò nhưng  gầy trơ xương, chủ trại đành mổ bán cho người nấu xì dầu. Khi mổ ra trong bao bụng bò toàn dép Lào hóa ra đói quá cái gì nó cũng ăn, khiến nghề nuôi bò thuê của nhà nó càng được để  ý.
          Chăn bò không dễ, nhất là ở nơi cóc cáy khô cằn. Mùa mưa thì cỏ nhiều nhưng đường hay lở, qua sông, qua suối bò sẩy chân thì làm sao mà kéo lên nổi. Mùa khô, một cọng cỏ ở đây còn khó kiếm hơn ở siêu thị. Khi ấy phải đi tìm hiểu xem nơi nào còn ướt, còn cây để lùa bò tới.
Đã vậy mùa nào bò cũng có bệnh, bệnh cũ thú y còn bó tay thì đã ra bệnh mới…Nuôi bò khổ  thế nhưng người ta vẫn theo vì bò chỉ ăn cỏ rồi đẻ con, con con lại đẻ tiếp, cứ thế kiếm lời. Có người mua bò gầy ở nơi khác đem đến thuê chăn, đến khi mập lên cân kí lô. Tất nhiên người mua bò đàn đem gửi chăn toàn xứ khác, họ chỉ có mặt khi lấy tiền bán bò thôi. Dân xóm Me thì nuôi 2, 3 con là cùng chỉ  ăn loanh quanh trong làng cần gì vào núi cho cực. Tóm lại, dù gì thì chăn bò cũng phải nâng lên thành một nghề mang tính khoa học cao và cả tính…nghệ thuật nữa.
          Tí là người thứ bao nhiêu trong dòng họ cầm cái roi thì nó không nhớ. Nhưng với nó rừng núi là nơi thú vị nhất. Từ sáng sớm lờ mờ nó đã dậy lùa bò lầm lũi đi. Đến chân núi sẽ gặp vài ba đứa nữa. Chúng hú hét chào nhau rồi tản ra mỗi đàn một góc núi. Siêng thì hú hét tụ tập đâm cá dưới suối, bẻ trộm bắp nướng. Biếng  thì leo cây nằm nghỉ.
          Rừng miền Đông có hai mùa rõ  rệt. Mùa mưa cây rất nhiều, mùa khô đá rất nhiều. Cây cao che khuất tầm nhìn thì đá cũng cao, ở gần nhau vài chục mét mà không hắt hơi, không ho khạc thì cũng tưởng mình làm chủ cả thế gian.
          Bữa nay Tí lùa bò về đã thấy ba má ngồi bên bàn uống nước, nét mặt ai cũng khó như bị cóc cắn. Có một bà khách ngồi cùng, bà vẫy tay cho Tí.
-         Ra nó đây à? Nhỏ xíu xiu à.
-         Dà, cháu nó 10 tuổi- Ba thằng Tí dè dặt- Cứ lùa bò hoài không khá lên nổi. Tui tính cho nó nghỉ, đi học lớp tình thương ban đêm
-         Con không  đi học  đâu- Thằng Tí giãy nảy. Bà khách bật cười, nó tiếp- Xóm này có đứa nào đi đâu mà kêu con đi.
Thấy cái nhìn rất đe dọa của má, thằng Tí im re, ngồi mé mé mé ghế nghe cuộc trao đổi của người lớn. Đại loại ba nó không muốn nó khổ, con trai phải có chí hướng. Má nó sợ nó lang thang trong rừng nguy hiểm, nghe nói có bọn xấu về bắt trẻ em đem vào thành phố cho ăn xin. Bà khách thì bảo đã lỡ nhờ gia đình nuôi mấy chục con bò, giờ trả lại biết làm gì, thôi thì ráng cho vài tháng để tìm cách, nếu thấy khó thì bà sẽ trả thêm chi phí.
Ba nó nói cũng còn có lý đôi chút,  chiều chiều, nó thấy chú Chín chở vợ con về bằng xe máy êm ru, nó cũng  thích. Nghe nói chú Chín học nhiều nên giàu có, chứ dân lùa bò như nó có nhiêu ăn nhiêu. Một năm hay lắm được ba  chục  triệu chỉ đủ mua gạo cho cả nhà. Nhưng má nó  thì vô lý hết sức, vẫn cứ coi nó như con nít. Gì  chứ nguy hiểm vì rắn cắn ư? Quên đi nhé, nó chỉ mong có rắn thò đầu ra để đập chết, nướng thơm lừng rồi bóc ăn. Qua sông, qua suối ư…Muỗi…Nó mà không biết chỗ nào xoáy, chỗ nào hiền thì có xứng mặt dân xóm Me không? Hết rồi, còn nguy hiểm gì nữa đâu? À, cái vụ bắt cóc. Chuyện là vầy: Rừng vùng khô hạn quê nó không được gì ngoài cây gai bụi và xương rồng. Trong số các loại xương rồng thì bọn chăn trâu sợ nhất cây Lưỡi Long. Cây dẹp, to bản, gai nhiều và dài, đi qua  kiểu gì cũng dính. Đã vậy khi nó châm vào thịt là gây đau ngay lập tức, vừa  đau vừa ngứa. Cứ ngứa là gãi rồi sinh ghẻ. Nhưng độc nhất là nhựa của nó. Nhựa trắng như sữa, gãy một cành là chảy ào ạt. Nghe bảo nhựa  cực độc, chắc bôi đầu mũi tên đi săn cũng có lý lắm. Nghe nói, lại nghe nói chứ chưa ai thấy: Bọn người xấu bắt trẻ em, nhỏ nhựa Lưỡi Long vào mắt cho mù rồi dắt vào thành phố đi ăn xin. Ở xóm nhà Tí chưa có nhưng xóm bên, cách đây chừng 20 km thì có rồi. Mù  thật đáng sợ, khi nào cũng đen sì sì, có lẽ vì vậy má nó muốn nó nghỉ lùa bò, trả bò cho người ta. Tí thấy bà khách cũng hiền, cười cười suốt, khi nào cũng nhỏ nhẹ năn nỉ đâm ra nó cũng thích thích. Rồi nó  thấy nó cũng quan trọng, gì chứ nếu nó không lùa bò thì mấy chục con này chết có. Không lẽ ba nó lùa được, má nó lùa được. Mà bà khách nói rất có lý, giờ nó còn mải chơi, lang thang trong rừng là cách để đứa trẻ, là nó đấy, hòa mình vào thiên nhiên, tìm hiểu thiên nhiên, chuyện học và kiếm tiền là chuyện cả đời. Với lại nhìn gương mặt nó sang sủa thế, là bà ấy nói, không học cũng bằng người ta… Miên man suy nghĩ, nó thấy hồng lên chùm quả keo chín trên lưng con bò vàng to nhất đàn rồi thiếp đi.
Tờ mờ sáng Tí đã thức, sợ bị ngăn cấm chuyện lùa bò, nó lấy đại miếng cơm trong nồi bỏ vào hộp nhựa rồi rón rén đi. Má nó trờ dậy gọi với theo, nhưng nó vừa chạy vừa đáp: Con đi, chiều về sớm, má đừng lo.
Đó là câu nói cuối cùng, hình ảnh cuối cùng cùng má nó có về nó. Chiều ấy, chiều sau, chiều sau nữa…Tí không về. Bao nhiêu cuộc tìm kiếm, bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu tiếng gọi…Tí đều không biết. May thì nó sẩy chân rơi xuống sông, nước cuốn đi xa, mắc kẹt đâu đó chưa nổi lên. Xui thì bị người ta nhỏ nhựa Lưỡi  Long vào mắt cho mù rồi dắt vào thành phố ăn xin, sống dò dẫm trong cuộc đời đen tối…
Không ai biết Tí ở đâu. Ba má nó dành dụm tiền từ bao đời chăn bò thuê đi khắp nơi tìm nó. Đi một chuyến dài bằng cả năm theo bò nhưng giờ vẫn chưa thấy đâu. Ai thấy Tí nhà tui xin chỉ dùm. Nó mười tuổi, gầy đét, tóc cháy vàng, nói giọng miền Trung…Mụn ruồi à…không…không nhớ…nó về khi đã tối, nhà thắp đèn dầu, thấy mặt mũi là khá lắm rồi chứ làm sao thấy mụn ruồi nữa…