Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Một kỉ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nguyễn Trọng Liên
Chủ nhật ngày 6 tháng 10 năm 2013 7:00 PM


      Tôi có một kỷ niệm sâu sắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
      Đó là vào dịp 22-12-2000, Ban tuyên giáo Trung ương tổ chức chuyến đi “Về nguồn” cho những “Nhà giáo-Chiến sĩ” đạt thành tích xuất sắc trong cả nước. Trong chuyến đi ấy, khoảng hơn 300 người được thay mặt cho các Nhà giáo-Cựu chiến binh từ các tỉnh trong cả nước tề tựu tại thủ đô Hà Nội. Đoàn xe ca rất mới được trang trí bằng những băng dôn và cờ hai bên thành xe. Khoảng hơn chục chiếc xe xếp thành một hàng dài chuyển bánh từ nơi tập kết đến các điểm hẹn lịch sử. Đi đầu là một xe cảnh sát, kế tiếp là “bộ chỉ huy”, cuối đoàn xe là  xe cứu thương và một xe cảnh sát “chặn hậu”! Đoàn xe được phép không dừng lại ở tất cả các ngã tư đèn đỏ! Điểm đầu tiên chúng tôi thăm là Lăng Bác, rồi thăm và chụp ảnh với các “thượng nghị sỹ” tại khu nhà Quốc hội, thăm khu Nhà sàn, nơi Bác ở và làm việc, thăm ao cá Bác Hồ, thăm căn nhà mà Bác đã nghỉ dưỡng những ngày cuối đời. Rồi đoàn xe chở chúng tôi đến thăm Viện bảo tàng lịch sử, Bảo tàng chiến tranh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh và cuối cùng chạy thẳng lên khu Đá chông vùng núi Sơn Tây, nơi Bác Hồ đã yên nghỉ trong những ngày giặc Mỹ đánh phá miền Bắc.
      Chiều ngày thứ hai của chuyến “Về nguồn”, tức ngày 22-12-2000, chúng tôi được vào thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại số nhà 30- Hoàng Diệu. Trong tôi thấy bồi hồi rạo rực khi xe dừng và tôi cùng dòng người nhẹ nhàng bước qua cổng. Một số chàng lính trẻ vui vẻ đón chúng tôi. Nhà đại tướng là ngôi biệt thự hai tầng thời Pháp. Vườn nhà khá rộng trồng ít cây cảnh. Trong sân nhiều cây đại thụ vươn cao lên tầng không. Ánh nắng sàng qua kẽ lá rơi xuống mặt cỏ như những đốm hoa lung linh. Mấy cây Bạch trà  xòe cành trên chậu. Mọi người nôn nóng được nhìn thấy đại tướng ở cái tuổi chín mươi…Rồi đại tướng bước ra chính sảnh tầng dưới của ngôi biệt thự. Đi bên cạnh đại tướng là một cận vệ còn trẻ măng, người mảnh khảnh có đôi mắt sáng và khuộn mặt lanh lợi. Đại tướng giơ tay chào chúng tôi và sau đó một tràng pháo tay kéo dài như để đáp lại và thay lời chúc mừng tuổi 90 của Người.
       Chừng một nửa số người trong chúng tôi ngồi trên sân cỏ trước ngôi nhà, phía sau  đứng thành hình vòng cung , mấy chàng “lính trẻ” chừng như muốn xán lại bên Đại tướng. Khuôn mặt mọi người rạng rỡ, tươi tắn. Tất cả im lặng nghe từng lời của Đại tướng. Ở cái tuổi chín mươi nhưng đại tướng nói rất khỏe, giọng âm vang đủ để mấy trăm người ngoài trời nghe rõ. Đại tướng nói “bo” và không mic. Theo dự kiến đại tướng chỉ nói chuyện với chúng tôi chừng 30 phút. Ba chục phút qua đi, cậu cận vệ khẽ niú áo Đại tướng như nhắc Người. Nhưng đại tướng vẫn say sưa với câu chuyện dài. Đại tướng nói đến ba vấn đề:
1.    Tình hình hiện tại của đất nước trong thời kỳ mở cửa.
2.    Vai trò người Chiến sĩ là một Nhà giáo bây giờ.
3.  Tầm quan trọng của nền Giáo dục VN ở giai đoạn hiện tại.

Phía sau đại tướng là một chiếc ghế đệm để sẵn. Cậu lính cận về chốc chốc mời bác ngồi xuống nhưng không, đại tướng vẫn đứng và say sưa với câu chuyện của mình. Giọng Đại tướng vang trong không gian. Chúng tôi quên rằng mình đang hàng ngày đứng trên bục giảng mà thấy mhư mình vẫn đang trong hàng ngũ những người lính xung trận. Hàng mấy trăm con người im lặng nuốt từng lời của Đại tướng. Một giờ đồng hồ trôi đi, người lính cận vệ trẻ tuổi thỉ thoảng lại giật giật nhẹ tà áo Đại tướng. Sau đó không lâu, một sĩ quan với quân hàm đại úy tiến đến trước mặt Đại tướng đứng nghiêm báo cáo với Đại tướng rằng, cuộc nói chuyện không thể kéo dài hơn nữa để đảm bảo sức khỏe cho Đại tướng, theo yêu cầu của bác sĩ. Đại tướng khẽ gật đầu rồi nở trên môi một nụ cười cùng với câu chuyện được khép lại. Tràng vỗ tay vang lên và kéo dài mãi. Những tiếng hô không đồng nhất : “Kính chúc Đại tướng khỏe”. Vị tướng già ở tuổi 90 đứng cả hơn tiếng đồng hồ nói chuyện say sưa với những cựu binh xuất sắc của mình, với niềm hứng khởi, nói chuyện say sưa với những đồng nghiệp trong ngành Giáo dục mà mình đã từng qua trong  chặng đầu cuộc đời đi làm cách mạng và luôn đau đáu về sự nghiệp “Đổi mới giáo dục” Việt Nam!
       Chúng tôi vây quanh Đại tướng. Có nhiều người cố len vào để được cầm bàn tay của Đại tướng. Máy ảnh chớp lia lịa. Sau đó chúng tôi được chụp ảnh kỷ niệm với Đại tướng ngay trong khuôn viên ngôi nhà Đại tướng. Những cô giáo mặc quân phục ôm hoa đến tặng Đại tướng. Mắt vị Tướng già sáng lên, mặt Người ngời tràn hạnh phúc. Một số ít trong chúng tôi cảm động để cho những giọt nước mắt lăn trên gò má.
        Một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời tôi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chiến đấu vì sự nghiệp Độc lập, Tự do của dân tộc với cả cuộc đời mình. Ở cái tuổi 90, đại tướng còn lo cho sự nghiệp cách mạng trước mắt, lo cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà, lo cho sự nghiệp trồng người trong tương lai.
       Ngày 22 tháng 12 năm 2000, cái ngày gần kết thúc năm đầu tiên của một Thiên niên kỷ mới, với tôi đầy tràn cảm xúc. Trong lòng tôi sống dậy những năm tháng chiến trường và trước mắt tôi hiện lên tấm bảng đầy nét chữ thân quen của mình mỗi ngày…với hàng trăm cặp mắt của sinh viên giữa giảng đường trường Đại học Hồng Đức non trẻ của tỉnh nhà-Trường ĐH Hông Đức Thanh Hóa…
      Mười ba năm sau ngày ấy, hôm nay, ngày 04-10-2013 vào lúc 18h 9 phút, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần.
 
       Thế là Đại tướng Võ Nguyên Giáp không còn nữa. Ông đã ra đi mãi mãi vào cõi Vĩnh hằng, mang theo một tình cảm lớn lao của nhân dân Việt Nam, của lực lượng vũ trang Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam và hơn thế, của những con người ngưỡng mộ Đại tướng, trên toàn thế giới.
        Nhân dân ta, dân tộc ta mãi mãi biết ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1946, là vị tướng đầu tiên (năm 1948) khi ông mới chỉ 37 tuổi, người có tên gắn liền với địa danh huyền thoại “Điện Biên Phủ” từ năm 1945; đánh bại đế quốc Pháp, mở đầu cho phong trào giải phóng dân tộc của nhiều nước thuộc địa trên khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Mỹ La tinh; người thống soái chỉ huy quân đội ta chiến thắng vẻ vang “Chiến dịch Hồ Chí Minh” lịch sử, giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam, thống nhất đất nước,  trước đó góp phần quan trọng buộc đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
       “Người anh cả” của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã ra đi!

“ Xin hãy yên nghỉ, người anh hùng của nhân dân. Ông sẽ mãi mãi là một vị tướng vĩ đại nhất của chúng tôi” – Hãng AFP đã dẫn lời bình luận của một người trên dòng mạng xã hội
Sau chiến thắng lẫy lừng chiến dịch Điện Biên Phủ, làm thất bại hoàn toàn kế hoạch Na-Va, không xa sau đó “ông tiếp tục giám sát cuộc tiến công Tết Mậu Thân chống lại Mỹ năm 1968 và được cho là một trong những nhân tố khiến người Mỹ rút lui” ( Bình luận của hãng BBC)
“Sau Hồ Chí Minh, ông là người quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX” ( Hãng AP)
“Ông được người Việt Nam tôn kính chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh” (Thông tấn Trung Quốc)
Cựu trung tá thủy quân lục chiến Mỹ James G. Zưmwdt nhận xét “ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng vĩ đại nhất thuộc về một thế hệ vĩđại nhất của Việt nam”
Nhiều nhà nghiên cứu nhà sử học, nhà quân sự trên thế giới cho rằng “ Võ Nguyên Giáp là vị thống soái vĩ đại, một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại”…

        Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, khi quân dân ta đã chuẩn bị thật chu đáo, dốc toàn lực lượng cho chiến dịch vây hãm căn cứ, thì đại tướng (được toàn quyền chỉ huy) đã đột ngột  lệnh kéo pháo ra, chờ dịp “đánh chắc, thắng chắc”, thay cho việc “đánh nhanh thắng nhanh”. Đây là một biểu hiện tài ba của một vị tướng trên cơ sở phân tích chiến thuật, chiến lược cầm binh. Kinh nghiệm chiến trận đã nâng cao vị thế của nhà cầm quân vĩ đại, của một vị tướng, vị tổng tư lệnh còn rất trẻ, đưa đến thắng lợi lẫy lừng ở Điện Biên Phủ, làm bàng hoàng dư luận thế giới!
Nhưng ngược lại, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, khi quân ta đã chiến thắng liên tiếp trên các mặt trận, thì đại tướng có công điện cho toàn bộ lực lượng vũ trang là: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng!". Một lần nữa bộc lộ thiên bẩm của một tướng tài, một vị tướng vĩ đại!..

       Chúng ta kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đại tướng. Người đã đi qua cái ngưỡng “bách niên” để về cõi Vĩnh hằng. Là một cựu chiến binh thời chống Mỹ, là một công dân nước Việt anh hùng, con xin dâng lên Linh hồn Đại tướng nén tâm nhang để tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự đóng góp Vĩ Đại của Người cho sự nghiệp cách mạng Dân tộc Việt Nam.

        Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà thao lược tài ba. Có nhiều nhà nghiên cứu về đại tướng nói rằng, Ông Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tự học, học qua thực tiễn của cuộc kháng chiến Thần thánh của chính dân tộc VN. Đã có hơn 120 cuốn sách viết về ông với nhiều thứ tiếng khác nhau. Những cuốn sách  đã viết về một “ một thiên tài quân sự lớn nhất của thế  kỷ XX”!
        Đại tướng Võ Nguyên Giáp có những tác phẩm  giá trị về chiến tranh giữ nước và chiến tranh nhân dân  như “Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng”, “Vũ trang quần chúng cách mạng xây dựng Quân đội nhân dân”, “Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo về Tổ quốc”. Những tập hồi ký của Đại tướng như những thiên sử vẻ vang trong bước đường cống hiến cho cách mạng với cương vị là người đứng đầu các lực lượng vũ trang nhân dân, đó là “Chiến đấu trong vòng vây”. “ Đường tới Điện Biên Phủ”, “ Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, “Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng” đã được dịch ra  tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Ả rập…để cho nhiều thế hệ trẻ trong các lực lượng giải phóng dân tộc nhiều nước coi là “sách gối đầu giường”

       Đời tư của Đại tướng trong sáng như pha lê. Đại tướng có một gia đình hạnh phúc. Người kết hôn lần đầu với ông vào năm 1934 là nhà cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái. Hai người có một người con là bà Võ Hồng Anh (1941-2009). Bà Hồng Anh là tiến sĩ khoa học và từng đoạt giải thưởng Kovalevskaia. Đại tướng tái hôn với giáo sư Đặng Bích Hà (con gái của giáo sư Đặng Thai Mai) sau khi người vợ đầu hi sinh vào năm 1946. Ông bà có 4 người con là Võ Hòa Bình, Võ Hạnh Phúc, Võ Điện Biên và Võ Hồng Nam. Như là một huyền thoại, Đại tướng đặt tên cho những người con của mình biểu hiện một khát khao hòa bình, độc lập, hạnh phúc của nhân dân, biểu hiện sự chiến thắng chống giặc ngoại xâm, biểu hiện một kỳ vọng cho  đất nước luôn là một màu hồng tươi đẹp!

TP Thanh Hóa, ngày 6-10-2013
Nguyễn Trọng Liên