Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Danh tướng Phạm Tử Nghi

HPH
Thứ tư ngày 25 tháng 9 năm 2013 6:31 AM


TỨ DƯƠNG HẦU PHẠM TỬ NGHI- ANH HÙNG THỜI LOẠN


Phạm Tử Nghi (tên huý là Thành) người làng Vĩnh Niệm, tổng An Dương, huyện An Dương, phủ Kinh môn, trấn Hải Dương (nay thuộc quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng). Theo Ngọc phả “Nam Hải đại vương” và các thư tịch cổ đều ghi: ông sinh ngày 2 tháng 2 năm Lê Hồng Thuận (1509), người xã Vĩnh Niệm, xã này sau tách làm 3 xã Niệm Nghĩa, Nghĩa Xá và Đôn Nghĩa. Phạm Tử Nghi làm quan nhà Mạc đến chức Thái uý, tước Tứ Dương Hầu. Thuở nhỏ, ham học các sách cổ kim, “nghe một biết mười”, lớn lên, ông chịu khó luyện tập võ nghệ nên khoẻ mạnh và vóc dáng to lớn. Tục truyền, sinh thời Phạm Tử Nghi đắp một con đường dài mà vết tích của nó còn lại đến ngày nay - đó là đoạn đường từ cầu Niệm đến cầu Rào. Tương truyền rằng, ở hai đầu và hai bên đường đó, ông đắp các ụ đất cao. Cứ mỗi lần tập võ, tập chạy đến các ụ đất ấy, ông lấy gậy đập và gạt bằng các ụ đất đấy. Người đương thời thấy ông có sức khoẻ lạ thường, cho rằng ông là thần Thiên Lôi giáng thế nên gọi đường đó là “Thiên Lôi”. “Đại Nam nhất thống chí” phần tỉnh Hải Dương chép về chuyện này như sau: “Xưa Phạm Tử Nghi người xã Vĩnh Niệm, có sức khoẻ, từng đắp con đê dài ước ba dặm, lại đắp hai ụ đất cao 5 thước ở hai đầu trên mặt đê; sau đó cầm gậy chạy đến chỗ ụ đất hét đánh một cái thì quét sạch đất. Đê nay vẫn còn, hàng năm dân sở tại bồi đắp đê ngăn nước mặn” (Nhà xuất bản KHXH, 1971, tập 3, trang 391). Vốn có tham vọng xâm chiếm đất nước ta từ lâu và lợi dụng tình hình phong kiến Việt Nam thế kỷ thứ XVI không ổn định, nhà Minh thường tung người sang nước ta dò la tin tức, cho quân quấy nhiễu gây xung đột, lần chiếm đất đai ở biên giới phía bắc. Theo ngọc phả, tiếng tăm của Phạm Tử Nghi vang đến tận triều đình nhà Minh bên Trung Quốc. Để bảo vệ sự toàn vẹn đất đai của tổ tiên, Phạm Tử Nghi đã tâu xin vua Mạc cho mình đưa quân đi đánh dẹp bọn khiêu khích, lấn chiếm. Quân của ông đi đến đâu thắng đến đó. Thừa thắng, ông cho quân đánh vào miền đất Châu Khâm và Châu Liêm (thuộc Quảng Đông và Quảng Tây) nhằm chặn tận gốc mầm mống gây rối. Nhà Minh không chế ngự nổi, phải cho sứ giả cầm thư sang trách: “Nước Nam là nước nhỏ mà tráo trở lấn cướp nước lớn”. Phạm Tử Nghi bảo sứ giả: “Mã Viện nhà Hán không vì cớ gì đến chiếm đất đai cũ của tổ tông ta; nay ta là tướng soái của nhà nước, chức phận của ta phải là như vậy. Ngươi mau về nói với vua nhà ngươi rằng, nếu muốn hoà thì đừng lấn lấy đất của ta nữa. Ta cũng chẳng cho quân lính động chạm đến ai ...”. Quân thù ngoan cố không chịu nghe lời phải trái nên Phạm Tử Nghi phải tiếp tục làm chức phận của mình. Và, quân của ông lại thắng lớn. Quân Minh bèn tìm cách cho người bắt cóc mẹ già của ông đưa về Trung Quốc, rồi sau đó sai sứ mang thư sang trách vua Mạc và nhắn Phạm Tử Nghi muốn tính mệnh của mẹ mình được an toàn thì phải đầu hàng. Phạm Từ Nghi nghĩ đến đạo làm con sao cho tròn chữ hiếu nhưng muốn giảng hoà làm chước bãi binh. Còn nếu đối phương tráo trở ông sẽ lại cất đại binh đến thẳng Nam Kinh đánh những trận lớn để rửa nhục cho nước nhà, báo thù cho mẹ. Suy nghĩ như vậy, Phạm Tử Nghi đã nói với sứ giả về nghi thức làm lễ giải hoà, đón mẹ về và hẹn ngày hội ước. Sứ giả về tâu, vua Minh đồng ý. Đúng hẹn, Phạm Tử Nghi đến nơi hội ước mới biết là mình trúng kế quân thù. Bị bắt, ông lớn tiếng mắng bọn bội ước. Quân Minh cho đao phủ chém đầu ông bêu ở chợ, còn xác thì đốt, rắc tro cho gió thổi bay. Ngay sau hôm ấy, trên đất nhà Minh  người và súc vật bị hại rất nhiều. Vua Minh phải ra lệnh cho làm một hòm đá trong quan ngoài quách, đặt thủ cấp của Phạm Tử Nghi vào trong rồi lấy lễ quân hầu mà tế đưa, phong cho ông làm thượng đẳng thần hai nước và cho đặt hòm đá đó lên chiếc bè nhỏ thả xuống dòng nước, trên che chiếc lọng xanh. Chiếc bè này trôi về bến sông Niệm rồi dừng lại. Dân làng Vĩnh Niệm ra đón rước hòm đá và làm lễ an táng ông. Sau đó dân làng dựng miếu gần làng thờ ông để tưởng nhớ công lao. Chính sứ nêu rất rõ vai trò của Phạm Tử Nghi sau cái chết của Mạc Phúc Hải. Ngày 8 tháng 5 năm Bính Ngọ, tức ngày 6 tháng 6 năm 1546, Mạc Phúc Hải chết khi con trai trưởng là Mạc Phúc Nguyên mới có 5 - 6 tuổi. Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi chủ trương lập Hoàng vương Mạc Chính Trung là con trai thứ hai của Mạc Đăng Dung đã từng trải chiến trận có nhiều công tích, lên làm vua. Phạm Tử Nghi cho rằng: “Hiện nay trong nước đang lúc nhiều nạn, nên lập vua lớn tuổi: Hoàng vương Chính Trung đã nhiều phen cầm quân và thường thắng trận, vậy xin dựng lên nối ngôi” (Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử. Nhà xuất bản KHXH, 1978, T.3, tr.283). Nhưng các tôn vương họ Mạc và nhiều đại thần có thế lực do Mạc Kinh Điển và Nguyễn Kính cầm đầu không theo, vẫn lập Mạc Phúc Nguyên lên nối ngôi. Từ đó nẩy sinh mâu thuẫn chống đối giữa hai phái. Phạm Tử Nghi cùng với Mạc Văn Minh là cháu Mạc Đăng Dung và những người theo ông đưa Chính Trung về Hoa Dương, huyện Ngự Thiên (nay thuộc Thái Bình) lập triều đình riêng. Mạc Phúc Nguyên sợ, phải rời khỏi kinh thành, lánh về miền Đông. Mạc Kinh Điển và Nguyễn Kính nhiều lần đi đánh Phạm Tử Nghi đều bị thất bại. Việc Phạm Tử Nghi không muốn Mạc Phúc Nguyên lên nối ngôi vua mà muốn lập Hoàng Vương Chính Trung, khách quan mà nói, đó là một quan niệm thực tế, tiến bộ, không bị ràng buộc bởi chế độ trưởng nam của đạo Nho. Ông rất có thể, đã bất bình với việc Mạc Đăng Dung cùng bọn quần thần nhà Mạc lên trấn Nam Quan dâng biểu hàng phục và xin nộp đất năm động Tê Phù, Kim Lộc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù thuộc châu Vĩnh An trấn Yên Quảng cho nhà Minh (1540), lại bất đồng quan điểm với vương triều Mạc về việc chọn người kế vị (1547). Việc làm của ông không bị cô lập và ông đã biểu thị một thái độ không vừa lòng với thực tại. Ông muốn tìm một giải pháp riêng của mình. Ông vừa chống nhà Mạc, vừa chống âm mưu xâm lược nước ta của nhà Minh. Ông đã ra tờ bố cáo lên án đối phương, tự hào về sức mạnh và công trạng của mình. Mở đầu tờ bố cáo viết: “Thuận đức thì thịnh, đó là lẽ của trời; vì nghĩa động binh để giương oai vô địch. Tội kẻ nghịch tặc không thể dung tha. Người trong thiên hạ ai cũng được đánh”. Đoạn cuối tờ bố cáo nêu: “Ba quân tựa trời xuống, thắng trận tựa cuốn chiếu đi. Thuyền binh đến bến Lục, quân giặc vỡ tan; binh sĩ tới sông Hy, quân giặc hãi sợ. Chúng tuy nhiều quân và dũng mãnh, thảy đều quay giáo xin hàng. Đã chém kình dựng quán, dân trở lại vui tươi. Đó là trời giúp thì nên, đúng là thời kỳ thịnh trị, binh hoà thì thắng đã định kế vẹn toàn. Sẽ thấy: nhật nguyệt chói chang, giáp binh rửa sạch, nước nhà thịnh vượng, cơ nghiệp vững bền”. (Đại Việt thông sử, T.3, tr.268). Nhưng cuối cùng, phái Mạc Kinh Điển liên kết với Thành Quốc công Lê Bá Ly đã đánh tan Tử Nghi ở Ngự Thiên. Qua sự việc này, Minh sử ghi rằng: “Chính Trung và Văn Minh đem gia thuộc chạy sang Khâm Châu, còn Tử Nghi thu tàn binh trốn ra Hải Đông” “(Q.321, tờ 29a). Hành động nhục nhã của Chính Trung và âm mưu của nhà Minh khi dung nạp chứa chấp Chính Trung đã khiến cho Phạm Tử Nghi có chủ trương đánh phá Lưỡng Quảng và đòi lại Mạc Chính Trung. Minh sử ghi rằng: “Chính Trung thua, đem hơn một trăm người quy phục triều đình, còn Tử Nghi thì đem tàn binh trốn ra Hải Đông. Đến đây (năm 1547) Tử Nghi phao tin là Hoàng Dực (tức Mạc Phúc Nguyên) chết, phải đón Chính Trung về nối ngôi. Binh lính An - nam sang cướp bóc Châu Khâm và Châu Liêm, mạn Lĩnh Hải náo động. Tất Tiêu (tổng đốc Quảng Đông) sau Đại Dư (tham tướng Châu Khâm) đem quân đi đánh. Đại Dư đến Liêm Châu, giặc đang đánh thành rất gấp. Đại Dư thấy thuỷ binh chưa đến, bèn sai kỵ binh đến dụ giặc hàng và tung tin đại binh đã đến, đặt phục binh ở núi Quan Dâu. Giặc đánh Khâm Châu, Đại Dư chặn đánh, bắt sống được em của Tử Nghi là Tử Lưu, chém được 1.200 thủ cấp và đuổi tận Vân Đồn ở Hải Đông:. “(Minh sử, Q.212, liệt truyện 100, Dư đại dư) Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: Tử Nghi lại trốn vào đất Minh, thả quân đi bắt người cướp của ở Quảng Đông, Quảng Tây, người Minh không thể kiềm chế được ...” (Sách đã dẫn, T.4 tr. 136). Nhiều sách sử của ta như Hoàng Việt địa dư chí, Hải Dương toàn hạt tỉnh chí, v.v .. cũng chép tương tự như thế. Như vậy là việc Phạm Tử Nghi đánh sang Lưỡng Quảng ngọc phả và chính sử đều chép. Riêng về cái chết của Phạm Tử Nghi là điều còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “... Bấy giờ nhà Minh muốn đem quân sang, họ Mạc sợ lắm, mới sai kẻ tiểu tốt đi bắt được (Tử Nghi) chém đầu, sai đưa sang nước Minh. Đi đến đâu thường sinh ôn dịch, người và súc vật bị hại nên người Minh trả lại” (Sách đã dẫn, T4, tr. 138). Ở đây có thể thấy rằng bọn phong kiến nhà Minh đã buộc nhà Mạc phải đàn áp Phạm Tử Nghi, nhà Mạc đã sợ và phải làm việc ấy. Về thời gian Phạm Tử Nghi chết, Đại Việt thông sử cho là vào năm 1549, Đại Việt sử ký toàn thư lại ghi vào năm 1551. Còn trong ngọc phả Nam Hải đại vương (để ở miếu Đôn Nghĩa, xã Vĩnh Niệm) thì ghi ông chết ngày 14 tháng 9 đời Lê Quang Hưng (1578 - 1599), Mạc Diên Thành (1578 - 1585) và Minh Vạn Lịch (1573 - 1620).  Như vậy, khó có thể khẳng định được ông chết vào năm nào. Tuy nhiên ngày 14 tháng 9 âm lịch hàng năm mà bao đời nay nhân dân quê hương vẫn cúng giỗ ông là có thể chấp nhận được. Do công tích của Phạm Tử Nghi đối với lịch sử nên ông được các triều đại phong kiến Lê, Nguyễn sắc phong, đặc biệt là được nhân dân quê hương hết sức yêu mến và kính trọng. Sắc phong cũ nhất ghi chép trong ngọc phả của Lê Huyền Tông, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670) đối với Phạm Tử Nghi như sau: “Có công giữ nước giúp dân, có ơn đức rất mực, đã cất quân dấy nghiệp, chức Nam Dương Đông nguyên soái, tóm thâu, làm Tiết chế cả mọi dinh thủy bộ của hai nước ở khắp nơi, phò mã đô uý, thái uý tước Thành Quốc Công, phong là Nam Hải linh ứng đại vương”. Ngoài ra, người đời đã làm nhiều đại tự, câu đối ca ngợi ông. Hiện nay ở miếu Đôn Nghĩa có các đại tự sau: Lưỡng quốc linh ứng (thần thiêng ỏ hai nước), Vạn thế phúc thần (vị phúc thần của muôn đời), Hiệu nhiên chính khí (vầng chính khí mênh mông, chính đại và mạnh mẽ). và có 9 câu đối nói về Phạm Tử Nghi, xin chỉ trích ra hai câu, để hiểu phần nào lòng dân đánh giá công lao của ông:
Tướng Mạc, thần Lê, danh bất hủ,
Cứu Minh, hận Hán; tiết di cao
Dịch:

Tướng triều Mạc, thần triều Lê, tên ông sống mãi,
Thù nhà Minh, ghét nhà Hán, khí tiết nêu cao.

và câu.
Thánh thần hải sơn chung lưỡng quốc linh thanh truyền sử sách
Hiếu trung thiên địa phạm ức niên lăng miếu hệ dân ân.
Dịch:

Thánh thần do khí sáng của non sông hai nước uy linh còn sử chép
Trung hiếu là khuôn thiêng, trong trời đất nghìn đời, lăng miếu ở nơi dân.

Trong cảm quan huyền thoại của nhân dân, Phạm Tử Nghi là người có công lao. Khi ông mất được nhân dân suy tôn làm Phúc thần, một thượng đẳng thần linh ứng. Người ta ước muốn, hy vọng gửi gắm tất cả tư tưởng tình cảm của ông mỗi khi gặp trở ngại khó khăn, tai biến. Nhân dân muốn qua ông để cầu được ước thấy.  Theo bản thần tích ở làng Quần Mục (Đại Hợp - Kiến Thuỵ), Phạm Tử Nghi từng hãm được châu Khâm, châu Liêm của nhà Minh, sau tử trận ở Nam Kinh. Các thư tịch khác ghi: năm 1551, Mạc Phúc Nguyên sai Mạc Kính Điển đem quân ra Yên Quảng đánh tan quân Mạc Chính Trung, Phạm Tử Nghi bị chém tại trận. Riêng “Toàn thư” cho biết: Mạc Phúc Nguyên mật sai tiểu tốt đi bắt được Phạm Tử Nghi. Các thuyết khác lại cho rằng ông bị lừa bắt, chặt đầu vứt xuống sông, ban đêm trôi về xã Vĩnh Niệm, hiển ứng báo cho dân làng để ra vớt về chôn, lập đền thờ; hoặc cho rằng Phạm Tử Nghi bị quân Minh dùng quỷ kế ám hại; tương truyền, khi thuyền chở thủ cấp ông đi đến đâu thì dịch tễ xảy ra ở đó, vua Minh sợ, sai trả lại nước Nam, do đó, dân ở những nơi chở thủ cấp ông đi qua thường lập đền thờ. Tục truyền, Phạm Tử Nghi được tôn thờ tại 72 đền miếu và đình làng dọc hai bên biên giới Việt – Trung ở vùng đông bắc đất nước và nhiều làng ven sông, ven biển suốt các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định. Có lẽ đây chỉ là con số phiếm chỉ nói nên số nhiều như trường hợp của Thái hậu Ỷ Lan, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn…mà thôi. Chỉ tính riêng địa bàn Hải Phòng, theo con số thống kê chưa đầy đủ có khoảng hơn 20 làng xã thờ Phạm Tử Nghi (hay còn gọi là đức Thánh Niệm) làm thành hoàng hoặc phúc thần. Đền miếu chính gồm: Từ Nghĩa Xá - dựng trên khu đất của gia đình ông; lăng Đôn Nghĩa – nơi đặt sinh phần ông; đình Niệm Nghĩa. Từ Nghĩa Xá cùng với Phủ Thượng Đoạn, đền Phú Xá và từ Lương Xâm được xếp vào hàng “Tứ linh từ” của huyện Hải An xưa. Ngoài ra, Phạm Tử Nghi còn được phối thờ tại đền miếu và đình làng các làng xã: An Dương, Đông Khê, Đồng Xá (nay thuộc phường Cát Bi), Trực Cát, Cát Bi, Định Vũ – Tràng Cát, Hào Khê (nội thành), Tả Quan, Tân Dương, Phương Mỹ, Do Lễ, Do Nghi, Trúc Động (Thuỷ Nguyên), Quần Mục, đình Đại - Cổ Trai (Kiến Thuỵ), Duyên Lão (Tiên Lãng).

HPH

Nguồn: vanhoadoanhnhanhp.com