Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chuyện con bò và hòn đá cảnh

Tống Trung
Thứ tư ngày 28 tháng 8 năm 2013 3:14 PM
Truyện cổ tân trang


1. Chuyện con bò cái ở nước Tàu

Vua Hoàn Công nước Tề đi săn, đuổi con hươu chạy vào trong cái hang, thấy có một ông lão, bèn hỏi rằng: "Hang này tên gọi là hang gì?"
Ông lão thưa: "Tên là hang Ngu Công".
- Tại làm sao mà đặt tên như thế?
- Tại kẻ hạ thần đây mới có tên ấy.
- Coi hình dáng lão, không phải là người ngu, cớ gì lại đặt cái tên như thế?
- Để hạ thần xin nói: Nguyên hạ thần có con bò cái đẻ được một con. Khi bò con đã lớn, hạ thần đưa đi bán, rồi lấy tiền mua một con ngựa con đem về cùng nuôi với bò cái. Một hôm, có chàng thiếu niên đến lấy lý "bò không đẻ ra được ngựa"; bèn bắt con ngựa con đem đi. Tôi chịu mất, không cãi được. Vì thế xa gần đâu cũng cho tôi là ngu mới gọi hang tôi ở đây là hang Ngu Công.
Hoàn Công nói: "Lão thế thì ngu thật!"
Buổi chầu hôm sau, Hoàn Công đem câu chuyện kể lại cho Quản Trọng nghe.
Quản Trọng nói: "Đó chính là cái ngu của Di Ngô này. Nếu được vua giỏi như vua Nghiêu, bầy tôi minh như Cao Dao, thì khi nào lại có kẻ dám ngỗ ngược, lấy không ngựa của người ta như vậy. Ngu Công mà đành để mất ngựa, chắc là biết rõ hình pháp ngày nay không ra gì. Xin nhà vua kíp chỉnh đốn các chính sách lại".

2. Chuyện hòn đá cảnh ở Chư Sê (Gia Lai).

Bà Trần Thị Sắc ở Chư Sê Gia Lai khi đào hồ lấy nước tưới vườn hồ tiêu thấy có hòn đá có khối lượng hơn ba mét khối, nặng chừng bảy, tám tấn, hình dáng đẹp, liền thuê máy cẩu đưa về nhà rửa sạch bày chơi cảnh. Nhưng sau đó, đoàn kiểm tra của huyện Chư Sê lập biên bản thu giữ hòn đá cảnh, Chủ tịch huyện còn ký giấy phạt bà Sắc 2 triệu đồng về hành vi vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đồng thời tịch thu hòn đá.
Hòn đá cảnh bị tịch thu được UBND huyện Chư Sê làm cũi sắt "giam" lại một thời gian, sau đó "di lý" lên tỉnh. Tỉnh Gia Lai đưa hòn đá lên bệ xây (bệ này trước đây đặt tượng ông Anh hùng Núp) ở quảng trường để... xem chơi.
Không phục cách xử lý của UBND huyện Chư Sê, bà Sắc phát đơn kiện Chủ tịch huyện ra tòa. Kết quả, tòa bác đơn của bà Sắc.
Xin được mượn đoạn kết bài báo: Vụ "Hòn đá hầu tòa": Vì đâu nên nỗi ở báo Tiền Phong ra ngày 23/8/2013 làm dấu chấm hết cho bài viết của mình.
"...Thu được hòn đá ở nhà bà Sắc, hôm sau ông Huấn chỉ huy tịch thu 2 hòn đá ở nhà ông Lê Hùng Dũng, cùng thôn, cùng xã với bà Sắc, song lần này bất thành. Ông Dũng giữ được hòn đá của mình.
Trong khi ông Huấn đi cưỡng chế tịch thu đá ở nhà người khác thì nhà ông lại sưu tầm nhiều loại đá cảnh, đá quý có giá trị lớn song ông không tổ chức đoàn cưỡng chế thu hồi đá nhà mình, chỉ thu của dân.
Trên Tây Nguyên rất nhiều nơi dân sở hữu đủ loại đá quý, đá cảnh, cây cảnh quý, gốc rễ cảnh…hầu hết không chứng minh được xuất xứ của nó. Nếu như UBND huyện Chư Sê tổ chức cưỡng chế tịch thu được hết thì có lẽ “tài sản hiện vật quốc gia” sẽ có khối lượng khổng lồ. Đằng này chỉ cưỡng chế tịch thu ở những người thân cô thế cô, trong khi “quan huyện” cầm cân nảy mực lại để lấm lem tay mình, tất nhiên dân không phục.
Ngày 23/8 bà Sắc bảo có thua cũng thuê luật sư kiện phúc thẩm."

                                TỐNG TRUNG