Mẹ tôi
Phùng Hoàng Anh
Thứ tư ngày 21 tháng 8 năm 2013 6:58 AM
Tạp văn
Mẹ tôi, giờ không còn nữa, đã đi xa lắm rồi, cái nơi mà dăm chục năm nữa tôi mới tới, tôi mới biết mẹ tôi đang làm gì, ở đâu, với ai, đau khổ hay hạnh phúc. Mỉm cười hay đang khóc. Tất cả những trạng thái tâm lý vui buồn ấy, tôi không còn được nhìn thấy mẹ tôi ở đời thực nữa mà chủ yếu là trong những giấc mơ hiện về trong tâm trí tôi mỗi khi nhớ về mẹ!
Tôi không phải là nhà văn, cũng không phải là nhà thơ, cũng không phải là nhạc sỹ để viết nên những tác phẩm bất hủ ca ngợi mẹ như văn hào người Nga – Mac xim Go - rơ - ki đã viết về mẹ…Tôi chỉ là một người bình thường như bao người bình thường khác có mặt trên hành tinh này. Cũng được cha mẹ sinh ra, nuôi dạy cho tới khi khôn lớn, trưởng thành. Cả quãng thời gian ấy, tôi cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn của mẹ. Hạnh phúc và đau khổ của đời mẹ, kể từ khi tôi bắt đầu lơ mơ hiểu và cảm nhận được về những gì diễn ra xung quanh mình như nắng mưa, đêm ngày; già trẻ hay trai gái, yêu thương hay hờn giận, những quy luật của thiên nhiên, của con người theo quy luật bất biến.
Năm mươi bảy tuổi đời ở dương gian, kể từ khi mẹ được sinh ra, được ông bà ngoại chăm sóc, nuôi dưỡng, trưởng thành, rồi trở thành thiếu nữ, rồi cũng yêu thương, rồi cũng lấy chồng, rồi được làm mẹ, rồi cũng lên bà. Trước khi mất mẹ cũng là bà nội, bà ngoại của ba đứa cháu, mẹ cũng có đủ dâu, đủ rể… Mẹ cũng lần lần đi qua quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”. Mẹ chưa được lên lão. Bởi vì đời mẹ quá vất vả vật để vật lộn với cuộc sống mưu sinh, làm thuê cuốc mướn để kiếm đồng tiền, bát gạo nuôi dạy con cái khôn lớn, để rồi chẳng thể sống đến cái ngưỡng lên lão được. Mẹ phát bệnh rồi ra đi vĩnh viễn. Cái bệnh mà nền y học thế giới hiện nay vẫn bó tay, đó là căn bệnh ung thư. Căn bệnh này đang từng ngày cướp đi rất nhiều sinh mạng trên trái đất này.
Mẹ tôi vốn là một nông dân chính hiệu cho đến lúc mất. Tôi vẫn thường đùa với vợ tôi rằng, em lấy anh là nhà quê chính hiệu. Bàn chân bàn tay anh vẫn còn vương mùi bùn của những thửa ruộng vừa cấy xong. Áo quần anh vẫn còn vương mùi rơm rạ của một mùa gặt vừa qua. Trong nhà anh chẳng bao giờ có vàng bạc châu báu, chỉ có những hạt thóc, củ khoai, bắp ngô là sản vật của nhà nông sau bao nhiêu vất vả, cực nhọc, mồ hôi đổ xuống ruộng cày, ruộng cấy mới có được nó. Nó đã nuôi lớn anh cho tới bây giờ. Nhưng tôi vẫn tự hào về điều ấy. Bởi con cái sinh ra từ xưa tới nay không ai có quyền được lựa chọn cha mẹ mình giàu có, hay từ bỏ cha mẹ mình nghèo khó. Điều đó các bạn cũng đã thấy trong văn học dân gian đã có một chàng Chử Đồng Tử đó sao! Người con sống trong cảnh nghèo khó mà vẫn rất hiếu nghĩa với cha cho tới khi người cha nhắm mắt xuôi tay.
Cả đời mẹ tôi lam lũ, luôn gắn với con trâu cái cày, đôi quang đòn gánh, cái cuốc cái liềm trên cánh đồng làng quê chồng để lăn lóc với nắng mưa, phải gắng gỏi vật lộn với giông bão thất thường mới có được hạt thóc, của khoai nuôi anh em tôi lớn khôn cho tới ngày hôm nay. Mẹ chưa bao giờ làm một chức sắc gì trong làng, trong xóm. Mẹ chỉ là một nông dân thuần tuý, chỉ vì thời cuộc, chỉ vì những năm tháng đất nước trải qua chiến tranh nên mẹ phải chịu nhiều hy sinh cho cái chung! Mẹ lớn lên cũng được ông bà ngoại nuôi ăn học cho đến hết lớp bảy. Đất nước xảy ra chiến tranh, hai người chị gái của mẹ đi lấy chồng, anh trai của mẹ thì ra chiến trường. Ông bà ngoại chỉ còn mẹ là con út, bao nhiêu việc nhà đều dồn vào vai mẹ. Mẹ không đi học tiếp để trở thành cô giáo, bác sỹ, kỹ sư…Mẹ ở nhà để lao động, phụng dưỡng ông bà ngoại bước sang tuổi xế chiều. Vì các chị đã có gia đình, anh trai của mẹ đang ở chiến trường, chưa biết sống chết ra sao. Tuổi thanh xuân của mẹ đã phải chịu nhiều hy sinh, gian khổ. Mẹ bảo, lúc ấy, ăn cơm nhà làm việc nước. Thời gian Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, mẹ tham gia đội dân quân du kích của địa phương. Nếu không vì thời cuộc, hoàn cảnh gia đình, chắc bây giờ mẹ không phải như vậy. Đến khi được Đảng và Nhà nước quan tâm, chi trả chế độ cho mẹ vì những năm tháng mẹ có đóng góp công sức ở hậu phương thì mẹ cũng chẳng được hưởng. Bởi mẹ đã mất! Lĩnh tiền chế độ về, tôi chỉ biết mua những thứ khi mẹ còn sống, mẹ thích ăn những món quê mùa, dân dã tôi dâng lên thắp hương và báo với vong linh mẹ biết rằng, mẹ đã được Đảng và Nhà nước quan tâm bù đắp bằng một khoản tiền tuy không nhiều nhưng đó là truyền thống uống nước nhớ nguồn với những ai đã có đóng góp một phần nhỏ công sức cho đất nước Việt Nam độc lập như hôm nay.
Mẹ có mặt trên trần thế này thật ngắn ngủi, nhưng những bài học về đạo đức làm người, những điều mà mẹ răn dạy con cái thì dài vô tận. Những điều mẹ dạy anh em chúng tôi trước cả khi chúng tôi cắp sách tới trường. Những điều đơn giản như làm người không được tham lam, phải có lòng vị tha, phải biết thương người như thể thương thân, phải cảm được cái đau của người khác như mình đang đau, người thân mình đang đau mà giúp đỡ, mà chia sẻ. Mẹ nói nhiều về chân lý ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Mẹ chứng minh bằng những số phận của những con người cụ thể, ở một không gian sống cụ thể. Chúng tôi tuy bé nhưng không thể không tin. Lúc tôi còn nhỏ, gia đình khó khăn lắm, mẹ phải đi làm thuê cuốc mướn để có được đồng tiền nuôi con ăn học, thế nhưng khi người ăn mày vào nhà, không bao giờ mẹ tôi để họ ra đi không, ít nhất cũng cho họ một chút tiền, hoặc bát gạo gọi là một chút hoa thơm. Nhân cách của mẹ là vậy, tấm gương của mẹ là vậy. Không cần lớn tiếng rao giảng về đạo đức làm người, mà bằng những việc làm cụ thể, hành động cụ thể mẹ đã gián tiếp dạy anh em chúng tôi về bài học đạo đức làm người. Vào ngày mùa, mẹ cấy xong ruộng nhà, thời tiết trưa nắng nóng, người ta cấy chưa hết mạ, quên cả bụng đói, mẹ ào xuống cấy đỡ. Trên đường về, gặp người già gánh nặng, mẹ cũng xin gánh hộ…Mẹ tôi là thế đó. Một nông dân chính hiệu, sống chân chất quê mùa, chẳng bao giờ ưa hình thức. Chưa bao giờ mẹ ăn vận một bộ quần áo dài khi anh em chúng tôi lấy vợ, lấy chồng. Mẹ chẳng có bông tai, dây chuyền. Đời mẹ chỉ quen nón mê, áo vá...Vậy mà cái hôm đưa tang mẹ, các vãi già làng trong, xóm ngoài, người lớn tuổi cũng như trẻ nhỏ đến dự đám tang rất đông. Những người có mặt dự đám, đưa tiễn mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng đi dài tới cả cây số, trắng trên đầu khăn tang là người thân họ hàng. Ai nấy đều dưng dưng khóc vì thương mẹ , số phận hẩm hiu của mẹ, mẹ đau đớn vì căn bệnh nan y cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay. Mẹ ra đi đúng vào rạng sáng ngày ba mươi tết, người thân trong gia đình thương mẹ, bà con chòm xóm cũng thương mẹ vô cùng…Mẹ ra đi chẳng để lại gia sản gì đáng kể, sau ngày mẹ mất, anh em chúng tôi thấy trong ngăn tủ nhỏ của mẹ có mười năm nghìn tiền lẻ, tiền mệnh giá một, hai nghìn. Tiền ấy là tiền mẹ bán mấy mớ rau vườn những ngày cuối đời cho một người làng xóm. Bởi vậy, anh em chúng tôi chẳng được chia gia sản sau khi mẹ mất. Cũng chẳng có gì để chia chác. Thế nhưng cả bốn anh em tôi, hai trai hai gái thương mẹ nên càng đùm bọc lấy nhau, không xảy ra cái cảnh huynh đệ tương tàn vì chia gia sản của mẹ để lại…
Bây giờ, mỗi lần tôi cùng vợ con về quê, dạo thăm cánh đồng làng, tôi miên man trong cái cảm giác như thể vẫn thấy bóng dáng mẹ đang cặm cụi, lúi húi cấy, gặt trên cánh đồng quê tôi. Mẹ vẫn đang nói cười với ai đó ở thửa ruộng bên cạnh, mặc cho nắng mưa dãi dầu đã gắn chặt với đời mẹ.
PHÙNG HOÀNG ANH