Năm người bạn
Phạm Minh Giang
Thứ năm ngày 22 tháng 8 năm 2013 9:35 PM
Chúng tôi có năm người bạn chí thân. Đó là năm người bạn chiến đấu cùng khẩu đội bệ phóng tên lửa của Đoàn Sóc Sơn từ năm 1965 đến năm 1975. Sau năm bảy lăm, chúng tôi lạc nhau mất mấy năm. Nhưng rôi đến bảy chín, chúng tôi lại tìm lại được nhau. Thế là từ bấy giờ, chúng tôi không rời nhau ra được nữa.
Người thứ nhất là Nguyễn Hồng Ánh, tuổi tỵ 1941, khẩu đội trưởng, quê Tam Hiệp, Phúc Thọ. Ánh người thấp đậm, mắt hấp háy, nhưng Ánh là vua nguyên tắc. Anh nào lơ mơ vô kỷ luật là chết với Ánh. Một biệt tài nữa của Ánh là tay nghề lắp đài ga-len bán dẫn. Không biết Ánh học ở đâu được cái nghề lắp đài ga-len mà ngay từ những ngày đầu nhập ngũ, chỉ với vài cái linh kiện bé xíu như con nhện với vài cái dây loằng ngoằng bỏ vào cái hộp gỗ nhỏ bằng bàn tay, thế mà bật lên có tiếng cô gái hát ở trong ấy. Tôi là con ông bà nông-rân Thái Lọ chính gốc nên lại càng thấy lạ. Kỳ lạ thật. Y như là có ma ấy. Ánh thật là tài, tài thật!
Chuyện tình duyên của Ánh mới kỳ lạ. Năm sáu sáu Ánh được tranh thủ về mấy ngày định bụng sẽ cưới Xuân làm vợ. Hơn một năm trước, khi ra đi Ánh và Xuân đã hứa hẹn với nhau. Ấy thế mà khi Ánh về thì Xuân đã theo chồng lên thủ đô rồi. Ánh giận lắm. Ánh quyết phải cưới bằng được vợ trong đợt này. Vì khi về Ánh đã xin sẵn một cái giấy giới thiệu của thủ trưởng để về cưới vợ. Đang thẫn thờ đạp xe đạp ngoài đường, chợt Ánh nghe văng vẳng có tiêng con gái. Nhìn vào một ngôi nhà ven đường, Ánh thấy có cái cooc-xê màu trắng phơi trên dây. Thế là Ánh xuống xe vào ngôi nhà ấy. Ánh vào nhà xin nước uống và giả vờ hỏi đường đến thăm nhà một anh bạn cùng đơn vị. Có hai người già (hình như là bố mẹ cô gái) niềm nở ra tiếp. Hồi ấy bà con ta quý bộ đội lắm. Nhà nào cũng có con em đi bộ đội. Nhìn thấy bộ đội như là nhìn thấy con em họ. Thế rồi cô gái ở dưới bếp lên tươi cười chỉ đường cho Ánh. Anh bộ đội ngoài hai mươi và cô gái đôi mươi sánh nhau như thế nào mà ngay buổi chiều hôm ấy, Ánh ở lại ăn cơm với gia đình cô gái đến nửa đêm mới đạp xe mười cây số về nhà. Và, ba ngày sau họ làm lễ cưới.
Vợ Ánh là người phụ nữ không xinh lắm nhưng có duyên, hiền thuc, đảm đang, chung thủy. Chỉ có điều đáng buồn là suốt chín năm vợ chồng Ánh không sản xuất ra được một thằng cu hay con hĩm nào, mặc dù Ánh cũng tranh thủ về được dăm sáu bận.
Thế nhưng, lúc mong thì không được, lúc được thì lại cứ thồi thồi đẻ. Sau năm bảy lăm, vợ chồng Ánh cho ra đời liền tù tì sáu đứa. Năm gái đầu, một trai út.
Ánh về làm ruộng, chữa đài, sửa ti vi. Sau mắt kém không sửa ti vi nữa, Ánh làm máy xay xát. Không biết có phải Ánh làm máy xát, nấu rượu, uống rượu nhiều hay không mà Ánh bị bệnh dạ dày. Mổ ba lần. Đến lần thứ ba thì Ánh không chịu nổi. Ánh vĩnh biệt vợ con, vĩnh biệt bạn bè ở tuổi sáu mốt. Vi xa xôi bạn bè, anh em không đến kịp đưa Ánh về nơi an nghỉ cuối cùng. Khoảng gần một tháng sau, biết tin, lúc ấy tôi cũng đang yếu, tôi bảo thằng con trai tôi đang học ở Hà Nội – thay mặt gia đình tôi – đến chia buồn với gia đình Ánh và đặt lễ viếng lên bàn thờ Ánh. Gia đình Ánh nói rằng trước khi nhắm mắt, Ánh luôn mồm nhắc đến tên Tuệ, Chính, Khang, Nhu bộ đội tên lửa.. Thế mà chúng tôi không đến được. Mong Ánh tha lỗi cho bọn mình nhé.
Người bạn thứ hai là Chu Văn Tuệ tuổi Ất dậu 1945, quê Diễn Trường, Diễn Châu, Nghệ An. Tuệ cũng có dáng người thấp đậm nhưng dáng đi của Tuệ thì oai phong lắm. Giọng nói của Tuệ trầm ấm rất hợp với giọng phát thanh viên chương trình bình luận chính trị. Đối với bạn bè, Tuệ chân thành cởi mở, mộc mạc, dễ gần. Vì thế Tuệ được cả đại đội quý mến. Là bệ thủ số hai nhưng Tuệ có một niềm đam mê lạ kỳ với thiên nhiên cây cỏ. Tuệ có một quyển sách dày cộp của giáo sư Đỗ Tất Lợi trong ba lô. Tuệ say mê nghiên cứu các bài thuốc đông y trong sách. Những lúc có thể Tiệm lại vào rừng tìm kiếm cây lá thuốc. Ngoài ba lô hành lý, Tuệ còn xin được thêm ba chiếc ba lô nữa để đựng các cây lá thuốc chữa bệnh. Những lá thuốc này Tuệ phơi khô, có một số phải sao lên mới bảo quản được. Tuệ đã chữa được hàng chục ca rắn độc cắn, rết cắn, ong đốt, và các bệnh táo bón, ỉa chảy, sốt rét và một số bệnh khác cho anh em trong đơn vị. Bằng những mẹo dân gian, Tuệ còn chữa được hóc xương gà, xương cá, chữa nấc, chữa chuột rút, chữa cầm máu vết thương, chữa nhiễm trùng… Anh em trong đại đội suy tôn Tuệ là Tuệ bác sĩ.
Tiếng lành đồn xa, Tuệ được Ban chỉ huy sư đoàn gợi ý điều về Ban quân y sư đoàn. Nhưng vì còn nặng nợ với khẩu đội bệ, Tuệ quyết định ở lại khẩu đội để vừa hoàn thành nhiệm vụ bệ thủ, vừa chữa bệnh cho anh em.
Chuyện tình của Tuệ cũng là chuyện đáng nói. Ở cái đại đội bệ này, chuyện tình của một người trở thành chuyện tình của cả đại đội. Cô gái mà Tuệ mới quen ở một địa bàn đóng quân tên là Thanh. Thanh là cô thôn nữ “quê choa” có dáng người thấp đậm, nước da trắng hồng, hai mắt đen lay láy, tóc đen và dài chấm gót. Anh em trong đại đội cứ đùa là Tuệ kiếm được một cái “bệ” vững chắc. Tình cờ làm sao, cha Thanh lại là một lương y giỏi có tiếng trong vùng. Thế là chàng bệ thủ kiêm bác sĩ Tuệ mê ngay cái gia đình ấy. Sau hai năm dạt dào yêu thương, họ cưới nhau trước sự tổ chức và chứng kiến của đơn vị và gia đình hai họ.
Sau ngày hòa bình, Tuệ chuyển ngành về Bệnh viện đông y tỉnh. Vợ chồng Tuệ sinh được ba đứa con. Một trai đầu và hai gái. Các con của Tuệ học hành thành đạt. Đứa đầu là bác sĩ chuyên khoa ở Hà Nội, hai đứa sau là giáo viên.
Anh em vẫn bảo Tuệ là người hạnh phúc nhất. Sau khi về hưu Tuệ mở một cơ sở khám chữa bệnh đông y. Tuệ là lương y giỏi có tiếng, lại là thầy thuốc có y đức. Cho nên cơ sở khám chữa bệnh của Tuệ được cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nhiệt tình ủng hộ. Rồi cơ sở khám chữa bệnh ấy phát triển lên thành một Bệnh viện đông y vào loại tầm cỡ trong tỉnh. Lẽ ra Tuệ giàu lên nhanh chóng. Nhưng vì lòng thương người, Tuệ đã khám chữa bệnh miễn phí cho những gia đình nghèo, gia đình chính sách, và những hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn khác.
Lâu nay tôi không có dịp vào thăm Tuệ nhưng chúng tôi vẫn thường liên lạc điện thoại cho nhau. Nghe cái giọng nói trầm ấm hào sảng của Tuệ, tôi biết Tuệ còn sung sức lắm. Chắc chắn Tuệ còn phục vụ được bà con và quê hương một thời gian dài dài nữa.
Người bạn thứ ba là Nguyễn Văn Chính, quê gốc Lương Tài, Bắc Ninh, hiện đang sinh sống cùng gia đình ở Hải Dương. Chính tuổi giáp thân 1944, bệ thủ số 3. Chính đẹp trai, dáng thư sinh và có tài hùng biện. Chính còn biệt tài là vẽ ký họa. Chỉ trong một buổi họp, chân dung của tất cả mọi người đều được Chính ghi vào một cuốn sổ lúc nào cũng kè kè bên người Chính. Chính có tài hùng biện nhưng chỉ trong hội nghị, còn thường ngày Chính nhỏ nhẹ. Chính là người bạn chân thành và rất tế nhị. Những ngày lễ, ngày tết, ngày kỷ niệm, Chính thường có những món quà nho nhỏ cho tôi. Khi thì quyển lịch túi, khi thì một bức tranh chẳng hạn… và những lời chúc xuất phát từ đáy lòng Chính. Nửa thế kỷ rồi, tôi vẫn không quên được những tình cảm chân thành ấy.
Người bạn đời của Chính là Huệ. Huệ có dáng một kiều nữ kiêu sa nhưng tấm lòng thì thủy chung. Suốt năm năm trời Chính không có tin tức về thế nhưng Huệ vẫn sắt son chờ đợi, vẫn ngày ngày đi lại chăm sóc hai bên bố mẹ già của cả nhà Huệ và nhà Chính chu đáo. Huệ thực sự đã là người con trong gia đình Chính ngay từ ngày hai đứa thề hẹn với nhau.
Năm 1972, hai người cưới nhau. Sau năm bảy lăm, Chỉnh được chuyển ngành về nhà máy điện, làm trưởng ban thi đua nhà máy, rồi sau được bổ nhiệm làm phó giám đốc nhà máy điện. Vợ chồng Chính sinh được ba người con. Con gái đầu là Tâm là y sĩ. Con trai thứ hai là Đức, con trai thứ ba là Trí. Các cháu đều ngoan và học giỏi. Gia đình Chính là gia đình nền nếp. Đang vui thì bất ngờ cháu Đức bị bệnh hiểm nghèo không qua khỏi. Cháu ra đi khi vừa tốt nghiệp đại học ở tuổi hai mươi hai.
Vợ chồng Chính đau đớn vật vã bao nhiêu tháng trời. Mãi sau mới nguôi ngoai đi một chút.
Đến ngày về hưu, Chính lại gặp hai cái nạn nữa. Nạn thứ nhất là bị một đứa vay tiền rồi lừa mất mấy chục triệu. Mấy chục triệu những năm cuối thế kỷ 20 là to lắm. Không thể đòi được. Có người bảo phải thuê đầu gấu đánh bỏ mẹ nó đi. Nhưng Chính là con người của nhân nghĩa, Chính không bao giờ làm thế. Đành mất. Cầm lòng vậy.
Đại nạn thứ hai là một lần đi bộ bị một thằng say tông xe máy vào người làm Chính bị gãy mấy xương sườn. Chính phải nằm viện hàng năm trời. Bây giờ Chính mới đang luyện tập chống gậy đi trong nhà và tập lại xe đạp…
Được tin Chính bị nạn, tôi đã khóc. Chính và tôi vẫn thường trao đổi thư từ cho nhau. Những lá thư chúng tôi viết “cởi lòng” cho nhau mấy chục tờ A4 vẫn không thề nào nói được hết lời.
Thế nhưng, chỉ nước mắt thôi thì chẳng giải quyết được gì. Tôi chẳng biết chia sẽ thế nào cho thiết thực cả. Tôi cũng đang gặp nạn. Và có lẽ tôi là người xoàng xĩnh nhất, đáng trách nhất trong năm người bạn.
Còn Chính, tôi còn phải học tập Chính nhiều lắm. Bây giờ, mặc dù còn yếu đau, nhưng ngày ngày Chính vẫn luyện tập để đi xe đạp được bình thường như trước. Chắc chắn sức khỏe của Chính sẽ được hồi phục. Chính là một con người có ý chí và nghị lực. Chính chăm đọc sách báo. Và chính trong những ngày còn đang tập luyện này, Chính lại bắt tay vào vẽ tranh và viết văn. Tôi tin rằng tài năng của con nguời tài hoa này còn phát sáng.
Người bạn thứ tư chính là tôi. Phạm Minh Khang, bệ thủ số 1 của khẩu đội bệ. Tôi chỉ xin kể vắn tắt về tôi để khỏi mất thì giờ cuẩ các bạn. Tôi sẽ kể tỉ mỉ về tôi ở một truyện khác.
Sau năm bảy lăm tôi trở về may mắn xin được chân “cạo giấy” ở Ty Thương nghiệp, rồi sau đó đi học Đại học Thương nghiệp. Nhưng vì bản chất tôi ngu ngơ, lóng ngóng, ngờ nghệch có thừa, cho nên đi học về cũng chỉ làm được cái chân cán sự loàng xoàng rồi về hưu sớm. Rồi tôi về hưu non, về xin mấy sào ruộng khoán, cấy lúa trồng khoai, rồi nấu rượu, nuôi lợn, rồi tráng bánh đa, bán quán, may màn thuê… May sao, trong khi nấu rượu, những giọt rượu tí tách chảy thì những vần thơ còm trong tôi tự dưng bật ra… Thế là tôi làm thơ gửi đăng báo. Không biết ông trời giun giủi làm sao, thơ của tôi bài đầu tiên lại được đăng vào số tết cách đây đúng hai mươi năm. Mà đăng ở một tờ báo lớn hẳn hoi ấy. Thế là hai mươi năm nay tôi theo nghề viết. Nhờ chịu khó “lấy cần cù bù thông minh” tôi cũng gặt hái được chút ít gọi là văn chương báo chí. Có những tòa soạn báo đã giành cho tôi những tình cảm ưu ái suốt hơn mười năm trời. Tôi cũng ra được dăm ba đầu sách, chủ yếu là viết cho các em nhỏ.
Hiện tôi có một vợ, bốn đứa con gái, trai, dâu, rể và ba đứa cháu nội ngoại. Cảnh nhà thì loàng xoàng nhưng tôi cảm thấy bằng lòng với cuốc sống hiện nay.
Thế nhưng, cái ngu ngơ dốt nát có lẽ là bản chất của tôi rồi. Nó hại tôi. Có thể tôi lại đang bị vướng vào một cái hạn lớn. Có thể tôi đang bị lừa một cú khá đau về kinh tế. Bây giờ tôi chưa thể nói ra được. Lậy giời lậy phật, tai họa ấy đừng có xảy ra với gia đình tôi. Tôi là một thằng ngu ngơ lại yếu đuối lắm. Nếu gặp đại nạn, không biết tôi có đứng vững được không ?
Người bạn thứ năm là Trần Quang Nhu, bệ thủ số 4. Lẽ ra tôi phải kể đến Nhu đầu tiên. Nhưng tôi muốn kể cuối cùng để giành những tình cảm sâu lắng nhất cuối truyện cho người bạn đã khuất. Nhu quê nội Quảng Nam, quê ngoại Thái Nguyên, chưa vợ. Nhu có dáng người cao to, lực lưỡng. Nhu được coi là anh hai của khẩu đội. Là vì Nhu mạnh mẽ và quyết đoán. Anh em ai cũng quý mến và cảm phục Nhu còn là vì Nhu có nhiều tài lẻ: bắn giỏi, hát hay, đàn giỏi. Nhất là khi hành quân nâng hạ bệ. Cái bệ phóng nặng tám tấn tư mỗi khi hành quân phải nâng lên, mỗi khi tới địa điểm mới lại hạ xuống. Có được sức khỏe như Nhu thật là đáng quý lắm.
Trong trận chiến đấu ác liệt với lũ giặc trời trên bầu trời Nghệ An năm 1972, đơn vị đã bắn rơi một phản lực F111A của không lực Huê Kỳ. Cũng trong trận ấy, Nhu đã anh dũng hy sinh ngay sau khi vừa nạp quả đạn tên lửa tiếp theo. Bom tấn đã rải xuống trận địa.
Trong cánh rừng thưa khu bốn, cả đơn vị nghiêng mình trước vong linh Nhu. Nhụ đã yên nghỉ ở cánh rừng ấy cho đến tận bây giờ.
Cầu chúc Nhu và Ánh được luôn luôn thanh thản nơi chín suối.
Ba người bạn còn lại là Tuệ, Chính, Khang – dẫu mỗi người còn có những nỗi nhọc nhằn riêng – nhưng chúng tôi còn nhiều nợ đời lắm.
Chúng tôi xin hứa với Nhu và Ánh – chúng tôi sẽ cùng với gia đình vợ con và dân làng – cố gắng hết sức mình làm những điều tốt đẹp nhất cho gia đình, cho quê hương đất nước để thực hiện mơ ước mà năm đứa chúng mình đã ước mơ từ gần năm mươi năm trước.
PHẠM MINH GIANG
số 19, tổ 50, phường Quang Trung,
thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình