Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Mạn phép bàn về “về văn có cần sang trọng hay không”

Ngọc Trâm
Thứ tư ngày 21 tháng 8 năm 2013 10:00 PM

    Kính thưa bác Trần Nhương!

    Đợt vừa rồi, theo dõi trên trang trannhuong.com của bác cùng một số trang khác, thấy mọi người đang tranh luận tương đối kịch liệt với GS – TS Trần Đình Sử về vấn đề nghề văn có cần sang trọng hay không; và cả vấn đề cao quý với sang trọng giống nhau hay khác nhau khiến tôi “bỗng dưng muốn tranh luận” thêm chút, dù rằng từ trước tới nay tôi chỉ đọc thôi chứ ít khi dám “liều lĩnh” viết lách cái gì. Vì rằng tôi không phải nhà văn, cũng không phải nhà khoa học, chỉ là độc giả yêu quý văn chương và những người làm văn chương thôi.
    Về vấn đề nghề văn có phải là nghề sang trọng hay không, theo tôi các vị cần gì phải bàn bạc dài đến thế, tốn giấy mực nhiều đến thế. Nói đến nghề nghiệp sao lại nói sang trọng với cả cao quý làm gì. Nghề nào cũng lao tâm khổ tứ. Nghề nào cũng đòi hỏi người lao động phải vất vả “có làm thì mới có ăn/ Không dưng ai dễ mang phần đến cho”. Đấy là chưa kể sang trọng hay cao quý suy cho cùng thì là quan niệm cả. Mà quan niệm thì biến đổi luôn luôn. Bây giờ thế này, mai mốt thế khác. Ngày xưa các cụ rất coi thường cái đám “con buôn”. Bây giờ lại trang trọng bảo đó là “doanh nhân”, trọng vọng hết sức. Ngày xưa thì “xướng ca vô loài”, bây giờ mấy cô ca sỹ nửa mùa chả biết nốt nhạc bẻ đôi, hát hò như đấm vào tai, chỉ giỏi cởi quần cởi áo khoe mông khoe ngực thì lại làm giới trẻ phát rồ, tôn là thần tượng, hễ có mặt ở đâu là các cô đòi cát – xê cao ngất ngưởng. Một buổi hát hò nhảy nhót nhí nhố của các “ca sỹ” như thế bằng tiền trợ cấp thương tật cho thương binh mấy chục năm. Ở Việt Nam bây giờ chưa cho phép hành nghề mại dâm, nhưng ở nhiều nước khác, nó là một nghề được tồn tại công khai. Đã là nghề thì như nhau hết. Nó cần cho xã hội, cần cho con người. Có cung ắt có cầu mà. Ai làm nghề gì thì tốt nhất là tập trung, làm cho tốt nghề nghiệp của mình đi. Cứ đi cãi nhau: nghề của tao cao quý, nghề của mày không cao quý, có mà đến tết … Công gô cũng không phân thắng bại. Nghề văn thì cũng như các nghề khác thôi, có người giỏi nghề, có người không giỏi; có người có nhân cách, có người lèm nhèm… Chứ nói đến cao quý hay không thì khó lắm. Ông giáo viên cũng bảo: nghề của tôi là nghề cao quý (lại còn cao quý nhất trong các nghề cao quý, vì cố thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định như thế rồi đấy nhé). Ông nông dân cũng bảo: nghề của tôi cao quý, vì tôi làm ra lúa gạo để nuôi tất tần tật các loại cao quý khác của các vị. Ông quét rác cũng bảo: nghề của tôi cao quý, vì tôi dọn dẹp hết các thứ rác rưởi bẩn thỉu. Không có tôi, còn lâu các ông mới được bảnh chọe, thơm phức, hào hoa.. Có mà rác ngập đến mũi, ngồi đấy mà bàn chuyện trên giời, dưới bể… Tóm lại, nghề nào cũng cần thiết cho xã hội, cho con người. Vì nếu không cần thiết thì nó sẽ không được sinh ra. Cho nên, đừng có cãi nhau về cái chuyện nghề nào cao quý hay nghề nào không cao quý. Riêng nghề văn, cũng khối kẻ chỉ dùng văn chương làm cần câu cơm, chửi rủa nhau, bới móc, cạnh khóe nhau, làm nhục nhau… thì cao quý ở đâu? Nghề nào cũng có kẻ này, người khác, nên đừng có nghĩ mình cao quý hơn người ta.
    Đấy là nói về cao quý. Thế còn “sang trọng” thì sao? Nói thật là khi đọc đến cái chỗ mà ông Trần Đình Sử bảo nhà văn là người nhặt rác ấy, tôi thấy mất vệ sinh quá. Ai lại ví von như thế bao giờ. Ý ông Sử bảo là nhặt rác để xã hội trong sạch hơn. Gớm, có nhặt đến mãn kiếp. Nếu muốn xã hội trong sạch, thì ông phải làm cách nào để chuyển biến nhận thức của người ta, cho người ta đừng xả rác lung tung nữa, chứ chỉ nai lưng đi nhặt thì có mà… thần kinh! Nhặt bao giờ cho hết rác. Và nhặt đến bao giờ thì xã hội trong sạch hơn? Nhà văn, trong mắt ông Sử nhếch nhác kinh lên được. Nếu cần nói về cái nghèo khổ của nhà văn, thì ông Xuân Diệu ngày xưa nói thuyết phục lắm rồi: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Nói thì nói thế thôi chứ nhà văn thời nào cũng vậy, chả đến nỗi khổ sở lắm đâu. Chỉ sợ không viết được tử tế, chứ so với đầy rẫy những dân chúng bình dân ngoài kia, thì nhà văn đâu có nghèo đói hơn?
    Sang trọng hay cao quý đều là những phẩm chất mà mình muốn có theo ý chí chủ quan cũng chẳng có được. Không phải cứ tôi thích sang trọng là tôi sang trọng ngay. Không phải tôi muốn cao quý là trở thành cao quý luôn. Cho nên cứ lảm nhảm cãi nhau rằng nghề văn có cần sang trọng không, theo tôi rất chi là vớ vẩn. Mà trong lúc các vị cãi nhau như thế, thì tôi thấy, đúng thật là nghề văn chả có gì sang trọng, cũng chả có gì cao quý cả. Thế mới chết chứ!