Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Sang trọng đâu cần phải “loằng ngoằng”

– Lý Nguyễn –
Thứ hai ngày 19 tháng 8 năm 2013 5:47 AM


 (Đôi lời trao đổi với nhà thơ Trần Trương)

Tôi chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt khi đọc bài viết “Mấy lời với ông Trần Đình Sử” của nhà thơ Trần Trương trên trang Wed trannhuong.com, với tầm kiến thức hạn hẹp của mình tôi thấy bài viết có một số lập luận, kết luận chưa thỏa đáng, cần trao đổi. Bởi các cụ từng dạy: đã không biết thì thôi, mà biết thì biết cho đến nơi đến chốn. Tục ngữ Việt Nam cũng có câu “Biết thì thưa thì thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”, và Khổng Tử cũng từng nói “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã” (Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, vậy mới thật là biết).
Tôi tự thấy mình là một người không biết nhiều, nhưng sau khi đọc bài viết của nhà thơ Trần Trương, thiết nghĩ bài viết trả trả lời “Lại vấn đề nghề văn không sang trọng” của Giáo sư Trần Đình Sử đã là quá đủ. Nhưng cá nhân tôi cũng xin được mạn phép có một vài suy nghĩ riêng.
Bài viết “Mấy lời với ông Trần Đình Sử” ngoài việc người viết bài này tự sửa lỗi chính tả trong đầu hầu mong hiểu hết nghĩa mà nhà thơ muốn nói, (Điều này hẳn cũng chẳng dám trách, bởi có thể có 1001 lí do khác nhau) thì tôi thấy nội dung bài viết phần nhiều mang tính cảm nhận chủ quan, cảm tính của nhà thơ nhiều hơn là học thuật. Có nhiều đoạn dường như là mang tính quy chụp, dẫn ra nhiều đoạn chẳng liên quan gì đến vấn đề mà Giáo sư Trần Đình Sử đề cập trong những bài viết trước đó.
Xin dẫn. Nhà thơ Trân Trương sau khi mở đầu bằng một câu thể hiện sự tôn trọng của mình đối với các nhà khoa học, rồi tiếp: “Đặc biệt các nhà khoa học đã có học hàm, học vị như Giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Sử đã từng du học ở Trung Quốc (thời kỳ cách mạng Văn Hóa) và rồi sang Nga làm luận văn phó tiến sĩ (sau này bỗng nhiên được gọi là tiến sĩ). Ông Sử là một nhà khoa học Xã hội và biết được 2 ngoại ngữ”. Chưa nói đến việc câu văn trên thiếu thành phần câu, khiến cho nó thiếu trong sáng thì thật may mắn, khi nhờ nhà thơ Trần Trương mà bạn đọc mới lại biết thêm về tiểu sử Giáo sư Trần Đình Sử, hẳn chúng tôi phải cảm ơn ông về điều này lắm lắm. Với hai đoạn ông để trong ngoặc đơn dường như là để lưu ý, lưu tâm, có phần giễu cợt chăng? Riêng chúng tôi thì chẳng thấy có gì mà ông cần phải cười cợt cả. Ngoài nội dung mà Giáo sư Trần Đình Sử trả lời rõ ràng với ông, chúng tôi còn thấy kể cả là thời kì cách mạng văn hóa thì đã làm sao? Nếu được sống, được du học, được chứng kiến tận mắt thời kì cách mạng văn hóa ở Trung Quốc biết đâu ông sẽ có một tầm hiểu biết, một cái nhìn khách quan, sự công tâm, một quan điểm tiến bộ hơn trong cái thời mà ông đang sống. Còn ông gọi việc Giáo sư Trần Đình Sử trở thành tiến sĩ là “sau này bỗng nhiên được gọi là tiến sĩ” thì thật là buồn cười, nó cũng nực cười như việc có ai đó gọi ông là bỗng nhiên được gọi là nhà thơ vậy? Những việc “bỗng nhiên” như thế này ông nên lần tìm về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước - chắc sẽ có câu trả lời đầy đủ và thấu đáo hơn.
Còn việc “hàng nghìn giáo sư hay phó giáo sư của ta có không ít vị trình độ ngoại ngữ rất kém, không giao tiếp được với người nước ngoài và chắc chắn không đọc được tác phẩm văn học bằng tiếng bản ngữ, chỉ đọc qua bản dịch thôi…”. Lời ông nói chắc có phần đúng, nhưng điều quan trọng là nó không đúng với Giáo sư Trần Đình Sử, điều này xin chứng minh bằng chính lời của ông khi ông nói về Giáo sư Trần Đình Sử “đã từng du học ở Trung Quốc” “và rồi sang Nga làm luận văn phó tiến sĩ”, đã du học, đã làm luận án phó tiến sĩ thì không thể có chuyện ngoại ngữ rất kém, không giao tiếp được với người nước ngoài, không đọc được tác phẩm văn học bằng tiếng bản ngữ… như lời ông nói. Hơn nữa trong đọan trước ông cũng đã khảng định: “Ông Sử là một nhà khoa học Xã hội và biết được 2 ngoại ngữ”. Vì thế mà đoạn ông nêu dẫn như trên có phần không trúng trọng tâm vào việc ông trao đổi về bài “Nghề văn không sang trọng” của Giáo sư Trần Đình Sử, vả chăng nếu có trúng thì cũng ở một góc nhìn rất hẹp của cá nhân nhiều hơn là ở tầm nhìn nhận khách thể, đa chiều, đa diện. Nó không có gì mới đối với bạn đọc, nên nó có vẻ “hơi bị thừa”. Thực tế, chúng ta cũng không thiếu nhà văn, nhà thơ xuất ngoại, nhưng nếu không xuất ngoại mà có những bài viết, những tác phẩm có giá trị thì không ai có thể phủ nhận. Miễn đừng cố tình làm khác đi bằng cách “nói ngược” như nhiều người là được.
Về tiêu đề bài viết: “Nghề văn không sang trọng” thì chúng tôi thấy tên của bài viết ở đây cũng như tên một tác phẩm, dĩ nhiên là nó ở một góc độ nhỏ hẹp hơn. Nhan đề nhiều khi còn thể hiện lên dụng ý nghệ thuật của tác giả, đặt giả thiết nếu chúng ta đặt câu hỏi về tên của một vài tác phẩm chúng ta sẽ thấy ngay sự mâu thuẫn, vô lí như cách mà nhà thơ hiểu. Đó là cách hiểu ở góc nhìn của ông – một nhà thơ. Ông mới chỉ nhìn trực tiếp khi đọc tiêu đề, có lẽ ông nên nhìn ở mọi phương diện, góc nhìn, điểm nhìn, và cả sự di chuyển điểm nhìn của từng đối tượng khác nhau. Như thế, hẳn sẽ bớt phần “thơ thơ” đi nhiều lắm. Vì thế mà đến đoạn sau ông nói “Chắc ông bức xúc gì đó mà tự kỷ ám thị rồi đặt điều ra thôi” thì chúng tôi lại thấy rằng hoặc do vô tình, hoặc cố ý mà ông mới là người bức xúc chứ Giáo sư Trần Đình Sử trong nhiều bài viết, bài dịch gần đây như “Viết ngoại biên”, “Hai con chim, hai thời đại”, “Bạo lực – sự tha hóa nhân tính”, “Phê bình kiểm dịch”, “Cuộc phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ?”...  hoàn toàn trên phương diện học thuật, khoa học, nhiều bài thuộc phạm trù lí luận văn học. Trong khi đó trong bài viết của mình nhà thơ Trần Trương lại không hề đưa ra một lí lẽ, lập luận hay học thuyết nào ngoài nhưng từ mang tính kết luận xanh rờn phiến diện, áp đặt của cá nhân ông.
Đến đọan cuối mặc dù ông có rào trước đón sau, nhưng khi ông đưa ra một nhận định mà chúng tôi thấy ông không hề dẫn chứng, chứng minh gì cả. Đó là khi ông nhận định về chất lượng, hiệu quả khoa học của các Giáo sư, tiến sĩ ở nước ta hiện nay rằng: “hàng nghìn giáo sư, và hàng vạn tiến sỹ mà sự đóng góp của họ hàng chục năm nay chẳng có gì lớn lao, hiệu quả rất thấp”. Vậy xin hỏi ông lĩnh vực nào mang lại hiệu quả cao? Có phải là lĩnh vực của các nhà thơ như báo chí đã từng đưa tin không? Rồi ông lại cho rằng “Cách viết của ông (tức Giáo sư Trần Đình Sử) trong mấy bài viết gần đây tôi thấy: Loằng ngoằng quá”, điều này với riêng cá nhân ông chúng tôi có thể coi là một sự dũng cảm, dũng cảm vì ông thành thật: khi không hiểu thì thấy nó loằng ngoằng là đúng rồi. Nhân đây chúng tôi cũng xin trích dẫn nguyên văn một đoạn có thể nói là tiêu biểu cho lối hành văn “loằng ngoằng” đích thực của ông: “Tôi hiểu cao qúi và sang trọng có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Làm một hành động cao quý hay viết một tác phẩm hay đến mức cao quí thì đó cũng có thể là sang trọng. Nhưng khi tác giả được nhìn nhận là sang trọng thì chắc chắn họ có những tác phẩm cao quý”. Có lẽ người đọc có trình độ hạn hẹp như tôi thật khó có thể hiểu là nhà thơ đang định nói gì ở đây? Và nó có trúng vào bài “Nghề văn không sang trọng” của Giáo sư Trần Đình Sử hay không?
Trong bài viết: “Mấy hạn chế cản trở sự phát triển của phê bình văn học”, nhà phê bình Lã Nguyên có nói: “Nhà phê bình chuyên nghiệp định giá văn học bằng toàn bộ bề  dày tri thức và sự hiểu biết thấu đáo đối tượng. Anh ta đến với nghề chủ yếu bằng sự “biết”. Nhà phê bình nghiệp dư lại đánh giá văn học chủ yếu nhờ vào sự tinh tế và sành sỏi của cá nhân. Anh ta đến với nghề chủ yếu bằng năng khiếu bẩm sinh. Có trường hợp, nhà phê bình chỉ dựa vào khiếu khẩu hoạt và tài bặm trợn mà vẫn làm náo loạn cả dư luận xã hội”. Nhận định này không phải là không có cơ sở. Con người chúng ta thường vậy, thói thường hay quy những gì vượt ngoài tầm hiểu biết, ngoài tầm tri thức của chúng ta, những gì ta không biết vào những cái mà ta đã biết.
Nhà thơ Lê Đạt trong một bài trả lời phỏng vấn đã nói:
– “Để bươc sang thế kỉ XXI tất cả chúng ta phải sớm xây dựng cũng như gia cố một văn đức mới trong đối thoại, không ai đòi hỏi các nhà phê bình lúc nào cũng phải đúng, đó là vi phàm quyền được lầm lẫn, đó là quyền quan trọng vào bậc nhất trong nhân quyền. Nhưng người ta có quyền đòi hỏi các nhà phê bình phải thành tâm. Khen chê là bình thường, nhưng cố ý mạt sát hay tâng bốc là thiếu văn đức vì cả hai đều là vu cáo, là dối trá… Bản sắc dân tộc là một bản sắc sống động luôn luôn trên đường đi và cũng phải tìm và nhiều khi phải tìm một cách hết sức khó khăn. Hiện đại hóa chính là làm phong phú thêm bản sắc dân tộc, làm cho bản sắc dân tộc sinh sôi phát triển, không bị tụt hậu so với thế giới. Đó chính là nỗ lực chống nghèo nàn, lạc hậu trong văn hóa…”
– “Trên hoạt trường văn hóa ĐỐI THOẠI bao giờ cũng sang trọng và hữu hiệu hơn ĐỐI THỤI”
Tôi nghĩ với tư cách là một nhà khoa học nhân văn, qua những công trình nghiên cứu tâm huyết, khoa học của mình Giáo sư Trần Đình Sử đã được nhà nước ghi nhận, vinh danh trao giải thưởng, điều đó không thể một vài ý kiến mang tính cảm tính, chủ quan mà có thể đánh đồng hay phủ nhận. Và trong cả những bài viết gần đây chưa bao giờ Giáo sư Trần Đình Sử quên mình là một nhà khoa học chân chính luôn góp sức mình vì một nền khoa học nhân văn phát triển tiên tiến và hội nhập. ./.