Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Sao Hôm- Sao mai

Kim Thanh
Chủ nhật ngày 18 tháng 8 năm 2013 9:56 PM

Những ngày thơ bé, khi hoàng hôn sà xuống cánh đồng, ngoại và tôi mới rời tay liềm, tay cuốc về nhà. Đường làng rời rợi trăng đầu tháng, thơm rơm lúa mới. Tiếng đập lúa trên cối đá úp ngược, ti ếng đập rơm bằng hai cây tre néo con xỏ thịch thịch trên sân đất vẳng ra, vui tươi rộn rã, và ngôi sao hôm sáng bạc long lanh treo trên nền trời pha ráng tím hồng. Tôi lũn cũn đi sau lưng áo gụ của ngoại đẫm mồ hôi, chợt bắt gặp ngôi sao trước mặt, hỏi ngoại: “Ngôi sao gì mà to sáng ngay trên đầu cháu thế nhỉ?”,  “Sao hôm đấy”. Sao hôm theo chân tôi về tới ngõ. Tôi vội vàng treo cuốc, vào bếp nấu cơm, cho đến khi dọn chõng tre ra ăn cơm, thì sao hôm đã lẫn trong hàng triệu triệu hạt vừng trên trời cao…
   Rồi một sáng, khi tôi dạy sớm ôn thi, ngoại lui cui nấu cám, chiều sở thích của tôi vùi những củ khoai lang tím đỏ vào than rơm. Nhẹ bóc lần vỏ cháy xém, hiện ra ruột  khoai bở trắng ngà,  thơm phức và ngọt lịm, tôi xuýt xoa ăn vừa ăn vừa thổi, miệng nhọ vỏ khoai cháy khiến ngoại cười rung cả chòm râu bạc : “ Trông xinh chưa kìa! Thế có được điểm 10 nào không?”; “Có chứ ạ, cháu vừa được 9 văn, 10 chính tả, được đọc văn mẫu nữa cơ”. “Ừ, cố mà học, bố cháu đánh thư về cũng dặn thế đấy, nhớ không. Tôi “vâng”, rồi ra  thắp đền dầu, ôm sách ra hiên học bài. Trên đầu, sao mai sáng xanh lấp lánh, lấp lánh... tôi chưa từng thấy ngôi sao nào đẹp như thế, lại ngoái đầu hỏi ngoại “ Ngôi sao chếch ngọn cau kia kìa là sao gì ạ” “Sao mai đấy” “Sao ông ấy cũng to như ông sao hôm ạ?” “Hai ông ấy là một ông thôi, buổi chiều gọi là sao hôm, buổi sớm gọi là sao mai. Cố học giỏi lên là khắc biết nhiều điều hay hơn ông ở làng”.
     Ngoại tôi khuất núi đã hơn ba chục niên. Tôi vâng lời ngoại, học bao điều ngoài ngôi làng của mình, tri thức nhiều hơn, nhưng xã hội đa chiều- muôn mặt trong thế giới phẳng. tình người cũng đã khác xưa; những ngưòi ăn ở đầy đặn hiếm hoi dần… và làng hôm nay không còn là làng như thuở tôi học lớp ba, tre xanh rợp mát đường làng. Ngày ấy, sáng sáng nghe con chim khách hót ngọn tre ngà, ngoại bảo “ hôm nay, nhà mình có thư đấy”... Bây giờ, làng trống hơ trống hoác, chợ làng đủ cả chat game,cờ bạc, vay nóng cắt cổ ở chiếu bạc, cắt- gội-nhuộm tóc. Chuyện làng thế kỷ XXI, khi Biển Đông vào tầm ngắm của các nước lớn nuôi tham vọng “ chiếm lấy  và khai thác ”, thì ở ngôi làng nhỏ bé của tôi, tấc đất tấc vàng lên ngôi và văn hoá làng bị bị xâm hại.
Ngôi đình làng là công trình văn hoá-nghệ thuật cấp quốc gia  đã ruỗng các chân cột trông tựa như chân già làng bị thương, nhiều năm trình trên chưa đựơc tu sửa.Ông từ nguyên là chiến sĩ ở chiến trường B3, tai to như tai Phật, bức bối: “  Bộ văn hoá trả lời phải “Xã hội hoá”, phải đi xin các đại gia làm  từ thiện- công đức, thế chị có thấy nhà mấy ông quan xã to vật vã, gấp mấy lần các chị ở thành phố chưa? huống chi quan Bộ tít trên cao, chúng tôi làm sao biết cửa nào mà gõ.” Thì cái ông X. ấy là bạn học cùng khoá với tôi ở trường Đại học tổng hợp (cũ), không bao giờ về Khoa gặp lại bạn bè thuở sinh viên- tôi bấm bụng thầm nghĩ.. Ông từ lại hỏi: “Cái làng cổ này, chị trông bây giờ có khác gì cái áo vá không”. Tôi không xuê xoa trả lời ông được, nghe buốt lòng khi nhìn thấy cơ ngơi  nhà ba tầng với khuôn viên cây cảnh cỡ 30 triệu của quan xã ngay trước mắt.Nếu cho tôi một điều ước,chỉ ước sao pháp quyền công minh được các ông quan xã thực thi ở làng để giữ lấy hồn cốt của văn hoá làng, bắt đầu từ ngôi đình thờ Thành Hoàng
Ôm câu chuyện của già làng như đá tảng đè ngực, tôi ngược ra thành phố. Thảm lúa vàng mênh mông từ hai bên đường quốc lộ trải xa tít chân trời đưa hương thơm dịu  thơm, ngọt lành xua bớt bức bối. Lại giật mình thon thót. Biết đâu, một hai năm nữa, không cần biết quy hoạch nào, những trụ sở công ty, những khu công nghiệp nhỏ sẽ cướp không của dân những bờ xôi ruộng mật, xé tan thảm lúa  vàng này. Bất chợt,gặp lại sao hôm lấp lánh trong ráng hoàng hôn thanh bình, xa mờ, lũy tre xanh như một đường viền phía chân trời,  ngăn cách thảm lúa vàng rực và ngôi làng bao đời nay. Nhưng làng mỗi năm một chuyện trong cái thời công nghiệp hoá, thị trường hóa; mà đời người,  “nước mắt chảy xuôi”. Tôi nghe  ngoại nói câu này ở tuổi lên tám, khi ngoại thay mẹ  quạt cho tôi bằng chiếc quạt tre, ru tôi vào giấc ngủ trong câu chuyện xưa:
 “ Ngày ấy, mùa này, ông làm diều chở cả đôi sáo trúc, hôm nào trời trong, khi sao Hôm bắt đầu mọc là đi thả diều để đọ xem, cánh diều nào bay cao hơn, sáo của ai hay hơn”. “Mai ông cho cháu theo anh Đoàn thả diều ở bờ giếng, anh ấy làm xong sáo rồi”. Ờ, ngủ đi, mai ông dạy cho nó cách buộc  đôi sáo mới đi đọ  diều của thằng Tú trên làng  được”. Sáng sớm, khi tôi dạy học bài, sao mai như xanh biếc hơn, chảy tràn trên tàu chuối, trang sách mở tinh khôi trong ánh ngày đang rạng..! Bóng ngoại mặc áo gụ đang dẻo tay chuốt nan tre cho anh tôi buộc sáo diều như bức tranh cổ giữa ban mai đang chuyển sang màu phớt hồng và hương ngọc lan từ góc vườn lan xa trong không gian yên ả, thanh khiết.
     Càng đi về phía chiều, ngưòi ta càng nhớ kỷ niệm tuổi thơ ở làng quê thân thương. Vào tiết vu lan, lại ngong ngóng bấm ngày về quê, cho các cụ, và cho chính  tâm hồn mình thư thái.