Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Văn hoá tiểu khí

Phạm Lưu Vũ
Chủ nhật ngày 18 tháng 8 năm 2013 2:33 PM


(Tạp bút)

Mấy anh trí thức XHCN (trình độ đại học trở lên) trong một lúc trà dư tửu hậu, đố nhau rằng loại cá gì mà chết rồi mới mang bệnh? Giảng đó là cá Thác Lác. Rằng nó đã thác (chết) rồi còn bị bệnh lác [mắt]. Thế rồi vỗ đùi cười ha hả với nhau ra chiều đắc ý, ra chiều ta đây chữ nghĩa, nghĩ ra được câu đố “kiệt tác” ấy là tài lắm, giỏi lắm...

Những loại “văn hoá” rẻ tiền kiểu ấy tràn ngập các quán nhậu, nhà hàng, nghe không dưới chục lần, mà lần nào nghe cũng ngượng. Thế mà có người đang sưu tầm để làm thành một thứ [tạm gọi là] “văn hoá bia ôm”, đặng bổ sung vào cái “di sản” văn hoá vốn đã rất đậm đà chất “tiểu khí” của ông cha rồi...

Tiểu khí là vốn liếng của ý chí, là cân lượng của kiến thức, là đẳng cấp của văn minh, là cao trình của tiến hoá. Tóm lại nó là tiếng cười hả hê, đắc ý của những chủng người… nhược tiểu. Bao đời nay nó vốn là niềm tự hào kiêu hãnh, là những cái sướng âm ỉ tỉ tê… của bộ phận nhân loại này. Nó là cái khí nhỏ bé, thảm hại, là những cái gai mồng tơi hoặc chọc ngoáy, mách qué, hoặc lỡm quanh ghế ngồi hay dưới gan bàn chân của thiên hạ. Bàn về cái món tiểu khí đã trở thành một thứ “văn hoá” quốc hồn quốc tuý rất đậm đà bản sắc… bộ tộc này, một thi nhân “thế kỷ” từng có câu:

“Thà một phút thơm lừng rồi lại thối
Còn hơn là thum thủm suốt trăm năm”


Ấy là thi nhân vì chán cái tiểu khí lắm nên mới ngôn ra một cách quyết liệt như vậy (lạy giời, cũng biết chán kia đấy?). Thế là tìm mọi cách để… thơm, bịa ra thơm, thổi phồng thơm, khuếch đại thơm, dựng lên học thuyết về thơm, tư tưởng thơm, lý tưởng thơm, thời đại thơm, anh hùng thơm, vân vân thơm… Thiên đường của [các con] ta có đủ cả, thượng vàng thơm, hạ cám thơm. Từ thơm lớn, thơm bé, thơm mẹ, thơm con, thơm cháu chắt đến thơm xuất chúng, thơm vĩ đại, thơm thiên tài... Chưa hết. Chỉ có ta thơm, ta độc quyền thơm, ta thơm hết sẩy, thơm như ta mới là chân lý, v.v…

Kết quả thơm trong tuyên ngôn, thơm trên khẩu hiệu, thơm ngoài đồng ruộng, thơm giữa giảng đường… Thơm tràn ngập báo chí, truyền thông… thơm lấp đầy văn, thơ, nhạc, hoạ, thơm dày đặc biển cả, sông ngòi...

Không phải chỉ thơm lừng trong một phút nữa, mà phải là… thơm mãi muôn năm.

Công phu đến như thế. Vậy mà khắp đâu đây, vẫn cái mùi… thum thủm.

Mới hay cái tiểu khí một khi đã ngấm vào cốt tuỷ, đã trở thành một thứ… văn hoá, thì cái lý tưởng chạy trốn sự thum thủm cao tót vời kia của thi nhân thật… khó mà đạt được lắm thay.

Kẻ đại khí bảo: “không xem mình là sáng, nên sáng”. Hạng tiểu khí bảo: “ta là đỉnh cao trí tuệ [vốn có sẵn rùi]”.

Kẻ đại khí bảo: “không xem mình là phải, nên rực rỡ”. Hạng tiểu khí bảo: “chân lý luôn thuộc về ta [kẻ mạnh mà, ai dám cãi?]”.

Bổ sung thêm một tí kẻo lãng phí: Thế mà những hạng “theo đóm…” tiểu khí thỉnh thoảng vẫn chường cái bản mặt bánh dày, há cái mồm i-nốc ra mà “ngôn” đủ các thứ chân ný, kiểu như: “văn học trân chính [thống] không cần [thèm(?)] sự đánh bóng” (kể cả các loại “nhật ký”, ví dụ nhật ký Đặng Thuỳ Trâm... chẳng hạn) … Ối làng nước ôi là làng nước ôi, ra mà xem cái [mẩu thịt thừa] gì đó, ló đang leo lẻo, trâng tráo ca mãi bài đổi trắng bôi đen dạy khôn thiên hạ kia kìa…

Vâng! Văn [tr]chương đang rất [tr]chân và chính. Bởi văn chương là việc nhân nghĩa. Mà ở vào cái thời buổi này, “việc nhân nghĩa cốt ở… yên thân”. Nên cái sự làm văn [tr]chương nó rất chi là… thú! Đến nỗi đã có ý kiến nên đổi tên Hội Nhà Văn thành Hội Văn Thú. Ối giời ôi, vừa chợt nhớ đến đàn trâu béo của Vương tử Đồi thời nhà Chu ngày trước… 

Xin đừng ai kinh ngạc khi nom thấy cái những vạc rỗng. Ấy là những chủng loại “kẻ sĩ” [xin lỗi nghề đĩ], lúc nào cũng lăm le muốn “sửa thiên hạ cho… hợp với mình”.

Kẻ đại khí bảo: “không xem mình có công, nên có công”. Hạng tiểu khí bảo: “công lao của ta như bể rộng, núi cao…

Vân vân và… vân vân…

Cái gì gọi là “tiểu khí”? Mấy nghìn năm âm ỉ, tài trí là đây mà sướng cũng là đây. Ta chẳng những đã giỏi võ công, mà võ mồm càng giỏi ghê gớm. Kể từ ngày nó tưởng ta ngu, nó cậy có: “sấm động Nam vang” thì ta đây: “vũ qua Bắc hải”. Nó đố chữ thì ta giải chữ [chữ học từ nó], nó đối ý thì ta đối vần [cũng bắt chước từ nó], nó chữ nghĩa thì ta nôm na [tất nhiên cũng phải học từ nó], nó cân núi thì ta cân voi, nó thâm trầm có hạng thì ta đây mẹo vặt có thừa. Lỡm được nó một lần, con cháu ta sướng đời đời không hết, huống chi lỡm được những mấy lần, ha ha!...

Thế mà gọi “tiểu khí” ư? Ta còn bao nhiêu “di sản” những cái “sướng” ngây ngất đây này. Thế gian này, hỏi có ở đâu dùng mẹo “trâu đực chửa” mà tìm ngay ra bậc kỳ tài hay chưa? Đừng cậy “giời sinh ông tú Cát”, bởi ta đây sẵn có “đất nứt con bọ hung”... Thì cũng là những trò “mách qué” đó thôi. Song “mách qué” mà đạt đến “cảnh giới” như vậy, tưởng cũng đáng là một thứ “văn hoá” chứ sao? Tổ của ta dù có là Lợn hay Quỳnh, thì lúc nào cũng vinh danh ông “Trạng”. Chẳng phải truyền thuyết hay huyền thoại gì đâu nhé. Ông nội ta đấy, có “người thật, việc thật” rành rành. Khối kẻ đã nhanh nhảu nhận họ nhận hàng, chỉ cần múa bút cóp nhặt vài trăm trang cũng đủ tìm ra ông tổ tám chín mười... đời của mình rồi đấy. Kẻ nào đọc đến mà ngượng thì cứ việc lấy bao tải trùm kín mặt đi.

Bàn đến những món “di sản” sướng “đồ sộ” này, một thi nhân thế kỷ khác từng nói: “quanh bàn chân không ai bàn chuyện... lối đi”.

Ấy là thi nhân dù đã trùm kín cả mặt mũi chân tay rồi, mà xem ra vẫn còn ngượng lắm nên mới phải buông một tiếng thở dài như thế.

Nói về tiểu khí thì còn nhiều lắm bởi đi đâu chả gặp. Nó là “món ăn tinh thần” vừa truyền thống vừa thời đại không thể thiếu của mọi hạng người từ anh nông dân chân đất mắt toét đến những hạng trí thức rất đáng [đeo] kính, từ hạng cùng đinh đến những anh nhà giàu mới phất... Kinh doanh cái món tiểu khí này xem chừng một vốn bốn lời, bởi chả phải nghĩ ngợi gì mà vẫn rặn ra được khối “văn”. Bằng chứng là sách tiểu khí lúc nào cũng bày ra la liệt từ vỉa hè bụi bặm đến các siêu thị sách lộng lẫy. Nhân thời buổi hòa khí, hòa giải, hòa hợp, hòa… cả làng với cả hội hè, hội ngộ, hội nhập, hội… đủ các kiểu này, trẻ con có mấy câu hát (đồng dao) giản dị và rất dzui như sau:

Nói dẫn:

“Ngày ấy tháng tám
Ta đã thành công
(Địch đã thành nhân)

Hát điệp khúc:

Đường lớn
Đã mở
[Vê kép – tê – ô]
Đi tới đi lui

Ngày mai
Chưa bắt đầu
Vì còn hôm qua

Ngày mai
Chưa bắt đầu
Vì còn hôm nay
…”

Tháng tám - 2007