Trang chủ » Trần Nhương giới thiệu

THẾ TRẬN BẠCH ĐẰNG GIANG

Nguyễn Khắc Phục
Thứ tư ngày 24 tháng 6 năm 2009 8:06 PM

TNc: Nhà văn Nguyễn Khắc Phục vừa hoàn thanh vở kịch thơ Thế trận Bạch Đằng giang. Đây là vở thứ 70 do ông sáng tác. Nguyễn Khắc Phục với một khối lượng sáng tác đồ sộ tiểu thuyết, kịch bản phim, kịch, thơ và gần đây ông còn nhảy sang hội hoạ. Ông vừa gửi cho Trannhuong.com để công bố đầu tiên tác phẩm này. Từ hôm nay (23-6-2009) chúng tôi sẽ giới thiệu vở kịch này của ông


Kịch thơ 2009
 
Đằng Giang tự cổ huyết do hồng...
Thám hoa Giang Văn Minh (1639)
 
Trong lịch sử đấu tranh và sinh tồn của mình, Việt Nam với tư cách một Đất Nước tự chủ, một Dân Tộc có truyền thống văn hóa lâu đời, trọng nghĩa, trung hậu, yêu tự do, khao khát hòa bình, bất khuất, kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, quyền sống theo ý mình và không cho phép bất cứ thế lực hung bạo, nham hiểm nào làm nhục phẩm giá người Việt; đã tập hợp dưới ngọn cờ yêu nước của Ngô Vương Quyền làm nên chiến công vĩ đại Bạch Đằng Giang năm 938. Đây là một sự kiện hùng vỹ hiếm thấy, có ý nghĩa vô cùng trọng đại và cực kì điển hình, cho một quốc gia:
1- Luôn luôn phải đối mặt với những cuộc xâm lược trường kì của những kẻ thù hùng mạnh, không từ bất cứ thủ đoạn gian manh, ác độc nào miễn là có lợi cho tham vọng bất chính vô bờ bến của chúng. Các dân tộc bị chúng xâm lược càng nhân nhượng, càng nỗ lực tìm kiếm các cơ hội vãn hồi hòa khí, càng nhún nhường, chúng càng hung hăng, ngang ngược hơn.
2- Cùng lúc phải tập hợp sức mạnh của lòng yêu nước, đồng tâm nhất trí trên dưới, trăm họ cố kết với ý chí kiên quyết chống giặc ngoài, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Dân Tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
3- Phải không ngừng cảnh giác với bọn nội phản, dù số lượng bọn chúng có thể đếm trên đầu ngón tay, những Kiều Công Tiễn (sau này là Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống...), nhưng chúng rất nguy hiểm, bản tính chúng lại hết sức vô liêm sỉ, trâng tráo, sẵn sàng bán nước cầu vinh bằng mọi giá. Sự phản bội của chúng càng trở nên nghiêm trọng khi kẻ thù bên ngoài bôi mày vẽ mặt cho chúng bằng đủ thứ sơn phết lòe loẹt, biến chúng thành những “tên hề nguy hiểm”...
Nắm chặt 3 điều cốt tử trên, Ngô Vương Quyền và nhân dân ta đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng Giang, trận chung kết huy hoàng giữa Việt Nam với bọn xâm lược trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, kéo dài 1.117 năm.
Đó cũng chính là BIỂU TƯỢNG HÙNG VĨ VÀ SINH ĐỘNG NHẤT CỦA THẾ TRẬN BẠCH ĐẰNG GIANG!
Ngô Quyền xứng đáng được tôn vinh “vua của các vị vua nước Nam” và vị tổ trung hưng của dân tộc như Phan Bội Châu lần đầu tiên đã nêu lên trong Việt Nam quốc sử khảo.
Sau chiến thắng Bạch Đằng, đất nước bước vào thời kỳ xây dựng trên quy mô lớn, khôi phục quốc hiệu Vạn Xuân. Tại kinh đô Cổ Loa, Ngô Vương Quyền bước đầu tổ chức một triều chính độc lập đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của đế vương.
Sử gia Ngô Thì Sĩ đánh giá: Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng là vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu!”.
Với nhận thức và cảm hứng như vậy, tôi đã dành toàn bộ sức lực, dốc hết gan ruột vào vở kịch thơ này. Có lẽ đây cũng sẽ là vở kịch cuối cùng trong cuộc đời viết kịch của tôi, vở thứ 70...
Thiết tha cầu mong Quý Bạn đọc và chia sẻ.

 Tháng 6 năm 2009. NKP

Giới thiệu sơ lược bối cảnh lịch sử 

trong kịch thơ ‘Thế trận Bạch Đằng Giang’
Từ năm 907 ở Trung Hoa, nhà Đường sụp đổ, các tập đoàn cát cứ Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu thi nhau tranh giành quyền lực ( sử gọi là đời Ngũ Quí hay là Ngũ Đại). Nước ta lúc đó nhà Đường đổi thành Tĩnh Hải quân, Tiết độ sứ Độc Cô Tổn mới sang cai trị rất độc ác, mất lòng người, bị gọi là Ngục Thượng thư (thượng thư ác). Khúc Thừa Dụ, khi đó là Hào trưởng Chu Diên, được dân chúng ủng hộ, đã tiến quân ra chiếm đóng phủ thành Đại La (Tống Bình cũ - Hà Nội), tự xưng là Tiết độ sứ. Khúc Thừa Dụ được coi là người đặt cơ sở cho nền độc lập dân tộc Việt sau gần 1.000 năm bị đô hộ. Khúc Thừa Dụ mất, Khúc Hạo (con trai) và Khúc Thừa Mỹ (cháu) lần lượt lên nắm quyền.
Năm Quí Mùi 923, vua Nam Hán Lưu Cung sai Lý Khắc Chính đem quân sang đánh thành Đại La, bắt Khúc Thừa Mỹ mang về Phiên Ngung, sai Lý Tiến sang làm thứ sử cùng với Lý Khắc Chính.
Năm Tân Mão 931, Dương Đình Nghệ là tướng của Khúc Hạo ngày trước nổi lên, đánh đuổi bọn Lý Khắc Chính và Lý Tiến đi, rồi tự xưng làm Tiết độ sứ. Vua Nam Hán sai Thừa chỉ Trần Bảo mang quân sang xâm lược. Dương Đình Nghệ ra lệnh mở toang cửa thành Đại La, đánh thắng giặc và chém đầu Trần Bảo. Được gần 7 năm, Dương Đình Nghệ bị nha tướng ( cũng là con nuôi) Kiều Công Tiễn giết hại để cướp quyền.
Ngô Quyền vừa là con rể, vừa là một bộ tướng của Dương Đình Nghệ, lúc ấy đang trấn giữ Châu Ái, tỏ rõ là người có tài đức.
Năm 938, ông tập hợp lực lượng hào kiệt trong nước tiến ra bắc, hạ thành Đại La, tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Trong số anh hùng hào kiệt dưới cờ Ngô Quyền có rất nhiều danh tướng: Đinh Công Trứ ( cha Đinh Bộ Lĩnh), Đỗ Cảnh Thạc, Phạm Phòng Át, Ngô Xương Ngập (con trai Ngô Quyền), Dương Tam Kha (con trai Dương Đình Nghệ), đặc biệt hơn, có cả Kiều Công Hãng (cháu nội của tên phản quốc Kiều Công Tiễn)...
Sau chiến công Bạch Đằng Giang, mùa xuân năm 939, ông xưng là Ngô Vương (tức là Tiền Ngô Vương), đóng đô ở Cổ Loa (Hà Nội ngày nay), lấy lại quốc hiệu Vạn Xuân.
Năm 944, ông qua đời, thọ 47 tuổi. Sử sách gọi ông là Tiền Ngô Vương. Sách Thiền Uyển Tập Anh gọi ông là Ngô Thuận Đế, có lẽ chỉ là cách nói tôn lên vì đương thời ông chưa từng xưng đế.
 

Thế trận Bạch Đằng Giang
Kịch thơ
 
Nhân vật
(theo thứ tự ra sân khấu)
Ngô Quyền
Cu Ngơ – gia nhân của Ngô Quyền
Ngâu – hầu gái của Dương Nữ
Dương Nữ - con gái Dương Đình Nghệ
Kiều Công Tiễn – con nuôi Dương Đình Nghệ
Dương Đình Nghệ
Dương Tam Kha – con trai Dương Đình Nghệ
Khổng Lang Trung – y quan trong sứ bộ Nam Hán
Kiều Chuẩn – con trai Kiều Công Tiễn
Kiều Thuận – cháu nội Kiều Công Tiễn
Kiều Công Hãng – cháu nội Kiều Công Tiễn
Lý Tiến – Thứ sử Giao Châu
Vạn Vương Hoằng Thao – con trai vua Nam Hán
Các hào kiệt, nghĩa sĩ:
Đinh Công Trứ
Đỗ Cảnh Thạc
Phạm Phòng Át
Ngô Xương Ngập
Nguyễn Tất Tố
Vị lão thành
Dân trăm họ Ái châu & Đại La
Quân sĩ & Những người khác


MÀN GIÁO ĐẦU
 
Đại bàng bay cùng trời càng nhớ tổ
Người đi bốn bể quay về làng
Ta là con của nước Nam
Bạch Đằng Giang, Bạch Đằng Giang   
Không chờ, không khóc, không van
Một dân tộc – một giang san bao đời
Chỉ toan đứng giữa đất trời
Được thương yêu, được làm người tự do
Được thanh bình, được ấm no
Mà nghìn năm đến bây giờ chưa an
Bạch Đằng Giang, Bạch Đằng Giang
Ròng ròng máu đổ, hàng hàng lệ rơi
Đứng lên, gào thét váng trời
Vạn Xuân –  tỉnh mộng  không thôi thét gào...
 Ngô Quyền dáng vóc khôi vĩ, gương mặt trầm tư, đứng lặng bên dòng Hát Giang (sông Đáy), mắt đăm đăm nhìn về phía xa.
Chàng sinh năm 898, quê Đường Lâm, con trai vị châu mục Ngô Mân. Cha chết, chàng tìm vào châu Ái...
Ngô Quyền
- Mùa xuân đến rồi chăng?
Ta nhằm Phương Nam
Mà sao ngọn Bắc Phong vẫn thổi lạnh sống lưng?
Hát Giang, Hát Giang
Hỡi dòng sông bi tráng của ta
Mỗi con nước xiết sơn hà quặn đau
Non về đâu, nước về đâu
Mà trông bốn phía một màu tang thương?
Nôn nao cất bước tìm đường
Mà sao ngọn gió bắc phương lạnh thấu xương...
(giật mình nghe tiếng hát của những cô gái  chèo đò dọc trên Hát Giang)
Tiếng hát đò dọc
- Cầu Ba Trăng thênh thênh gió mát
Đồng Ba Trăng bát ngát lúa ngô
Hát Giang sóng cứ xô bờ
Nghìn năm máu đỏ chưa mờ dấu thiêng
Năm canh khắc khoải nỗi niềm
Nghe ra tiếng nấc triền miên vỗ bờ ...
Ngô Quyền xúc động mạnh mẽ
- Ta vừa nghe những người chèo đò dọc hát gì dưới dòng sông kia vậy?
Lạ thật? Lạ thật?
Sông tên là sông Hát
Mà sao sóng xô bờ hóa ra tiếng nấc?
Nghìn năm xưa
Nghìn năm xưa...
Tiếng hát đò dọc
- Hát Giang không phải sông đâu
Đừng đem sào cắm nông sâu mà lường
Hát Giang mấy khúc đoạn trường
Phù sa đỏ máu khóc thương Vua Bà
Hai vai nợ nước thù nhà
Sống vinh thác hiển, sơn hà ghi ơn
Dạy con cháu chí quật cường
Đội trời đạp đất càng thương quê mình...
Hỏi ai nỡ đành đoạn vô tình bước đi?
Ngô Quyền tay nắm chặt đốc kiếm đeo bên lưng, giọng rung lên
- Phải, chính oai linh của Hai Vua Bà vừa hiển thánh
Mượn lời dân gian trong câu hát đò đưa
Vầng trăng muộn, tiếng gà trưa
Cũng canh cánh nỗi ngàn xưa gọi hồn
Chính tại đây, cửa Hát Môn
Hai Vua Bà tuẫn tiết
Khi thế cùng lực kiệt
Lũ đao phủ Phục Ba tàn độc
Gieo nỗi thống hận “cột đồng Mã Viện” còn đây
Dù ức vạn dân Giao Châu đã ném đá lấp đầy
Vết ô nhục nghìn năm sau
Nỗi đau còn nhức nhối
Khiến ngọn Bắc Phong thổi lạnh sống lưng...
CẢNH 1
Cầu Ba Trăng...
Ngơ hoảng hốt réo tên chủ
- Cậu Quyền ơi, cậu Quyền ời...
Ngô Quyền
- Mày hò đò sông Cái à?
Ngơ chạy tới, hổn hển
- Cậu ơi, con cắn rơm cắn cỏ lạy cậu...
Ngô Quyền ngạc nhiên
- Giặc cướp đuổi mày, truy sát hay sao?
Ngơ
- Giặc cướp đuổi, con nào có hãi
Chỉ cần nói tên con là ai, chúng đã vãi... ra quần...
Ngô Quyền
- Khẩu khí cu Ngơ dạo này ghê nhỉ?
Ngơ
- Bẩm cậu Quyền, con là ai, bẩm cậu?
Ngô Quyền càng ngạc nhiên
- Ơ hay, mày làm sao vậy?
Ngơ
- Con là ai, xin cậu cứ giả nhời?
Ngô Quyền bật cười
- Thì cả xứ Đường Lâm ai không biết cu Ngơ
Quê Kẻ Mía
Gia nhân trung thành của họ Ngô ta
Ruột để ngoài da...
Ngơ
- Đấy nhá, tôi là ai, cậu Quyền tôi vừa xưng danh hộ
Có nhẽ nào gia nhân họ Ngô Đường Lâm lại làm ô danh chủ
Sợ giặc cướp hay sao? 
Cu Ngơ tôi chẳng giấu gì trong làng ngoài chạ
Bu tôi đẻ rơi sau đống rạ
Tóc rối như tổ quạ
Mặt nhăn như khỉ gió
Nói giọng “con bo vang”
Chỉ mỗi tội hơi nhiều hào khí
Chả may gặp các em thôn nữ mắt liếc dao cau
Cu Ngơ tôi... mặt đần như ngỗng ỉa...
(quay lại)
- Ối, ối, cậu Quyền ơi, xin cậu nhón tay làm phúc giúp con...
Ngô Quyền
- Lại còn chuyện gì nữa?
Ngơ
- Bẩm cậu, xin cậu tạm lánh khỏi đây...
Ngô Quyền
- Ta không hiểu?
Ngơ chỉ tay xuống bờ sông
- Bẩm cậu, kia kìa
Kia kìa cái giống kia kìa
Đánh hơi một cái, kia kìa... Ngơ say...
Ngô Quyền
- Ơ hay
Ta có thấy gì đâu ngoài một chiếc đò dọc cỏn con vừa cập bến Ba Trăng?
Ngơ
- Bẩm cậu, cậu thấy cái to là cái to
Con thấy cái nhỏ cứ tưởng là cái to...
Ngô Quyền
- To to nhỏ nhỏ là thế nào?
Ngơ
- Cậu thấy sơn hà xã tắc, đại nghiệp là to
Mắt con gái lúng liếng lá dăm
Bé như cái tăm
Con lại thấy nó nhớn
Nó lúng liếng
Nó khụng khiệng
Nó ám con
Nó bắt con phải lòng
Nó bắt con... tòng nó
Làm chồng làm vợ
Đẻ sòn sòn
Một lũ con
Nhớn lên
Tòng chinh
Theo cậu
Chứ chả nhẽ cậu đánh giặc một mình
Mưu nghiệp nhớn ắt phải từ việc nhỏ
Bẩm cậu, lẽ đời nhỏ nhỏ to to là thế!
Thế thì con mới cắn cỏ lậy cậu tạm lánh cho con nhờ...
Ngô Quyền
- Song thân ta khuất núi vừa mới đoạn tang
Nước mắt khóc cha mẹ chưa khô, vội từ giã Đường Lâm
Lặn lội tìm vào Châu Ái
Ruột nóng như lửa, đầu rối bòng bong
Vội trách ngươi tai quái
Hóa ra những điều nhỏ to tưởng là lải nhải
Lại nhắc ta đừng quên
Lo việc lớn không có trăm họ không nên?
Ngơ
- Bẩm cậu, con là phận tôi đòi
Văn thì dốt vũ thì dát
Dám đâu thưa thốt
Nhưng đêm qua đang ngon giấc mơ màng
Con thấy cậu cháu mình sẽ gặp duyên kì ngộ Ba Trăng...
Ngô Quyền
- Đúng là rồng leo cây nghệ
Thôi, ta cũng chẳng chấp chi...
Ngô Quyền bỏ đi...
Ngơ nhìn theo, thở phào nhẹ nhõm
- Cậu ơi, cậu là phượng là rồng
Con mà đứng bên cậu thì thiên hạ nhìn con thành cú thành cáo
Có nước con tìm đường tìm nẻo...
(giật mình thấy Ngâu từ dưới bến đi lên, hắng giọng)
- Trai Kẻ Mía gặp gái Ba Trăng
Như ngọn cau đâm thẳng giàn trầu không
Ngâu
- Trăng ba bốn đường trăng
Mía năm bảy giống
Chẳng hay quân tử thuộc giống mía sâu mía sượng
Nấu lên thành bẫy mật chết ruồi?
Ngơ
- Trai Kẻ Mía, gan cóc tía Đường Lâm
Chó còn ngáp được ruồi, huống chi bẫy mật
Anh đây dòng hào kiệt
Chỉ ham giăng bẫy tình bắt con gái Ba Trăng
Ngâu
- Gặp nhau đây một duyên hai nợ
Chỉ sợ chàng không bẫy nổi gái Ba Trăng
Ngơ
- Cô em ơi, bẫy võ hay bẫy văn?
Ngâu
- Bẫy võ dễ qua bẫy văn khó thoát
Chàng thắng cuộc em theo chàng sửa túi nâng khăn
Chàng mà thua chỉ xin chàng ăn... tát!
Ngơ vênh mặt
- Tay tiên mà tát má này
Thử xem giời đất đảo quay thế nào
Ngâu
- Quân tử một nhời đinh đóng cột
Tơ hồng cả mớ quấn bụi tre gộc
Em hỏi chàng non nước mình quốc hiệu là sao?  
Ngơ
- Ối, tưởng bẫy văn ghê gớm thế nào
Tên nước ta là An Nam Đô hộ phủ...
Ngâu giang thẳng cánh tát vào mặt Ngơ, nghiến răng khinh bỉ
- Trông đỏ tưởng chín
Vóc đàn ông đàn ang hóa ra đồ bị thịt
Ngơ
- Ơ hay, mấy chú khách ở thành Đại La
Lên Đường Lâm bán lụa
Vẫn gọi ta là dân An Nam
Sao nàng lại tát ta gẫy cả răng
Tóe cả máu mồm máu mũi?
Ngâu
- An Nam, An Nam...
An Nam là xứ dân khiếp nhược mà  chịu yên
Họ gọi thế, đồ ngu không biết  nhục
Cách đây ba trăm năm
Đức Nam Đế đánh tan giặc Lương
Vạn Xuân thành quốc hiệu nước ta từ đấy
Vạn Xuân, Vạn Xuân
Găm vào tai, gài vào óc, bọc vào tim
Bảy nổi ba chìm
Vạn Xuân Vạn Phúc...
Ngơ bưng mặt
- Một cái tát, em ơi
Một cái tát thời cho anh uống vạn bát thuốc tiên
Ngâu hoảng hốt khi Dương Nữ xuất hiện
- Lậy chị tha tội...
Ngơ xấu hổ
- Bẩm tiểu thư, đầy tớ vô phép...
Dương Nữ
- Tôi thấy hết cả rồi
Không ai phải đôi hồi
Chào vị khách Kẻ Mía
Dù thua trong bẫy văn
Vẫn ra người trượng nghĩa
Gió Ba Trăng mát mẻ
Nước Ba Trăng mênh mang...
(quay lại Ngâu)
- Kìa, còn đợi gì mà không mời khách xuống đò...
Ngâu và Ngơ bỏ đi...
Ngô Quyền xuất hiện
- Chứng kiến cảnh chị em nàng dạy dỗ gia nhân Kẻ Mía
Ta hổ thẹn vô cùng!
Dương Nữ
- Người hổ thẹn vì gia nhân của người không nhớ quốc hiệu Vạn Xuân?
Ngô Quyền
- Đúng vậy
Bất kể nàng là ai
Ta xin vái tạ lỗi!
Dương Nữ
- Người không có lỗi với tôi!
Ngô Quyền
- Ta có lỗi với ai?
Dương Nữ
- Người đắc tội với tiền nhân!
Ngô Quyền giật mình
- Ai đang hặc tội ta đấy?
Dương Nữ
- Hai Vua Bà một trận phong ba máu chảy thành sông mùa tử chiến
Triệu Trinh Nương cưỡi sóng chém kình ngư trên biển
Triệu Việt Vương  đầm Dạ Trạch trổ oai thần
Mai Hắc Đế  tế cờ trên Rú Đụn
Bố Cái Đại Vương oanh liệt xứ Đường Lâm
Lý Nam Đế dựng non nước Vạn Xuân...
Há bấy nhiêu bậc tiền nhân hặc tội có nghe chăng?
Ngô Quyền bàng hoàng
- Nàng là ai?
Dương Nữ
- Là người chèo đò dọc trên sông Hát
Giời run rủi gặp khách bên nhịp Ba Trăng
Nhìn đầy tớ biết tâm địa bề trên
Dám hỏi người, quý tính cao danh?
Ngô Quyền
- Ta họ Ngô, tên Quyền, quê quán Đường Lâm
Có việc lớn phải tìm vào châu Ái!
Dương Nữ mừng rỡ
- Hóa ra chàng tìm vào Châu Ái
Vừa nghe chàng thốt ra
Sao tự nhiên tim ta đập mạnh
Không biết có điềm gì xui khiến hay chăng?
Ngô Quyền lẩm bẩm
- Ta đâu còn trai tơ đôi mươi mười tám
Ta đã có vợ có con  để lại quê nhà
Cất bước vào Ái châu tìm Minh Chúa
Tưởng mọi nỗi khát khao những bóng hình mỹ nữ
Không mảy may làm xao động nổi ta
Chợt gặp người con gái bên cầu
Sao đầu gối ta như chùng lại
Sao mắt ta mê mải
Đuổi theo những sắc mầu thăm thẳm dòng sâu
Lao xao sóng vỗ...
Dương Nữ  rạo rực
- Sông Hát Giang bao giờ cạn nước
Núi Tản Viên cây cỏ  đương xuân
Hỡi người gặp gỡ Ba Trăng
Biết đâu duyên nợ trăm năm mà tìm?
Ngô Quyền họa theo
- Ai đi hái mớ tóc tiên
Sợi dài gói gió sợi mềm buộc sương
Hỡi ai dệt tấm vô thường
Thêu nên giấc mộng bên dòng sông Mơ
Yêu trong cuộn sóng sơn hà
Tình riêng đâu dám nhạt nhòa thù chung?
Dương Nữ đáp lại
- Gái thuyền quyên, trai anh hùng
Há vì chăn gối buộc chân Phượng Hoàng
Xin Người lấy lại giang san
Rửa xong mối hận Hát Giang thủa nào
Bấy giờ bên đĩa dầu hao
Em ru cho đấng anh hào ngủ ngon...
Ngô Quyền bàng hoàng
- Nàng ơi, số kiếp dân ta cay đắng lắm
Bắc thuộc nghìn năm đằng đẵng
Sống không ra hồn người
Chết chẳng được thành ma
Vật vờ như bầy qủy nhập tràng trong bóng tối
Không thuộc về đâu, cả âm phủ lẫn trần gian
Cứ  lang thang giữa hai bờ thực ảo
Ta phải đi tìm giông bão
Thay trời đổi đất,  dựng quốc thống  nước Nam
Ta đã lỡ hẹn với tổ tiên trăm năm, nghìn năm
Ta không thể vì tình riêng mà đắm đuối
Bắt giông tố ngủ yên trong nệm ấm chăn êm
Không
Bão phải gầm lên nổ tung cột đồng nhục nhã
Ta đã chui lên từ đáy huyệt nhuốc nhơ
Chúng muốn chôn ta
Giữa mê cung những dinh thự, tước phong
Nhắm mắt ngủ yên trong tay gái đẹp
Mềm môi, say lướt khướt rượu ngon
Nghe rót vào tai những lời đường mật
Của những kẻ tanh lòng coi ta như súc vật
Ta phải  đi, nổi trận bão cuối cùng
Mỗi dòng sông phải nhớ hận Hát Giang
Mỗi tấc đất phải nuôi chí Vạn Xuân
Mỗi bụi tre phải hóa tre Thánh Gióng
Mỗi tình riêng phải  rực lửa anh hùng
Đưa  trăm họ thoát khỏi kiếp nhập tràng
Được kiêu hãnh gọi tên mình: Dân Việt!
Dương Nữ  họa theo
- Hỡi tráng sĩ
Xin chàng nuôi hùng chí
Hỡi dòng sông Hát Giang
Muôn lớp sóng hãy sôi lên
Góp thành bão tay chàng vung lưỡi kiếm
Cả giang sơn thao thức mấy nghìn đêm
Đợi một giấc mơ thiêng
Và em hát
Ru chàng
Hát Giang
Đêm nay hãy vì ta mà thao thức
Những xóm thôn đợi bão đến rì rầm
Những áng mây đêm cũng đỏ rực cuồng phong
Phòng the lạnh nghìn trùng dù xa cách
Em đợi khúc khải hoàn
Chàng quay về  tổ ấm
Cởi chiến bào, tháo khỏi lưng thanh kiếm
Ngả xuống bên em, nghe em hát ru chàng...
Ngô Quyền đối mặt với Dương Nữ
- Hỡi người con gái Ba Trăng
Duyên kì ngộ Hát Giang
Sống để dạ chết ta mang
Ta không muốn làm qủy nhập tràng
Nổi ngay giông bão hóa thân kiếp người...
Chợt tiếng trống, mõ dồn dập cấp báo vang lên. Tiếng vó ngựa dồn dập...
Công Tiễn xuất hiện
- Ta đuổi theo muội sắp gẫy cả bốn vó ngựa!
Dương Nữ ngạc nhiên đượm vẻ lo lắng
- Nghĩa huynh, cha già khó ở chăng?
Công Tiễn
- Muội  phải theo ta về ngay, khắc biết...
Dương Nữ ngập ngừng nhìn Ngô Quyền
- Nhưng...
Công Tiễn rút ngay kiếm, hăm dọa
- Người này muốn gì? Biết ta là ai không?
Dám sàm sỡ với hiền muội của ta chăng?
Ngơ lao tới, tay cầm cây mía đứng chắn giữa Ngô Quyền và Công Tiễn
- Không được hỗn láo với chủ ta!
Công Tiễn múa kiếm, Ngơ hai tay giơ cây mía lên đỡ
- Đồ khốn, dám làm bẩn lưỡi kiếm của ta ư?
Công Tiễn vung kiếm. Ngơ vờn múa, trong hai tay còn lại hai khúc mía vạt nhọn, biến thành hai mũi dáo sắc nhọn.
Ngơ lẻn ra sau, dí hai mũi dáo vào lưng Công Tiễn
- Một thân mía xanh thành hai mũi dáo
Ngọt với kẻ biết điều, sắc với lũ ngông nghênh
Ngô Quyền cau mày
- Vô lễ, lui ngay...
Dương Nữ vội vã nói với Công Tiễn
- Xin nghĩa huynh bớt nóng, chỉ là chuyện gặp tình cờ trên bến Ba Trăng
(quay lại Ngô Quyền)
- Chắc gia cảnh nhà tôi có tai biến bất thường
Nên anh tôi có phần thất thố
Xin Người bỏ quá...
Ngô Quyền
- Ta cũng đoán vậy...
Công Tiễn giận dữ tra kiếm vào vỏ
- Nể mặt hiền muội, ta tha tội cho thầy trò ngươi
( bảo Dương Nữ)
- Người ba đấng của ba loài
Không rậm lời phí hơi
Hiền nương ơi, ta phải đưa em về gấp...
Kiều Công Tiễn và Dương Nữ bỏ đi... 
Ngơ sợ hãi quỳ xuống
- Con lanh chanh như hành không muối
Suýt làm cậu bẽ mặt!
Ngô Quyền cười ha hả
- Mày đáo để lắm
Không hổ danh con cháu Bố Cái Đại Vương
Đưa “mũi dáo” của mày cho ta gặm, khát quá!
Hai thầy trò khoái trá chia nhau nhai mía...
Ngơ
- Cậu Quyền ơi, con đã kịp dò la
Cái con bé tát con nổ đom đóm mắt, hóa ra...
Ngô Quyền sốt ruột
- Có gì nói mau lên, cà kê ta cắt lưỡi!
Ngơ
- Hóa ra nó tên Ngâu
Mắt sắc dao cau
Lưỡi như tép nhảy
Đít vồng nồi đồng
Vú căng quả bưởi
Thẩy là thẩy lẩy
Không trẩy cũng ngu
Không bóp cũng tiếc...
Ngô Quyền rút kiếm, nhứ đùa trên cổ Ngơ
- Ta muốn biết chủ nó là ai? Nói ngay...
Ngơ
- Cậu phải lòng mặt chủ
Con sờ vú đầy tớ
Cứ cắt lưỡi con đi
Nhưng để tay con bóp...
Ngô Quyền bật cười
-  Đúng là Kẻ Mía
Lại sắp vòng vo
Hết to to lại nhỏ nhỏ
Thôi, nói nhanh đi!
Ngơ thì thầm
- Tiểu thư là ái nữ của...
Ngô Quyền lắng nghe, mắt sáng lên
- Thế còn nghĩa huynh của nàng?
Ngơ
- Kiều Công Tiễn là hào mục châu Phong
Vào đất Ái  cầu thân dưới trướng
Cùng 3000 nghĩa tử của thủ lĩnh họ Dương
Mở mồm là “hiền muội” với “hiền nương”
Mắt thì lấm la lấm lét
Kiếm chưa vung đã sát khí đằng đằng
Cái hạng ấy trước sau gì cũng phản chủ...
Ngô Quyền
- Vạ mồm bây giờ. Ta hiểu rồi, thảo nào...
Ngơ bất chợt mừng rỡ khi thấy Ngâu từ dưới bến đi lên
- Ối, cậu ơi nó ăn phải bùa phải ngải con rồi
Đúng là gái phải hơi giai như thài lài gặp cứt chó...
Ngô Quyền lắc đầu
- Không, vẻ mặt cô gái có gì  khác thường lắm...
Ngâu hổn hển vừa thở vừa nói
- Bẩm tráng sĩ,
Cô con vì việc gấp phải đi ngay
Sai con lên cấp báo
Giặc Nam Hán vừa tràn sang
Bắt Tiết Độ sứ Khúc Thừa Mỹ giải về Phiên Ngung
Thành Đại La rơi vào tay Lý Tiến
Máu dân lành đang chảy thành sông
Thế nước lại một phen nghiêng ngả
Cơ nghiệp họ Khúc mới ngót 20 năm
Đã tang thương dâu bể...
Ngô Quyền nghiến răng
- Tiểu thư còn nhắn gì nữa không?
Ngâu
- Bẩm tráng sĩ, cô con chỉ nhắn
Xin Người đừng quên giấc mộng Vạn Xuân...
Ngô Quyền mắt sáng lên
- Hãy về trình với tiểu thư
Ơn tri ngộ, nợ Vạn Xuân ta sẽ trả bằng hết...
Tiếng hát đò dọc vọng lên
- Nghìn năm hùng khí Hát Giang
Mỗi dòng sông Việt – một trang sử hùng
Ba Trăng kỳ ngộ tương phùng
Vạn Xuân xin hẹn khải hoàn Đại La...