Trang chủ » Trần Nhương giới thiệu

ĐẤT DẺO - TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN ĐỨC HUỆ

Nguyễn Đức Huệ
Thứ sáu ngày 12 tháng 6 năm 2009 3:33 PM
Tiểu thuyết
Chương một
 
- Gốt - xơ - dơ Hải Long:
- Tuyệt vời!
- Cốt - tô Hải Long:
- Tuyệt vời!
- Hai ba...Zô!
- Hai ba...Zô!
Tiếng reo hò vang rộn trong hội trường lớn của nhà máy Cotto thuộc công ty Gốm - Xây dựng Hải Long (gọi tắt là Gốt - xơ - dơ Hải Long). Bữa tiệc đứng được tổ chức tại đây đang đến độ cao trào. Hết nhóm này sang nhóm khác, cứ một người hô câu đầu lại có mấy chục người hô tiếp câu sau, như thể kẻ tung người hứng, sau đó là zô. Hai ba... zô! Hai ba...zô! Rượu bia tá lả rót tràn ly tràn cốc. Tất cả đều phải trăm phần trăm, kể cả các sếp to đang đứng lẫn trong đám đông hoặc đang trò chuyện tay đôi bất ngờ bị lôi vào cuộc. Cố nhiên họ cũng vui vẻ hòa đồng mọi người, cũng sôi nổi hô vang và uống. Hôm nào chứ hôm nay là phải uống, uống hết mình. Nhất định là phải hết! Nào hết đi! Hết đi hết đi hết đi...Hết! Tuyệt vời!
Tiếng cười tung tóe quanh bàn nhậu. Thật vui như tết. Còn hơn cả tết bởi bữa tiệc hôm nay chào mừng một sự kiện cực kỳ hoành tráng của công ty, một sự kiện được xem là mốc son lịch sử của ngành Gạch ngói đất sét nung ở vùng này. Đó là sự ra đời của nhà máy Cotto với dây chuyền công nghệ tự động hóa được chuyển giao từ một hãng công nghệ nổi tiếng của Ytaly, được đặt trong làng Gạch thuộc thị trấn Hải Long, một thị trấn ngoại vi thành phố Biển, là nơi đóng Đại bản doanh của đạo quân gạch ngói này. 
 Lễ cắt băng khánh thành nhà máy được tổ chức vào sau tết nguyên tiêu. Người dân thị trấn, trong đó hầu hết là cán bộ công nhân của công ty, sau khi đã đi khá nhiều đình chùa đền miếu dự lễ hội xuân, lại nô nức “trẩy hội” vào làng Gạch. Tại đây người ta đã được chứng kiến loạt sản phẩm đầu tiên của nhà máy ra lò. Nhìn những viên gạch lát vuông vắn đỏ au cứ tự động trôi ra trên hệ thống băng chuyền, đầu kia còn là đất sét, đầu này đã thành viên gạch, ai nấy đều không khỏi ngạc nhiên. Cả cái nhà máy to tướng thế mà chỉ có dăm bẩy người thợ vận hành, còn toàn tự động. Tiếng máy chạy rất êm, đến mức thoạt đầu người ta cứ tưởng là nhà máy dệt. Và khi sản phẩm ra lò thì đẹp ơi là đẹp, thanh mảnh và nhẵn bóng như một bức sơn mài. Theo tiếng Ý thì Cotto có nghĩa là “Đỏ mãi với thời gian” nhưng hóa ra nó không chỉ có một màu đỏ tươi của đất mà có rất nhiều màu: vàng trắng, xanh, hồng... đủ cả!
Vị chuyên gia người Ý có mặt tại đây cho biết đó mới chỉ là một trong nhiều loại sản phẩm của Cotto. Nhà máy này không chỉ sản xuất gạch lát nền mà còn cho ra đời những sản phẩm khác với rất nhiều kiểu dáng màu sắc khác nhau dùng vào việc trang trí nội thất. Hiện ở các nước Á, Âu và cả Mỹ nữa người ta đều rất chuộng mặt hàng này. Rất nhiều ngôi biệt thự và khách sạn cao cấp tại những nước đó đã sử dụng sản phẩm Cotto như một thứ nghệ thuật sắp đặt, làm cho các căn phòng đẹp như những bức tranh, vừa sang trọng vừa dân dã, gần gũi với thiên nhiên, đem lại cảm giác thoái mái dễ chịu cho chủ nhân của nó.
Vị chuyên gia còn nói đây là nhà máy hiện đại nhất châu Âu và lần đầu tiên được lắp đặt tại vùng Đông Nam Á. Có nghĩa rằng đây là một bước tiến lớn của ngành Gạch ngói đất sét nung trên đất Việt, và công ty Gốm - Xây dựng Hải Long là đơn vị đầu tiên trong cả nước và “khu vực” được sở hữu công trình sáng giá này.
- Gốt - xơ - dơ  Hải Long:
- Tuyệt vời!
- Cốt - tô Hải Long:
- Tuyệt vời!
- Hai ba... zô!
- Hai ba... zô!
Tiếng reo vẫn không ngớt vang lên. Không khí mỗi lúc một thêm từng bừng náo nhiệt. Phó phòng kỹ thuật công ty Đào Minh Thăng, biệt hiệu Rê Thăng, người được Ban tổ chức giao nhiệm vụ “Trưởng ban vỗ tay kiêm Tổng tế tửu”, sau khi chỉ đạo rất thành công việc vỗ tay tại lễ cắt băng khánh thành nhà máy, lúc này đang thực thi nhiệm vụ thứ hai, anh ta dẫn đầu đoàn người cầm cốc đi chúc mừng khắp cả. Trước hết là vị chuyên gia nước ngoài cùng các quan khách bên tỉnh và thành phố, sau đó mới quay sang chúc người nhà. Người nhà thì đầu tiên phải là giám đốc Bùi Tấn, người đã có công tư vấn cho Tổng công ty bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà máy mới, tiếp đến là hai bác Trần Xung, Lê Chưởng, chánh phó giám đốc nhà máy cũ, tiền thân của công ty, năm qua đã chỉ đạo sản xuất kinh doanh có lãi. Các trưởng phó ban, chánh phó quản đốc các phân xưởng, cán bộ công đoàn, thanh niên, ban nữ công nhà máy... tất cả đều được nhận những lời chúc mừng nồng nhiệt. Riêng người đẹp Tô Thị Lanh, trưởng phòng kinh doanh của công ty, được chúc nhiều hơn cả. Đám quân của Tổng tế tửu thi nhau xúm quanh cô, anh nào cũng muốn chen vào để được cụng với cô một cái. Hôm nay Lanh không ở trong ban lễ tân nên không mặc áo dài nhưng chính vì thế trông cô càng nổi. Chiếc váy Thượng Hải bó sát tấm lưng thon khiến bầu ngực tròn lẳn như căng hơn sau làn áo trắng, gương mặt xinh xắn hồng lên vì ngấm chút hơi men, trông càng xinh tệ. Nhìn Lanh không ai nghĩ cô đã ở tuổi ba mươi sáu, đến mức khối chàng ít tuổi hơn nhiều vẫn cứ gọi em xưng anh ngọt xớt. Cụng đi em, cho anh lấy may nào! Còn anh nữa mà em! Còn anh nữa! Anh nữa!... Hàng chục cánh tay nâng cốc hướng vào người đẹp, khiến cậu phó nháy, từ nãy đến giờ vẫn bám sát Rê Thăng, phải đứng lên ghế mới chụp được hình ảnh đó. Bị vây giữa đám đàn ông, Lanh liếc nhanh về phía Bùi Tấn đang đứng với Trần Xung gần đó rồi nở nụ cười duyên dáng như Hoa hậu đăng quang làm các chàng chết ngất :”Lanh có một đề nghị thế này, nếu ai hát tặng bà con một bài thì Lanh sẽ cụng ly và uống kiểu Khát vọng với người đó, mọi người nhất trí không?” - “Nhất trí!”. Đám đông reo ầm lên. Rê Thăng nhảy lên bục cầm micro hát trước : Kìa, tiếng chim rộn hót xa vời, báo tin mùa xuân về... Và anh đến... Đúng là Rê Thăng có khác, hát hay cực, giọng ngân vang làm rung cửa kính, khiến hết thảy mọi người đang hồ hởi chúc tụng nhau đều phải quay cả lại, nhìn lên sân khấu.
Thế là Lanh được giải vây. Thoát ra khỏi đám đông, cô tiến lại gần Bùi Tấn. Trần Xung thấy vậy vội lảng ra chỗ khác. Lanh nhìn theo ông ta, lầm bầm bực dọc:
- Cái lão Xung sao cứ bám chặt lấy anh thế nhỉ?
Bùi Tấn mỉm cười:
- May mà ông ta không phải là phụ nữ.
Câu đùa khiến Lanh hơi đỏ mặt, liền lảng sang chuyện khác:
- Xong đây anh có về Hà Nội ngay không?
- Chưa, đi ngay sao được. Còn phải giải quyết một vài việc nữa.
- Ít nhất cũng phải tìm được người thay thế anh đã chứ?
Bùi Tấn giả bộ xem đồng hồ, không đáp lời Lanh và đi dần ra hành lang. Lanh bước theo ra, lại hỏi:      
- Anh Âu đi đâu vậy anh? Lúc khánh thành em còn thấy mặt mà.
- À, cậu ấy đưa Tổng giám đốc vào Đồng Ho, chắc sắp về rồi đấy.
Câu chuyện bị cắt ngang bởi một đoàn khách bên thành phố ra chào tạm biệt. Bùi Tấn vui vẻ bắt tay từng người. Lanh quay lại bàn ăn, thấy Trần Xung đang cụng ly với Lê Chưởng, liền dỏng tai nghe ngóng. Xung khẽ bấm Chưởng rồi hất đầu về phía sân khấu, bảo Lanh:
- Người ta đang mời cô lên cụng ly với họ kìa, lên đi!
Quả nhiên đám lễ tân đang vẫy gọi Lanh, cô đành phải cầm cốc đi lên đó, cụng ly và uống với Rê Thăng theo kiểu Khát vọng như đã hứa. Hai người vòng tay vào nhau uống cạn cốc rượu vang trong tiếng hoan hô rầm rĩ của mọi người.
Nhân đó Xung nháy Chưởng đi chỗ khác, tiếp tục câu chuyện đang nói dở.
- Vừa rồi ông bảo sao - Xung nói - Có tín hiệu gì khác lạ?
Chưởng nhìn quanh rồi ghé vào Xung :
- Tôi thấy hình như người ta định nhắm tay Âu đấy!
- Nguyễn Quang Âu? Vô lý! 
- Cuộc đời này chả có cái gì là vô lý cả. Vô lý cũng thành có lý như thường, nếu người ta muốn.
- Nhưng ông dựa trên cơ sở nào mà nghĩ thế?
- Ông không thấy à, sáng nay cắt băng khánh thành xong, Tổng giám đốc đã cho gọi tay Âu đến, bảo hắn dẫn ông vào Đồng Ho, xem cái nhà máy bị bỏ quên mà chính hắn ta đã đề nghị phục hồi từ mấy năm trước ấy. Đó chẳng phải là cơ hội vàng đối với hắn sao?
- Cơ hội cái gì. Chẳng qua là Tổng đang muốn vực Hải Long lên, biến nó thành đơn vị trọng điểm của ngành nên mới cho phục hồi nhà máy đó thôi bố ạ! Ông khá nhạy cảm nhưng cũng hơi bị đa nghi đấy!
- Nhưng tôi cảm thấy hình như Tổng giám đốc rất có cảm tình với tay Âu. Ông nên cẩn thận.
- Cẩn tắc vô áy náy, dĩ nhiên rồi. Nhưng tôi cho rằng... 
Lại một đoàn khách nữa ra về. Câu chuyện giữa hai người tạm thời ngắt quãng. Họ quay ra chào khách rồi trở lại bàn ăn, tiếp tục cụng ly với người này người khác. Xem chừng việc các quan khách ra về khiến mọi người ăn uống tự nhiên hơn và cuộc vui vẫn kéo dài không dứt.
Người duy nhất có mặt tại đây nhưng không nhập cuộc là kỹ sư Nguyễn Kiến Nghiệp, trưởng phòng kỹ thuật công ty. Vốn tính không thích ồn ào, anh ăn uống qua loa tí chút rồi cầm ly rượu lảng ra một góc, mãi cuối phòng, gần của sổ. Vừa lặng lẽ nhâm nhi ly rượu vừa quan sát đám đông, Nghiệp mỉm cười một mình :”Giờ thì hội tụ tưng bừng như vậy, nay mai rồi sẽ thế nào đây? Liệu có “phát triển bền vững” như ông Tấn nói không hay lại thành bãi chiến trường như độ trước?” 
*
* *
Nằm cách thành phố Biển chừng hơn chục cây số về phía Tây, thị trấn Hải Long xưa kia là một ngôi làng, gọi là làng Gạch. Cả làng đều làm nghề đóng gạch, bởi lẽ đây là nơi có mỏ đất sét với trữ lượng lớn và được xếp vào loại tốt nhất thế giới. Từ những năm đầu của thế kỉ trước, khi còn đang cai trị xứ sở này, người Pháp đã có ý định khai thác nó để sản xuất vật liệu xây dựng nhưng vì nhiều nguyên nhân chưa thực hiện được. Sau khi họ rút đi, người dân ở đây bắt đầu mở ra một vài lò gạch thủ công và nhận thấy rằng quả thực nguồn đất sét này tốt thật. Rất mềm và dẻo, không hề có sạn sỏi gì, sờ tay vào mát như bột sắn dây, khi làm các công đoạn như “lên quả”, “sang gio” không đến nỗi nhọc nhằn cho lắm. Viên gạch đóng xong mịn như giò lụa, không chỗ nào sứt sẹo hay bị rỗ. Khi ra lò xem mặt gạch cứ là phẳng nhẵn, đỏ tươi, gõ hai viên vào nhau kêu leng keng như chuông khánh, khách hàng ai cũng chuộng. Thế là cả làng đua nhau làm gạch, chở đi nơi khác bán. Dần dà đâu cũng biết tiếng gạch Hải Long. Tuy vậy cũng phải nhiều năm sau, khi chiến tranh kết thúc, vùng này mới có nhà máy gạch, trong đó có một phân xưởng sản xuất ngói, gọi là nhà máy Gạch ngói Hải Long. Lúc đầu chỉ là một xí nghiệp nhỏ, sau sát nhập với xí nghiệp Gốm sứ ở vùng lân cận, lập thành một công ty, gọi là công ty Gốm - Xây dựng Hải Long. Đáng ra phải là Gốm - Gạch ngói Hải Long mới đúng nhưng có lẽ vì nghe nó không sang lại hơi lủng củng nên người ta mới đổi thành như vậy. Và để cho nó sang hơn, các nhà báo ở vùng này liền gọi tắt là công ty Gôt - xơ - dơ Hải Long, như thể liên doanh với nước ngoài, nghe rất sướng! Lâu dần quen miệng, ngay cả những người trong ngành cũng gọi nó bằng cái tên như thế. Tất nhiên họ chỉ gọi thế vào những lúc vui đùa, như bữa liên hoan khánh thành nhà máy hôm nay chẳng hạn.
Gốt - xơ - dơ Hải Long đã tồn tại ở vùng này mấy chục năm, trải qua bốn đời giám đốc với không ít những phen chao đảo chòng chành, lên lên xuống xuống, tách ra nhập vào đủ kiểu, đến thời ông Bùi Tấn mới bắt đầu đổi khác, được xây thêm nhà máy và chỉ chuyên sản xuất gạch ngói các loại, tuy cái tên vẫn giữ nguyên như cũ.  
Ông Bùi Tấn gốc người Hà Nội, được Tổng công ty cử xuống đây vào lúc đơn vị xảy ra lắm chuyện bùng nhùng nhất, làm ăn không lên mà nội bộ thì lục đục. Thậm chí đến két bạc trong trụ sở công ty cũng để cho trộm vào phá khóa lấy hết tiền, điều tra mãi không ra. Giám đốc cũ là Đỗ Bàn tự ái xin chuyển sang đơn vị khác. Hai ông phó là Trần Xung và Lê Chưởng đều muốn nhảy lên nhưng không được, bởi một lẽ giản đơn là chẳng ông nào chịu ông nào. Đơn từ kể tội nhau gửi lên Tổng công ty như bươm bướm. Rút cục người ta phải điều ông Bùi Tấn xuống cho êm chuyện.
Vốn là một chuyên gia có hạng về vật liệu xây dựng, được đào tạo ở nước ngoài về, khi đến đây ông Tấn nhận thấy ngay cái ưu thế đặc biệt của mỏ sét Hải Long, đã đề nghị Tổng công ty cho phép đơn vị mở mang phát triển. Lúc bấy giờ công cuộc hội nhập toàn cầu đang được xúc tiến và ngày càng trở nên sôi động, người ta thấy cần phải khai thác triệt để những tiềm năng vốn có trên toàn lãnh thổ, trong đó có mỏ sét ở vùng này, để không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu. Bởi thế đề xuất của ông Bùi Tấn được chấp nhận ngay, công ty Gốm - Xây dựng Hải Long đã nhanh chóng được rót vốn đầu tư mở rộng. Và thế là sau đó không lâu, bên cạnh nhà máy cũ đang được cải tạo và nâng cấp, nhà máy Cotto đã ra đời. Sự kiện này khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, tưởng Gốt  - xơ - dơ  phá sản đến nơi ai ngờ lại bành trướng ra gớm thế! 
Trong thời gian Bùi Tấn nằm vùng chỉ đạo tại đây, dường như ông chỉ lo xây dựng Cotto là chính, mọi việc ở nhà máy cũ giao cả cho Trần Xung đảm nhiệm. Vậy là Trần Xung nghiễm nhiên ngồi vào chiếc ghế do Đỗ Bàn để lại,  trở thành giám đốc nhà máy cũ. Lê Chưởng sau một trận tranh giành quyết liệt với Trần Xung không được, phải dàn hòa, tự nguyện làm phó giúp việc ông ta. Sợ bị phản thùng, Trần Xung bèn cất nhắc Nguyễn Quang Âu, lúc này đang làm trưởng phòng kỹ thuật, cũng lên cấp phó ngang cơ Lê Chưởng, mục đích là tạo thêm vây cánh cho mình. Nhưng Âu trước sau vẫn thế, không hề tham gia đấu đá gì, suốt ngày chỉ chuyên chú vào công việc nên Trần Xung không được hài lòng lắm. Bùi Tấn thì ngược lại, rất thích Âu, liền rút anh ra làm trợ lý cho mình trong việc tổ chức thi công nhà máy mới. Thấy vậy Trần Xung bèn thay đổi chiến thuật, ông thăng chức cho một loạt những người thân tín của mình và như để làm gương cho họ (thực ra là để gây mối thiện cảm với cấp trên), ông tỏ ra hết sức tận tụy, hết mình vì nhà máy. Nếu trước đây, khi còn dưới trướng Đỗ Bàn, Trần Xung làm việc có tính chất cầm chừng, suốt ngày chỉ lo vun quén cá nhân thì lúc này khác hẳn, ông thường có mặt ở nhà máy từ rất sớm, giải quyết mọi việc một cách hết sức nhanh gọn, công tâm, đâu ra đấy, làm ai cũng phải khen. Thực ra trong thâm tâm, Trần Xung đang chờ cơ hội đến với mình. Ông nghĩ Bùi Tấn là dân gốc Hà Thành, vợ con ở cả trên kia, chẳng chóng thì chầy sẽ lại ”quay đầu về núi”. Quả nhiên như vậy. Sau vài năm ổn định tình hình, nhất là khi xây dựng thành công nhà máy Cotto một cách cực kỳ hoành tráng, được phong chức Phó tổng giám đốc Tổng công ty, ông Tấn bắt đầu tính bài chuồn. Cố nhiên chuyện này Tổng cũng dễ dàng nhất trí thôi bởi nó đã nằm trong ý đồ vạch sẵn từ trước đó. Chỉ có điều trước khi đi, ông ta phải kiếm được người kế nhiệm. Vậy người kế nhiệm ông Bùi Tấn là ai? Đó là câu hỏi mà trong những ngày gần đây rất nhiều người bàn tán. Nếu xét về vị thế thì sau Bùi Tấn là đến Trần Xung, vậy thì Trần Xung lên là dĩ nhiên rồi. Trần Xung cũng tự tin như vậy, nhất là khi điểm lại mấy năm qua, mọi việc ông đã làm rất tốt, từ sản xuất kinh doanh cho đến các phong trào, lĩnh vực nào cũng đạt hiệu quả cao, năm nào cũng được cấp trên khen ngợi.
Bởi thế khi nghe Lê Chưởng nói rằng người ta định nhắm Nguyễn Quang Âu, Trần Xung tuy có hơi ngờ ngợ song lại phủ quyết ngay, ông nhủ thầm trong bụng :”Trừ phi người ta đưa người từ nơi khác về thôi, còn ở đơn vị này thì ngoài mình ra, chẳng ai đáng kế nhiệm ông Tấn cả!”

*
* *
Ngồi trên chiếc xe con sang trọng của nhà lãnh đạo cao nhất trong ngành, dẫn ông vào Đồng Ho, Nguyễn Quang Âu khấp khởi mừng. Vậy là đề xuất của anh về việc phục hồi nhà máy này có khả năng sẽ thành hiện thực. Đây là nhà máy gạch do một đơn vị “Quân đội chuyển sang làm kinh tế” đầu tư xây dựng từ sau ngày giải phóng miền Nam nhưng do xảy ra đụng độ ở vùng biên giới phía bắc nên mới tạm dừng, rồi không hiểu sao sau đó người ta bỏ hẳn, không làm nữa. Khi còn làm trưởng phòng kỹ thuật công ty, Âu đã cùng kỹ sư Nguyễn Kiến Nghiệp, vốn là sỹ quan quân đội chuyển ngành từ chính cái đơn vị đó, vào đây khảo sát, thấy nó nằm ngay giữa một mỏ đất sét với trữ lượng khá dồi dào, hai người đều lấy làm tiếc và nảy ra ý định khôi phục để đưa vào hoạt động. Thời ông Đỗ Bàn, Âu đã nêu ra vấn đề này nhưng xem chừng Ban giám đốc không bắt lắm. Mãi đến gần đây, khi xây dựng xong nhà máy Cotto, ông Tấn mới bảo Âu làm báo cáo gửi về Tổng công ty xem xét cho ý kiến. Giờ thì đích thân Tổng giám đốc ngành đã về đây thị sát, chắc hẳn là sẽ được.
- Cậu cho rằng việc phục hồi nhà máy này sẽ không gặp trở ngại gì chứ? - Tổng giám đốc ngoái đầu lại hỏi Âu.
- Dạ không có gì đâu ạ. Dân vùng này họ ở thưa thớt lắm, việc giải tỏa mặt bằng chắc không vướng mắc như nhiều nơi khác. Chỉ cần đề nghị họ nhượng cho ít đất để mở rộng nhà máy và khai thác mỏ là xong anh ạ.
- Thế còn việc tiêu thụ sản phẩm. Liệu các cậu có đủ sức lo một lúc cả ba nhà máy, trong đó Cotto chủ yếu là xuất khẩu, phải tìm đối tác nước ngoài?
- Thưa anh, tôi nghĩ là lo được. Trong tình hình này, những năm tới nhu cầu xây dựng trong cả nước sẽ còn tăng mạnh, riêng ở thành phố Biển cũng đang có rất nhiều dự án phải đầu tư cơ sở hạ tầng, và càng ngày người ta càng muốn sử dụng sản phẩm chất lượng cao, trong đó gạch ngói Hải Long được xem là đầu bảng. Vì vậy ta sản xuất càng nhiều càng tốt.
- Riêng về tiêu thụ sản phẩm Cotto, các cậu đã có kế sách gì?
- Điều này tôi đã trao đổi với anh Tấn rồi anh ạ. Mới đây, qua mạng Intenette, tôi được biết có nhiều bạn hàng trong nước, nhất là khu vực phía nam đang muốn hợp tác với Hải Long mở thêm đại lý, một số hãng kinh doanh nước ngoài cũng đang có nhu cầu mua sản phẩm Cotto. Tôi nghĩ nhân dịp này, ta nên sớm tổ chức hội nghị khách hàng, mời người ta đến giới thiệu sản phẩm và ký hợp đồng mua bán lâu dài với họ.
- Được! Tôi đồng ý.
Nhà máy gạch Đồng Ho nằm bên rìa một ngôi làng. Vì bị bỏ quên đã quá lâu, xung quanh cỏ mọc um tùm, mái tôn bị tháo trộm gần hết, còn trơ lại vài bức tường loang lổ rêu phong và những cây cột bê tông đen đúa vì mưa nắng, trông thật hoang tàn. Sau khi dừng xe lại bên đường, Âu dẫn Tổng giám đốc đi vòng quanh một lượt. Xem ra chỉ có nền móng là tận dụng được, còn phải làm lại hết, kể cả những bệ máy. Dây chuyền công nghệ bây giờ hiện đại hơn nhiều, không còn chạy “lò vòng” như trước nên phải thiết kế lại bệ máy cho phù hợp.
Nhìn cái đầu ốc vít nhô lên trên mặt đất, bị mưa gió bào mòn đến nhẵn cả gien, Tổng giám đốc lắc đầu cười:
- Phí phạm thật! Vậy các cậu dự tính cái này công suất bao nhiêu?
- Dạ báo cáo anh, khoảng tám mươi triệu viên/năm ạ?
- Được!
Ông khẽ gật đầu rồi quay ra. Đến lối rẽ ra đường, như chợt nhớ điều gì, ông dừng lại bên một khóm lau cao ngút đầu người, chờ Âu lại gần và hỏi:
- Tôi nghe nói trong quá trình xây dựng nhà máy Cotto, cậu đã đề ra phương án cải tạo lò nung khí gas bằng khí hóa than?
- Dạ đúng ạ!
- Tốt! Tôi đã trực tiếp đọc bản đề án ấy và thấy rất khả thi. Tới đây cậu nhớ triển khai ngay nhé. Làm như thế vừa giảm được nhiều nhiên liệu vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Điều này chứng tỏ cậu là người có năng lực sáng tạo và có trách nhiệm với công việc của mình.
- Xin cám ơn Tổng giám đốc!
- Giờ tôi muốn hỏi cậu điều nữa: Trong tiến trình hội nhập đang ngày càng mở rộng như hiện nay, cậu nhận định thế nào về vai trò của một giám đốc doanh nghiệp?
Âu sững người ra một lát. Không ngờ câu chuyện lại ngoặt sang chủ đề này. Anh sực nhớ cách đây ít bữa, vào lúc cuối giờ làm việc, anh đang chuẩn bị về thì nhận được cú điện thoại của Bùi Tấn, bảo ở lại đến phòng ông có việc cần bàn. Và lúc này anh vẫn nhớ không sót một từ trong cuộc trao đổi đó:
- Tôi muốn đề cử anh thay tôi làm giám đốc Hải Long, anh nghĩ thế nào?
- Sao anh không đề cử anh Trần Xung hoặc anh Lê Chưởng?    
- Anh nghĩ họ xứng hơn sao?
- Không hẳn thế. Nhưng các anh ấy từng là sếp của tôi. Tôi nghĩ...
- Cách nghĩ của anh hơi cũ đấy! Vấn đề ở chỗ ai sẽ là người đảm đương được trọng trách này. Tôi biết, Trần Xung và Lê Chưởng đều là cỡ “cựu thần” của ngành ta. Hai vị này đã có nhiều cống hiến, giàu kinh nghiệm làm ăn nhưng học hành lỗ mỗ chẳng ra sao, già thì chưa già nhưng trẻ cũng không còn trẻ nữa, phụ trách một nhà máy như xưa thì được nhưng đứng đầu một doanh nghiệp trong thời buổi cạnh tranh quyết liệt như bây giờ thì khó. Tôi nghĩ người thay thế tôi lúc này chỉ có thể là anh, chỉ có anh mới có thể đảm đương được công việc đó. Anh thấy thế nào, liệu tôi có nhìn nhầm đối tượng không đây?
- Anh đã nói thế thì tôi xin trả lời dứt điểm: Nếu được giao trọng trách này, tôi sẽ làm rất tốt, thậm chí còn làm tốt hơn anh.
- Anh có vẻ tự tin quá đấy. Nhưng không sao. Tôi thích những người như vậy. Con người ta mà không dám tự tin thì chẳng làm được trò gì. Dịp này về Hà Nội, nhất định tôi sẽ giới thiệu anh với Tổng Giám đốc và Hội đồng quản trị Tổng công ty. Mong rằng anh không để tôi phải hối.
- Cám ơn anh!
- Đừng vội cám ơn. Tôi còn muốn ủy thác anh một việc.
- Anh cứ cho ý kiến.
- Anh làm chủ công ty, Trần Xung và Lê Chưởng chắc không chịu phục. Theo  tôi anh nên giao cho họ cái nhà máy sẽ được phục hồi ở Đồng Ho để rảnh tay lo việc ngoài này, sau đó đưa dần cánh trẻ lên, như thế chắc là sẽ ổn. Tiện đây tôi muốn giới thiệu với anh một người. Anh biết ai không?
- Nếu tôi không nhầm thì đó là cô Lanh?
- Tô Thị Lanh. Chính xác! Vậy là anh đã hiểu tôi rồi. Tôi thấy cô ấy làm phó giúp việc anh được đấy!
- Công nhận cô này làm được. Nhanh nhẹn, thông minh, giao dịch tốt. Nhưng cô ấy xinh đẹp thế, gần tôi anh không thấy ngại sao?
- Thoải mái đi! Gớm, vợ con bố ở ngay đây, sức mấy mà...
Cuộc trao đổi với Bùi Tấn đã gây một ấn tượng mạnh đối với Âu. Trước đó anh không hề nghĩ đến chuyện này. Nhưng anh cho rằng có thì cũng phải lâu lâu chứ làm sao ngay được. Không ngờ mới chưa được hai tuần...
“Phải chăng chuyến đi này của Tổng giám đốc không chỉ với mục đích kiểm tra nhà máy bị bỏ quên mà còn muốn sát hạch mình về việc đó...?” - Âu thầm nghĩ.
- Thế nào, hơi đột ngột phải không? - Tổng giám đốc chăm chú nhìn Âu, mỉm cười độ lượng. - Câu hỏi này cậu không nhất thiết phải trả lời đâu. Nhân tiện gặp cậu đây tôi hỏi cho vui vậy thôi mà.
- Thưa anh, tôi vốn là dân kỹ thuật, không dám nghĩ mình sẽ làm giám đốc nên cũng ít để tâm đến chuyện này. Nhưng anh đã hỏi thì tôi xin nói. Tôi cho rằng giám đốc doanh nghiệp ngày nay khác nhiều so với trước. Anh ta không chỉ đơn thuần là người thực hiện nghị quyết hay chủ trương của lãnh đạo ngành mà còn phải chịu áp lực từ nhiều phía, buộc anh ta phải chủ động hơn, tự thân vận động một cách uyển chuyển hơn mới được. Tới đây, khi tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều tiến hành cổ phần hóa, tôi nghĩ ở một góc độ nào đó, làm giám đốc tức là làm thuê cho các cổ đông, phải làm sao xứng đáng với đồng tiền người ta bỏ ra để thuê mình, chứ không thể như quan niệm cũ.
- Xác định thế là tốt. Nhưng còn các góc độ khác thì sao? Nên nhớ rằng chúng ta là doanh nghiệp nhà nước, phải theo đúng tinh thần định hướng đấy!
- Vâng, tôi hiểu. Sẽ còn nhiều vấn đề khác phải lo toan nữa. Nhưng dù sao thì thành công của một doanh nghiệp, dù doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, trước hết và sau hết vẫn là phải làm ăn phát đạt. Tất nhiên không thể vì mục đích làm giàu mà bất chấp tất cả, như thế sẽ có nguy cơ đổ bể lúc nào không biết.
- Cậu nói thế thì tôi có thể tin. Vậy trong điều kiện thực tế của Hải Long hiện nay, cứ cho là trong tay các cậu có ba nhà máy kể cả Đồng Ho, cậu có dám chắc trong vài năm tới sẽ trở thành một doanh nghiệp lớn?
- Thưa anh, tôi nghĩ để thành một doanh nghiệp lớn không chỉ có nhiều nhà máy, nó phải hội đủ ba yếu tố: Sản xuất công nghiệp, tổ chức thương mại và hệ thống dịch vụ. Ba yếu tố này nếu vận dụng tốt sẽ tạo thành một sức mạnh tổng hợp, đủ sức hợp tác và cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Nhưng ở chỗ chúng tôi tất cả đều còn rất chệch choạc. Tôi nghĩ sau đây nếu được phép phục hồi nhà máy Đồng Ho, cũng phải đồng thời hoàn chỉnh các hệ thống kia mới có thể hy vọng thành công được.
- Cậu khá đấy! Vậy cậu nghĩ sao nếu bây giờ chúng tôi giao phó cho cậu trọng trách này?
- Thưa anh, điều này tôi đã nói với anh Bùi Tấn rồi đấy ạ. Nếu được thế chân anh ấy, tôi sẽ làm tốt hơn anh ấy rất nhiều.
- Dựa trên cơ sở nào mà cậu dám khẳng định như vậy?
- Bởi tôi là người trong cuộc, là người đã gắn bó nhiều năm với mảnh đất này, gắn bó máu thịt với đơn vị mình, hiểu nó từ chân tơ kẽ tóc. Đối với tôi, thị trấn Hải Long đã trở thành quê hương thứ hai và cái tập thể nhỏ bé kia thì thân thiết như gia đình mình, đến mức tôi có thể làm bất cứ việc gì vì nó.
- Tôi hiểu! - Vị lãnh đạo Tổng công ty khẽ gật đầu - Chỉ dựa vào năng lực thôi chưa đủ, còn phải có tâm huyết nữa. Và đó chính là điều quyết định hơn tất cả. Tuy nhiên có điều tôi vẫn phải nhắc cậu, ở cương vị mới, chắc chắn cậu sẽ vấp phải sự phản ứng của một số người, không cẩn thận sẽ thành rắc rối đấy.  
- Vâng, tôi biết! Nhưng xin Tổng giám đốc yên tâm, tôi tin mọi việc rồi sẽ ổn. Bởi lẽ không ai có thể làm trái quy luật được. Đến một lúc nào đó, con người ta sẽ tự biết mình. Riêng tôi trong chuyện này, tôi chỉ coi nó như một cuộc thử nghiệm, xem mình có đảm trách được không. Nếu không thì chẳng phải chờ đến nhiệm kỳ nào cả, chỉ cần một năm thôi, tôi sẽ tình nguyện xin từ chức.
- Thật thế à?
- Tôi xin lấy danh dự mà thề như vậy.
- Được rồi! Không phải thề đâu. Nếu cậu không làm được thì chúng tôi cũng cách chức luôn chứ đâu có nể. Nhưng hãy biết thế đã. Bây giờ thế này nhé, tôi có cuộc làm việc chiều nay tại văn phòng Tổng, nên phải đi ngay, vì thế ta sẽ không quay về Cotto nữa. Trên đường ra quốc lộ, tôi sẽ thả cậu tại cổng trụ sở nhà máy cũ và đi luôn đấy. Cậu cũng về mà chuẩn bị nhận bàn giao và bắt tay vào việc là vừa. Hãy cố gắng làm cho tốt. Và nên nhớ rằng chúng ta là những người sản xuất kinh doanh, rất cần chữ “tín”, vì vậy làm việc gì cũng phải hết sức cụ thể và minh bạch, không thể chung chung rồi đổ vấy trách nhiệm cho tập thể. Sở dĩ lần này chúng tôi quyết định đề bạt vượt cấp cho cậu cũng xuất phát từ nguyên nhân đó đấy. Rõ chưa nào?
Nói xong câu đó, Tổng giám đốc quay người đi thẳng ra xe. Từ đấy cho đến lúc ra đến đường cái lớn, ông không nói thêm một lời nào. Âu cũng lặng im không hỏi. Anh cảm thấy bắt đầu từ lúc này, mình sẽ phải khoác lên người một trách nhiệm nặng nề mà trước đó anh không hề nghĩ tới.
 
 
Chương hai
 
 
 
Cuối xuân rồi mà vẫn còn rét đậm. Cơm nước xong ngó ra đường thấy vắng teo, ngõ phố hai bên cửa đóng im ỉm, mưa lây rây hắt chéo trên mấy ngọn đèn đường, cảm giác như đã muộn. Cảnh tượng đó khiến Âu hơi ngần ngại khi nghĩ đến việc đến nhà Xung. Đã hơn một tháng nay, kể từ ngày Âu chính thức nhậm chức giám đốc công ty, Xung tự ái xin nghỉ phép rồi mất hút, không thèm ló mặt đến cơ quan lấy một lần mặc dù nhà ông ta ở ngay đây. Mấy lần Âu gọi điện đều không thấy trả lời, cả di động lẫn nhà riêng đều tắt máy. Điều đó khiến Âu không khỏi bực mình. Anh đang sắp xếp lại bộ máy điều hành của công ty, muốn trao đổi với ông ta một chút nên hơi sốt ruột.
Mãi hôm nay, trong lúc sang Cotto bàn với Nghiệp việc thử nghiệm sản phẩm mới, gặp Rê Thăng ở cùng xóm với Xung, Âu mới biết tháng qua ông ta đã cùng vợ làm một chuyến du ngoạn sang Pháp thăm người nhà bên đó, mới về được vài hôm nhưng nghe đâu bị mệt, nằm một chỗ. Lúc cuối chiều trở về trụ sở, anh đã định kéo mấy cậu bên công đoàn đánh xe đến nhà Xung thăm hỏi nhưng lại thôi. Anh hiểu tâm trạng ông ta lúc này, đến đông người chắc là không tiện. Tốt nhất là tối nay mình đến một mình, nhà ông ta ở gần đây, nhẩn nha đi bộ sang cũng được.
Thế mà lúc này trời lại mưa mới chết.
Âu quay vào nhà với tay lên mắc lấy chiếc Măng tô san, khoác lên người. Thấy vậy vợ anh đang rửa dọn trong gian bếp chạy vội ra:
- Mình đi đấy à? Từ từ em bảo đã.
- Gì vậy?
- Mình có nhớ cô Thắm, hồi xưa cùng tổ cấp dưỡng ở công trường cũ với em không?
- Thắm “cò lửa” phải không?
- Đúng đấy! Hóa ra mình cũng nhớ dai đấy nhỉ? Sáng nay trên đường ra đại lý bán hàng, em tình cờ gặp nó. Bao nhiêu năm mất tăm mất tích, cứ tưởng cô nàng về quê lấy chồng hay đi tận đâu đâu, ai ngờ nó vẫn ở thành phố Biển này mà không biết. Buồn cười thật!
- Được rồi, được rồi! Chuyện tình cảm chị em nói lúc nào chả được. Giờ tôi phải đi cái đã.
Vừa nói Âu vừa cúi xuống với đôi giầy ở góc phòng, toan xỏ vào chân nhưng vợ anh ngăn lại, kéo vào bàn nước:
- Từ từ đã nào. Em chỉ xin mình một phút thôi. Em đã hẹn sẽ gọi điện trả lời cô ấy ngay tối nay mà.
- Có chuyện gì vậy?
Hình như chỉ chờ có thế, chị vội trình bày luôn ý định của mình. Thì ra cô Thắm “cò lửa”, bạn cùng đơn vị cũ của hai người, hiện có đứa con gái vừa học xong đại học khoa tài chính kế toán, ra trường đã mấy tháng nay nhưng chưa xin được việc. Gần đây mới biết bác Âu làm giám đốc công ty Gốm - Xây dựng Hải Long nên ngỏ ý muốn xin cho cháu vào làm việc tại đây, nếu được thì xin hẹn bác hôm nào sẽ đưa cháu đến.
Nghe vợ nói xong, Âu lắc đầu cười:
- Vừa mới lên chức vài hôm đã có người hỏi đến. Đúng là “một người làm quan cả họ được nhờ”, hay thật!
- Thì đúng quá còn gì. Anh xem thế nào giúp cho cháu nó đi.
- Việc này hơi khó đấy. Phòng tài vụ đủ người rồi, vả lại mình vừa nhậm chức xong, mọi việc còn ngổn ngang bề bộn mà đã lo tính chuyện riêng, người ta nói chết.
- Thế thì phải đợi đến bao giờ?
- Mình bảo cô ấy hãy bình tĩnh đã, để tôi thử lựa xem. Sắp tới xây xong cái nhà máy mới ở Đồng Ho, rất có thể công ty sẽ tuyển thêm người. Nhưng cũng hơi lâu đấy, nhanh cũng phải tám tháng mới đi vào hoàn thiện. 
- Vậy cũng được. Thế em cứ bảo mẹ con cô ấy làm hồ sơ lý lịch đưa anh nhé?
- Quan trọng gì cái hồ sơ lý lịch. Thời đại này năng lực là trên hết. Nếu thực sự có năng lực thì chả cần xin người ta cũng mời vào. Ở đâu không biết chứ công ty này là như vậy. Mình cứ nói với cô Thắm thế, bảo cháu nó chuẩn bị tinh thần dự tuyển sao cho thật tốt vào. Thế nhé! Bây giờ tôi phải đi kẻo muộn.
“Chẳng biết ông ta có ốm thật không, hay cố tình gây chuyện? - Vừa đi về phía nhà Xung, Âu vừa băn khoăn nghĩ. - Nếu quả thế thì chẳng thiếu gì biện pháp. Nhưng thượng sách là kéo ông ta lại với mình. Chẳng mong gì ông ta ủng hộ, chỉ cần đừng có phá mình đã là tốt lắm.”
Xét về năng lực điều hành sản xuất kinh doanh trong đơn vị, Trần Xung chỉ là con số không nhưng mưu mẹo hậu trường thì phải phục là bố tướng, nhất là âm mưu lật đổ. Bằng những thủ đoạn vặt vãnh của mình, ông ta có thể biến người ngay thành kẻ gian, người tốt thành kẻ xấu. Không ít người trong công ty đã từng bị ông ta chơi những vố rất hiểm hóc, đến khi được vạ má sưng, rất tệ. Điều này gần như đã thành tiền sử, thành bản chất trong con người đó, không dễ gì thay đổi được. Nhưng bây giờ gạt ông ta ra cũng không phải dễ. Đưa vào Đồng Ho lại càng không được, ông ta sẽ biến cái nhà máy đó thành “kho chứa của” của mình để rút dần thôi, lại thêm cái anh tiểu nông Lê Chưởng nữa thì hỏng hẳn! Không, phải tìm cách khác, sao cho phải khống chế được Trần Xung, và cả Lê Chưởng nữa mà họ vẫn hài lòng mới được. Nhất là Trần Xung, hiện phe cánh của ông ta còn mạnh lắm. Nhiều năm qua ông ta đã gây dựng quanh mình một mạng lưới khá là vững chắc, đó là một số cán bộ phòng ban phân xưởng do ông ta đề bạt nhằm biến họ thành những cái khiên che chắn cho mình đồng thời là những mũi tên để ông ta bắn vào người khác. Ngay khi biết tin Nguyễn Quang Âu được đề bạt, họ đã loan tin rất bậy về anh, bảo anh là tên phản chủ, không có ông Xung cất nhắc thì ai người ta biết đến, thế mà đã không biết ơn thì chớ lại còn tìm cách hất cẳng ông. Chắc hắn ta đã đi trước bố Xung một bước rồi, đã bịt hết các cửa rồi nên mới “đảo chính” nhanh đến thế. Cố nhiên nguồn tin này chỉ có thể đánh lừa được những kẻ hời hợt a dua song cũng không phải không gây tác hại.  
Bởi thế, trước khi tiến hành sắp xếp lại bộ máy quản lý trong đơn vị, Âu nghĩ phải có cuộc gặp riêng với Trần Xung, làm sao thuyết phục được ông ta hiểu rõ vấn đề, chớ ảo tưởng về mình và bớt đi sự cay cú về quyền lực thì mới yên ổn được.
 Nhà Trần Xung ở ngay đầu làng Gạch, phía bên kia nhà máy Cotto, cách nhà Âu không xa mấy, đi bộ cũng chỉ mươi phút là đến. Khác với Lê Chưởng vốn là dân gốc vùng này, theo nghề làm gạch từ khi còn để chỏm, Trần Xung là người từ nơi khác đến, trước công tác bên thành phố sau được điều sang. Mặc dù đây là công ty thuộc Bộ nhưng về phương diện đoàn thể lại chịu sự quản lý của địa phương nên người ta cứ điều động linh tinh như vậy. Hồi mới sang làm chuyên trách Công đoàn, Trần Xung sống gương mẫu lắm, là người của nhà máy gạch nhưng không bao giờ ông đụng đến một viên, vợ chồng con cái tự nung vôi đóng gạch xỉ xây nhà, khiến cả làng kính nể. Nhưng ít năm sau, khi chuyển sang làm phó giám đốc công ty, giúp việc Đỗ Bàn, ông đột nhiên thay đổi hẳn. Người ta đổi mới tư duy ầm ầm, chả nhẽ mình cứ khư khư kiểu cũ? Ông nói với mọi người như vậy. Câu nói phát ra vào lúc người ta đang cho phép “bung ra”, rất hợp thời hợp cảnh nên ai cũng phải thừa nhận ông nói đúng. Chỉ có điều ông đổi mới quá nhanh, sẵn nguyên vật liệu trong tay, ông tha hồ biến báo, tìm cách hợp lý hóa việc xuất hàng ra khỏi kho bãi nhằm biến của công thành của tư, lại dùng “mỡ nó rán nó”, đổi gạch ngói lấy vật liệu khác rồi xây liền một lúc mấy cái nhà to, cái cho mình, cái cho con, đến cả con rể ông cũng xây cho nốt. Tất cả quây quần vào một khu trong làng Gạch, xung quanh tường cao vườn rộng, rất là hoành tráng. Đấy là chưa kể ngôi nhà cao tầng bên bờ biển cho người ta thuê làm khách sạn.
Mọi hành vi của Trần Xung trong thời điểm đó, ở công ty chẳng ai không biết nhưng cũng chẳng ai dám nói gì. Thực ra không phải người ta không dám nói mà vì họ nghĩ rằng có nói cũng bằng không. Đâu chỉ có mình ông Trần Xung mà cả ông Đỗ Bàn, ông Lê Chưởng đều làm thế. Họ làm thế bởi nhìn ra ngoài thấy những người ngang cấp với mình, nhìn lên trên thấy các vị ở hàng cao cấp hơn mình cũng đều làm thế cả, thậm chí ai không làm còn bị coi là kém, là không biết tự cứu mình. Vậy thì tội gì họ không làm nhỉ? Không tội gì không làm tức là việc làm đó không có tội. Việc làm đó không có tội thì có nói cũng bằng không, còn nói làm gì?
Đó là chuỗi suy luận ít nhiều có tính logic của những người im lặng. Những người im lặng là những người không có khả năng (thực ra là không có điều kiện) làm việc đó. Mà đã không có khả năng thì rõ ràng là kém người rồi. Bởi thế mỗi khi mở miệng nói ra, họ chỉ kêu rằng :”Ối giời, ai chứ người như bác Trần Xung thì quá giỏi!”
Giá mà dịp này Trần Xung được cử làm Giám đốc thay Bùi Tấn thì hay biết bao nhiêu, chắc hẳn ông sẽ còn tiếp tục được khen là giỏi nữa.
Tiếc rằng chuyện nó lại không xảy ra như vậy. Và vì vậy, việc Nguyễn Quang Âu được đề bạt vừa rồi đã trở thành một cú sốc mạnh đối với Trần Xung. Biết thế mình chẳng dại gì mở hũ cho thằng quỷ này nó chui ra vội. Ông nhủ thầm như thế. Thực ra thì ông rất hiểu Âu. Hắn là thằng giỏi, có tầm nhìn, sống cũng biết điều, không phải loại võ biền như Lê Chưởng. Chính mình cũng có ý định dìu dắt hắn thành người kế nhiệm. Nhưng đáng ra hắn còn phải xếp hàng đã chứ. Đáng ra hắn phải đứng sau mình, rồi dăm bẩy năm nữa, khi mình nghỉ hãy giao cho hắn thì mới phải. Thế mà đùng một cái, hắn nhảy phắt lên thay Bùi Tấn, ngồi trên cả mình và Lê Chưởng, hỏi ai không bực?
Ngay sau khi được biết tin này, Trần Xung đã điện lên Tổng công ty, hỏi một người bạn làm trên đó. Ông ta cười phe phé qua ống nói, trả lời rằng theo nguyên tắc, những người đã gây mất đoàn kết nội bộ thì không đề bạt. “Người ta để bọ làm giám đốc nhà máy cũ đã là tốt lắm rồi, còn thắc mắc cái chi chi nữa!” - Ông ta nói vậy.
Thế là hỏng hẳn!
Để giải tỏa sự bức xúc trong lòng, Trần Xung xin nghỉ phép. Sau đó làm một chuyến sang Paris, trong sự bảo lãnh của chú em ruột trước đây đi du học rồi ở lại luôn bên đó.
Ông đi Pháp gần một tháng, trong lòng cũng thấy nguôi ngoai tí chút. Nhưng khi trở về nghĩ đến công việc ở công ty thì nỗi buồn bực lại ở đâu ập đến, khiến ông không chịu nổi, bèn cáo ốm nằm nhà, chẳng đi đâu cả.
Đứng trước cổng nhà Xung, nhìn dưới hai ngọn đèn cao áp sáng trưng tỏa sáng cả khu vườn, làm nổi bật mấy ngôi biệt thự mái bằng mái nhọn đứng cạnh nhau, tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa, Âu phải công nhận là hoành tráng thật. Thế này thì bố Xung nghỉ cũng được rồi, có đi làm cũng chỉ để vui thôi, còn tham quyền cố vị làm gì nữa nhỉ? Anh nhủ thầm như vậy và đưa tay khẽ nhấn chuông một cái. Ngó vào thấy điện trong tầng dưới sáng lên, một lát bà vợ Xung loẹt quẹt đôi dép ra mở cổng.
- Xin phép ông hỏi gì đấy ạ?
- Chào bác! Em, Âu đây mà! Bác không nhận ra sao?
- Không dám, chào Giám đốc! Biết tin ngài lên chức mà chưa có dịp chúc mừng, để ngài phải hạ cố đến đây, thật là thất lễ quá!
- Làm gì mà bác khách sáo thế? Em có lên chức gì cũng vẫn là em bác Xung thôi. Nghe tin bác trai mới đi xa về mệt, em tranh thủ đến thăm xem thế nào mà.
Bà vợ Trần Xung là cán bộ ngành Thủy sản, nổi tiếng là đáo để, khôn ngoan nhưng cũng biết nhìn người. Trước đây, thời Âu còn trai một, nhiều khi rỗi rãi thường qua lại nhà Xung, được bà quý lắm, thỉnh thoảng lại dúi cho gói mực khô đem về rủ bạn bè bia rượu. Lúc này thấy anh vẫn khiêm nhường thân mật như mọi khi, bà mới mỉm cười đổi giọng. 
- Chú vào nhà đi! Anh đang nằm xem ti vi ở tầng hai đấy.
Hình như câu nói vừa rồi của Âu tác động cả đến Xung. Anh vừa bước lên hiên, đang lúi húi cởi giầy đã thấy ông từ tầng trên đi xuống, vừa đi vừa xỏ tay vào chiếc áo lông sang trọng, chắc mới mua bên Pháp.
- Chú Âu đấy à?
- Anh!
- Rét mướt thế này sang làm gì. Tôi có sao đâu.
Ông không pha trà mà lấy trong tủ ra chai rượu Tây, đặt lên bàn.
- Napoleong chính hiệu đây. Làm chén cho ấm bụng nhé?
- Vâng. Bác cho em một ly.
Cụng ly xong, vợ Xung lấy cớ bận việc lảng đi chỗ khác để hai người nói chuyện. Không vòng vo tam quốc, Âu thông báo luôn ý định của mình về việc sắp xếp lại bộ máy điều hành của công ty. Trước hết anh mời Trần Xung lên thường trực cơ quan kiếm Thư ký công đoàn, có quyền giải quyết mọi việc khi Âu đi vắng. Lê Chưởng cũng vậy, ông ta sẽ rời nhà máy cũ, lên giúp Âu điều hành sản xuất của công ty. Một vài người khác cũng được xếp vào vị trí phù hợp với khả năng của họ. Vừa nói Âu vừa quan sát vẻ mặt Xung, xem ra ông có vẻ hài lòng. Tuy vậy nghe Âu dự kiến xong, Xung vẫn hỏi:
- Sao chú không làm như ông Tấn, cứ để tôi phụ trách nhà máy cũ, đưa cánh trẻ lên giúp việc mình, có phải hơn không?
- Vâng! Thường thì ai lên nắm quyền cũng muốn tạo cho mình một ê kíp mới, như thế sẽ thuận hơn bởi ân uy đủ cả. Nhưng tôi muốn tạo ra một ê kíp trên một tinh thần mới chứ không câu nệ vào con người cụ thể. Chỉ cần anh và anh Chưởng hiểu thấu tinh thần ấy thì chúng ta vẫn có thể thành một ê kíp mới. Lớp trẻ tuy có thế mạnh riêng nhưng vẫn còn nhiều điểm phải bàn. Việc này sẽ tính sau. Trước mắt, tôi cần sự trợ giúp của các anh. Anh Chưởng thì tôi đã gặp rồi, còn anh, tôi nghĩ chắc anh cũng không phản đối?
- Chú có thể nói rõ hơn một chút về cái gọi là “tinh thần mới” ấy được không?
- Đơn giản thôi anh ạ. Chỉ là ngược lại với cái tinh thần cũ, những điều tồi tệ mà chúng ta đã làm từ trước đến nay. - Âu nhấn mạnh.
- Chú định lên án tôi?
- Tôi không lên án ai cả. Tự sự việc nó nói lên thôi. Tôi chỉ muốn từ nay chúng ta chấm dứt tình trạng bê bối đó. Nếu anh đồng ý thì hôm tới họp giao ban, tôi sẽ cho công bố việc này, bằng không sẽ tính theo cách khác. 
Cả hai im lặng hồi lâu. Cuối cùng Âu lên tiếng trước:
- Anh cứ suy nghĩ đi. Rồi thư thả hãy bàn công việc. Giờ thì hãy cạn ly cái đã. Nào mời bác. Rượu mang nhãn “ông tướng lùn” này quả là rất tuyệt!
Rời khỏi nhà Xung lúc mười giờ đêm, tiện đường Âu rẽ vào nhà máy Cotto. Đêm nay cách quân của Nghiệp sẽ tiến hành thử nghiệm một sản phẩm mới: tấm ốp tường Terracotta, một loại sản phẩm trang trí nội thất có hệ thống thông hơi, cách âm và cách nhiệt, làm theo đơn đặt hàng của một ông chủ nước ngoài, một trong những bạn hàng đầu tiên của Cotto. Trong mấy tuần qua, ngay sau Hội nghị khách hàng lần thứ nhất, ông ta đã ký hợp đồng mua hàng chục Container sản phẩm gạch lát nền sản xuất tại đây. Hiện ông ta còn đang đi khảo sát thị trường Hà Nội, chưa về nước. Mong sao cuộc thử nghiệm này thành công để mời ông ta xuống xem luôn và nếu ngài ưng thuận sẽ lập tức đưa vào sản xuất hàng loạt rồi xuất ngay sang đó.
Nhưng vừa bước chân đến phòng thử nghiệm, Âu đã cảm thấy có điều gì không ổn. Các tướng nhà ta đang đứng nhăn nhó quanh sản phẩm mới ra lò, chắc là không đạt. Đến gần thấy tấm ốp to bằng cách cửa đi đặt trên bàn, còn nóng hổi mùi đất nung nhưng cong vênh sứt sẹo trông phát khiếp.
- Thất bại rồi sếp ơi! 
Thoáng thấy Âu, Rê Thăng đã rên rỉ với vẻ mặt thiểu não kiểu Mr Bin làm anh không nín được cười. Xem ra mọi người đều mệt cả, và mệt về tâm lý nhiều hơn, Âu bảo anh em hãy tạm về nghỉ cho đầu óc thư thái đã, có gì đêm mai làm tiếp. Nhưng có lẽ vì đang cay cú, Nghiệp và các chiến hữu của mình nhất định không nghe, quyết làm bằng được. Theo Nghiệp thì trong quá trình trộn phôi liệu đã sai sót điều gì đó. Đám kỹ sư trẻ cho rằng không phải thế, có thể do việc điều chỉnh nhiệt lượng chưa phù hợp. Mọi người đang tranh cãi thì Rê Thăng vỗ tay lên trán, kêu lên: Tôi biết nguyên nhân của nó rồi! Sau đó anh ta chạy đến một góc phòng, với tay lấy thẻ hương đặt trên cái xích đông dùng làm bàn thờ, rút ra mấy nén thắp lên rồi cắm vào bát nhang trên đó. Thấy mọi người lắc đầu cười, Thăng nghiêm mặt lại. Này, không phải chuyện đùa đâu. Hôm khánh thành nhà máy, sếp Tấn cũng phải thắp hương cúng bái hẳn hoi nên sản phẩm ra lò mới ngon thế đấy!
Nghe Thăng nói, Âu liền chắp tay lên ngực:
- Nam mô a di đà phật!
- Thế chưa được đâu sếp ạ. - Thăng nói và nắm tay Âu, kéo đến trước ban thờ - Anh phải khấn nghiêm chỉnh chứ. Nào, khấn đi!
- Khấn thế nào?
- Khấn sơn thần thổ địa giúp cho cuộc thử nghiệm này thông đồng bén giọt. Đất sét mình làm là của các cụ ấy, không xin phép thì làm sao thành được hả anh? Việc này đúng ra lão Nghiệp phải làm. Nhưng anh đã có mặt ở đây thì...
Nghiệp tiến lại gần Thăng, cười nói:
- Nhưng bàn thờ sơ sài thế này, các cụ có nghe không?
Thăng xua tay:
- Không sao không sao! Sơn thần thổ địa ở đây lành lắm, chỉ cần ta thật thành tâm là được. Nào khấn đi! Cả hai sếp cùng khấn thì càng tốt!
Nói xong Thăng quay ra, bảo đám nhân viên trẻ đứng xếp hàng phía sau để hai sếp hành lễ cho trọng thể. Xem ra lão thành tâm thật chứ không phải chuyện đùa. Âu nghĩ vậy và bắt đầu lầm rầm khấn khứa. Nghiệp cũng khấn khứa lầm rầm nhưng bụng thì nghĩ khác. Cái lão Rê Thăng này đến lạ, chuyên trị bày trò, nhiều lúc vui ra phết. Có lẽ vì thế nên lão trẻ lâu, tuổi cũng ngang ngang với Nghiệp, tức là đã sấp sỉ bốn mươi nhưng trông vẫn còn ngon giai lắm. Lại có giọng hát hay nữa chứ. Chả trách lão ta luôn sát gái, đi đâu cũng có bồ. Chính vì thế mọi người mới đặt cho lão cái biệt hiệu Dê Thăng, gần đây bọn trẻ trong phòng chuyển thành Rê Thăng nghe có vẻ sang hơn, như nhạc sỹ, làm ông Âu cũng phải bật cười. Giờ thì lão lại bày trò cúng bái ra đây nữa. Thật là lắm chuyện!  
Khấn vái xong xuôi, Âu quay ra cửa, rút máy điện thoại di động gọi về cho vợ, bảo nấu cho nồi cháo gà để lát nữa xong việc cả bọn kéo về ăn. Sau đó anh quay vào nói với mọi người:
- Đêm nay tớ sẽ ở đây với các cậu, làm cho bằng được mới thôi. Chuyến này mà thắng thì nhất định là có thưởng, cả phòng sẽ đi du lịch Singapore một chuyến, được không nào?
Cả bọn khoái trí reo ầm lên. Vẻ ngao ngán bờ phờ ban nãy đã hoàn toàn tan biến. Mọi người lại vui vẻ bắt tay vào việc.

*
* *

Nửa nằm nửa ngồi trên chồng gối trắng tinh, chiếc chăn bông Hàn Quốc rất nhẹ và ấm được tung ra, quấn quanh người, tay cầm chiếc điều khiển ti vi chĩa vào màn hình trước mặt, Lanh bật hết kênh này sang kênh khác mà chả có gì hay, cô bực mình tắt máy. Nhưng tắt máy rồi lại thấy bực hơn khi nghĩ đến cuộc họp giao ban sáng nay tại trụ sở công ty. Giám đốc mới Nguyễn Quang Âu đã làm cô hết sức bất ngờ bởi sự sắp xếp bộ máy điều hành ngược lại hoàn toàn với những gì mà Bùi Tấn đã cho cô biết, trước khi anh lên đường về Hà Nội.
Nhớ đêm nào chia tay Tấn, cũng vào hôm trời mưa rét thế này, anh đi tắc xi đến với cô. Lanh vừa từ trong nhà tắm ra, đang sấy tóc. Nghe tiếng chuông biết là anh đến, vội ra mở cổng. Dân Thủ đô có khác, ăn chơi sành điệu. Hiện ra trước mặt cô lúc này không còn là ông giám đốc cà vạt com lê chững chạc thường ngày mà là một chàng trai hết sức ga lăng, mũ nồi đội lệch, chiếc áo bu dông kiểu ký giả đầy những túi to túi nhỏ trên ngực và vai áo, trông rất bụi.
- Sấy tóc cho em!
Lanh nói như ra lệnh. Tấn lập tức làm theo. Anh đứng sau lưng cô, cầm máy sấy bấm công tắc điện rồi lắc tay một cách thuần thục không kém gì mấy cô thợ làm đầu. Chỉ bực cái mới ro ro vài lượt, anh đã quẳng chiếc máy lên bàn rồi choàng tay bế bổng cô lên, dụi mặt vào khắp người cô qua lần váy áo mỏng tang màu hồng nhạt:
- Em thơm quá! Thơm quá!
- Bỏ em ra! Tóc vẫn còn ướt đây này.
Mặc lanh giẫy giụa, Tấn cứ ấn cô xuống giường và với tay tắt điện, chỉ để chiếc đèn mờ đủ sáng...    
Đêm ấy cũng trong căn phòng này, trên chiếc giường này, lần đầu tiên hai người ở với nhau đến sáng. Có lẽ nghĩ rằng đây là lần cuối, không cần phải giữ gìn như trước nên Tấn mới làm như vậy. Sau những phút giây ôm ấp và tâm sự bao chuyện riêng tư mà chỉ hai người biết với nhau, Lanh khéo léo lái dần sang việc công rồi gợi hỏi Tấn một vài điều. Mọi lần mỗi khi Lanh chuyển sang chủ đề này, thường Tấn chỉ ậm ừ cho qua hoặc vòng vo lảng tránh. Nhưng lần này khác hẳn, anh tỏ ra hết sức cởi mở, đồng tình với nhận xét của Lanh về tình thế hiện nay của công ty, về người này người khác, Trần Xung thế nào, Lê Chưởng ra sao, rồi Nguyễn Quang Âu, Nguyễn Kiến Nghiệp và... Lanh nữa. Anh khen cô một cách khá hào phóng. Trước đây đối với cô anh cũng hào phóng lời khen như vậy nhưng chỉ là những lời khen dành cho phái đẹp, như người ta khen một bông hoa, điều đó Lanh cũng thích song vẫn cảm thấy hơi tự ái, cảm thấy anh hơi thiếu sự “bình đẳng giới” với mình. Còn lúc này dường như Tấn đã thực sự hiểu cô, hay có thể anh đã hiểu cô từ lâu nhưng bây giờ mới có điều kiện nói. Và anh không hề ngần ngại khi hé lộ cho Lanh biết cuộc trao đổi giữa anh với Nguyễn Quang Âu vào tuần trước, cả những nhận xét của anh về cô trước các nhà lãnh đạo Tổng công ty. Theo anh, cô là một trong số ít người đóng vai trò chủ chốt trong đơn vị. Nhờ khả năng giao dịch, liên kết và quảng cáo của cô mà mấy năm qua mạng lưới bạn hàng của nhà máy cũ mới được nhân lên, các kho bãi của công ty mới thoát khỏi tình trạng ứ đọng. Cô lại biết cách quản lý chặt chẽ các đại lý nằm ở các tỉnh thành nên sản phẩm không bị thất thoát, doanh thu hàng năm mới tăng cao. Nói gì thì nói, làm ra sản phẩm mà không tiêu thụ tốt cũng bằng không, vì thế vai trò người tổ chức kinh doanh, nhất là trong tình trạng cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, phải là vị trí hàng đầu. Và Lanh xứng đáng là người ở vị trí hàng đầu như vậy.
Lanh vừa nghe vừa chăm chú quan sát gương mặt Tấn. Cô nhận thấy anh hoàn toàn thành thực. Trong mắt anh, Lanh không chỉ là một người đàn bà đẹp mà còn rất giỏi giang và có bản lĩnh, tất cả tạo nên sức quyến rũ lạ lùng mà bất kỳ người đàn ông nào, dù mới gặp, cũng dễ dàng nhận biết nhưng cô lại không dễ chấp nhận ai. Và anh là người may mắn trong số họ.
- Vậy mà anh lại không dứt nổi tất cả để ở lại đây. Mâu thuẫn nhỉ? - Lanh mỉm cười giễu cợt.
- Muộn quá! Giá mà...
- Thôi! Lăn tăn về chuyện đó làm gì. Em cũng chẳng muốn thế đâu. - Lanh cắt ngang lời Tấn, quàng tay qua bộ ngực trần chắc khỏe của anh. - Chỉ cần anh hiểu em là đủ. Hôm nay anh nói hơi bị hay đấy, anh thân mến ạ!
- Thế trước đây anh nói không hay sao?
- Trước đây cũng hay nhưng hơi lặp lại nhiều, anh chỉ toàn khen em xinh đẹp, rồi thì kiêu sa, quý phái... Khen thế thì có mà khen suốt đời anh ạ!
- Bây giờ anh muốn nói với em câu khác, em có nghe không?
- Anh nói đi!
Tấn xoay người ôm chặt lấy Lanh, xoa tay lên tấm lưng nà nuột của cô, ghé sát vào tai cô, khẽ thì thầm:
- Em biết không, em là người đàn bà xinh đẹp, kiêu sa, quý phái nhất trên đời!
Lanh thích trí cười rinh rích. Cô rúc đầu vào ngực Tấn và ôm riết lấy anh. Tấn nâng cằm Lanh lên, hôn lên mắt lên môi cô. Lanh cũng đáp lại nụ hôn của anh một cách nồng nàn. Rồi cô lùa những ngón tay mềm mại của mình xuống dưới, nhè nhẹ vuốt ve, mơn trớn, dẫn dụ anh vào cái mê lộ của mình khiến anh một lần nữa lại chồm lên người cô như một con thú trong nỗi đam mê cuồng nhiệt mà cả hai đều không ý thức được đó là tình yêu đích thực hay còn vì lẽ gì khác nữa.
Sáng hôm sau Tấn lên đường về Hà Nội. Mọi việc ở công ty bàn giao cả cho Âu. Lanh biết dịp này anh về Tổng, đồng thời về với vợ con mình, cái tổ ấm mà ngay từ những lần hò hẹn đầu tiên, Tấn đã cho Lanh biết là anh không thể bỏ, và Lanh cũng chấp nhận điều kiện đó, cô không như những người đàn bà khác mà phải đi tranh vợ cướp chồng. Sau khi gia đình tan vỡ cách đây hơn chục năm, được thằng con trai cũng bị chồng cướp mất, Lanh thề quyết không bao giờ lấy chồng nữa, sống độc thân cho thanh thản, thích ai thì cặp bồ luôn nhưng không đến nỗi chết mê chết mệt. Khi gặp Tấn, Lanh đã yêu hết mình nhưng đến lúc phải chia tay anh, cô cũng chẳng bịn rịn nhớ nhung nhiều lắm. Đơn giản là cô đã trải nhiều rồi và rất hiểu đàn ông, nhất là trong cái thời buổi sống gấp này. Những khoảng trống cô dành cho công việc. Cô rất say mê công việc và cũng có tham vọng quyền lực nữa. Cô không thích bị người ta sai khiến, càng không thích những kẻ đã ngu dốt lại muốn làm thầy, làm bố người ta, như lão Chưởng lão Xung chẳng hạn. Trong cái “bộ sậu” của công ty này, ngoài Tấn ra, cô chỉ thấy mỗi Âu là được. Bao năm sống ở thị trấn này, lại cùng công tác trong nhà máy, cô rất hiểu anh, thậm chí còn rất phục anh bởi Âu không chuyên về lĩnh vực kinh doanh nhưng lại kinh doanh rất giỏi. Thời ông Đỗ Bàn sản phẩm làm ra hơi khó bán, công ty đề ra việc khoán cung tiêu, cho phép mọi người được tham gia tiêu thụ, Âu đã bàn với Lanh, nhờ cô vay hộ ít tiền mua một chiếc xe tải, thuê người lái rồi đăng ký với công ty nhận khoán ngoài giờ. Tuy chỉ là việc làm thêm nhưng do giao thiệp tốt, giỏi tạo nguồn, gia đình anh đã thu nhập khá, chỉ trong vài năm đã hoàn trả vốn, mua được đất xây nhà, lo được cho mấy đứa con nối nhau vào đại học. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa Âu với Xung và Chưởng, anh không tranh thủ kiếm chác của công ty như họ mà mưu sinh bằng chính sức mình. Điều này dân làng Gạch người ta biết lắm, vì thế ai cũng nể trọng anh, và khi biết tin Âu được cử làm giám đốc công ty thì ai cũng vui mừng. Nhưng trong cái ưu lại ẩn tàng cái nhược, Lanh thấy Âu sống lành lặn quá, lành lặn đến mức cả tin, rất dễ bị người ta lợi dụng. Làm lãnh đạo một doanh nghiệp lớn mà như thế thì không ổn, đúng như Tấn nói, người như Âu thời nay hơi bị hiếm, nhưng bên cạnh anh ta phải có một người như Lanh mới được, để không chỉ giúp anh ta trong công việc làm ăn mà còn luôn phát hiện những “quái chiêu” của đối thủ mà kịp thời phản pháo. Tấn cho rằng nếu hai người kết hợp được với nhau lãnh đạo công ty thì nhiệm vụ của anh ở Hải Long, cùng với việc xây dựng thành công nhà máy Cotto, có thể coi là hoàn hảo.   
Vậy mà hôm nay...
Anh ta không những không đày hai lão “sâu mọt” kia vào Đồng Ho theo ý Tấn mà lại đưa họ về trụ sở, nắm giữ vị trí quan trọng ở công ty. Riêng Lanh thì... thật không thể nào hiểu nổi, anh ta đã không thèm đề bạt thì thôi, lại đẩy cô vào Đồng Ho, thay chỗ Xung và Chưởng. Thế nghĩa là sao? Vô lý quá!
Tan họp, Lanh điện ngay cho Tấn báo tin. Tấn cũng ngớ ra, không hiểu ông này tính kiểu gì? 
Mình phải gặp Âu hỏi lại chuyện này. Phải hỏi cho ra nhẽ. Sống với nhau bằng ấy năm, thân thiết như anh em một nhà, chuyện gì cũng gặp nhau bàn bạc, không lẽ bây giờ anh ta lại giở mặt với mình như thế? - Lanh nhủ thầm như vậy.
... Một hồi chuông điện thoại cắt ngang dòng suy nghĩ của Lanh. Tưởng Bùi Tấn gọi về hóa ra là Kích, cậu em hàng xóm liền nhà. Kích là kỹ sư xây dựng, làm ở ban Xây dựng cơ bản thành phố. Mấy năm trước do trục trặc gì đó liền bỏ cơ quan, ra ngoài biên chế, làm ông bầu đi nhận công trình rồi tập hợp nhân công xây dựng, được vài năm xem chừng cũng phất, xây nhà xây cửa ầm ầm. Giờ không hiểu sao lại chán không làm nữa, mới sang gặp Lanh xin vào Gốm - Xây dựng Hải Long. Lanh đã đưa đơn của cậu ta cho Tấn nhưng đúng vào dịp anh đang chuẩn bị khánh thành nhà máy Cotto, nên chưa duyệt. Lanh cầm máy thông báo lại cho Kích như vậy và bảo cậu ta chịu khó chờ, khi nào được cô sẽ báo. Sau đó cô định nhân thể gọi luôn cho Âu nhưng lại thôi. Nói qua điện thoại không hay lắm. Vả lại không có gì phải vội, đằng nào thì Âu cũng sẽ làm việc cụ thể với mình về chuyện đó. Lúc ấy mình sẽ nói với anh ta tất cả. Lanh ngồi dựa lưng vào tường, nhẩm tính nay mai sẽ đấu tranh, thuyết phục thế nào khi làm việc với Âu.