Trang chủ » Trần Nhương giới thiệu

NGƯỜI CÕI ÂM chương Một

Trần Chiểu
Thứ tư ngày 23 tháng 9 năm 2009 3:58 PM
                                     
     Chương Một
 
Tôi bị chết oan.Tất cả những người chứng kiến cái chết của tôi đều khẳng định: “Ông Tạ chết oan.”Thủ phạm gây nên cái chết của tôi là hệ thống đèn báo hiệu an toàn ở đầu dốc chân cầu Đá Cháy, cách ngã tư Vòng ba trăm mét. Đó là một ngày trời xanh, biển xanh, gió xanh. Chiếc xe chở khách bốn chỗ ngồi ọc ạch  ngược Hà Nội cùng chiều với chiếc xe công-ten-nơ chở đầy sắt đến đầu dốc chân cầu Đá Cháy thì vượt lên trước, khoảng một trăm mét, đúng lúc ấy, hệ thống đèn báo hiệu an toàn bật đỏ, chiếc xe công-ten-nơ phanh khự lại, nhưng do trọng tải lớn đang trượt đà, mất phanh, nó như một con thú khổng lồ bất kham lao thẳng xuống, chồm lên chiếc xe con tội nghiệp, cướp luôn mạng sống tôi và những người ngồi trong xe.
Hậu quả khôn lường của ngành Giao thông Vận tải dựng hệ thống đèn báo hiệu an toàn không đúng vị trí là nguyên nhân thứ nhất gây nên cái chết của tôi. Nguyên nhân thứ hai, nếu đúng lịch trình công tác tuần đã ấn định, tôi không phải thực hiện chuyến công vụ do sếp Trần Trưởng ra lệnh, ắt không phải đi trên chuyến xe bất hạnh ấy, nhưng tôi không thể cưỡng vì tôi dưới quyền ông, chống lệnh, lập tức bị sa thải. Như vậy, phải khẳng định, sếp Trần Trưởng và ngành Giao thông Vận tải đồng trách nhiệm gây nên cái chết của tôi, nhưng họ đã phủi tay như phủi vết bụi trên người.
Đã có độc giả đặt vấn đề phải phanh phui cái lệnh chết tiệt do sếp Trần Trưởng ban ra, buộc tôi phải thực hiện.Tôi xin kể chi tiết để hầu quý vị độc giả kính mến. Lệnh sếp Trần Truởng ban ra xuất xứ từ Dự án Cảng cá Đầu Mối đuợc thực hiện bằng hình thức “Đổi đất lấy cơ sở hạ tầng.” Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư láu cá, đổ vượt ra ba chục héc-ta và cộng thêm một số diện tích “ma” lấn chiếm khác, bị dân tố cáo, nhà đầu tư lấy cớ đất đó nằm trong quy hoạch tổng thể của dự án, không chịu nước mắm thối. Các cơ quan chức năng đúng ra phẳi căn cứ vào mục đích sử dụng để thu tiền đất, nhưng người ta hùa với nhà đầu tư viện dẫn lý do này kia nọ kéo dài thời gian để lâu cứt trâu hóa bùn. Nhà nuớc mất khống hàng tr¨m triệu đô la Mỹ, dân mất đất sinh sống.
Sếp Trần Trưởng giao cho tôi lên Hà Nội cống nạp mấy sếp trên để không bới bèo ra bọ chuyện ma quái ấy. Sở dĩ tôi đuợc tin cậy làm việc trọng này vì Trần Truờng biết tôi có ông thầy đầy uy lực. Sếp giao cho tôi hai chục ngàn đô la Mỹ lo chuyện khuất tất, còn năm chục triệu phần tôi tiêu sài thế nào tùy ý, thậm chí đi nhà thổ cũng xong béng. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, không có ai chê tiền, chỉ có nguời chê ít, kể cả ông thầy tôi. Tôi lúc nào cũng thèm tiền, nhưng cầm khoản tiền “bẩn” để làm cái việc thổ tả ấy, tôi cảm thấy bị xỉ nhục.Tôi ném trả Trần Trưởng năm chục triệu tiền chơi nhà thổ rồi bỏ hai chục ngàn đô la Mỹ và vào cặp và mặc cả với sếp là không xong việc, tôi thanh toán trả lại đủ só tiền này cho sếp. Không may, tai nạn xảy ra, chỉ tôi thiệt mạng, còn toàn bộ số tiền để hối lộ, Trần Trưởng lấy lại không suy suyển đồng nào.
Vấn nạn giao thông ở huyện này xảy ra liên tục, gây nên cái chết thảm cho tôi cũng như những cái chết thương tâm khác, nhưng mọi biện pháp mạnh để đảm bảo an toàn đều kém hiệu quả, không được như mong muốn của nhà chức trách cầm cân nảy mực, vì người tham gia giao thông chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm, hay nói đúng hơn, họ thiếu văn hóa giao thông thời hiện đại.
Những người am hiểu Luật Giao thông Vận tải mách nước cho vợ tôi nổi đơn kiện ông Giao thông Vận tải ra tòa, chắc chắn sẽ thắng, nhưng mụ chẳng quan tâm điều đó, bởi mụ cho rằng, người chết thì đã chết rồi, kiện có thắng cũng không sống lại được, với lại, mạng người ở Việt Nam chết do tai nạn giao thông chỉ được bảo hiểm chi trả chục triệu bạc, bằng con trâu già xẻ thịt lúc chợ chiều. Nếu gã lái chiếc xe công-ten-nơ kia sống sót, vợ tôi ăn vạ chắc chắn sẽ được nhiều hơn số tiền bảo hiểm chi trả. Nhưng, mụ sợ tiền bảo hiểm chi trả không đủ rải đường đi kiện, kiện làm gì cho mệt là phải.
Mụ vợ tôi nhờ pháp Son lo liệu việc tang lễ cho tôi. Theo sự chỉ dẫn của gã, phải đem xác tôi về, nhưng không được vào cửa chính mà phải chui qua cái lỗ tường thủng mới khoét sau nhà, rồi nấu nước lá hương nhu rửa ráy sạch sẽ mới đặt thi thể tôi lên chiếc giường tôi vẫn nằm lúc sinh thời xong buông màn kín ngay để phòng con mèo cái động hớn chạy qua, thần trùng dựng xác tôi dậy, hiểm họa khôn lường.
Pháp Son đã một thời có chân trong Mặt trận Tổ quốc huyện mới ăn quả đắng tham nhũng bị về xua gà cho vợ, hết đường nào tính kế sinh nhai, gã xoay sang làm nghề thầy cúng. Theo gã thì dân chúng bây giờ đổ xô vào đình chùa miếu mạo cầu tài, cầu lộc dễ bề kiếm ăn hơn, thậm chí sống tốt hơn cả quan chức phường xã.
Nhưng muốn bịp được thiên hạ thì phải có ngón nghề, như anh đi câu phải có cái lưỡi câu sắc tử tế, lại phải có mồi ngon nữa. Thế là gã cắp sách về Đọi Nam tổng học mót lão pháp Nhưng. Một năm tầm sư học đạo, pháp Son viết được chữ “thánh hiền”, nhưng chẳng ai đọc được thứ chữ khỉ gió ấy, thậm chí kể cả những bậc hiền triết tinh thông chữ nho cũng chịu cứng. Sau đấy, không hiểu thế quái nào, gã tăm được pho tượng cụt bàn tay phải và mất bộ ria mép bị vùi dưới cái chuồng trâu từ hồi cải cách ruộng đất, bí mật đem về nhà. Gã mượn lão phó Nhâm đục cái bàn tay giả lắp vào rồi lấy sơn ta gắn chỏm tóc lên mép tượng, trông xa ai cũng tưởng pho tượng cổ hoàn hảo. Pháp Son rêu rao khắp bàn dân thiên hạ rằng, Đức thánh Phạm Tử Nghi thấy đất làng Quao phát, ngài về tọa lạc, tôi được ngài chỉ giáo lập chính đền thờ ngài. Nhưng chưa mấy ai tin. Gã tính bài liều chạy sang nhờ ông Sơn Đổng là người biết tích ngài Phạm Tử Nghi xin chữ. Thấy hắn có tâm với tiền nhân, ông Sơn Đổng bằng lòng sao cho nguyên bản huyền thoại về ngài như sau:
Phạm Tử Nghi nguyên là người Nghĩa Xá, họ Phạm, huý Thành, tự là Tử Nghi. Ngài sinh vào năm Hồng Vũ, là người hiếu học thông thạo sách kim cổ, văn võ toàn tài, khỏe mạnh hơn người. Một hôm ngài nói với người trong làng rằng, ta muốn vãng du lên kinh kỳ, nhân tiện mang tiền thuế lên nộp. Đến Bến Đông, ngài thấy quân lính triều đình tới hai trăm người đang khiêng một cây gỗ lớn, bèn bảo,  kẻ trượng phu này có thể một mình làm được. Quan Khâm sai nghe vậy lấy làm lạ liền tâu lên Quốc vương lệnh cho Phạm, nếu chuyển được cây gỗ đó sẽ được trọng thưởng. Ngài phụng mệnh, vác cây gỗ đến trước điện. Cây gỗ đặt xuống làm đất rung, trời động. Mọi người đều rất đỗi kinh ngạc. Nhân sự kiện đó, Quốc vương sai các quan văn võ truyền hịch thi đấu võ. Phạm cầm kích xông tới, trăm  lính vệ dạt ra như ngả rạ. Mọi người kính nể tài nghệ của Phạm bèn tâu lên Quốc vương xin thăng quan cho Phạm. Nhưng, có người lại cho rằng, Phạm có sức lực hơn người, văn võ không ai sánh kịp, mà lại chưa qua khoa cử, ắt hẳn là người có chí, dễ bề làm phản cướp ngôi, xin giết đi để khỏi đem họa về sau. Quốc vương không nghe, vẫn ban thưởng cho Phạm làm đại tướng quân và gả công chúa cho. Sau khi luyện tập võ nghệ tinh thông, đấu thắng ba con voi, Phạm Nguyên soái dâng biểu tâu lên Tây Phiên Vương xin lấy quân binh bản bộ đánh lấy lại đất Quảng Đông, Quảng Tây để khôi phục lại đất cũ quốc gia, rửa nhục trăm năm. Dâng biểu xong, ngài trở về xứ Hải Đông chuẩn bị chiến thuyền tiến đánh Lưỡng Quảng. Nước Trung Quốc sai sứ giả mang trát đến nước ta trách Tiểu quốc An Nam phản phúc, xâm chiếm Trung Quốc. Ngài bèn nói với sứ giả, Mã Viện nhà Hán vô cớ xâm chiếm cố địa tổ tông An Nam, ta là tướng soái bản quốc, chức phận của ta phải như vậy. Sau đó, Phạm Nguyên Soái chấn chỉnh binh mã thủy bộ, xe thuyền tiến thẳng đến Nam Kinh nhậm chức rồi dẫn đại binh các lộ ra trận. Người hô gió, gọi mưa, thuyền vút lên không sát khí đầy trời tiến vào đại bản doanh địch như vào chỗ không người. Chủ quốc anh hùng không tìm ra địch thủ. Ngài đã chém đổ cây cột đồng Mã Viện lập, nay dấu vết vẫn còn. Nước Trung Quốc từ đó không có ý đối địch nữa. Sau khi Phạm Nguyên soái về trời, dân làng Quao lập đền thờ ngài và lấy tên Ngài đặt cho một trường học là trường Phạm Tử Nghi.
Dân làng nghe sự tích oai hùng của Nguyên soái Phạm Tử Nghi lấy làm cảm kích tấm lòng ái mộ tiền nhân của pháp Son, nhiều người sẵn lòng ủng hộ. Lúc đầu pháp Son mới chỉ lập ban thờ tại gia, nhưng vợ con không chịu nổi cô đồng bà cốt, pháp Son xin được ít gạch vỡ quây cái chòi ở gốc cây ruối thờ Phạm Nguyên soái. Những người mê tín tự nguyện làm con nhang đệ tử đi đây đi đó khắp nơi trong cả nước quyên góp tiền cho pháp Son lập đền chính. Nhiều người cả tin đã cung tiến tiền và vàng ròng xây cất đền mỗi ngày một khang trang, từ ấy pháp Son  nổi danh cao tay bắt ma trừ tà.
Pháp Son phán, tôi chết vào giờ độc phải liệm vào giờ cát mới tránh được hung. Gã lại phán, ông cố không đứng tên chính chủ ngôi nhà này nên linh cữu không được quàn tại gian giữa mà phải quàn gian bên, hướng Đông. Trong nội tộc có người không đồng tình nói ra nói vào thế này thế khác, nhất là bà cô ruột và chị gái tôi ấm ức, nhưng không dám nói ra. Thằng Cả bảo:
-Không nghe thầy bà nào hết, cứ phải quàn bố tôi ở gian giữa.
Thằng Thứ và thằng Út mặt xưng mày xỉa, chúng không nói không rằng,  nhìn mẹ hậm hực. Thấy ba thằng con lỳ lợm, mẹ chúng chột dạ bảo:
-Anh Cả bảo thế ý hai con thế nào?
-Còn thế nào nữa, anh cả nói sao làm thế, mẹ không nhớ câu “quyền huynh thế phụ” hay sao?
Nhưng mụ vợ tôi lấy quyền làm vợ, làm mẹ quyết định làm theo lời chỉ giáo của pháp Son. Như vậy là một mình mụ một phe, họ nội Ngô Đăng và ba thằng con tôi một phe, nhưng rốt cuộc, thiểu số, mụ vẫn thắng.
Mấy người hàng xóm xé vải làm khăn tang. Mụ vợ tôi sợ họ vung tay quá trán vội ngăn lại bảo, không cần rộng thế, chiều ngang chỉ cần một gang tay, chiều dài quấn vừa cái đầu là được, đưa ông ấy ra đồng là vứt đi ngay đấy mà, có ai cất giữ làm gì đâu. Ông phó may hàng xóm may cái túi rộng mét rưỡi, dài hai mét bằng vải phin trắng mỏng tang, mụ vợ tôi bảo áo nhập quan thế là đẹp rồi. Thời buổi này làm gì cũng phải tiết kiệm, không thể vung tay đốt nhà táng được.
Họ tộc Ngô Đăng kê hương án ra tiền sảnh. Bức chân dung tôi lồng trong khung kính có giải đen vắt chéo đặt nơi trang trọng nhất. Sau đó người ta mới đặt bộ tam sự gồm: đỉnh hương bằng đồng để đốt hương trầm, ba đài rượu bằng đồng để ba ly rượu, đôi hạc bằng đồng trên đầu có lư để cắm nến và mâm ngũ quả, ngoài cùng là cái bát hương cổ, long chầu nguyệt để cắm hương. Lão Thiếu tổ đốt hai cây nến hồng cắm vào lư hạc và đốt ba nén hương cắm vào bát hương. Đúng giờ cát, lễ khâm liệm được cử hành. Pháp Son viết mấy chữ nghệch ngoạc chẳng ra chữ nho cũng chẳng ra chữ thư pháp vặn lại bảo đó bùa trừ thần trùng và ma tà. Gã nhấc đầu tôi lên bỏ cái gối mây ra kê cái bát ăn cơm xuống gáy, rồi cầm con dao Thái, lúc sống, tôi vẫn dùng cắt hoa quả gạy hàm răng để nhét đồng năm nghìn tiền nhôm vào miệng. Gã đứng trên đầu tử thi, miệng đọc thần chú, tay bắt quyết, mười ngón tay quyện vào nhau như con cua càng giương hai cái gọng lên một cách điệu nghệ, không ai hiểu ngữ nghĩa của ngón nghề phù thủy nó thế nào. Kẻ cuồng tín thì bảo gã cao tay trừ thần trùng, tà ma mang lại an bài cho gia chủ. Người vô thần chỉ có cười mỉa, cho đó là trò mèo của một tên đại bịp.
Pháp Son hất hàm ra hiệu cho bốn người trong nội tộc túc trực bên quan tài  luồn thi thể tôi vào áo vải rồi mới nhập quan. Cỗ quan tài bằng gỗ bồng bênh trám vạng, loại gỗ hạng bét ở chốn sơn lâm chỉ dùng vào việc làm cốp pha cho đám thợ ngõa. Xong, gã lấy bốn cái đinh thuyền cắm vào bốn lỗ khoan sẵn ở bốn góc quan tài rồi nắm cái cán búa giơ thẳng cánh đóng chặt lại.Theo cổ lệ quê tôi, người vợ phải đặt bát cơm đầu có quả trứng gà con so kẹp giữa hai chiếc đũa phoi trắng phớ lên quan tài cho chồng, con trưởng phải đốt mười hai cây nến hồng cắm hai hàng dọc quan tài cho cha, để người chết không bị đói khát và sáng láng đường về cõi âm. Vợ, con tôi đã làm đúng phận sự. Pháp Son cầm con dao phay giơ thẳng cánh chém vào không gian ba cái bảo là để trừ thần trùng, tà ma cho người sống an lành.
Bà cô ruột và chị gái tôi, những người ruột thịt xót thương tôi chết oan lấy cớ rỉa rói vợ con tôi ăn ở bạc, khóc rống lên thảm thiết như bị cắt từng khúc ruột. Tiếng khóc như những mũi kim vô hình xiên vào đầu,vào tim, mụ vợ tôi tức nghiến răng ken két, nhưng không thể bịt tai lại được,cứ phải nghe, phải chịu đựng. Nếu không có tiếng khóc của cô cháu bà thì không ai biết làng Quao có đám ma tươi. Mụ vợ tôi mắt ráo hoảnh, ngồi bên linh cữu gục mặt xuống gối, thi thoảng mới hực lên một tiếng, không biểu cảm gì trước cái chết bi thương của chồng. Con mắt lá răm không rời đống phong bì trên hương án, mặc dù người trong  Ban Tang lễ đã ghi chép đầy đủ danh sách những người hảo tâm với người quá cố. Có lẽ mụ đang nơm nớp sợ kẻ mưu toan rút lõi những cái phong bì trên hương án như đám ma nhà Hịu, nghe đâu mất những ba mươi ba cái phong bì, chí ít cũng toi ngót nghét hai triệu bạc.
Ba con dâu tôi không đứa nào rỏ lấy một giọt nước mắt, dù giọt nước mắt ấy chỉ là giọt nước mắt cá sấu. Thằng Cả đứng đáp lễ người phúng rất phải đạo. Một giờ sau, thằng Thứ vào thế chân anh. Thằng Út, tôi quý nó nhất, suốt ngày phục bên linh cữu bố. Nhưng vợ nó chỉ dán cặp mắt vào cuốn tiểu thuyết trinh thám như một con mọt sách, coi như không có chuyện gì xảy ra trong không gian yếm khí nặng nề. Con này gốc gác nguời Thanh Hóa, được chồng nó kéo ra khỏi xới chân dài, móng tay đỏ chót, móng chân xanh lè gục đầu vào vai chồng chốc chốc lại véo đùi một cái ca cẩm đau đầu, nhức mắt đòi về.Thằng chồng coi như điếc, vẫn cái lọn chuối trên đầu cùng với anh Cả phục bố. Thực tình thì ba đứa con dâu đã muốn tếch về từ chập tối, nhưng bởi sự có mặt của bà con, cô bác, hàng xóm láng giềng, những người thân tình đến phúng viếng chia buồn, không thấy chúng phục bên linh cữu bố, sợ người ta ỉa vào mặt cho. Con vợ thằng Út lại véo đùi chồng bảo về thôi, mắt em mờ rồi, đọc trăm trang sách chứ có ít đâu? Mụ vợ tôi biết ý, đến rỉ tai con dâu:
- Con về nghỉ sớm, mười hai giờ dậy làm lễ chuyển quan cho ông ấy.
Thằng Út gạt vợ ra, đứng lên thắp cho tôi tuần hương rồi lại quay về chỗ cũ với thằng Cả làm phận sự của đứa con hiếu đễ. Con vợ thằng Út lập tức vênh mặt lên nhìn mọi người chứ không lén lút về như con vợ thằng Cả và vợ thằng Thứ. Thằng Thứ đáp lễ một tiếng lại vào phục bố, thằng Cả ra thay em. Mụ vợ tôi ngồi bên linh cữu gục đầu xuống gối ngáy khò khò. Bà con lối xóm và họ hàng nội tộc thầm rủa mụ vợ tôi là quân vô lại, quân bạc tình cạn nghĩa, quân quỷ tha ma bắt.
Khi người phúng cuối cùng ra về, cả ba thằng con tôi vẫn không rời khỏi cấi quan tài đã bắt đầu rỉ ra thứ nước tanh lợm. Bà cô ruột và chị gái, khúc ruột trên khúc ruột dưới với tôi ngồi phục với ba thằng con tôi. Mụ vợ tôi thuê đội kèn phó Chu, làng Luỡng Quy năm trăm ngàn bạc một đêm kèn thờ. Lão phó Chu phồng mang trợn mắt khóc mướn nghe như giọng gọi đò lúc đêm vắng, sông lặng. Sau ba khúc dạo đầu, lão phịa ra bài khóc nghe sầu não thật sự:
-Hờ ông Tạ ơi, hời, ông vì nước quên thân, nêu tấm gương trung nghĩa cho đời soi tỏ. Dân mến mộ ông vì ông trọng dân,vì ông thương dân mà không quản hy sinh, suốt đời thủy chung son sắt. Ông cống hiến cho dân, cho nước như vậy mà khi về trời thân không lành lặn, không được vợ hiền con thảo chăm sóc tận tình để đáp đền nghĩa chồng tình vợ, hờ ông Tạ ơi, ông có thấu tôi đau thế nào không, ông có thấu nỗi đơn côi này không, ông Tạ hời.
Mụ vợ tôi mặc áo xô, đầu đội khăn tang, lưng thắt dây chuối bện để che mắt thế gian đấy thôi, chứ mụ chẳng thương xót gì chồng vì đã từ lâu, mụ khinh tôi như mẻ. Ba đứa con dâu, một giuộc với mẹ chồng ăn miếng giả miếng với bố chồng như bọn hàng tôm hàng cá ngoài chợ. Chúng tệ bạc với tôi như thế không có gì là lạ, vì lúc còn sống, tôi đã từng bị vợ quát vào mặt nhiều lần là đồ vô tích sự. Nhưng, không thể nào sống khác được. Tôi ngẫm cái bậc công chức thường thường bậc trung mà tôi có, thật sự không cần đối với chúng, còn cái chúng cần là những ngôi biệt thự lộng lẫy, những chiếc xe hiện đại sang trọng vào bậc nhất hiện nay và khoản tiền trong nhà băng Thụy Sĩ ở đất nước này thì tôi không có. Đúng là tôi thuộc hạng vô tích sự, hạng vét đĩa. Vợ thằng Cả lúc vắng chồng bênh mẹ bổ vào mặt bố, ông làm quan hẳn hoi mà không có chỗ đất cắm dùi thì chết được rồi đấy(!)
Phải rồi, tôi chết không có chỗ đất cắm dùi thật, sống mà làm gì. Nhục lắm, nhục lắm, tôi đã muốn cắn lưỡi, nhưng nghĩ lại, tôi thấy mình đàng hoàng tử tế, thiên hạ vì nể, họ hàng, làng mạc bà con cô bác cậy tin, ba thằng con có bằng đại học chính quy thì hà cớ gì phải tự tử. Tôi tự an ủi, động viên mình phải sống, sống vì ba thằng con trai, vì bà con, cô bác, vì  hàng xóm láng giềng, còn bọn khốn nạn kia không thèm chấp.
Cuộc sống ô nhục đã thui chột ý chí của một thằng đàn ông có bằng Tiến sỹ đỏ chói hẳn hoi chứ đâu phải xoàng xĩnh. Những lúc cam go ấy, tôi nhìn rộng ra thế giới quanh mình, mới hay bọn quan chức, bạn tôi làm trong các ngành Năng lượng, Bưu chính Viễn thông, Tài chính, Ngân hàng, thằng nào thằng ấy giàu sụ vợ họ ăn trên ngồi trốc, ra khỏi nhà một bước đã có xe đưa, có kẻ mời mọc sướng như bà hoàng, chả bù cho mình kiếm cái lộc chỉ cần bằng đốt ngón tay để vợ con nó khỏi khinh mà cũng không được, khổ thế, nhưng phải căn răng chịu.
Mụ vợ tôi nhất quyết không chịu nghèo, bằng mọi giá phải giàu lên cho thiên hạ mở mắt ra.Thấy con mẹ chủ nhà băng nọ đi xe khách về quê, đến giữa đường bị nhà xe bán chuyển sang xe khác, tức mình, quay về sai con đi mua ngay chiếc xe dây năm mươi ngàn đô la Mỹ, mụ vợ tôi dằn mặt bảo chồng, ông phải mở mắt ra nhìn thiên hạ xem người ta đổi mới, xem thiên hạ lo cho vợ con chứ, người đâu mà đụt thế. Cái bằng Tiến sỹ của ông chỉ là tờ giấy lộn, không hơn không kém. Thế mà lúc nào cũng nho nhe đổi mới với cải cách mở cửa, không biết dơ ? Xéo đi đâu thì xéo cho khuất mắt, bám váy con này thế là đủ quá rồi.
Thấy mẹ mắng bố, không được một lời phân bua phải trái, con vợ thằng Cả còn chì chiết bảo, chỉ được cái cầm đèn chạy trước ô tô là không ai bằng, thiên hạ vô bái công, làm gì cứ phải xăng xái vác tù và hàng tổng, không lo cho nồi cơm nhà mình đầy có ngày đói nhăn răng, lúc ấy chẳng thằng chó nào nó nhòm vào, thử hỏi có nhét được cái bằng Tiến sỹ vào bụng không?
Tôi đã bị tước quyền dạy con mình. Đó là nỗi đau lớn nhất của người làm cha, coi như sự nghiệp của tôi đã bị tiêu vong. Nỗi cực nhục ấy ngấm vào người tôi, nó như một thứ nọc độc gậm nhấm tình yêu và hạnh phúc đến nỗi cứ trông thấy mụ vợ và ba đứa con dâu là trái tim tôi đau thắt lại, toàn thân run lẩy bẩy như gã sốt rét ác tính. Vợ thằng Út ác khẩu, nói trắng phớ ra rằng, chơi với thằng nghèo được tích sự gì, ông không thức thời, đã làm quan không có tiền gửi nhà băng Thụy Sỹ thì chí ít cũng phải có biệt thự,có dăm bẩy lô đất với mươi tỷ bạc cầm lưng như lão phó Đoan, lão Chường, như mụ Liền, mụ Tiễu chứ bạch định như ông vào thời điểm này, tại huyện này, xem ra nó chuế thế nào ấy. Con thiết nghĩ ông nên từ quan về viết thư pháp thuê suớng chán vạn hơn làm quan kiểu ông.
Ba nàng dâu, chưa đứa nào gọi tôi là bố mà chỉ một ông già, hai ông khốt, không thì nói trống không như phường chợ cá. Nhiều lúc giáp mặt bố như gặp người xa lạ, không hỏi lấy một câu, mặt cứ vác lên, câng câng, khó chịu bỏ mẹ, nhưng phải bấm bụng chịu, biết làm thế nào, chả lẽ bảo chồng chúng cho mỗi đứa một cái tát để om cửa, om nhà. Ngẫm lại mới thấy, xã hội ta bây giờ, nghèo vẫn đi với hèn, đói vẫn đi với rách. Nghèo thì vợ, con, họ hàng khinh trước làng nước khinh sau. Nghèo chỉ có cắm mặt mà đi. Lão nhà thơ khu phố Phạm Sơn Ngọc chui rúc trong khu chung cư như ổ chuột cãi chày cãi cối rằng, nghèo thì nghèo vẫn ngẩng cao đầu mà bước tới, làm sao phải cắm mặt, tôi bảo ông chỉ được cái nói phét, nghèo như tôi với ông chẳng có thằng đếch nào chơi, kể cả những thằng một thời miếng cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng.
Bây giờ là người cõi âm, chẳng còn vấn vương gì với dương thế, tôi thấy cần cho bàn dân thiên hạ biết, tôi đau nỗi đau con mụ vợ và lũ con dâu khốn nạn chúng nhục mạ, đây là nỗi đau của kiếp người chỉ vì tôi vô tích sự, không biết mánh khóe móc nối với bọn mua quan bán chức, móc nối với các nhà đầu tư ăn đất như sếp Nguỵ, như Trần Trưởng có biệt danh Trần Đại Gia, con trai Trần Tăng, nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết “Dưới Chín Tầng Trời” của nhà văn Dương Hướng.
Thưa quý vị độc giả kính mến! Nghe câu chuyện tôi kể về gia đình tôi, chắc là trong thiên hạ sẽ có nhiều người không dám trung thực và trung thành với lý tưởng của mình như tôi mà phải từ bỏ tất cả để bám gót bọn cò trắng buôn quan, cò đen buôn đất. Quả đúng như vậy, tôi xin quý vị độc giả kính mến, những người  đang có cuốn sách này trên tay lượng thứ.
Họ tộc Ngô Đăng tổ chức tế ngu cho tôi được mát mẻ. Quan viên tham gia tế gồm toàn những người trong họ tộc. Hai ông đông xướng và tây xướng là bề trên tôi, hai ông dẫn hiếu, hai ông chấp sự và ông đọc chúc, hàng anh em tôi. Họ đều mặc áo thụng đen, quần trắng, đầu đội khăn xếp, chân đi giày Gia Định. Thằng Cả,  con lớn tôi làm chủ tế, mặc áo xô, đầu đội nọn chuối bện, mũ gậy tre.
Đông xướng: Xuất chủ.
Hai hàng con, trai đi bên đông, dâu đi bên tây, theo hai quan viên dẫn hiếu ra trước hương án thờ vong. Thằng Cả đứng chính giữa. Thằng Thứ, thằng Út và  ba đứa con dâu đứng bên cạnh.
Tây xướng: Cử ai.
Mụ vợ tôi, bà cô tôi, chị gái tôi và cả lũ con dâu cúi đầu khóc thảm thiết.
Đông xướng: Ái chỉ.
Tiếng khóc nín bặt. Ba thằng con trai tôi đứng thẳng người lên.
Tây xướng: Nghệ quán tẩy sở.
Thằng Cả ra giá quán tẩy.
Đông xướng: Quán tẩy.
Thằng Cả rửa tay.
Tây xướng: Thế cân.
Thằng Cả lau tay.
Đông xướng: Nghệ hương án tiền.
Thằng Cả ra đứng trước hương án.
Tây xướng: Phần hương.
Hai quan viên dẫn hương đem chín nén hương đến cho thằng Cả. Nó cầm hương khấn “thân phụ thất phách tư hồ, cư thần vị...” rồi đưa cho hai ông dẫn hương cắm vào bát hương.
Đông xướng: Cúc cùng bái.
Tất cả các con tôi đều lễ ba lễ.
Tây xướng: Hưng.
Thằng Cả, thằng Thứ, thằng Út đứng ở chiếu giữa. Các con dâu tôi vẫn ngồi yên ở chiếu dưới.
Đông xướng: Bái.
Thằng Cả xuống gối phủ phục.Con trai cúi người lễ. Ba  con dâu ngồi lễ.
Tây xướng: Bình thân.
Các con trai tôi đứng lên.
Đông xướng: Loại tửu.
Hai quan viên dẫn rượu lên cho thằng Cả.
Tây xướng: Giáng thần.
Thằng Cả rót rượu vào hai chén rồi đọc “thân phụ thất phách tư hồ âm thăng cư thần vị.”
Đông xướng: Phủ phục.
Thằng Cả lễ ba lễ.
Tây xướng: Bình thân.
Thằng Cả đứng lên.
Đông xướng: Thiếu khước.
Thằng Cả lui xuống một bước.
Tây xướng: Cúc cùng bái.
Tất cả các con tôi đều ra lễ.
Đông xướng: Phủ phục. Thằng Cả lên chiếu trên ngồi. Thằng Thứ, thằng Út và các con dâu tôi ngồi chiếu giữa.
Đông xướng: Đọc chúc.
Thằng Cả ngồi giữa, một bên là hai quan viên đọc chúc, một bên là quan viên chấp sự. Quan viên chấp sự đưa chúc cho quan viên đọc chúc.
“Ô hô! Sao dời ngôi nam cực, mây ám cõi Dao Trì, than hóa cơ chẳng lượng để tử đạo thêm thương. Đức cù lao ơn cố phục cao dày ngóng mong cùng trời đất. Lễ sớm tối cùng ngọt bùi, dây dưa chửa báo được tóc tơ. Ngờ đâu âm dương vụt cách, khiến cho nam bắc chia đường. Thiết nghĩ thần thể đóng xe, tàng liễm đã yên u trạch, xót nghĩ hương hồn lẩn lút, bàng hoàng chửa định đi về. Bùi ngùi nương cậy vào đâu, áy náy lẽ nào ngừng khóc. Nay thì sắm dùng phỉ nghi. Đức chẳng đền bể rộng non cao, thương sao cho kịp, lòng thành dâng rau xanh rượu nhạt tế để được yên. Cẩn cáo!”
Tây xướng: Điện tửu.
Hai quan viên dẫn rượu đưa cho hai quan viên chấp sự rót rượu vào chén  đặt lên hương án.
Đông xướng: Hậu thực.
Hai quan viên dẫn tửu đưa hai chai rượu cho hai quan viên chấp sự rót rượu vào chén ở mâm cỗ, để chai rượu ở đó rồi đi xuống.
Tây xướng: Chủ nhân dĩ hạ giai xuất.
Các con tôi, nam quay sang một bên, nữ quay sang  một bên.
Đông xướng: Kháp môn.
Quan viên đọc chúc lấy tấm vải che lên hương án. Đó là sách dẫn của Thọ Mai ý để bố ăn không cho con cháu trông thấy tủi thân.
Tây xướng: Chúc kỵ hâm.
Một quan viên bậc cao đánh ba hồi trống và nói ba lần:”Hy Hâm.”
Đông xướng: Khai môn.
Quan viên che mảnh vải trên hương án lấy mảnh vải ra.
Tây xướng: Điểm trà.
Hai người cháu nội tôi mang khay trà ra cho quan viên đọc chúc đặt lên hương án.
Đông xướng: Cáo lợi thành.
Một quan viên bậc cao từ từ đi ra quát: “Cáo lợi thành.” Thằng Cả giật mình.
Tây xướng: Từ thần cử ai cúc cung bái.
Tất cả các con tôi đều lễ theo nghi lễ ba lễ.
Đông xướng: Phân chúc.
Quan viên tế đốt chúc.
Tây xướng: Lễ tất.
Tất cả các con tôi ra ba lễ.
Đó là lễ tang theo sách Thọ Mai hiện giờ vẫn tồn tại và phát triển ở Hà Lâu tổng. Hạng người chết như tôi chỉ đáng lôi ra đồng vùi xuống cái hố sâu lấp đất kỹ là xong nhưng mụ vợ tôi bụng bồ dao găm vẫn dở dói ra tế lễ để che mắt thế gian.
Quý vị độc giả kính mến!
Tôi xin thành thật mà nói, một lần tế ngu, chứ mười lần tế ngu cũng chẳng mang lại cho tôi lấy một tẹo vinh hạnh mà nó càng khoét sâu nỗi đau khi tôi còn trên dương thế. Như tôi đã kể, lúc sinh thời, mụ vợ tôi khinh tôi như mẻ là vì tôi là thằng chồng vô tích sự, ba đứa con dâu về hùa với mẹ chồng cũng nói thế. Cái tôi có chúng cóc cần, cái chúng cần tôi cóc có. Quả tình tôi không biết cách xoay ra tiền, nói như ngôn ngữ hiện đại mà mấy đứa con dâu tôi nói, tôi không biết cách đục khoét dân như mấy ông ở huyện tôi bán đất tôn nền đầu tư theo kiểu ma giáo nên gia sản chỉ có mỗi cái bằng Tiến sỹ, không mài ra xây biệt thự được, không đi mua quan bằng cái bằng Tiến sỹ được, ví như anh viết báo phải học cách lách báo đã, chớ có huênh hoang ta đây, đụng phải thằng tham nhũng có ngày đi đời nhà ma chửa biết chừng, nghĩa là, tôi là đồ vô tích sự. Nói rộng ra, xã hội ta bây giờ, hạng người như tôi không thích hợp vì nó cản bước tiến xã hội. Thằng tôi sống với trung thực nhưng đơn thương độc mã, không bắt tay chặt với bọn trọc phú chết nhăn răng có ngày.
Đúng giờ Canh Tý hôm sau, lễ truy điệu tôi được tiến hành trọng thể. Bốn người trong nội tộc khiêng linh cữu tôi ra tiền sảnh, trước cái hương án nghi ngút hương trầm. Ba thằng con trai tôi, bà cô ruột, chị gái tôi cùng những người thân thích trong họ tộc phục hai bên linh cữu suốt một đêm khóc than không ai bị ngất xỉu nên túi thuốc cấp cứu mất hết tác dụng, mắt vẫn nhòa lệ, răng cắn môi tứa máu trước nỗi đau âm dương đôi ngả. Cơ quan tôi đến dự có đủ mặt bộ tứ, gồm những nhân vật quan trọng trong hàng ngũ lãnh đạo, ngang cấp bậc đoàn đại biểu địa phương, ai nấy mang bộ mặt ưu tư sầu muộn, dù có giả tạo đến mấy đi nữa thì trong giờ khắc thiêng liêng của sự ly biệt cũng thật đáng trân trọng.
BanTang lễ giới thiệu đại diện cơ quan tôi lên đọc lời điếu. Ông Đại Sái trịnh trọng đứng trước hương án húng hắng mấy cái liền để lấy giọng tâng bốc người chết:
-Thưa quý vị! Thưa gia đình nhà hiếu! Chúng ta có mặt tại đây để bày tỏ tấm lòng tôn kính ông Ngô Đăng Tạ, một con người cao đẹp về nơi an nghỉ cuối cùng. Ông Ngô Đăng Tạ sinh năm 1987, a quên, xin lỗi năm 1957 tại làng Quao, Hà Lâu tổng, Nghĩa Bái huyện, bị tai nạn thảm khốc tại chân cầu Đá Bàn, a quên Đá Cháy, trên đường đi Hà Nội công tác, đã tạ thế hồi 11giờ ngày 25, tháng 3, năm 2008 tại nhà riêng, sau hai ngày bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ. Ông là người có chí tiến thủ, ham học hỏi và cầu thị, nêu tấm gương sáng về tinh thần đổi mới, chí công vô tư, sống vì nghĩa, vì tình, lấy chữ Nhẫn làm trọng. Ông về với Tiên tổ, cơ quan mất đi một chiến lược gia mẫn cán, gia đình mất đi một người chồng thủy chung, một người cha mẫu mực suốt đời tận tụy lo toan gánh vác dựng xây gia đình hạnh phúc, họ tộc mất đi một người thân trọng nghĩa luôn luôn chăm lo cho khối đoàn kết máu chảy ruột mềm, bạn bè mất đi một người thân quý trung thực. Ông Ngô Đặng Tạ kính mến! Trước nỗi đau ly biệt, chúng tôi, những người thân thiết của ông xin cầu nguyện cho vong linh ông siêu thoát ở cõi vĩnh hằng và đồng tâm xin hứa sẽ làm hết sức mình, tiếp tục hoàn thành phần việc lớn lao do ông để lại để mưu cầu hạnh phúc cho dân. Trước vong linh ông, chúng tôi xin lấy danh dự con người hứa sẽ hoàn thành và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng là đồng đội tin cậy của ông. Tôi trân trọng xin quý vị và gia đình nhà hiếu một phút tưởng nhớ ông!
Người trong nội tộc tôi bảo,ông Đại Sái đạo điếu bài điếu ông phó Chủ tịch huyện mới tịch được tuần đầu vì chứng đột quỵ, nghe nó “chuế” thế nào ý, nhưng người dự tang lễ nghe như nước đổ đầu vịt, ai mà nhớ được để soi xem sai đúng chỗ nào để tu chỉnh, mà tu chỉnh để làm cái gì? Bà cô ruột và chị gái tôi khóc khản đặc tiếng, mệt lả, người rũ xuống như cây chuối bị bão quần. Người nhà phải nhanh chóng đưa họ ra khỏi đám đông để cấp cứu. Khi linh cữu tôi đặt vào chiếc xe tang sắt dỉ hoen ố, hôi hám thì xảy ra một vụ việc thật đáng xấu hổ. Con vợ thằng Cả lỏn lại mở khóa hòm phúng quơ hai mươi mốt cái phong bì đúng lúc bà cô ruột tôi vừa tỉnh lại trông thấy,nó vội quỳ xuống lạy như tế sao. Bà cụ bảo, cháu là chị cả trong nhà phải nêu gương tốt cho các em, sao lại làm cái việc thất đức hả cháu? Thôi trót dại rồi, cháu nộp trả lại đi, cô tha. Con dâu tôi vội bỏ hai mươi mốt cái phong bì tội lỗi vào hòm phúng rồi lẻn đến bên chồng theo sau linh cữu khóc lóc thảm thiết lắm, nhưng không rỏ giọt nước mắt nào. Người leo lên cái xe tang dúm dó trước vẫn là bà cô ruột và chị gái tôi rồi mới thấy mụ vợ và ba đứa con dâu tôi bu vào cái quan tài.
Ba thằng con tôi mặc áo xô, đầu chít khăn tang đúng luật, chúng phải đi chân đất, như bắt chúng đi tù khổ sai. Đến nghĩa địa, người ta đặt quan tài xuống. Lão pháp Son thỉnh lễ cúng thổ địa xong mới cho lệnh hạ huyệt. Việc đào huyệt, lấp đất, tất cả đều khoán gọn cho bọn quản trang, chúng chỉ moi đất ở cái huyệt mới cải mả lên sửa lại qua loa bảo đấy là huyệt mới, ông chú họ tôi hỏi tại làm sao lại chôn tôi vào cái huyệt mới cải mả, liền bị thằng quản trang mắt lé quát vào mặt, tại không xì tiền gấp đôi thế thôi, chết thì chôn huyệt đéo nào mà chẳng được, vẽ chuyện. Cái quan tài khỉ gió chưa kịp hạ thổ đã bị bật đinh, nước người tôi rỉ ra tanh lợm, mọi người phải dãn ra, trừ bà cô ruột, chị gái và ba thằng con tôi cứ lăn xả vào ôm cái quan tài bất chấp nguy hiểm tính mạng.
Sau khi tôi mồ yên mả đẹp, thằng Cả trịnh trọng mời bà con cô bác về nhà hiếu ăn bữa cơm nhạt, nhưng quê tôi không có tục lệ ăn cỗ sau khi đưa ma về, nên ai về nhà nấy đỡ tốn kém cho nhà hiếu.
Chiều hôm ấy gia tộc ra lễ cúng ba ngày cho tôi luôn. Pháp Son làm ba lá bùa yểm, một lá chôn ở trước cửa đại, một lá chôn ở giữa sân, và một lá bùa dán ở cửa phòng vợ tôi. Mụ vợ tôi quen bán dưa lê hết bàn chuyện bán chức, buôn quan chuyển sang chuyện mua nhà, bán đất, nhưng không hiểu ý nghĩa lá bùa dán ở trước cửa phòng mình. Pháp Son cảnh báo, nếu trước ba năm để bàn chân lạ bước qua, không thể tránh được thần trùng vì ông nhà thiêng giữ bà. Việc ấy đúng sai thế nào thời gian sẽ trả lời.
Pháp Son phán quyết vậy, nhưng gia tộc tôi, thậm chí cả lũ con tôi, chúng cũng không tin lá bùa của lão giữ chân được con đàn bà hám tiền, chuộng lạ. Hãy đợi đấy ! Đúng là lá bùa của gã chẳng có tác dụng quái gì thật. Chỉ sau tuần đầu chôn tôi, quen mui, mụ đã rước ngay thằng đĩ đực về để nó đụ chứ đâu có chịu ba năm nằm không, bởi như tôi biết, khi tôi còn sống, mụ đã cắm sừng vào trán tôi rồi.
Ba lá bùa ấy gã pháp Son đòi triệu hai, cộng khoản tiền lễ khâm liệm, lễ cúng thổ thần, thổ địa khai huyệt và lễ thổ thần hậu an táng triệu ba,vị chi là hai triệu rưỡi. Thằng Thứ vênh mặt lên bảo, ông ăn dầy thế, không sợ hóc à ? Mụ vợ tôi sợ thằng này khùng lên đập vào mõm gã, vội xì ra đủ hai triệu rưỡi rồi nhẹ nhàng tống khứ gã đi cho khuất mắt.
Bà cô ruột tôi dạy con dâu cả tôi một bài học làm người rồi cho qua chẳng môi hở răng lạnh, không ngờ con vợ thằng Thứ ranh ma nó rình chị dâu xà xẻo tiền phúng viếng bố liền khui chuyện bẩn này ra trước mặt cả nhà. Nó không úp mơ nói trắng phớ ra là chị dâu Cả thủ hai mươi mốt cái phong bì trên bàn thờ bố bị bà Sinh bắt quả tang, chị ấy lạy cô như tế sao. Tôi trả lại hết rồi. Con dâu cả nhem nhẻm cãi. Thằng chồng mặt nghệt ra nhợt như đít ếch. Thằng Thứ xỉ vả chị dâu là “con vét đĩa, sống bẩn như giống chó. Con chị dâu xửng cồ, chồm lên túm cổ áo em chồng mày bảo tao là giống chó, còn mày là giống gì hở thằng mất dạy rình chị dâu tắm, tao nể mặt mẹ, không thì chồng tao đã cho mày ra bã. Vợ thằng Thứ khùng lên túm tóc chị dâu. A, con này vu oan giáo họa cho chồng tao, tao thề liều chết với mày. Thế là cuộc ẩu đả diễn ra như hai con thú đói cắn xé nhau.Thằng Út lôi vợ nó về bỏ mặc hai cặp vợ chồng anh dày xéo nhau. Kệ xác chúng nó, cho chúng nó chết, dây vào của hủi ấy làm gì.Thằng Út nói.

*

Hôm sau, lại tái diễn một bi kịch nữa. Con vợ thằng Út không biết nghe ai sang bóc lá bùa dán trước cửa phòng mẹ, nó xưng xưng bảo lão pháp Son đểu giả dán lá bùa ấy với dụng ý xấu. Xấu cái gì mới được chứ, mày thử nói tao nghe! Mẹ chồng hỏi. Nàng dâu bảo không phải để trừ ma mà để lão lấy cớ bảo cấm ba năm không được cho người lạ bước qua cửa phòng mẹ, cốt giữ mẹ để tòm tem,  con đi guốc vào bụng thằng chó đểu ấy. Thằng Cả cục tính sẵn vặn hỏi, mày dám bảo mẹ tao là đồ con đĩ hả, rồi giơ thẳng cánh cho em dâu cái tát nảy đom đóm mắt. Thằng Út thấy vợ bị đánh đòn vô lý liền xông vào cho anh một quả nốc ao như trời giáng.Thằng Thứ về thấy anh chị em trong nhà đánh lộn nhau sinh chán bỏ ra quán đầu xóm uống rựơu xếch say khướt, vợ nó phải cõng về lấy rượu gừng xoa bóp mãi tận sáng mới tỉnh.
Buồn khổ vì lũ con trai không dạy đuợc vợ, mụ vợ tôi thẳng thừng tuyên bố tao không cúng tuần đầu cho bố chúng mày mà đưa luôn ông ấy vào chùa ăn mày cửa Phật, đứa nào thích thì về nhà mà cúng, đừng làm khổ tao.Thằng Cả  bảo mẹ nói thế mà không thấy xấu hổ như, tại sao lại phải đưa bố con vào chùa. Có thật mẹ định làm thế không, để anh em con còn liệu. Con nói cho mẹ biết, mẹ làm thế là thiên hạ chửi cho đấy.
-Tao chẳng sợ thằng nào con nào chửi hết. Việc tao, tao làm không khiến chúng bay nhúng mõm vào. Mụ vợ tôi khùng lên.
-Tao quyết định đưa ông ấy vào chùa ăn mày cửa Phật đấy, chúng bay làm gì tao? Giải tán, đứa nào về nhà đứa nấy. Giọng nanh nọc của mụ áp đảo lũ con.
Đúng ngày Rằm, mụ vợ tôi đem tấm ảnh tôi vào chùa xin cho chồng ăn mày cửa Phật. Nhà chùa đặt bức ảnh tôi vào cái kệ đặt dưới bức tượng ông Ba Mươi. Thấy mụ vợ tôi tâm thành cầu nguyện đấng tối cao, nhà chùa cảm động ghê lắm, vì đây là lần đầu tiên có một con nhang đệ tử dám cả gan đưa phần hồn chồng vào nương náu nơi cửa phật, xóa sạch những ấn tích thời oanh liệt của một con người  không chút nuối tiếc những tháng năm ngủ rừng cơm vắt...
Thằng Út về xin anh tha thứ. Hai anh em ôm nhau khóc. Rồi nó sang hoạnh mẹ tại làm sao mẹ lại đưa bố vào chùa, mẹ không sợ thiên hạ người ta ỉa vào mặt cho à? Chẳng gì bố con cũng là người có học. Mẹ đã quên phận sự người vợ. Đối với chúng con, bố có là kẻ ăn mày thì bố vẫn là bố chúng con và là chồng mẹ, một người chồng không phải vô trách nhiệm và phản bội, nhưng mẹ đã xử sự bất công với bố.
 Mụ vợ tôi lại khùng lên:
-Mày bênh hở, mày bảo ông ấy là người chồng có trách nhiệm, trách nhiệm cái gì mới được chứ? Trách nhiệm, trách nhiệm mà để vợ con nheo nhóc, chỗ chui ra chui vào như cái ổ chuột, thử hỏi tao là con đàn bà lệ thuộc vào chồng liệu chúng mày có ra đứng đường, đứng chợ không ? Mày lại còn bảo ông ấy không phản bội tao. Chuyện này dài tập lắm. Nhân thể mày bảo ông ấy không phản bội tao, tao nói toạc móng heo cho mày biết, tao đã ngậm đắng nuốt cay mấy chục năm trời nay, mày hiểu chưa? Lúc yêu tao, ông ấy thề sống thề chết chưa cùng ai, tin vào lời ngon ngọt của ông ấy, tao nhận lời gá ngãi, những tưởng sống với nhau đến đầu bạc răng long ngờ đâu, đẻ mày ra tao mới vỡ lẽ ông ấy đã có vợ và mụn con gái ở dưới quê. Mày bảo ông ấy phản bội tao hay tao phản bội ông ấy ? Tao đã mấy lần định ra cầu Miêu tự vẫn, nhưng vì mày, mày hiểu chưa, tao phải sống trong nỗi dằn vặt đau khổ. Ông ấy không hiểu nỗi đau tao mang trong người như một khối ung nhọt ngày càng nhức nhối. Còn ông ấy, mày biết không, vợ đẻ ba mặt con chưa hề một lần giặt cho con cái tã. Đi biền biệt, năm bữa nửa tháng mới đảo qua nhà một lúc lại mất tăm luôn.Tao oằn lưng nuôi con một mình, có chồng cũng như không.
-Thế mẹ mới cắm sừng bố cho hả chứ gì? Thằng Cả hỗn xược cật vấn mẹ.
Đúng lúc cuộc cãi lộn lên đến cao trào chưa phân thắng bại thì thằng Thứ  đến.
-Nhà lúc nào cũng như cái chợ vỡ. Còn chuyện gì chưa bới thối ra thì bới đi, đừng để tích tụ lại thành ung nhọt thì không khéo phải tùng xẻo đấy.
-Mẹ cho bố vào chùa thật rồi, mày tính sao bây giờ ? Thằng Cả hỏi.
-Cho bố vào chùa, mẹ có điên không đấy ? Thằng Thứ chất vấn.
Thằng Út trừng trừng nhìn mẹ:
-Mẹ điên thật rồi, điên thật rồi. Tại sao mẹ không nói với chúng con, mẹ có câm đâu.
-Tao không câm cũng không điên mà vì chúng mày chém nhau bằng lưỡi rồi chứ không phải chỉ chém nhau bằng dộng, không còn mặt mũi nào nhìn mặt nhau nữa, cúng không bõ phiền, thử hỏi cúng làm gì mới được chứ ? Thà cho ông ấy vào chùa ăn mày cửa Phật không phải thấy chúng mày cắn xé nhau.
Ba thằng con ngồi im như thóc. Chúng thở dài thườn thượt. Một lúc lâu sau, thằng Cả đứng lên vươn vai rồi bảo:,
-Thôi đã đến nước này thì mẹ muốn làm gì tùy ý mẹ, con không có ý kiến gì.
Thằng Thứ đốp lại ngay:
-Anh nói đéo nghe được, tùy mẹ là tùy thế nào, anh là con trưởng, anh phải có chính kiến.
-Chính cái con khỉ, mẹ đã đưa bố vào chùa, an bài rồi, nói đi nói lại làm gì để thiên hạ người ta ỉa vào mặt cho.Thằng Cả dứt khoát.
- Mồ mả nhà này động rồi mới đốn mạt đến thế là cùng.Thằng Út nói.
Thằng Thứ giọng đầy tiêu cực:
-Mẹ hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này, nếu xảy ra chuyện không hay.
Con vợ thằng Cả bảo chồng:
-Vào chùa ăn mày cửa Phật suớng chán còn ta thán cái nỗi gì mới đuợc chứ?
- Có câm cái mõm lại không mất hàm răng bây giờ. Thằng Cả đe vợ.
-Tôi nói thật nhá, nhà mình có đến nỗi nào đâu, ba anh em có bằng đại học đỏ hẳn hoi mà không cúng nổi bố phải đưa vào chùa nguời đời ỉa vào mặt cho, không biết nhục.Vợ thằng Thứ nói kiểu chọc tức.
-Câm mẹ cái mõm thối đi. Thằng chồng quát.
Ngày Rằm vợ thằng Út vào chùa thắp hương xin lộc nó mới hỡi ôi ra là bố mình vào chùa ăn mày cửa Phật. Nó về nhà bảo chồng:
-Mẹ cho bố vào chùa để khỏi cúng chung chứ gì, đây chẳng lạ chuyện anh em nhà các anh, đồ chó má cả.
-Quân đê tiện. Thằng Út nhiếc vợ.
Con vợ cười hi hí khiêu khích:
-Mỗi năm giảm được kỳ giỗ bố lợi được triệu bạc, nhưng triệu bạc không  quan trọng mà là cái lợi mẹ được gần gặn pháp Son, đỡ lôi bố ra chửi mới là quan trọng.
Từ ấy ba đứa con dâu cạch mặt nhau. Chị em không đến với nhau trở thành nguời dưng. Đuờng không đi cỏ gai mọc
Chuyện phần hồn tôi vào chùa ăn mày cửa Phật chỉ rộ lên mất mấy hôm đầu rồi sau đó như bát nước nóng nguội dần, không ai quan xiêm nữa và vợ, con tôi bắt đầu cảm thấy mãn nguyện, chẳng còn điều gì lăn tăn phiền muộn.

*
Hồi tôi còn ở dương thế, từng nghe đám con nhang đệ tử kháo nhau rằng, người trần cúng một bữa, người âm ăn đủ cả năm. Có lẽ có lúc nào đấy bản tính thiện của con người trỗi dậy, mụ vợ tôi lo tôi chết đói, chết khát nên cứ vào đêm rằm mồng một thanh vắng là thỉnh lễ giữa trời cầu siêu cho tôi. Và, đã không quá một lần, giữa đêm khuya thanh vắng, lạnh lẽo rùng rợn, mụ vợ tôi gọi tôi, có lẽ sám hối, ba lần mụ gọi tên tôi, nhưng đã quá muộn màng, bát nước đổ xuống đất không hót lại được rồi, dẫu vậy, đối với tôi đấy cũng là điều rất quý. Vì còn nằm trong cung một trăm ngày, hồn chưa nhập xác, nên tôi vẫn lảng vảng quanh quanh nhà tôi, quanh quanh làng quê tôi, dương thế, người trần mắt thịt biết sao được.
Một hôm từ bãi tha ma, lần trở về làng, qua con ngõ tối om om gần nhà thằng Cả, nhân tiện tôi ghé vào xem vợ chồng, con cái chúng sống thế nào thì gặp một bóng nguời xuất hiện.Tôi né vào hàng dậu thưa lánh mặt. Bất chợt cái bóng kia lộ nguyên hình gã pháp Son. Gã xách cái túi đựng đồ nghề hôm thỉnh lễ ba ngày cho tôi đi thẳng vào nhà thằng Cả, quan sát chung quanh không thấy động tĩnh gì, gã cẩn trọng thò tay vào túi nghề lấy ra một gói gì đó rồi miết mạnh vào cánh cửa, xong đâu đấy, gã đánh tiếng gọi chủ nhà. Thằng Cả ra mở cửa mời gã vào. Gã ngồi xuống cái tràng kỷ, ngước mắt nhìn lên trần nhà bảo:
-Cái nóc nhà anh có vấn đề.
-Vấn đề gì hở ông? Thằng Cả hỏi lại.
-Hẵng hượm, rồi tôi sẽ giải thích cho anh hiểu.
Thằng Cả rót trản trà nóng mời gã. Gã chiêu một hơi cạn rồi thủng thẳng tiếp:
-Từ mai, anh nên quan tâm đến nhà mình hơn, nếu thấy hiện tượng gì khác thường, phải báo cho tôi ngay, để còn liệu cách phòng. Gã đứng lên cáo từ.
- Vâng, có chuyện gì không bình thường cháu phải cậy cửa ông.
- Được. Tôi sẽ giúp tận tình. Gã đáp.
 Vợ chồng thằng Cả vào giường nằm chưa nóng chỗ nghe có tiếng đập cửa thình thịch, thình thịch. Thằng Cả mở cửa ra, không thấy động tĩnh gì nó đóng lại quay vào với lấy bao thuốc Du lịch rút một điếu, chưa kịp nổi lửa đã có tiếng đập cửa thình thịch, thình thịch. Thẳng Cả vứt điếu thuốc mở của vẫn không thấy gì. Nó quay vào ngồi xuống chiếc ghế ngựa nhìn ra sân một lúc lâu vẫn không thấy động tĩnh gì mới đóng cửa thì lại có tiếng đập cửa thình thịch, thình thịch. Lần này thật sự bất an, thằng Cả gọi vợ dậy. Chúng mặt xanh nanh vàng, thở dốc nghĩ đến thần trùng về bắt như thiên hạ nguời ta vẫn đồn thổi. Chúng chạy thốc sang nhà mẹ.Trời tối đen như mực. Mới đến cửa chúng đã nghe thấy tiếng rên ư ử, ư ử như tiếng trẻ con rên ở bên cửa sổ, gần chỗ giường mẹ nó nằm. Thằng Cả cố trấn tĩnh lắng nghe tiếng lạ, nhưng càng lắng nghe càng rõ tiếng rên ư ử,ư ử như tiếng trẻ con rên. Vợ chồng nó không còn hồn vía nào, vội chạy biến về nhà. Chúng đốt đèn sáng choang rồi mở tung cửa ngồi hút thuốc vặt thông đêm.
Mụ vợ tôi ngủ say từ chập tối, không nghe thấy gì, sang canh tư vột dậy nghe thấy tiếng rên ư ử, ư ử như tiếng trẻ con rên, mụ áp sát tai vào tường lắng nghe, ba hồn chín vía bay hết. Mụ kéo chăn trùm kín đầu, bịt tai lại, nhưng đêm khuya thanh vắng, tiếng rên ư ử, ư ử như tiếng trẻ con rên rõ mồn một. Mụ run như rẽ, đầu óc u mê. Từ ấy, mụ thấp thỏm không yên, mắt dán lên trần nhà, trằn trọc xoay bên nào cũng lệch. Mụ nghĩ lung tung, lúc thì cho là ma, lúc thì cho là thần trùng về ám. Mụ lại vột dậy bật đèn sáng choang ra sân quan sát. Không nghe tiếng rên ư ử, ư ử mà cũng chẳng có động tĩnh gì nữa. Mụ vào nhà tắt đèn lên giuờng đuợc một lát, tiếng rên ư ử, ư ử lại cất lên, lần này nghe tiếng rên nó rờn rợn chứ không như lúc đầu, hình như đứa trẻ đã đuối sức, nghĩ vậy, mụ càng kinh. Mụ lại bật đèn sáng choang, lập tức tiếng rên im bặt. Mụ quyết định lấy sách kinh ra đọc,chờ sáng.
Bảnh mắt, mụ đã chạy sang nhà thằng Cả. Mới ra khỏi ngõ, mụ đã gặp vợ chồng nó.
-Chúng mày đi đâu đấy? Mụ vợ tôi run rẩy hỏi.
-Chúng con sang bên mẹ đây. Thằng Cả nói.
Ba mẹ con mụ vào nhà.
-Chết thôi con ơi.Suốt đêm qua tiếng trẻ con rên ư ử, ư ử ngay cạnh giuờng mẹ nằm. Kinh lắm con ơi. Mẹ sợ lắm. Đến phải bỏ nhà đi nơi khác sinh sống thôi con ạ.
-Đêm qua nhà con bị đập cửa liên chi hồ điệp. Con mở cửa ra không thấy động tĩnh gì cả. Nhưng đóng cửa lại, lập tức nó càng đập mạnh hơn. Vợ chồng con sợ quá bỏ chạy sang bên mẹ. Chúng con mới đến cửa đã nghe thấy tiếng rên ư ử, ư ử như tiếng trẻ con rên ngay cạnh giuờng mẹ nằm. Chúng con hết hồn, hết vía vội chạy về. Vợ thằng Cả kể lể.
Thằng Cả càng lo lắng tợn, nó bảo:
-Sự việc bên nhà mẹ cũng trùng khớp sự việc bên nhà con cùng một thời điểm, như vậy không phải ma thì là cái gì.Thằng Cả lo lắng.
-Mẹ cũng nghĩ thế. Nếu không phải là ma tà, quỷ quái thì đúng là thần trùng bố con về bắt cả nhà rồi con ơi. Mụ vợ tôi hoảng hốt giục con sang mời pháp Son.
Thằng Cả thuật lại:
-Tối qua sang con chơi, ông ta ngước mắt lên trần nhà, dặn con phải chú ý quan tâm đến nhà mình hơn, thấy có điều gì khác thường phải bảo ông ấy ngay để có cách phòng. Ông ta về đuợc một lúc thì có tiếng đập cửa thình thịch, thình thịch.
- Nếu quả thật như vậy thì chứng tỏ ông pháp Son có con mắt thần nhìn thông tỏ nhà ta.Thôi con mời ông ấy sang đây cho mẹ, đi ngay đi, chuyện này nguy hiểm lắm, không thể trù trừ được. Mụ vợ tôi giục.
    
*
Tôi biết pháp Son chỉ là một tên bịp bợm có hạng, những trò bịp ấy đến nay vẫn chưa bị vạch mặt. Điển hình là trò bịp diễn ra trong đêm ấy tại nhà mụ vợ tôi và nhà thằng Cả, con trai tôi như tôi đã thuật hầu qúy vị độc giả.
Trò bịp ấy chẳng có gì là thần bí cả mà chỉ là chiêu cổ lỗ sĩ. Pháp Son bắt ba con cóc cụ nhét đầy bụng thuốc lào rồi khâu chặt miệng lại, đem chôn xuống  đất, cạnh giường mụ vợ tôi nằm chỉ để hở mỗi cái mõm. Ba con cóc cụ say thuốc lại bị đau bật tiếng kêu tiếng ư ử, ư ử nghe xa giống tiếng trẻ con rên thật.Trò đập cửa nhà thằng Cả phải nói rất lố bịch. Pháp Son học mót chiêu này của lão pháp Cỏn ở làng Lủ, lấy củ bản hạ giã nhỏ đem trát vào cửa truớc nhà. Lũ dơi đánh hơi thấy mùi quyến rũ, chúng kéo đến đập cánh vào chỗ bôi củ bản hạ chứ chẳng có gì thần bí cả. Trò bịp này đã bị dân bên Đọ Nam tổng lật tẩy từ lâu. Pháp Son thực chất chẳng mạng lại được bất cứ điều gì tốt lành cho thân chủ gã. Gã cao tay trừ ma tà nhưng thằng con độc của gã phóng xe máy tông vào dải phân cách chết tươi, bố gã đang sống vất vưởng không ra khỏi cái ổ chuột, con vợ gã bị những cơn hen phế quản thập tử nhất sinh...
Vợ, con tôi là một trong số hàng trăm nạn nhân bị mắc mưu thâm độc của gã pháp Son, nhưng tôi không sao báo mộng cho họ được vì tôi là người cõi âm, không làm được bất cứ điều gì cho người dương thế tránh khỏi oan khuất.
Ngay cả bố tôi, ông bị chết oan vì trung thành với sếp của mình, cô ruột tôi bảo ông ấy thiêng lắm đấy, nhưng khi gặp tai ương, tôi tâm thành sắm tiền vàng, mũ áo, xe máy, thuyền rồng đủ cả, khẩn cầu ông cứu mà sao vẫn chỉ thấy có trời cao, đất dày thôi, oan khuất vẫn hoàn oan khuất.
Người cõi âm có thể phù hộ được cho người dương thế mọi sự như ý như người dương thế nghĩ và sống với tâm linh thì tôi đã vặn cổ pháp Son và bọn lợi dụng tự do tín ngưỡng, đội lốt thánh thần hại dân lành. Những người cõi âm khác, hẳn cũng làm thế, họ sẽ phù hộ cho người trong gia tộc họ trên dương thế thăng quan tiến chức, sống trên pháp luật, trẻ mãi không già, giàu nứt đố đổ vách chứ không để cho họ nghèo hèn và bị đối xử như kẻ tôi tớ?
Đã đến lúc báo động đỏ. Người dương thế đang lâm vào con đường thần bí, u mê, mê tín. Họ như những con thiêu thân quăng mình vào vầng lửa, tin vào thần linh, mê tín dị đoan đốt thời gian vàng ngọc, đốt tiền của và công sức, đốt niềm tin. Pháp Son đến đâu cũng rao giảng, dương sao âm vậy, những kẻ cuồng tín trên dương thế tin gã, sắm sanh cho người thân ở cõi âm đủ thứ trên dương thế có: Biệt thự hiện đại khử tất các loại côn trùng độc hại, đời 2009. Xe ô tô Mỹ dành riêng cho một cặp vợ chồng vận tốc ngàn cây số giờ chống mọi tác động do va quệt gây ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn, đời 2009. Những bộ trang phục giữ nhiệt trung bình 36 độ mặc một lần rồi bỏ, đời 2009. Tủ lạnh sử dụng hệ thống tự động, không cần mở cửa cũng lấy những thứ cần lấy, đời 2009. Ti vi tinh thể lỏng toát ra mùi thơm của hoa hồng, đời 2009. Và, cả nàng hầu made in Việt Nam và hàng tỷ đô la Mỹ đem đốt lấy gio rải xuống sông cho người cõi âm mát mẻ.
Các con tôi làm ăn khá giả cũng lo được cho tôi tất cả những thứ quý hiếm như người ta, bởi chúng thương tôi cả đời vất vả, đáng sợ nhất là thiếu cái tình chồng vợ, không để tôi cực nơi cõi âm. Nhưng, quả thật, những thứ đó không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi “Người Cõi Âm” chưa một ai nhận được, thậm chí ngày giỗ, mâm cao cỗ đầy cũng đã có ai được hưởng? “Người Cõi Âm” cũng chẳng cần gì cả, bởi dưới cõi âm, hoàn toàn không phải lăn tăn về miếng cơm manh áo, về ngôi nhà cho mình. Thứ mà người dương thế bảo là vật chất, tôi bảo đảm là cõi âm không thiếu thốn bất cứ thứ gì. Nói như thế không phải ngồi mát ăn bát vàng mà phải làm việc và làm việc, và có nghĩa vụ với cộng đồng chứ không thể sống kiểu đèn nhà ai rạng nhà nấy.
Tất cả mọi nhu cầu của con người, bao gồm nhu cầu về vật chất và tinh thần đều được xã hội lo, vấn đề là ở chỗ cá nhân phải đề cao trách nhiệm công dân. Đó là điều nghiêm ngặt. Xin nói một ví dụ:  Bất kỳ ai, vứt một mẩu thuốc lá ra đường cũng đều bị phạt nặng, cho nên vệ sinh môi trường tuyệt vời. 
 Tôi xin thưa: Không phải chỉ có những người văn hóa thấp có hành vi vô văn hóa, mê tín dị đoan, tự chuốc hại vào thân. Hiện hữu một nghịch lý, một bộ phận không nhỏ nhà văn hóa, nhà báo, nhà doanh nghiệp, thậm chí cả những chính khách, người có quyền, có chức lại là những người mê tín dị đoan nhất. Họ không chỉ lập đền tại gia mà còn thường xuyên đến đình, chùa, miếu mạo cầu thần linh. Một bà quan ở bộ về thăm một làng nghèo, nhưng qua cổng làng phải dẽ ngay vào đền thờ Phạm Nhan, kẻ rắp tâm làm tay sai cho quân Nguyên phản dân, hại nước bị quân nhà Trần chặt đầu trên sông Bạch Đằng vì sợ bị ám. Một bà quan sang đền Lân hạ cố xin pháp Son, Đại hội Đảng bộ huyện sắp tới cho chồng vào cấp uỷ, một bà quan lạy pháp Son để xin cho thằng con đang làm phóng viên được phong chức phó đài. Chuyện thật mà cứ như đùa. Lại một chuyện nực cười nữa, số là ông huyện muốn xây biệt thự, sợ tuổi Kim lâu phải đến cửa pháp Son bói quẻ Thần, pháp Son phán, ông tuổi Kim lâu, nhưng nếu lập đàn cầu siêu cho ba con ma cụt đầu trên thổ đất ông định xây biệt thự cũng có thể xây được. Ông huyện tuân thủ lời pháp Son, hí hửng sẽ trừ được ma, diệt đựợc tà, nhưng đang ra lễ thì thằng con trai đột tử, phải đình lại. Phu nhân ông đi xem cô hồn, cô hồn bảo, xây biệt thự trên thổ đất ấy quoay cửa vào núi ắt phu thê li biệt. Ông huyện đang phân vân chưa ngã ngũ nghe ai thì xảy ra cuộc cãi vã giữa gã pháp Son với mụ cô hồn. Sư bảo sư phải, vãi bảo vãi hay. Không ai chịu ai, rốt cuộc đả nhau, may mà có người can không thì thâm mày tím mặt. Bấy giờ ông huyện mới ngã ngửa người ra là mình ngu. Nhiều quan chức còn mê tín đến mức tổ chức hội nghị, xét duyệt dự án, hội thảo, ra nước ngoài đều phải xem ngày tốt mới thực hiện. Phải khấn thần linh mới ra khỏi nhà. Mở cổng gặp phụ nữ sợ phải vía xấu, họ quay lại, bỏ cả việc quốc gia đại sự. Người cầm cân nảy mực không có biện pháp mạnh nếu không nói là bất lực nên vấn nạn “buôn thần bán thánh” ngày càng gia tăng, tràn lan khắp mọi hang cùng ngõ hẻm và nó không dừng lại ở một địa phương nào, một tầng lớp dân chúng nào. Không thể dẹp được quốc nạn “buôn thần, bán thánh,” xã hội tất sẽ bất  an
“Người Cõi Âm” phù cho bọn ác quỷ trên dương thế cầu tài đắc tài cầu lộc đắc lộc, cầu bình an đắc bình an, cầu thăng quan tiến chức đắc thăng quan tiến chức, chúng sẽ quanh năm suốt tháng cầu thần linh phù hộ độ trì cho chúng, quả thật sẽ cực nguy cho xã hội. Bọn tham nhũng sợ phải đền tội đem tiền vàng vơ vét của dân xây đền, đúc tượng được thần linh tha tội rồi sau đó, chúng lại tiếp tục tác oai, tác quái làm điều ác hơn, trên phạm vi rộng hơn. Người nghèo cầu cúng thần linh được đổi đời, họ sẽ không làm gì hết mà chỉ tập trung vào việc cầu cúng thần linh, đầu óc họ trống rỗng, chân tay họ rã rời hóng ngồi mát ăn bát vàng.
Thương cho những kẻ có đôi mắt sáng nhưng bị mụ mẫm, mù lòa. Họ không biết rằng, trong số hàng vạn người hành hương đền pháp Son cầu lộc, chính trị gia có, chính khách có, nhà doanh nghiệp nổi tiếng làm việc thiện có, nhà văn hóa, giáo dục có, người lương thiện có, người oan khuất có, nhưng cũng có cả bọn mua quan, bán chức, bọn tham nhũng, hối lộ, bọn lưu manh, đĩ điếm, côn đồ đâm thuê chém mướn, bọn móc túi v.v và v.v Thánh thần ban cho ai đắc tài, đắc lộc? Nói tóm lại, một khi con người ta mất niềm tin, thay vào đấy là lấy việc cầu cúng thần linh mong được sự an lành tất sẽ dẫn đến xói mòn đạo đức xã hội.
Thưa quý vị độc giả kính mến ! Tôi, “Người Cõi Âm,” nói điều dương thế có thể quý vị độc giả cho đấy là điều ma quái, ăn nói hàm hồ, không thể tin được. Đó là quyền của quý vị. Nhưng xin quý vị độc giả kính mến hãy gấp cuốn sách lại dành một khắc, một khắc thôi, để liên hệ với thực tiễn đời sống dương thế, đối chiếu xem hư thực thế nào, có giống chuyện bi hài của gia đình tôi? Tôi cũng tha thiết khấu đầu bái lạy xin quý vị độc giả cho thêm cơ hội để tôi tiếp tục hoàn thành nốt phận sự người cõi âm đối với dương thế cho trọn một kiếp người. Kính cẩn báo.