(Tản văn)
Ở Việt Nam, cứ một làng hoặc vài làng – xã lại có một cái chợ (thị). Những làng lớn, có tiếng trù phú, có khi có tới 2 chợ. Trong thành phố có những chợ rất lớn, rất nổi tiếng. Chẳng hạn, ở thủ Đô Hà Nội: Đồng Xuân - Bắc Qua, Hôm - Đức Viên, Mơ, Cầu Giấy, Yên Phụ, Bưởi, Ô Đống Mác… Ở cố đô Huế: chợ Đông Ba. Thành phố Hồ Chí Minh: chợ Bến Thành. Rồi Đồng Đăng có phố (chợ) Kỳ Lừa, chợ Tình Sa Pa, Khau Vai; chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm), chợ Viềng (Nam Định) mỗi năm mới có 1 phiên, chợ Hà Đông chuyên mua bán trâu, bò, chợ Trôi (Hoài Đức) bán đó, nơm, giỏ, hom, lờ và nhiều dụng cụ đánh bắt cá, tôm nước ngọt khác; chợ Sắt Hải Phòng, chợ Âm Phủ (19 – 12) ngay giữa lòng phố Hà Nội; chợ Long Biên – đầu Cầu, chợ Gạo (thành tên phố); chợ hoa Ngọc Hà, cống Chéo - Hàng Lược, Nhật Tân; chợ Tó, chợ Yên, chợ Bỏi, chợ Cổ Loa… bên Đông Anh; chợ nổi trên sông nước, kênh, rạch Nam Bộ…Cơ man là chợ đủ kiểu dọc ngang đất Việt, từ Bắc vào Nam, từ đông sang Tây, từ duyên hải, đồng bằng, tới trung du, núi cao… Cứ ở đâu có người Việt quần cư là ở đó có chợ.
Nội trong huyện Từ Liêm chúng ta, đã thấy bao nhiêuchợ: từ chợ Vẽ (Đông Ngạc), chợ Cầu Thăng Long, chợ Trèm, chợ Gạ (Phú Thượng), chợ Cáo (Xuân Đỉnh), chợ Noi (Cổ Nhuế), đến chợ Đăm (Tây Tựu), chợ Nhổn (Minh Khai), chợ Diễn (Phú Diễn), chợ Mỗ (Tây, Đại Mỗ), chợ Canh (Xuân Phương – Vân Canh)… Mỗi chợ định 1, 2 ngày (âm lịch) phiên trong tuần khác nhau; Ví dụ: chợ Bưởi: ngày 4, 9; chợ Vẽ: ngày 2, 7…Có chợ hoạt động thường nhật, tấp nập kẻ bán người mua, từ tinh mơ đến tối mịt, thậm chí 20 – 21h. Ngày nào cũng thế!
Chợ được hình thành từ bao giờ? Như thế nào? Đó là những câu hỏi thú vị nhưng không dễ trả lời chính xác. Chỉ có thể nói chung chung rằng chợ Việt được hình thành một cách tự phát bởi nhu cầu trao đổi, mua bán vật phẩm, hàng hóa, phục vụ sinh hoạt và sản xuất của 1 vùng dân cư. Mà nhu cầu ấy thì có từ rất lâu đời, hằng trăm, thậm chí cả ngàn năm trước. Nhất là từ khi đồng tiền - vật ngang giá (kim loại, giấy) xuất hiện, khiến cho việc mua bán càng thuận tiện, chợ càng có điều kiện mở rộng, phát triển. Hà Nội ta được gọi là Kẻ Chợ có lẽ mới chỉ từ thế kỷ 19; nhưng Thăng Long thành với 36 phố phường buôn bán sầm uất; những Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai…với chợ trung tâm Đồng Xuân – Bắc Qua, và bao nhiêu chợ nhỏ ở các phố lân cận: chợ Hàng Da, chợ Hàng Buồm, Hàng Bè…thì có lẽ xuất hiện phải từ vài trăm năm trước nữa…?! Chịu khó khảo sát tìm hiểu, thậm chí chỉ vài lần chơi, thăm chợ, người tinh ý cũng đã có thể hiểu được phần nào thực trạng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tâm lý của một vùng dân cư chung quanh chợ.
Có thể nói tới một văn hóa chợ Việt rất xứng đáng là một trong những đề tài luận văn nghiên cứu cấp Tiến sỹ khoa học, Tiến sỹ chuyên ngành văn hóa - sử, địa - văn hóa.
Trong bài tản văn nhỏ này, tôi không thể và cũng không chủ định khảo sát về chợ Việt hay chợ Hà Nội, hay chợ Từ Liêm nói chung, mà chỉ cảm luận đôi điều vụn vặt về chợ Trèm làng tôi mà thôi!
Nếu quá trình hình thành và phát triển chợ của làng Vẽ (Đông Ngạc) láng giềng khá suôn sẻ, thuận chiều, bắt đầu từ Bãi Hoa (bãi Soi) ngoài bờ đê chuyển vào trong đê, từ sân Văn Chỉ, cạnh Đình Vẽ qua trước cửa hàng HTX Mua Bán (bên cạnh ngõ Chùa, giáp xã Thụy Phương rồi chuyển về địa điểm hiện nay, bên trái đường 69. Chợ Vẽ ngày càng khang trang, sầm uất, thu hút cả bà con làng Trèm cũng tới đó mua bán tấp nập… thì lịch sử hình thành và phát triển của chợ làng Trèm quanh co và kém may mắn hơn nhiều.
Chợ Trèm khởi thủy có tự đời nào, hiện chưa ai rõ. Chợ tọa lạc ngoài bờ đê (địa điểm bến phà Trèm hiện nay), kề bờ hữu Hồng. Trên bến, dưới thuyền, người bán, kẻ mua nhộn nhịp, tưng bừng từ sáng đến chiều. Thuyền đinh (mũi nhọn như chiếc đinh) thuyền cánh dơi, tải lâm thổ sản từ miền rừng núi Tuyên Quang, Phú Thọ, Việt Trì về, chở thủy sản, nông sản từ Nam Đinh, Hưng Yên, Phố Hiến… ngược lên, từ Vĩnh Phúc, Đông Anh, Hối Độ, Sáp Mai, từ bờ bắc qua, chuyển lên bờ, đưa vào chợ bán buôn, bán lẻ. Hai ngôi nhà - cầu chợ xây gạch, lợp ngói Tây (Hưng Ký), nền cao, thoáng. Thi thoảng đi qua đây, trầm ngâm lắng tai, tôi như vẫn còn nghe văng vẳng tiếng quai búa chí chát, đều đặn, tiếng bễ lò rèn phì phò thổi lửa mỗi sớm mai. Tiếng búa con của ông thợ cả nhịp nhàng dẫn gọi theo tiếng búa tạ chắc nịch của lão Cu râu xồm. Một con dao rựa đã rèn xong. Bác thợ nâng cây kìm dài kẹp chặt, bỏ tọt vào bể nước tôi bên cạnh. Hơi bốc mù trắng. Hàng rau bà Mạ, hàng đậu cụ La, hàng cháo cái cụ Ba, gánh phở chú Sì…không nhớ hết!
Tôi không thể nào quên những lần được bám váy bà nội đi chợ Trèm, tha hồ hít ngửi cái mùi kỳ quái, mà sau này lớn lên mới biết là mùi chợ: tổng hợp giữa thơm, ngậy, bùi, tanh, thum thủm, hăng hắc…lúc dễ chịu, lúc khó chịu tỏa ra từ những sạp hàng sống, chín, thịt, cá, rau xanh, hoa quả…Trong khi bà tôi mặc cả từng hào, từng xu (bà tôi tính tiết kiệm lắm, không bao giờ chịu tiêu hoang, lãng phí, dù chỉ 1 cắc!) để mua vài bìa đậu, lạng thịt ba chỉ hoặc mớ tôm tươi thì thằng cháu đích tôn lũn cũn, nghiêng ngó, lắng nghe, miệng nhóp nhép nhai cái kẹo bột ròn tan, thơm lừng. Mua bán xong xuôi. Rau, quả, thịt, cá, bánh trái,… cả sống, cả chín được xếp gọn gàng, tách bạch đâu đấy vào chiếc rổ thưa cắp ở bên sườn, hai bà cháu tiến lại hàng cháo cái hoặc bánh cuốn, hoặc bánh đúc. Bao giờ bà cũng dịu dàng hỏi cháu:
- Nào, thằng bòi Tạo thích ăn sáng cái gì, bà mua cho nào?
Hôm thì bát cháo se nấu với sườn, tôm he, nóng hôi hổi, ngọt lừ; bữa thì bát phở tái sốt vang, nước dùng béo ngậy đỏ màu cam; hôm lại đĩa bánh cuốn mỏng tang, trắng tinh ăn kèm với chả quế cong veo, bùi nghìn nghịt. Đó là suất ăn sáng hậu hỹ bà dành cho tôi. Còn bà, bà gọi 1điã bánh đúc lạc hoặc bánh đúc ngô, chấm tương, ngồi bẻ từng miếng nhỏ, nhai chậm rãi. Bà vừa ăn vừa chăm chú nhìn xem thằng bé cháu cưng ăn có ngon miệng hay không? Rồi lại giục: - Ăn đi cháu! Quàng lên! Rồi bà cháu mình còn về. Nắng to vỡ đầu bây giờ! Bây giờ thì vợ chồng tôi cũng đã ở vào độ tuổi của bà nội ngày xưa ấy; cũng lon ton mấy đứa cháu nhí nhảnh, nghịch ngợm mà ngoan ngoãn, luấn quần bên mình chơi đùa, chuyện trò líu tíu, vòi vĩnh, nũng nịu... Nhưng chợ Trèm xưa còn đâu? Chợ Trèm mới vẫn đang đóng cửa im ỉm chưa biết đến bao giờ!? Chợ Vẽ thì xa! Làm sao có thể dắt cháu đi bộ để ăn quà sáng? Thôi đành để bố nó phóng xe máy ào mua về cho con vậy!
Chợ Trèm, với hai dãy cây bàng cổ thụ cao vút xòe từng tán rộng xanh om trên 4 mái cầu chợ làm cho chợ hầu như cả ngày mát mẻ. Lại thêm gió sông Cái thổi vào lồng lộng nên người mua bán tuy đông đúc, chen chúc mà không khí trong chợ vẫn không quá bức bí, ngột ngạt. Đó là cái thiên thời - địa lợi trời đất vô tư ban tặng dân Trèm. Kề bờ sông, cuối chợ là nhà bà Đỡ góa chồng có hai cô con gái xinh xắn và cậu con trai mảnh khảnh mê gảy đàn bầu. Trong không khí ồn ào của chợ phiên, giữa buổi sớm mai chan hòa ánh nắng, bỗng chen vào những thanh âm chậm chạp, run rẩy, lả lướt phát ra từ cây độc huyền cầm mà người chơi nghiệp dư đang cố tấu một bài dân ca cho đúng nhịp; nghe cứ thấy nó chênh vênh, lạc điệu thế nào! Bà mẹ ngoài 40, khuôn mặt trắng hồng, tròn trĩnh, mắt tròn răng hạt na đen nhánh, khăn nhung vấn nhóng nhánh, đuôi gà cao vắt vẻo. Bà làm nghề đỡ đẻ tư, y tá tư, ứng xử nói năng khéo léo, mát tay, tận tình nên đông khách lắm. Có thể nói, trước khi Trạm Y tế xã Thụy Phương thành lập, ngôi nhà riêng bên cạnh chợ Trèm và bà chủ của nó đã nghiễm nhiên là nơi khám bệnh, bán thuốc, chữa bệnh cho cả làng.
Mùa thu, mùa đông, cùng với những trận gió bấc cuốn cát bụi từ bãi giữa sông Hồng thổi vào mù mịt, rắc đầy chợ Trèm; những trận lá bàng đỏ sậm, lỗ chỗ, rụng ào ào như trút. Ngày ngày, bà lao công chợ quét dọn mấy lần, vun thành đống lớn ập vào góc chợ, đem về đun.
Nghe các cụ cao niên kể lại, hồi xảy ra trận đói khủng khiếp mùa xuân năm 1945, dân đói, kẻ ăn mày tứ xứ kéo đến ăn xin và tá túc ở chợ Trèm mỗi ngày có tới vài chục người. Đêm xuống, những thân người xanh mét, gầy guộc, vêu vao, dúi dụi như cái bóng ấy giàn, trải ngay đống lá bàng rụng thành những cái ổ lá, ngủ vạ vật qua đêm trong đói khát, lạnh lẽo. Và mỗi buổi sáng tinh sương, những tia mặt trời đầu tiên lại phát hiện một vài người nằm còng queo, không bao giờ dậy nữa!
Lão Cục (một người đàn ông đứng tuổi, nghèo kiết, tứ cố vô thân, đêm đêm thường tá túc nhờ trong Tàu tượng, đình (đền) Trèm) thường tự nguyện kéo 1 chiếc xe bò lọc cọc vào chợ, gom nhặt từng xác người vừa qua đời, chất lên xe, chở vào nghĩa trang trong đồng chôn cất. Nhà văn làng Nguyễn Hiếu đã chọn sự thực và nguyên mẫu này để sáng tạo nhân vật lão Cu khá độc đáo trong các tiểu thuyết Vệt xoáy trước ngực làng, Trăng mùa đông (Sự biến làng Chiện năm 1946) và Dòng sông màu máu vẫn chảy của anh.
Những tưởng chợ Trèm sẽ đồng hành mãi mãi với dân Trèm!
Nhưng giữa thập kỷ 60 thế kỷ 20, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ập tới nơi đây. Theo chủ trương của các cấp trên, chợ Trèm buộc phải giỡ bỏ, nhường địa điểm xây dựng bến phà Trèm - một trọng điểm giao thông quân sự – dân sự vùng tây bắc Hà Nội. Xây thì lâu. Phá thì nhanh. Chỉ ít lâu sau, chợ Trèm không còn 1 dấu vết nhỏ! Thay vào đó là dốc phà Trèm, bến phà Trèm rộng rinh, nườm nượp, hối hả người, xe xuống, lên đêm ngày. Tiếng cười nói, tiếng quát tháo, tiếng còi xe, tiếng máy nổ, tiếng còi lệnh lanh lảnh từng hồi… Bầu không khí căng thẳng thời chiến đã hoàn toàn thay thế bầu không nhộn nhịp, náo nức của chợ làng thời bình. Dân làng Trèm từ ấy, thế là mất chợ, mất một nguồn vui, nguồn sống không nhỏ. Nhưng nỗi buồn, tiếc, nhớ cũng qua nhanh vì tâm nguyện lớn của đồng bào cả nước đang sục sôi trong dạ:
Tất cả cho tiền tuyến! Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược! Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do!
Con cháu Lý Thánh Ông anh hùng sẵn sàng chịu đựng, hy sinh tất cả! Vả lại, chợ Vẽ cũng gần gựa ngay đây. Xuống đó mua bán cũng chẳng sao mà 2 làng lại thêm đoàn kết gắn bó. Trong Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, người ta còn giỡ cả nhà làm đường, làm hầm cơ mà.! Chẳng lẽ đồng bào khu 4 và cả miền Nam, miền Bắc vui vẻ: Nhà tan cửa nát cũng ừ! Đáng thắng giặc Mỹ, cự chừ, sướng sau!... thì mất chợ đã là cái gì, nhắm nhò gì!!! Nhiều cụ già quê tôi tự an ủi mình và con cháu như vậy; nhưng từ tận đáy lòng các bô lão Trèm, nhất là các lão bà chuyên đi chợ, vẫn không nguôi tiếc nhớ chợ Trèm, vẫn ao ước, mong mỏi tới một ngày làng Trèm lại xây được chợ riêng của làng mình, đặng sánh cùng chợ Vẽ và các chợ làng bạn như xưa…
Mơ ước, khao khát chính đáng và khắc khoải ấy, phải tới cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 này mới thành sự thật. Dự án phát triển Nông thôn mới được triển khai tích cực. Chợ Thụy Phương mới được cắt băng khánh thành tại địa điểm cánh đồng thôn Đông Sen, gần nghĩa trang làng.
Nhưng lạ một điều là những ngôi nhà – cầu – chợ khép kín, cao rộng, thoáng mát, 2 tầng, khang trang, tiện lợi, an toàn, đẹp đẽ nhường ấy được đưa vào sử dụng đã hơn 1 năm nay nhưng vẫn hoàn toàn vắng bóng kẻ bán, người mua. Nghĩa là vẫn nguyên si một cái chợ chờ, một cái chợ mới có xác mà chưa có hồn; nói theo kiểu tâm linh là chưa được hô thần nhập chợ! Tôi không phải là người có trách nhiệm nên không biết giải thích nguyên nhân khách quan, chủ quan vấn đề này như thế nào? Nghe người bảo vì đặt vị trí chợ không thích hợp! Người khác: vì lệ phí đăng ký chỗ kinh doanh quá cao, không hấp dẫn, thu hút. Người khác nữa: mua bán ở chợ cóc nhan nhản khắp các trục ngã tư, ngã ba đường làng, gần, tiện hơn nhiều. Việc gì phải vào chợ mới cho… rách việc!? Không rõ vì nguyên nhân nào là chính! Chỉ biết, cùng với thời gian, chợ Thụy Phương vẫn nằm đắp chiếu vô duyên bên Đường Các cụ, im lìm, lặng lẽ chẳng kém gì khu nghĩa trang làng bên canh (có khi lại còn đông vui hơn với những người sang sửa, xây cất mộ). Thỉnh thoảng, Ban quản lý chợ cho thuê làm địa điểm tiệc cưới. Nhưng cũng thi thoảng mà thôi!
Làm thế nào để nhanh chóng đưa chợ Thụy Phương hoạt động thực sự, làm sống lại quang cảnh chợ Trèm xưa, để tránh được sự lãng phí vô ích bao nhiêu công sức, tiền của, bao nhiêu thời gian? Trước vấn đề chưa được giải quyết này, ban Quản lý chợ Thụy Phương nghĩ gì? Đảng ủy và UBND xã nghĩ gì? Mỗi người dân Trèm nghĩ gì? Bản thân và gia đình kẻ viết bài này tự nguyện sẽ là những người khách đầu tiên vào mua sắm thường xuyên khi chợ mới thực sự khai trương. Dẹp bỏ triệt để các chợ cóc, chợ tạm trong làng, đưa tòan bộ các hộ, các cá nhân kinh doanh, buôn bán tập trung vào trong chợ mới cần được thực hiện với 1 lộ trình hợp lý, hợp tình, tự nguyện, tự giác và thuyết phục, dứt điểm kèm theo những điều kiện, chính sách, hợp đồng dịch vụ thỏa đáng, hấp dẫn người kinh doanh. Như thế, chúng tôi tin tưởng rằng nhất định sẽ thành công.
Chợ Trèm xưa nhất định sẽ phục sinh và phát triển trong chợ Thụy Phương hôm nay, trên đà nông thôn hóa, đô thị hóa hiện đại và văn minh đang diễn ra theo 1 quy luật phát triển mạnh mẽ, không gì và không ai ngăn cản được!
26 – 5 – 2013. ĐV
Đọc tham khảo, chia sẻ với 2 bài thơ cùng đề tài dưới đây
(đã đăng trong Hương Trèm tuyển tập (2012 – 2013):
CHỢ TRÈM
PHẠM VĂN TRƯỜNG
(Thôn Tân Nhuệ)
Chợ Trèm nổi tiếng một thời,
Nghìn năm? đã có từ đời nào đây?
Hồng Giang tấp nập đêm ngày,
Đò Trèm giao lộ ở ngay bến nhà.
Sơn lâm sản vật đều qua,
Hải sản vượt biển sông Hà đến đây..
Chợ đầu mối cả vùng này,
Bến Ngự bè gỗ ắp đầy bán buôn.
Đường đê, hàng quán, phố phường,
Đêm ngày, tấp nập giao thương một thời.
Trải bao vật đổi, sao dời,
Chiến tranh nhường chỗ làm nơi quân hành.*
Thắng giặc, non nước thái bình,
Phố - chợ tiện lợi, dân sinh ba làng*
PVT
Tháng nhuận Nhâm Thìn
• Bến phà Chèm thời chống Mỹ.
• Chèm – Vẽ – Liên Ngạc.
CHỢ CHỜ!?
LÊ ĐÌNH THU
(Thôn Đông Sen)
Nghe nói làng bên có Chợ Chờ,
Mà mình cứ ngỡ sống trong mơ!
Thời buổi thị trường như bão giật,
Ngu lâu mới để chợ nằm chờ?!
Chợ Chờ sừng sững giữa Thủ đô,
Đắp chiếu 2 năm, ngủ vật vờ!
Dài cổ ngóng, dăm bà thuê chỗ,
Mong người mua bán, bẽ bàng,… dơ!
Cấp trên ưu ái Chợ Chờ a?!
Chục tỷ có linh, hóa chuyện đùa?!
Tưởng tròn tiêu chí Nông thôn mới,
Lãng phí bao tiền, bấy xót xa!
Dân hỏi: - Xã làm quyết liệt chưa?
Trên chờ, dưới đợi đến bao giờ?
Mọi việc không thành thì sao tựu?
Tăng tốc mà coi: Chợ hết Chờ!
7- 5 - 15 - 5 – 2013.
LĐT