Việc những con số ra đời là một bước tiến về trí tuệ của loài người. Người ta dùng số để đếm, chỉ số lượng, chỉ thứ tự; để cộng, trừ, nhân, chia… Và những con số cũng đã bước vào văn chương từ những sáng tác dân gian đến văn học thành văn. Những con số không còn khô khan, nó có mặt trong nhiều bài thơ, khi ẩn khi hiện theo cảm xúc và mạch liên tưởng của tác giả. Cũng như thời gian vật lý hay thời gian tâm lý được các nhà thơ sử dụng như một yếu tố nghệ thuật, những con số trong văn chương có khi chỉ sự chính xác 100% theo nghĩa toán học, nhưng cũng có những con số chỉ là cách nói tượng trưng, ước lệ hoặc không xác định. Hư đó mà thực đó. Nó cũng lung linh huyền ảo như bảy sắc cầu vồng.
Ca dao, dân ca, tục ngữ, thường dùng các con số ở hai dạng để đếm và chỉ thứ tự. Những bài ca dao như “Mười yêu”, hay “Mười quả trứng”, “Mười hai tháng” … thì thiên về số đếm: “Một yêu tóc bỏ đuôi gà/ Hai yêu ăn nói mặn mà có duyên…” hoặc “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” hay số thứ tự như: “Tháng một là tháng trồng khoai/ Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà/ Tháng ba cày vỡ ruộng ra….”. Có những con số ta không thể xác định cụ thể, nó có thể chỉ số nhiều hay số ít, như: “Yêu nhau tam, tứ núi cũng trèo/ Ngũ, lục sông cũng lội, thất, bát, cửu, thập đèo cũng qua”. Hay những con số chỉ sự phiếm định, biểu trưng: Khi hát: “Đêm qua ba, bốn lần mơ/ Tưởng mơ thì thấy, dậy sờ thì không” (mơ nhiều lần), hoặc “Quả mai ba, bảy đang vừa” (tuổi vừa trưởng thành), hay “Chữ trinh kia cũng có ba, bảy đường” (Nguyễn Du) (chỉ những biến thể của chữ trinh). Song cũng có những con số chỉ sự chính xác với ý nghĩa toán học của nó. Bài: Phong dao cổ “Một quan tiền tốt” là một ví dụ. Người đi chợ đem một quan tiền để mua nhiều thứ. Sau khi làm phép cộng, phép nhân thì vừa hết chẵn một quan (600 đồng):
Một quan tiền tốt mang đi
Nàng mua những gì mà tính chẳng ra?
Thoạt tiên mua ba tiền gà,
Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu
Trở lại mua sáu đồng cau,
Tiền rưỡi miếng thịt, gíá rau mười đồng…
Có gì mà tính chẳng thông.
Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng trà tươị
Ba mươi đồng rượu, chàng ơi,
Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng "vàng".
Hai chén nước mắm rõ ràng,
Hai bảy mười bốn kẻo chàng hồ nghi
Hăm mốt đồng bột nấu chè,
Mười đồng nải chuối, chẵn thì một quan.
(Chú ý: 1 quan là 600đồng, 1 tiền = 10 đồng)
Ở bài ca dao “Thách cưới” những con số hiện ra hư ảo qua thủ pháp cường điệu để gây cười thật đáng yêu: “Cưới em có một tiền hai/ Có dăm sợi bún, có vài hạt xôi/ Cưới em còn nữa anh ơi/ Có một đũa đậu, hai môi rau cần”, hay “Người ta thách lợn thách gà/ Nhà em chỉ thách một nhà khoai lang”. Các con số “một” và “hai” kia chỉ sự khiêm tốn, ít ỏi. Nhưng khi nói “Một nhà khoai lang” thì lại chỉ số nhiều. Còn đây là những con số thách cưới của một cô gái nhà giàu:
Em là con gái nhà giàu
Mẹ cha thách cưới ra màu xênh sao
Cưới em trăm tấm lụa đào
Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời.
Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi
Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng
… Ba trăm nón Nghệ đội đầu
Mỗi người một cái quạt tàu thật xinh.
… Cưới em chín chĩnh mật ong
Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò
Cưới em tám vạn trâu bò
Bảy vạn dê, lợn, chín vò rượu tăm
Lá đa mặt nguyệt hôm rằm
Răng nanh thằng cuội, râu cằm Thiên Lôi
Gan ruồi, mỡ muỗi cho tươi
Xin chàng chín chục con dơi goá chồng …
Những con số tượng trưng cho lễ vật thách cưới giàu sang kia chẳng khác gì lễ vật của thần Sơn Tinh, Thủy Tinh dâng lên nhà vua để tranh giành Mỵ Nương. Những dân tộc ở châu Á thường coi số 9 là số hên, chỉ sự may mắn. Theo truyền thuyết số 9 là ước số của bội số 81, ứng với 81 tai nạn mà thầy trò Đường Tăng đã phải vượt qua khi sang Tây Trúc thỉnh kinh nhà Phật. Nguyễn Du nhắc tới “Nhớ ơn chín chữ cao sâu/ Một ngày một ngả bóng dâu tà tà” thì “chín chữ” kia chỉ công lao dưỡng dục của cha mẹ. Đó là “sinh” (đẻ), “cúc” (nâng đỡ) “phủ” (vuốt ve), “súc” (nuôi cho bú mớm), “trưởng” (lớn khôn), “dục” (dạy dỗ), “cố” (trông nom), “phục” (khuyên răn), “phúc” (che chở). Hoặc khi nói “mười hai bến nước” hay “bảy chữ, tám nghề” thì những con số ấy tương ứng với một chữ, một nghề nhất định. Còn những con số có tính “gần đúng” như “Một nong tằm là năm nong kén/ Một nong kén là chín nén tơ/ Thương em chín đợi mười chờ/ Bao giờ dâu mượt đôi bờ đón em, thì “ chín đợi mười chờ “ hay “chín nhớ mười thương” là để diễn tả thời gian tâm lý mong ngóng mà thôi.
Các con số chỉ ngày tháng lại đạt giá trị tuyệt đối như lịch quy định:
Ngày mười tám trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế
Ngày hai mươi trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu.
Ngày hai mươi lăm, Bá tước Lương Minh bại trận tử vong
Ngày hai mươi tám Thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn…
Hay bài ca dao nói về hình dáng của trăng như: Mùng một lưỡi trai/ Mùng hai lá lúa/ Mùng ba câu liêm/ Mùng bốn lưỡi liềm/ Mùng năm liềm giật/ Mùng sáu thật giăng/ Mười rằm trăng náu/ Mười sáu trăng treo/ Mười bảy sảy giường chiếu/ Mười tám nắm trấu/ Mười chín dụn dịn/ Hai mươi giấc tốt/ Hăm mốt nửa đêm… Đó là những con số chỉ thứ tự các ngày trong một tháng âm lịch.
Khi Nguyễn Trãi nói cấp cho quân Minh “năm trăm chiếc thuyền, hàng nghìn cỗ ngựa” thì không thể hiểu theo nghĩa chính xác 100% mà đó chỉ là những số tượng trưng cho một lượng là “nhiều”. Cũng như khi Hồ Xuân Hương đếm: “Một đèo, một đèo, lại một đèo/ Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo” thì số “một” kia không thể chỉ số ít. Còn khi Nguyễn Du viết: “Có ba trăm lạng việc này mới xuôi” thì đó là con số chính xác vì tên quan kia đòi hối lộ với một lượng vàng 300 lạng như vậy. Tú Xương trong bài “Thương vợ” đã dùng số một và số năm theo nghĩa tuyệt đối: “Quanh năm buôn bán mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng”. Nhưng khi ông nói trong bài “Năm mới chúc nhau”: “Nó lại mừng nhau cái sự giàu/ Trăm, nghìn, vạn, mớ để vào đâu” thì các con số kia lại hàm chứa số nhiều, không xác định, để chỉ lòng tham của bọn nhà giàu như thùng không đáy. Nguyễn Bính cũng rất thích con số “chín” của dân gian, và đã đưa vào bài thơ “Giấc mơ anh lái đò”:
… Võng anh đi trước võng nàng
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò.
Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo tiền cưới chừng đâu chín nghìn…
Lang thang anh dạm bán thuyền
Có người giả chín quan tiền lại thôi.
… Con sông nó có hai bờ
Tôi chưa đỗ trạng, thôi cô lại nhà.
Bài thơ chỉ có 22 câu thì đã có tới 6 câu mang các chữ số (chiếm 27,3%) một tỷ lệ khá cao, và con số chín được điệp lại 4 lần. Những con số chín kia cũng chỉ là những con số “ảo”, còn những số “hai chiếc võng”, “một đò”, “hai bờ sông” lại là những số xác định- số “thực”. Nhà thơ Tố Hữu cũng rất tài hoa khi sử dụng những con số. Khi ông viết “Ba mươi năm đời ta có Đảng” (từ 1930 đến 1960), hay “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, hoặc “Phút giây thiêng anh gọi Bác ba lần”, hay “Hai chín năm dằng dặc xa quê” là những con số chính xác. Nhưng khi nhà thơ viết: “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận”, hay “Kháng chiến ba nghìn ngày không nghỉ”, hoặc “Nghìn đêm thăm thẳm sương dày” thì đó là những con số chỉ thời gian với hàm nghĩa là “nhiều”- không xác định cụ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói “Bốn phương vô sản đều là anh em”, hay “Năm châu, bốn biển một nhà”, thì các con số bốn, năm kia cũng không đơn thuần là chỉ phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, hay số lượng năm châu lục, bốn biển lớn trên trái đất, mà ở đây nét nghĩa hàm ẩn là chính: đó là chỉ sự đoàn kết nhất trí của các dân tộc anh em trên toàn thế giới. Bác nói ở phương diện vĩ mô.
Trên đài, báo ta thường nghe cụm từ “những con số biết nói”, thì những con số đã nêu là những con số chỉ một lượng nào đó. Còn những con số trong báo cáo, báo chí đưa tin ở dạng văn phong hành chính, phong cách báo chí thì thường là những con số tuyệt đối. Ví dụ: Năm nghìn tỷ đồng của nhà nước bị thất thoát ở vụ Epco-Minh Phụng là một con số thiệt hại lớn mà bọn chúng gây ra.
Những con số dùng trong toán học một cách máy móc, khô khan, nhưng khi nó bước vào thế giới văn chương, dưới sự dẫn dắt của cảm xúc và trí tưởng tượng của nhà thơ thì nó trở nên có hồn, biến hóa lung linh khi “ảo” khi “thực”. Có con số chỉ thời gian, không gian, ngày tháng, tính chất, mức độ của sự vật, cảnh vật, tâm trạng con người. Ở phương Tây đã có một số nhà thơ làm những bài thơ đơn thuần chỉ là những con số, dãy số 100%. Phải chăng đó là sự cực đoan hay lập dị? Ở nước ta thì chưa có nhà thơ nào sáng tác theo kiểu ấy.
Con số dùng trong văn chương là những “con số biết nói”, góp phần giải mã những thông điệp của nhà thơ, nhà văn đem đến cho bạn đọc. Đôi lúc ta lại phải giải mã tiếp những con số kia để tìm ra một nét nghĩa mới, những ý tưởng lạ mà tác giả muốn gửi gắm. Có những con số đã gắn liền với đời sống tâm linh dân tộc như số 3 số 5, số 7, 14, 23 (Mùng năm, mười bốn, hai ba/ Đi chơi cũng thietj nữa là đi buôn), hoặc số 13 đối với một số nước phương Tây bị coi là số “quỷ”.
Gạt những phần huyền bí mà dân gian gán cho những con số sang một bên, ta thấy trong sáng tác dân gian, thơ văn trung đại, hiện đại của Việt Nam ta, những con số luôn toả sáng theo cảm quan nghệ thuật của các nhà văn, nhà thơ.
Lê Xuân