Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Dặm đường nước Mỹ (3)

Huỳnh Văn Úc
Thứ hai ngày 27 tháng 5 năm 2013 3:19 PM

 

Trên bản đồ nước Mỹ Memphis ở phía Đông, Vancouver ở phía Tây-Bắc còn Garden Grove CA ở gần phía Tây-Nam, giữa các thành phố là những chặng đường bay nhiều giờ đồng hồ, thí dụ từ Vancouver về Garden Grove CA mất 5 giờ bay. Vợ tôi gọi ông Độ là chú ruột. Cả gia đình ông Độ và năm người con di tản sang Mỹ vào những ngày cuối tháng 4/1975, người con trai cả tên là Gia năm nay 62 tuổi, là kỹ sư điện làm việc ở hãng Fedex. Năm người con cư trú và làm việc ở ba thành phố kể trên. Sao họ lại ở cách xa nhau thế? Chỉ vì job (việc làm) đó thôi. Với tấm bằng Đại học hoặc Master cầm trên tay thì ở đâu có job tốt ở đó là nơi cư trú và làm việc. Ông Độ mất năm 1995 thọ 73 tuổi, bà mất năm 2010 thọ 89 tuổi, mộ ở Nghĩa trang Việt Nam cách Little Saigon độ 30 phút chạy xe. Sau khi được tin chúng tôi đã đến Houston Gia quyết định thế nào cũng mời bằng được chúng tôi đi Garden Grove để thắp hương ở mộ các cụ. Anh còn nhắn cho các em xin nghỉ phép và bay về Garden Grove CA tụ tập ở nhà em trai út.

Gia phải vất vả lắm mới sắp xếp được chuyến đi của chúng tôi từ Houston đi Garden Grove CA. Trước tiên anh phải bay từ Memphis đến nhà bà cô ở Houston xin phép bà cô đón ba chúng tôi đi thắp hương cho bố mẹ. Bà cô gật đầu, anh lại bay về Memphis làm việc tiếp trong mười ngày. Sau mười ngày anh lại từ Memphis bay đi Houston để đón chúng tôi đi Garden Grove CA. Lưu lại ở Garden Grove CA năm ngày anh lại phải trả chúng tôi về Houston rồi từ đó mới bay về Memphis. Di chuyển như con thoi. Cùng đi với Gia tôi phát hiện ra một điều mới mẻ-đó là dịch vụ trông giữ xe và cho thuê xe ô tô ở các sân bay của Mỹ. Gia lái ô tô của mình từ nhà riêng đến sân bay ở Memphis rồi gửi ô tô ở đó. Từ Memphis bay đến Houston, xuống sân bay vào bãi đổ xe của các hãng cho thuê. Bãi rất rộng và có nhiều hãng cho thuê cạnh tranh nhau. Ô tô cho thuê đều là xe mới, cho thuê độ hơn một năm thì đưa ra bán ở các cửa hàng ô tô cũ. Vì vậy có khi khách thuê nhận xe đồng hồ tính quãng đường đã đi mới chỉ chưa đến một nghìn miles (dặm). Để thuê xe khách chỉ cần xuất trình bằng lái xe là một tấm thẻ nhựa có ảnh chìm của chủ nhân tấm thẻ và có kích thước nhỉnh hơn thẻ ATM một tí. Nhân viên cho thuê xe cầm tấm thẻ quẹt ngang máy quét, mọi thông tin về người thuê đã được nhập vào máy tính. Tôi để ý thêm một điều là trước khi trả xe vào bãi đậu của hãng bao giờ Gia cũng ghé trạm xăng đổ đầy bình. Trạm bán xăng ở Mỹ làm việc tự động, ở trạm hoàn toàn không có một nhân viên nào, xe ghé vào cây xăng người lái cho vòi vào bình xăng rồi đưa thẻ vào máy quét. Đầy bình xăng cảm biến sẽ tự động ngắt dòng xăng đang chảy và đẩy thẻ ra trả lại người mua. Hôm di chuyển cùng với Gia từ sân bay Houston về nhà bà cô đường Royal Hill Drive cách sân bay gần 90 km lúc trời đã gần tối tôi được dịp thấy Gia sử dụng dịch vụ định vị toàn cầu 4G như thế nào. Gia sinh sống ở Memphis, thỉnh thoảng mới đến nhà bà cô ở Houston, đường sá không thông thuộc lắm. Nhận xe thuê xong, Gia đeo lên giá đỡ trước buồng lái màn hình 4G kích thước nhỉnh hơn bàn tay và bắt đầu nhập dữ liệu nơi cần đến. Xe đi đến đâu bản đồ chỉ đường hiện ra đến đó và loa của của máy định vị nhắc nhở người lái những thông tin cần thiết.

Trong những ngày cuối tháng 4/2013 chúng tôi lưu lại Garden Grove CA  bữa cơm tối bao giờ cũng có mặt đầy đủ năm anh em của Gia và các cô dâu chú rể trừ hai cô dâu vắng mặt vì không xin được hãng cho nghỉ phép. Các bữa cơm bắt đầu từ bảy giờ tối và mọi người ngồi với nhau đến gần mười hai giờ đêm. Chuyện tuôn ra như suối. Tôi nghĩ không phải là một sự cố ý nhưng nội dung các câu chuyện mọi người kể với nhau đều nhắc đến kỷ niệm của những ngày cuối tháng 4/1975-những sự kiện đã lùi vào dĩ vãng của 38 năm về trước- cả gia đình họ đã làm thế nào lên được tàu ở bến Bạch Đằng để chạy ra biển, những ngày gian nan đói khát trên biển cho đến khi gặp được tàu của Mỹ, ghé qua Philippines rồi từ đó đến Mỹ bằng máy bay. Họ kể rằng chưa từng có cảm giác uống nước mà thấy ngon như khi ngửa mặt lên trời há miệng ra để những giọt nước mưa rơi thẳng vào miệng. Gần hai ngày trời không có gì vào bụng, khi được phát đường họ ngửa tay ra đón lấy thìa đường từ tay người nhân viên cứu trợ rồi cho thẳng vào miệng và suốt đời không quên cái cảm giác sao mà đường ngon đến thế, cái cảm giác chạy rân rân khắp các đường gân thớ thịt của  cơ thể. Rồi những ngày đầu gian nan vất vả trên xứ lạ, rủi ro xen kẻ may mắn. Họ kể chân tình, nhiều khi xúc động giọng nghẹn lại mà mắt thì rưng rưng. Tôi nghĩ rằng phải đến thế hệ con cháu của họ may ra những câu chuyện đó mới đi vào quên lãng. Và đến lúc đó Nghị quyết số 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài mới có cơ hội đi được vào lòng người.

Trong những câu chuyện tâm tình mà Gia kể với tôi, tôi nhớ nhất bình luận của Gia về nước Mỹ và Trung Quốc. “ Em nói với anh như thế này nhé! Em tin rằng Trung Quốc không bao giờ đuổi kịp được nước Mỹ vì cơ chế dân chủ của Mỹ đã chọn người có tài thực sự như Barack Obama làm Tổng thống. Còn Tập Cận Bình được chọn làm nhân vật số một của Trung Quốc chưa hẳn là vì ông ta thực sự có tài mà là vì những lý do chỉ có Trời mới biết được”. Tôi đồng ý với Gia và muốn lấy câu chuyện này làm cái kết cho các bài viết Dặm đường nước Mỹ của tôi.