Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Người thơ trầm tích

Trần Vũ Long
Thứ tư ngày 22 tháng 5 năm 2013 10:10 PM

Nhà thơ Hoàng Trần Cương sinh năm 1948. Quê quán Đặng Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Ông tốt nghiệp Đại học Tài chính Ngân hàng Trung ương, từng là người lính tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Lào, chiến trường Tấy Nam, các mặt trận phòng không phía bắc. Sau chiến tranh, ông làm Kế toán trưởng của báo Nông nghiệp Việt Nam, rồi làm chuyên viên kế toán tài chính kinh doanh của Bộ Tài chính. Trước khi nghỉ hưu, ông là Tổng biên tập Thời báo Tài Chính Việt Nam.
Tác phẩm đã xuất bản: Hạnh phúc hôm nay (kí), Bầu trời Quảng Trị (truyện kí), Nguyên vẹn (truyện ngắn), Chớp xanh (truyện ngắn), Dư âm (truyện ngắn), Đường chân trời (Thơ in chung), Dấu vết tháng ngày (thơ), Trầm tích (trường ca), Quà tặng hành tinh (thơ)…..
Giải thưởng: Giả A bút kí của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải nhất thơ báo Văn Nghệ (89-90), Giải thưởng bộ quốc phòng (94-99), Giải thưởng Hội nhà văn (2000), Giải đặc biệt Giải thưởng Hồ Xuân Hương (1997-2002)


Đối với người cầm bút, để có một vùng đất gắn bó gan ruột, trở thành nguyên liệu cho cuộc đời sáng tác của mình quả là một điều may mắn. Mảnh đất đó thường là nơi mà họ được sinh ra và lớn lên, là quê hương máu thịt. Quê hương là mạch nguồn cảm xúc vô tận, cứ viết mãi viết mãi vẫn thấy chưa thoả mãn với tình yêu họ đã dành cho mảnh đất thân thương đó. Tình yêu thì vô biên, nguyên liệu lại dồi dào, tuy nhiên để thành công không phải ai cũng làm được. Có lẽ, nhà thơ Hoàng Trần Cương là một trong số ít người cầm bút làm được điều đó.
Nhà thơ Hoàng Trần Cương được sinh ra ở mảnh đất phên dậu của đất nước, đó chính là xứ Nghệ. Một vùng quê nghèo khó, phong thổ dữ dằn nhưng cảnh đẹp lại nên thơ, chẳng vậy mà ca dao đã có câu: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh. Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”. Tuy nhiên chính ở mảnh đất nắng thật nắng, gió thật gió, rét thật rét, khô cằn thật khô cằn, bão lũ thì triền miên này đã sản sinh ra cộng đồng người mang đậm trong mình chất Nghệ. Họ là những con người giàu nghị lực, không cam chịu số phận, luôn biết quẫy vượt khỏi hoàn cảnh khắc nghiệt của thiên nhiên và xã hội, khẳng định mình để tồn tại và hoà vào dòng chảy đời sống. Ở đây, sự tồn tại được hiểu theo ý nghĩa sống đẹp, nhân hậu, thuỷ chung, đùm bọc thương yêu nhau. Hoàng Trần Cương chính là một người con mang đậm đặc trong mình những phẩm chất đó. Mảnh đất quê hương đã gieo vào ông một tính cách, mới gặp thấy gàn dở khó gần nhưng tiếp xúc lâu thì những đặc tính thực sự của dân Nghệ mới bắt đầu hiển lộ để rồi khiến người ta lại cảm thấy yêu quý, trân trọng hơn. Trong con người ông là tổng thể hài hoà của những sự mâu thuẫn. Ngay cả cái nhận xét mà tôi đưa ra đây nghe đã có vẻ gàn dở, nhưng quả đúng như vậy. Có lẽ tôi biết ông cũng khoảng 30 năm, bởi ông là bạn với cha tôi. Khi tôi còn nhỏ, ông hay đến nhà chơi. Ông có kiểu nói chuyện giật cục rồi lại trầm ngâm, luôn đưa tay lên vuốt hai hàng lông mày rậm rạp kiểu con nhà võ. Lúc đó tôi rất sợ ông. Lớn hơn một chút tôi vẫn sợ ông. Cho đến tận bây giờ vẫn có những lúc tôi sợ ông. Bất thình lình, ông gọi điện cho tôi rồi mắng tới tấp vì một lý do nào đó. Nhưng tôi hiểu đó là sự chân tình đáng yêu của ông. Bên trong cái vẻ xù xì thô ráp, ăn sóng nói gió, thậm chí có những giây phút thăng hoa “nảy lửa” lại là một con người hiền lành, “dịu dàng” đến dễ thương, đa cảm. Nhưng muốn bóc tách được cái lớp vỏ xù xì, thô ráp bên ngoài để hiển lộ lớp trong trẻo bên trong con người Hoàng Trần Cương ta cần phải có thời gian để thấm, để hiểu, để đồng cảm với con người đó. Ông từng có câu thơ tự nhận xét về cái vẻ bên ngoài của mình thế này:
“Mặt anh buồn như đá
Ai vất ra ngoài đồng”
Hay: “anh có phải là nắng đâu
Sao tính khí lại thất thường như nắng
mặt gầy choắt mà đồng nghiệp gọi là thằng mặt nặng”
Đó là những điều ai cũng nhận thấy và có thể không cảm tình khi mới tiếp xúc với Hoàng Trần Cương, nhưng mấy ai biết được những giây phút
“Ta bất giác chằm tay úp mặt.
Không gió không mưa mà mười ngón ướt đầm”.
Những giây phút yếu mềm đó chỉ có thể là bạn bè, người thân yêu mới thực sự hiểu và chia sẻ cùng ông. Nhà thơ Đoàn Xuân Hoà, một người bạn thân thiết đã nói về ông thế này: “Hoàng Trần Cương giống như con hàu biển, lớp vỏ đá vôi xù xì bao bọc cái tinh chất mềm mại bên trong” .
Hoàng Trần Cương là người luôn hết lòng vì bạn, phóng túng với bạn, đặc biệt là với bạn bè văn chương. Ở giữa bạn bè ông trở nên hồn nhiên đến đáng yêu. Đối với ông, khi đã thực sự là bạn bè thì đó là duyên may trời cho, cần phải nâng niu và gìn giữ, bởi những người bạn như thế đâu có nhiều:
“Như vỉa quặng ẩn mình dưới đất
Chút vốn liếng dụm dành
Trầm tích của trái tim
Cho con biết cười biết khóc
biết yêu người mình yêu như chính yêu mình
Bạn bè không có nhiều lắm đâu dẫu mặt đất ngày càng đông chật
những gì đã có
cố đừng để mất”
Đối với thơ ca, Hoàng Trần Cương thực sự như một tín đồ. Có lẽ ông là một trong số ít những người yêu thơ đến lạ lùng mà tôi từng biết. Dường như, trong đầu ông luôn nghĩ đến thơ. Tình yêu thơ ca đó như ngọn núi lửa luôn rừng rực trong con người ông trực phun trào. Ông cần phải cầm bút, cần phải đọc thơ để giải phóng cái năng lượng đó. Tôi đã nhiều lần chứng kiến ông đọc thơ giữa bạn bè và đọc thơ trước hội trường cả nghìn người. Khi đó ông giống như một con hổ được thả về rừng, được tung hoành trong lãnh địa của mình. Với chất giọng mạnh mẽ và quyết liệt của người Nghệ và tình yêu thơ ca như dòng nham thạch đang cuộn trào, Hoàng Trần Cương thăng hoa như muốn làm tan vỡ cả đá tảng. Tôi cũng đã từng chứng kiến ông khóc trước bạn bè sau khi đọc thơ, rồi ông lại trầm ngâm, lại đưa tay vuốt hai hàng lông mày rậm rạp. Hoàng Trần Cương là như vậy đó.
Thơ Hoàng Trần Cương cũng phần nào giống như con người ông vậy. Nó gập ghềnh, trúc trắc, giống như sỏi đá khô cằn, giống như vẻ xù xì thô giáp bên ngoài của ông. Ngay cả thơ tình của ông khi đọc lên cũng cảm thấy nó trúc trắc như vậy:
“Anh cắm sào trước dòng sông héo sóng.
Nghe bãi bờ khò khè dưới chân”.
Sóng mà lại héo, bãi bờ mà lại khò khè, nghe có vẻ mệt mỏi quá. Nhưng chính những câu chữ đó nó đã đem lại hiệu quả hình ảnh đến không ngờ khi ông muốn nói đến những vất vả khó nhọc, những thăng trầm trong cuộc đời này, với người mình yêu. Đó là một câu thơ hay và lạ.
Sẽ thật là “đắc tội” nếu nói về thơ Hoàng Trần Cương mà không nhắc đến mảng đề tài ông viết về mảnh đất quê hương: Miền Trung. Quả thực tôi không muốn làm công việc của một nhà phê bình văn học, tôi chỉ nói bằng rung động của một người đọc thơ Hoàng Trần Cương. Trong kho tàng thơ ca viết về miền trung thì Hoàng Trần Cương chính là một dấu ấn quan trọng.
Hãy cùng suy ngẫm:
“Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa
chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”
Chỉ với hai câu thơ đó thôi đã đủ để khắc hoạ phong thổ cũng như tính cách của người dân xứ Nghệ đến gần đủ rồi. Hầu hết những câu thơ viết về quê hương của Hoàng Trần Cương đều nằm trong tập Trường ca Trầm tích. Với tập trường ca này, Hoàng Trần Cương như rút ruột mình để trả nghĩa cho quê hương. Nó là mốc son trong cuộc đời sáng tác của ông, và cũng là cột mốc cho thơ ca miền trung. Ngôn ngữ trong trầm tích quê mùa cục mịch như củ khoai củ sắn, như vại nhút vại cà, trúc trắc và khô cằn như sỏi đá miền trung nhưng lại như lưỡi dao cứa vào lòng người đọc không thể nào quên. Đọc thơ Hoàng Trần Cương ta cảm thấy vật vã với những con chữ nhưng rồi bị cuốn theo nó từ lúc nào không biết. Những ai được sinh ra và lớn lên ở cái mảnh đất nghèo khó đó, khi đọc Trầm tích như được gặp lại chính mình, gặp lại một phần đời không thể quên nơi vùng quê đó mà không khỏi rưng rưng:
“Dằng dặc dải làng quê thưa thắt
những vạt lúa đỏ đuôi luội mình đổ rạp
chỏng chơ nồi cơm ngày đói khát
tảng cháy cạy đi rồi
còn hằn vết móng tay
cày lên
 sưng cả đáy nồi”

Quê hương ông nằm ven bên bờ sông Lam, thuộc huyện Đô Lương, Nghệ An, ngay cạnh bến đò Lường nổi tiếng, đã đi vào khúc hát dân ca: “chính thương anh nên em bàn với mẹ, để ngăn anh không đi chuyến ngược Lường”. Sở dĩ người vợ khuyên chồng không đi chuyến ngược Lường vì ở khúc sông đó có nhiều vực thẳm, có đập nước Đô Lương được xây từ thời Pháp thuộc, tạo thành dòng chảy dữ dằn, có thể nhấn chìm mọi thuyền bè qua lại. Khi còn nhỏ, Hoàng Trần Cương từng chứng kiến biết bao bè gỗ bị dòng nước nuốt chửng ngay trước mắt mình. Ngày đó, Hoàng Trần Cương mới chỉ là một đứa trẻ chưa đến 10 tuổi thường hay ra chỗ đập nước để hét lên, như muốn thách thức cùng dòng nước đang cuộn chạy, gào thét không ngừng, và như để xả hết những uẩn khúc trong người.
Cũng giống như bao người cùng thời khác, ông sinh ra vào những năm giữa của thế kỉ 20 đầy sóng gió và bi tráng của dân tộc. Chính vì vậy mà gia đình ông, cũng như chính cuộc đời ông đã trải qua biết bao cay đắng và gian truân. Ông được sinh ra trong một gia đình dòng dõi, có ông nội là Hàn lâm viện Học sĩ nhưng đã treo ấn từ quan để về sống cuộc đời dân giã, sau đó kết bạn văn chương và ủng hộ phong trào Đông Kinh nghĩa thục của Phan Bội Châu. Gia đình ông đã từng nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng như: Nguyễn Phong Sắc, Hồ Tùng Mậu... Vào một buổi trưa, cậu bé học vỡ lòng hớn hở chạy về thì thấy nhà cửa tan hoang rồi bị niêm phong lại. Mấy mẹ con bà cháu bị dân quân đẩy ra ngoài đồng, sống chết mặc bay. Cay đắng hơn, người cha của ông là một đảng viên từ năm 46, đang là Chánh văn phòng Uỷ ban kháng chiến tỉnh Nghệ An bị quy là địa chủ đầu sỏ và bị dẫn ra hành hình ngay trong chiều hôm ấy. Tất cả mấy mẹ con bà cháu cũng bị lùa ra để chứng kiến cảnh tượng ghê rợn đó. Trong trí nhớ của cậu bé Hoàng Trần Cương khi đó như in cảnh sáu dân quân cầm súng trường đang chuẩn bị giương lên, mấy mẹ con bà cháu thì sợ sệt rúm ró vào nhau sau vành móng ngựa kết bằng dây chuối. May thay, khi mà cha ông đã bị trói vào cột, giờ hành hình sắp đến, trời bỗng nổi trận mưa giông, tất cả dân làng bỏ chạy tán loạn. Pháp trường vắng hoe, chợt người đội trưởng đội hành hình hét lớn: “Nỏ ai xem thì bắn mần chi”. Vậy là buổi hành hình bị hoãn lại sang ngày hôm sau. Nhưng, ngay buổi tối hôm đó, có lệnh sửa sai, một chiếc xe ôtô đít vuông đã mời bố ông lên xe rồi đưa ra Vinh. Mấy tháng sau gia đình mới được biết bố ông được đưa ra Hà Nội công tác. Trong khoảng thời gian đó mấy mẹ con bà cháu vẫn sống trong một túp lều lụp sụp giữa đồng không mông quạnh, đi mót khoai, mót lạc, mò cua bắt ốc, làm thuê cuốc mướn để sinh sống. Sau này những hình ảnh đau thương đó cũng đã hiện lên trong Trầm tích:
“Mẹ ơi
tận bây giờ con vẫn còn hoảng hốt
cái buổi chiều những tưởng cha đi
bỗng dưng trời đất thâm sì
lốc rừng dựng đứng
giông bão ùa về lừng lững
mây đặc trời
tối bưng
gió chém.
mưa đâm
sợi dây trói nới thầm
từ tay cha rụng xuống
mẹ bảo: may mà trời có mắt”
Những năm học cấp hai, Hoàng Trần Cương được bố đưa ra Hà Nội học nhưng vì nghịch ngợm nên gia đình lại cho ông về quê để học. Khi đó trong ông bắt đầu có suy nghĩ cần phải làm gì đó trả nghĩa cho quê hương, cho mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt đầy đau thương này nhưng ông lại yêu nó biết bao.
Có lẽ, chính vì nung nấu đó, sau này khi trở thành nhà thơ, Hoàng Trần Cương đã viết nhiều về quê hương. Đối với ông, quê hương giống như mỏ vàng lộ thiên, còn ông thì cứ miệt mài để khai thác. Ông làm thơ giống như người đi cày, bền bỉ lật lên từng thớ đất quê hương để phát hiện ra những long mạch, những hồng ngọc trong “Trầm tích”.
Năm 1970 khi đang là sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Tài chính, Ngân hàng Trung ương, cả lớp học có hơn sáu chục người thì chỉ mình ông trúng tuyển nhập ngũ, theo phong trào tổng động viên sinh viên các trường đại học. Ông từng chiến đấu ở các mặt trận phía Nam, nam Lào, các mặt trận phòng không ở các tỉnh phía Bắc… và trận chiến “Điện Biên Phủ trên không” tại Đồng mỏ, Lạng Sơn.  Ông đã đi qua nhiều trận đánh, từng bế trên tay biết bao đồng đội bị thương và hy sinh. Có trận chiến mà cả đại đội chỉ còn mình ông và hai đồng đội sống sót. Chính vì những năm tháng đầy khốc liệt không thể nào quên ấy, cho nên thơ của ông viết về chiến tranh, về đồng đội cũng là mảng đề tài ghi dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của ông. Đó là những câu thơ mạnh mẽ, đầy khí tiết:
“Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm dăng màn
Thoáng bóng giặc núi bửa thành máng súng
những đứa con văng như mảnh đạn
thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi”

và cũng đầy day dứt của một người lính trở về từ bom đạn:
“Mẹ ơi
lẽ ra con cũng như bao đồng đội
khi đất nước mình trận mạc
những ngày sống bây giờ
dẫu còn lấm láp
nhưng với con
kể như là lãi
món nợ này
con biết trả sao
biết trả ra sao
khoản lợi nhuận con đang thừa hưởng
phảng phất đêm ngày lớp lớp khói hương”


Chiến tranh kết thúc, Hoàng Trần Cương xuất ngũ với tấm thẻ thương binh, rồi quay lại trường học tiếp. Những năm 80, ông là Kế toán trưởng của báo Nông Nghiệp Việt Nam. Đây là khoảng thời gian mà ông đã nhận ra giá trị cũng như sự nghiệt ngã của đồng tiền. Nhà thơ Hoàng Trần Cương từng đi buôn gạo, buôn sắt vụn để có tiền lo từng cân thịt, từng chiếc bánh chưng cho anh em trong cơ quan. Chính những ngày tháng đó, vốn liếng về con người, sự nhận chân giá trị thực cuộc sống trong ông được nhận thức sâu sắc. “Lửa đạn” thời bình còn đáng sợ hơn chiến tranh, vì ta không nhìn thấy được, kẻ thù không phải bằng da bằng thịt nên buộc con người ta cần phải tỉnh táo. Từ chiến trường ông bước vào thị trường đầy gian khó, đầy sai lầm của thời cuộc với một tâm thức phải luôn gắng gỏi vươn lên nhưng không được đánh mất phẩm giá con người.
Cho đến lúc nghỉ hưu ông đang ở cương vị Tổng biên tập Thời báo Tài Chính Việt Nam. Bây giờ ông càng có nhiều thời gian dành cho thơ ca và bạn bè. Ông vẫn uống bia sung như trước. Vẫn nói chuyện theo cách giật cục. Vẫn có những giây phút trầm ngâm rồi đưa tay vuốt hai hàng lông mày rậm rạp. Vẫn như có ngọn núi lửa ngún trong người khi nói chuyện thơ ca. Mảnh đất miền trung vẫn là đề tài mà ông nung nấu như vừa mới bắt đầu khai thác. Ông bảo, từ trước đến giờ, mỗi lần định viết về quê hương, bao giờ ông cũng tắm rửa sạch sẽ, dâng hương trước bàn thờ tổ tiên, ngồi vào bàn với tâm thế thật bình tĩnh, thanh thản nhất rồi mới bắt đầu viết.
Ông là một người nghiện thơ, và trong con người nghiện thơ đó lại có một cái nghiện khác, đó là nghiện viết trường ca. Cho đến nay ông đã hoàn thành 4 tập trường ca và một trường ca về biển đảo đang viết dở. Ông bảo ông đang cố gắng viết khác để không lặp lại mình. Mong rằng ông sẽ làm được. Và, nếu ông không làm được điều đó thì dẫu sao ông cũng đã tạo được một phong cách Hoàng Trần Cương. Khi nhắc đến thơ ca miền trung thì không thể không nhắc đến tên ông và ngược lại. Những trường ca ông viết sau Trầm tích, tôi chưa được đọc. Nhưng thực sự với Trầm tích, đã để lại dấu ấn trong lòng công chúng yêu thơ và đã làm nên tên tuổi Hoàng Trần Cương. Trầm tích đã đem lại cho Hoàng Trần Cương nhiều giải thưởng quan trọng như: Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1989 – 1990, Giải C Giải thưởng văn học Bộ quốc phòng 1994 – 1999, Giải B không có giải A Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2000, Giải đặc biệt Giải thưởng Hồ Xuân Hương (Nghệ An) 1997 – 2000, Giải cúp bong lúa vàng 1980 – 2010 của Hội Nhà văn và Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Đối diện tôi, nhà thơ Hoàng Trần Cương đang lặng lẽ như bức tượng đá, đang đưa tay vuốt hai hàng lông mày, bên trong bức tượng đó là những mạch nguồn thi ca vẫn tuôn chảy. Hoàng Trần Cương, người thơ trầm tích cùng với thổ nhưỡng miền trung.