Đoàn chúng tôi sau một buổi được dạo phố và nếm những trái mận đầu mùa tại vườn nhà mẹ nuôi nhà văn Đoàn Hữu Nam cùng món phở chua nổi tiếng của Bắc Hà, sáng hôm sau lên đường đi chợ Cán Cấu, cách Bắc Hà gần ba mươi cây số, cách thị trấn Simacai tám cây số. Đêm hôm trước có trận mưa to, đường lại đang làm, bùn đất nhão nhóet dính đầy giầy . Nhà văn Hoàng Quốc Hải có đoạn phải huy động đến sự hỗ trợ của anh em nhà văn Đoàn Hữu Nam mới khỏi bị ngã nhào trơn trượt trên đường chừng hơn cây số đi bộ vào chợ. Dọc đường đi chúng tôi gặp những thanh niên nam nữ người Mông đang sải bước. Họ là những người đi chợ muộn, bởi khi đến chợ chúng tôi đã thấy mọi người đông đúc họp chợ rồi.
Những người phụ nữ Mông bày bán vài túm hành củ, vài túm ớt khô, một nhúm ớt tươi, hoặc một đống cà chua, rau cải, vài túm cây ớt giống …Tôi hỏi thử một bà bán hai túm ớt khô về giá cả. Chỉ có 20.000 đồng một túm. Như vậy nếu bán được cả hai túm thì phiên chợ này bà thu về được 40.000 đồng. Nhưng lúc ấy chợ đã bắt đầu có người ra về, mà bà chưa bán được túm nào… Đi sâu vào trong chợ, là hàng quán ẩm thực. Những người phụ nữ váy áo sặc sỡ, những người nam giới mặc tuyền màu đen đang ngồi ăn uống vui vẻ. Nam ngồi với nam, nữ ngồi với nữ. Có lẽ họ là những người đã có sẵn tiền trong túi, đến đây gặp bạn để nhậu chăng? vì nếu trông chờ vào mấy thứ hàng nông sản kia bán được để lấy tiền nhậu thì giờ này đâu đã được ngồi trong quán. Tôi cứ băn khoăn các bà các chị nếu không bán được những thứ rau cỏ đó thì họ lại phải địu về à? tôi đã dặn trước cháu Cường, con trai nhà văn Đoàn Hữu Nam, người có tay lái lụa đưa chúng tôi qua những đoạn đèo dốc khúc khuỷu và trơn trượt, rằng cháu nhớ bấm máy mấy cô gái trẻ nhé, các bà già bác chụp nhiều rồi. Thế là cậu chàng tinh mắt phát hiện ra bên đường có ba cô gái tuổi chừng 15, 16. Lúc đầu ba cô đứng sóng hàng, như chỉ để phô dáng hình xuân sắc của mình cho những người đi chợ ngắm. Mà thế cũng đủ vui rồi. Cô đứng giữa tay cầm chiếc ô, như để làm duyên, mà cô cũng xinh nhất thật. Rồi khi phát hiện thanh niên Cường cứ nhằm vào mình bấm máy lia lịa. các cô sinh động hẳn lên, ra chiều bẽn lẽn, xấu hổ và
quay đi, cười khúc khích…Cách không xa có một chú ngựa được buộc vào một tảng đá bên đường, và có hai anh em trai chừng bốn và bảy tuổi ôm nhau ngồi bên cạnh. Chắc ông bố nào gọi là cho con đi chợ, nhưng thực ra chúng chỉ được ngồi coi ngựa mà thôi, còn mình thì đang say sưa trong hàng quán cùng bạn bè. Đứa em thì khóc rãy lên trong vòng tay đứa anh. Chắc nó đang đòi vào trong chợ tìm bố. Chúng tôi đi tìm chảo thắng cố, nhưng chợ này không có thắng cố, chỉ có lợn Mán cắp nách. Nhìn cái thủ lợn đã luộc, xinh xinh như bàn tay con gái chụm lại, nõn nà, liên tưởng đến những phản thịt lợn siêu nạc ê hề các chợ ở Hà Nội; Rồi rừng núi thênh thang với bầu không khí trong lành nơi đây với những con đường ngày ngày xe cộ chen chúc chốn đô thị mới thấy cái được và cái mất của người dân nơi này với người dân chốn đô hội có khi cũng cân bằng.
Nhà văn Đoàn Hữu Nam đã xách trên tay lúc nào một túi cơm nếp nhuộm màu lá cây tím của người Mông, trông thật ngon mắt. Đêm đó trên tàu trở về Hà Nội. Túm cơm nếp đặc biệt đó, đã là bữa ăn ngon miệng của chúng tôi… Một lần đến Bắc Hà, một lần đến Simacai ra về mà lòng còn say như chén rượu ngô của vùng cao, của phiên chợ Cán Cấu, chén rượu cứ vơi lại đầy trong vòng tay bè bạn, gọi lòng mình muốn được một lần trở lại nơi vừa mới rời xa…. (Tháng 5. 2013)