Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Phan Liêu - ông là ai?

Trần Quốc Thường
Thứ sáu ngày 17 tháng 5 năm 2013 8:24 PM

     Nguyễn Trãi, Đặng Dung và Phan Liêu, cả ba chàng trai trẻ này sống vào thời cuối Trần-đầu Hồ, giống như tuổi trẻ chúng ta ngày hôm nay, đều có tâm sự riêng khi quốc gia hữu sự. Cả ba ông đều sinh ra và lớn lên bất phùng thời. Nguyễn Trãi và Đặng Dung đi tìm con đường cứu nước. Nguyễn Trãi đã thành công còn Đặng Dung đã phải tuẩn tiết. Riêng Phan Liêu đã đầu hàng giặc để làm quan. 

     Phan Liêu – Ông là ai vậy?

      Phan Liêu là con của quan thái phó Phan Quí Hữu giữ thành Nghệ An. Nghệ An là cửa ngõ vào Hoá Châu. Lúc ấy lực lượng của Giản Định Đế và Trùng Quang Đế đang nắm giữ vùng Nghệ An -Thanh Hoá. Năm 1413, Trương Phụ đem quân đánh Nghệ An. Phan Quí Hữu ra hàng. Phan Liêu được Trương Phụ cho làm tri phủ Nghệ An. Quân của Trùng Quang đế chạy về Hoá Châu. Phan Liêu đem thông tin về quân số, các cơ sở đề kháng của Trùng Quang cho Trưong Phụ biết. Nhờ đó, Trương Phụ đã nhanh chóng tiêu diệt được lực lượng nghĩa quân. Trùng Quang đế và Đặng Dung đều bị giặc bắt trong trận Hoá Châu. Sau đó, họ tự vẫn trên đưòng giải về Kim Lăng. Do sự ton hót  của Phan Liêu, mà đưa đến cái chết của Nguyễn Biểu, cũng chính vì  Phan Liêu phản bội mà chế độ nhà Trần sớm cáo chung. Gia phổ dòng họ Nguyễn Biểu ở Yên Hồ - Đức Thọ -Hà Tĩnh đều gọi Phan Liêu là “ tặc” là “ nguỵ”.

     Có người nói Phan Liêu trở giáo đánh giặc là do cảm phục trước caí chết của Nguyễn Biểu. Phan Liêu nhận thấy mình làm tướng nhà Trần mà thấp hèn quá, ông ta tự vấn lương tâm rồi thức tỉnh?? Thực ra đến năm 1419, Phan Liêu do bất đồng quan điểm với Mã Kỳ một tướng lãnh quân Minh, không nộp đủ lương thảo tiền bạc mà mình vơ vét được cho Trương Phụ theo yêu cầu của hắn, nên Liêu đã đem quân đánh úp quân Minh ở Nghệ An. Sự việc bất thành do Mã Kì biết trước nên đã đề phòng và ngăn chặn được. Phan Liêu đành rút chạy lên miền tây Nghệ An rồi chạy qua Ai Lao. Có người lại nói Phan Liêu sau khi nổi loạn thì kéo quân lên Đỗ Gia ( Hương Sơn - Hà Tĩnh) theo Lê Lợi và đã lập công lớn.(?)Thậm chí có người còn coi Phan Liêu như một thủ lĩnh kháng chiến chống Minh.(?)
      Phan Liêu không đầu hàng ở giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh xâm lược. Ông đầu hàng giặc vào năm 1413, tức là 6 năm sau khi Trương Phụ và Mộc Thạnh đem quân tràn vào Đại Việt. Như vậy trong thời gian đó, Phan Quí Hữu đang làm quan cho nhà Hậu Trần, đang làm công tác phù Trần.
     Ở giai đoạn này động lực cho sự hợp tác với quân Minh không còn là phù Trần nữa. Sau 6 năm chiếm đóng Đại Việt quân Minh không hề quan tâm đến việc đưa con cháu nhà Trần trở lại ngai vàng như ngọn cờ nhà Minh rêu rao trước đó. Việc này đã được Nguyễn Biểu khi đi sứ, lúc ông vạch  mặt Trương Phụ: “Trong bụng muốn đánh lấy nước người, bên ngoài giả làm quân nhân nghĩa; đã hứa lập con cháu nhà Trần nay lại đặt quận huyện, không những chỉ cướp lấy vàng bạc, châu báu mà còn giết hại nhân dân, thực là giặc tàn ngược”. Chiến dịch Diệt Hồ - Phù Trần đã hiển nhiên trở thành cái cớ cho cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của nhà Minh. Ở giai đoạn này, đầu hàng quân Minh là sự chọn lựa giữa cái chết vinh vì đất nước và cái sống nhục theo quân xâm lược, là chọn lựa giữa đi với Trùng Quang vào núi gian khổ kháng chiến hay theo giặc Minh làm quan. Phan Liêu đã chọn con đường thứ hai.
      Cuộc nổi loạn của Phan Liêu năm 1419 chắc chắn đã gây giao động mạnh trong hàng ngũ quân Minh. Nhưng vì cuộc nổi loạn không có tầm vóc lớn nên không gây ảnh hưởng rộng rãi và bị tiêu diệt ngay. Sau đó ông đã trốn sang Ai Lao và mất hút vào trong lịch sử.
       Ở Phan Liêu chúng ta thấy được tính chất bất định của một con người đã mất định hứơng dân tộc. Ông hành xử bởi cá nhân và vì cá nhân. Ngay cả khi ông nổi loạn chống quân Minh, cái động lực chính là mâu thuẩn quyền lợi và cá tính giữa ông và Mã Kỳ. Do đó, ông không thấy được lực lượng Lam Sơn đang lớn mạnh, đang xoay đổi vận hội của dân tộc. Cuộc hội thảo Nguyễn Biểu một sứ giả can trường bất khuất ở thành phố Vinh tháng 7-2007 vừa qua với sự tham gia của nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu có uy tín như các GS Phong Lê, Nguyễn Đình Chú, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Huệ Chi, các phó GS Bùi Thiết, Ninh Viết Giao, các nhà nghiên cứu tên tuổi như Chu Trọng Huyến, Đào Tam Tỉnh, Nguyễn Khắc Thuần,...  đã bác bỏ đánh giá về Phan Liêu khi có người cho rằng Phan Liêu vừa có công vừa có tội.
       Phan Liêu là đại biểu cho thành phần chọn cho mình chổ đứng trong hàng ngũ quân xâm lăng.
       Thành phần này có những xu hướng khác nhau. Có những người nhẹ dạ, cả tin  vào khẩu hiệu Diệt Hồ - Phù Trần của giặc nên ra hợp tác với giặc Minh. Xu hướng này đại biểu cho lòng trung quân, cần vương thiển cận, cục bộ mù quáng. Họ muốn trả thù cho chúa nhưng quên đi cái thảm hoạ mất nước. Họ được cái lợi trước mắt mà quên cái hoạ về sau.  Họ sẵn sàng rước về cho dân tộc một thảm hoạ nguy hiểm hơn cái thảm hoạ thay đổi chính trị, thay đổi triều chính.
        Xu hướng khác là những người thấy cái tuyệt vọng trong việc giành độc lập nên đành đứng vào hàng ngũ giặc để tìm đường sống cho cá nhân và gia đình, kiểu ích thân – phì gia.
        Tất cả những xu hướng này đều đứng về phía giặc làm công cụ và tay sai. Họ đã góp tay, tiếp sức với giặc  tiêu diệt sức sống văn hoá dân tộc và mọi sức đề kháng chống xâm lăng để bảo toàn lãnh thổ.
       Trong danh sách những kẻ đớn hèn, phản quốc có ghi danh Phan Liêu là hoàn toàn đúng. Trong tương lai, mong nước Việt ta không còn ai đứng vào ô danh này.
                                                                                 Trần QuốcThường
                ( http://thuongyenho.net.ms  - Email: thuongyenhonb@gmail.com)