Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Như nhìn thấy một thời yên ả

Nhà Văn Nguyễn Hiếu
Thứ năm ngày 16 tháng 5 năm 2013 5:27 PM


( nhân đọc tập tơ”lều thơ dân dã”của Nghệ sĩ Cải lương Nguyễn Hồng Kim)

       Một buổi sáng như mọi buổi sáng bình thường khác, tôi rẽ vào Hội nghệ sĩ sân khấu đàm đạo chút nghề. Vừa nhìn thấy tôi. Chánh văn phòng Nguyễn Văn Bộ rút trong chồng sách vẫn còn nguyên trong bao kiện nói “tặng ông anh tập thơ”. Tôi ngạc nhiên “chú dạo này làm thơ?”. Bộ nghiêm trang “ông anh đọc tên tác giả xem nào?”. Tôi giương đôi mắt già nua không đeo kính lão ra lẩm nhẩm rồi  hỏi  luôn “Nguyễn Hồng Kim là ai vậy ? Mà sao chú lại thay mặt tác giả tặng thơ thế này?”.Bộ khẽ nói” anh trai em đấy. Đang trên giường bệnh. Sống chết tính theo giờ, theo phút rồi”. Tôi chợt giật mình. Không nói một câu rồi lẳng lặng, cẩn thận cất tập thơ rồi cũng thật nhanh đi về . Tới nhà đeo kính lên nhìn vào tập thơ có cái bìa như một bức tranh kí hoạ bút sắt cực kì gợi cảm của nhà thơ- Hoạ sĩ Lê Huy Quang với gam xanh nhẹ nền nã với chùm lá liễu lơ lửng buông, vài nét núi uốn lựơn như một chữ kí của người có tính tình khoáng đạt, trên đó là vầng trăng vàng vừa tròn đầy. Nhưng tất cả vẻ thanh nhã của trang bìa như một hoạ phẩm tinh tế khá phù hợp và có vẻ như tôn lên và rất hợp đầu đề khiêm tốn thoáng chút u tịch của tập thơ “lều thơ dân dã” do NXB Sân Khấu mới phát hành. Có lẽ bởi tác động của câu nói về cái sống, cái chết của em trai tác giả nên tôi đọc nhanh vài dòng trên trang lót giới thiệu về tác giả  để rồi chợt giật mình. Vậy là vào năm Quí tỵ này, Nguyễn Hồng Kim người gốc Hà Đông sinh ở Gia lâm nhưng an cư nơi vùng chè lừng tiếng Thái Nguyên đã tròn 74 tuổi. Sau khi tốt nghiệp khoá 1 khoa cải lương của Trường Sân khấu Điện ảnh thì ông gần như trọn đời với nghiệp cầm ca trong đoàn cải lương xứ chè. Rồi cũng liền một mạch như sự hấp dẫn của một định mệnh trước số phận của con người đang tồn tại trên trái đất với chúng ta tính bằng giờ bằng phút. Tôi đọc liền một mạch 68 bài thơ trong tập “lều thơ dân dã” . Sự hay của thơ thực khó nói nhưng với gần bẩy chục bài thơ của Nguyễn Hồng Kim thấy hiển hiện ra một tâm hồn đôn hậu, đằm thắm trong đời. Vị ca cầm cải lương này rành rành không có ý thành thi nhân nhưng ông đã chép mọi rung động trong cuộc đời ông bằng một thứ văn vần mà quả tình đọc ông tôi như nhìn thấy một thời yên ả trong quá khứ mà không biết bao giờ đất nứơc ta, non sông ta trở lại được. Đó là cái thời chúng ta còn vất vả về cuộc sống vật chất lắm nhưng những con sáo sậu bình yên nhặt ve trên lưng trâu. Trái bàng rụng vẫn đủ sức làm cả bày học sinh ùa ra nhặt. Những rặng trẻ vẫn đầy tiếng mẹ con cò chiều kể lể cho nhau nghe về một ngày xải cánh trên những cánh đồng không có mùi thuốc sâu nồng nã, nứơc trong veo. Cái thời mà cọng giá ủ bằng lá tre chứ không phải bằng thuốc kích mầm. Cái thời chè búp Tân Cương vùng Phúc Trìu - Đồng Bẩm khiến người cả Việt nam ta nhấp thứ nứơc trong xanh mà thấy cả vị ngọt đằm thắm sau vị chát chân tình chứ không bị trộn phân và bùn . Cái thời như Nguyễn Hồng Kim viết mộc mạc đến quạnh lòng mỗi chúng ta khi nghĩ về một thời yên ả đó:
                Nhà anh xanh mướt giàn trầu
             Nhà em thơm ngát hoa cau mấy hàng
                ….
             Rồi:
                 Cầu tre mấy nhịp cỏn con
            Cây đã bến nước lối mòn chân đê
                  Hoàng hôn in bóng trâu về 
             Đêm trăng tát nước , trưa hè hái dâu
                                           ( Nhịp cầu trái tim)

             Có lẽ sự thành công lớn nhất trong thơ Nguyễn Hồng Kim đã tạo ra sự lắng đọng tươi mát cho những người đang sống giữa cuộc sống hỗn tạp, nhố nhăng, băng hoại của thời buổi thị trường coi thường và chà đạp lên tất cả vẻ đẹp của dòng sông và những cánh buồm.Chà đạp lên tất cả sự yên cả của xóm làng. Những câu thơ ông viết giản dị như sự mong nhớ và ao ứoc của chính tôi và của bao người thèm một thủa ngày xưa thanh bình, yên ả như trong chuỵên cổ tích
                    Em như cô Tấm, cô Son
            Anh như Hoàng tử mỏi mòn đợi trông
                    Em như cốm nõn làng Vòng
            Anh như sen lá mọc trong Tây Hồ
                    Em như ngọn gió mùa thu
            Anh như khúc nhạc vi vu sáo diều …
                                            ( hương cốm hương đời)

          Đọc những câu thơ này tôi chợt như muốn thầm lặng thốt lên lời cám ơn chân thành thi sĩ Nguyễn Hồng Kim khi ông nói hộ khát vọng của những người Hà Nội chân chính quặn đau vì Hồ tây đang bị thu hẹp dần bởi những công trình ô trọc, đang bị ô nhiễm dần bởi bao nhiêu hàng quán lềnh bềnh trên những chiếc tàu sắt nổi trong tiếng nhạc gào rú vô văn hoá khoác áo văn minh.
        Trong gần bảy chục bài thơ trong “lều thơ dân dã” số lượng thơ lục bát chiếm tới hai phần ba. Theo tôi đây không chỉ vì sự ảnh hưởng các làn điệu cải lương đa phần xử dụng thể thơ này mà chính vì tâm hồn của nhà thơ ở tuổi 74 này là sự tổng hợp mang tính dân tộc và đặc trưng của những vùng đất ông sinh ra , trưởng thành và lớn lên. Sự mát rượi của mảnh lụa , the Hà Đông, sự hào hùng, cao thượng của vùng quê cao Bá Quát và sự đằm thắm của Thái Nguyên trung tâm một thời của Việt bắc gió ngàn. Ở tuổi ngoại thất tuần của mình, trong kí ức của Nguyễn Hồng Kim còn đọng lại một An toàn khu.
                         Ngọt bùi muối trắng cơm lam
                     Ấm êm bếp lửa nhà sàn chăn xui
                                                    ( an toàn khu nhớ Bác)
         Một chợ tình vùng Khau vai vời vợi :
                    Mỗi năm có một đêm nay
                 Để cho muối măn gừng cay đậm đà
                                                      ( Bản sắc chợ tình )
          Và cả một màn diễn cải lương ông từng thủ vai trong sự đau đáu dịu dàng về nhân tình thế thái :
                     Quỳnh hương nhấp cạn chén vui
                  Công hầu khanh tướng chôn vùi mộng mơ
                                                 ( tri âm tương ngộ)

           Quê Hà Đông nhưng gần như trọn đời sống nơi vùng chè nên không phải ngẫu nhiên trong tập “lều thơ dân dã” ông có tới ba bài viết về vùng chè Thái với nhưng vị sắc riêng như một người sành chè mang ra đãi khách sản vật quê nhà với đầy đủ cung bậc, sắc vị . Đó là “nét đẹp quê chè “.”Một nét quê chè “.”Người đoàn viên xứ chè năm ấy “
                  Nhớ em đôi mắt nhung huyền
                Áo chàm má lúm cười duyên hái chè
                                      (nét đep quê chè)
            Phải trải qua niềm yêu thương tinh tường thế nào về vị chè mới viết ra nổi câu thơ lạ đến dường này:
                     Uống trà ai cũng thầm yêu
                    Ngọt thơm cửa miệng xuôi chiều vào tim
                                                   (Một  nét quê  chè )

         Lê Chức- con trai nhà thơ Lê đại Thanh tỏ ra khá tinh tường khi cho khi ”nhận ra sự bình thản nho nhã”trong bút pháp thi ca Nguyễn Hồng Kim.Riêng tôi. Tôi muốn nói lời cảm ơn nhà thơ quê gốc nơi sinh ra áo lụa Hà Đông mà sống trên đất chè rằng giữa sự bộn bề nhốn nháo của cuộc đời, của thơ thẩn hôm nay với”lều thơ dân dã” ông đã cho tôi những phút giây mà tôi cứ ngỡ ta đang sống ở một thời yên ả cả trong cuộc đời xung quanh và trong cõi lòng ta .
  Quỳnh Mai 15/4/2013
Nhà Văn Nguyễn Hiếu