Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“Di tích Đàn Xã tắc” chính là nơi thờ Hậu Tắc, thủy tổ nhà Chu.

Nguyễn Hùng Vĩ.
Thứ năm ngày 16 tháng 5 năm 2013 4:47 PM

   Để dễ theo dõi vấn đề, tôi nói ngay rằng: Đời Lý, đời Trần, người ta gọi cái đền/ miếu/đàn thờ cúng Hậu Tắc để cầu mùa ở phía nam La Thành là Xã đàn/Xã tắc đàn; bây giờ nhiều người lại muốn hiểu cái xã tắc đàn đó phải tương ứng với Nam Giao đàn thờ trời đất. Điều đó là không chính xác. Bài này của tôi là nói cho rõ cái chuyện đó.
  Tài liệu chúng tôi khảo sát là sách Việt điện u linh và chính sử thời trung đại. Sau khi đã khảo sát sử liệu thành văn kết hợp với quan sát di tích khảo cổ học trên địa bàn Xã Đàn qua đợt khai quật 2006, chúng ta có thể nhận định: Chính nhờ cuộc khai quật này mà chúng ta nối kết được những thông tin của sử liệu để khẳng định đền miếu thờ Hậu Tắc, “xã tắc đàn” cúng Hậu Tắc thời Lý là nằm ở đó, nó cần được bảo tồn tương ứng với giá trị của mình. Nó không phải là đàn Nam Giao.  Là đền miếu thì bảo tồn kiểu đền miếu,  là đàn tế Nam Giao thì bảo tồn kiểu Nam Giao.
1. Xã đàn, Xã tắc đàn là thờ Hậu Tắc, thủy tổ nhà Chu.
   Cái đàn thứ nhất này gắn với việc thờ và tế Hậu Tắc. Việc này được ghi lại trong Việt điện u linh tập (VĐUL). Sách này là tài liệu để lại nhiều dấu tích là được viết ra vào thời Trần và cũng là nguồn mà các bộ sử kí trung đại thường tham khảo. Nay có đến 12 bản chép khác nhau qua nhiều đời, thành ra, có những chỗ xuất nhập này khác. Chúng tôi khi cần tìm hiểu thông tin trong đó, thường phải so sánh một số bản đã được cho là gần bản gốc hơn cả như các bản A. 47, A.1919…
   Thần này sang đời Trần có danh hiệu là Thiên Tổ Địa Chủ Xã Tắc Đế Quân, trong VĐUL các bản xưa,nó được ghi thứ tự 4 ở mục Lịch đại quân nhân với tên truyện là Xã thần Đế quân.. Bản VĐUL A.47 chép: “Tương truyền Đế Quân danh Hậu Tắc, giáo dân bá bách cốc, phàm kiến quốc lập đô giai thiết lập xã tắc đàn xuân thu chi tế. Kim, đàn tại La Thành nam môn. Lịch triều Giao tự phối Thiên, như ngộ hạn hoàng, kỳ đảo tất ứng. Trần Trùng Hưng nguyên niên sắc phong Xã Tắc Ty Đế Quân. Tứ niên cải phong Thiên Tổ Xã Tắc Đế Quân, Hưng Long nhị thập nhất niên gia phong Địa Chủ nhị tự”.
   Dịch: Tương truyền, Đế Quân tên là Hậu Tắc, là thủy tổ nhà Chu dạy dân trồng trăm thứ lúa. Phàm là dựng nước lập đô đều lập xã tắc đàn xuân thu làm lễ tế. Đàn nay tại cửa nam La thành. Trải các triều khi tế Giao thì phối với Trời, gặp hạn hán sâu keo, cầu đảo tất ứng nghiệm. Đời Trùng Hưng năm đầu nhà Trần (1285) sắc phong Xã Tắc Ty Đế Quân. Bốn năm sau cải phong  Thiên Tổ Xã Tắc Đế Quân. Năm Hưng Long 21 (1313) gia phong 2 chữ Địa Chủ.
   Thông tin liên quan tới địa điểm đàn xã tắc thờ Hậu Tắc này bị biến động ở các bản khác về sau:
   VĐUL A. 1919 ghi: “Phàm kiến quốc lập đô, tắc nghinh thiết từ vũ vi xuân thu xã tế kỳ cốc, chủ Đại La thành chi nam môn, bình môn trắc, kỳ miếu đường nghiêm túc”. Dịch: “Phàm dựng nước lập đô tất phải nghinh thiết từ vũ mà xuân thu xã tế cầu thóc ở bên  cửa nam La Thành, miếu đường nghiêm túc.”.
    Mấy chữ “Đại La thành chi nam môn, bình môn trắc” quả là khó, đặc biệt là hai chữ “bình môn”. Tra sách Tam phủ hoàng đồ đô thành thập nhị môn thời Hán thì thấy ghi: “Trường An thành nam xuất đệ tam môn viết Tây An, bắc đối Vị Ương cung nhất viết Tiện môn tức Bình môn dã”. Có thể dịch là: “ Phía nam thành Trường An, có cửa thứ ba gọi là Tây An; phía bắc nhìn vào cung Vị Ương, thường gọi là Tiện Môn mà cũng gọi là Bình Môn”. Với thói quen đặt tên cửa thành Thăng Long theo tên cửa thành Trung Hoa, đặc biệt là thành Trường An, thì “nam môn, bình môn” chắc là chỉ một cửa phía nam môn khi mặt nam La Thành (rất dài) lúc đó có không chỉ một cửa ô đi ra ngoài.
   Bản cụ Lê Hữu Mục dịch, là bản đời Nguyễn (có tiếm bình của Cao Huy Diệu đời Nguyễn), lại ghi: “Nước ta đặt đền thờ ở bên cửa Quốc Bình phía nam La Thành”.
    Có 2 lí do để chúng tôi cho rằng bản cuối này có thể ghi sai vì: Thứ nhất đây là bản xa nguyên tác hơn, có thể người chép muộn chưa có điều kiện tra sách vở nên chép là “quốc bình” (?), thứ hai, trong Đại Việt sử kí toàn thư (ĐVSKTT) cho đến hết đời Lê, không tìm ra một cái cửa Quốc Bình nào cả. Dù ghi vào đây để tồn nghi nhưng chúng tôi cũng bớt được băn khoăn đi tìm cái cửa này.
    Vậy, có 2 phương án về vị trí đàn thờ Hậu Tắc này:
- Nằm ở phía Nam La Thành, phương án này thỏa mãn cả 3 văn bản.
- Cũng là nằm ở phía nam La Thành, nhưng là 1 cửa ô trong các cửa ô khác giao thông ra ngoài.
   Như vậy, đền thờ Hậu Tắc  (được nhà Lý gọi là xã đàn, xã tắc đàn) đã được lập. Nhưng đây, theo VĐUL, là “tương truyền”, “thế truyền”, “tục viết” về hành trạng của thần mà thôi. Thủy tổ nhà Chu thì đúng là tương truyền thôi, thủy tổ bất cứ dòng họ nào cũng vậy.
    Một điều đáng lưu ý là, khi đọc truyện này, thấy thờ Hậu Tắc mà lại gọi nó là “xã tắc”, cụ Cao Huy Diệu (1762-1820), đỗ đầu xứ Kinh Bắc, làm quan đời Nguyễn, là nội tổ Cao Bá Quát) có lời Tiếm bình rất hữu lí: “Nhưng mà Đế quân chẳng phải là hiệu, Thiên tổ chẳng phải là tên, tự điển nên xưng là Hậu Tắc ngõ hầu mới được rõ ràng dễ hiểu. Xét bậc Tiên nông chỗ nào cũng có thờ, duy nước ta mới được xưng là Xã Tắc”. Ở đây, Cao Huy Diệu đã nhận ra việc đặt hiệu đời Trần là bất thường, việc gọi tên nhà Lý cũng bất thường, và quan trọng hơn, nó cũng là thờ Tiên nông (tứ thời kỳ cốc) thôi chứ không như Nam Giao, tế lễ trời đất. Nhận xét của cụ đáng để ta tìm hiểu kĩ hơn.
   Tôi cho rằng chính sử ghi vào năm 1048, dưới đời Lý Thái tông  “lập Xã đàn (hay Xã tắc đàn) vu Trường Quảng môn ngoại tứ thời kỳ cốc” là chính là viết về cái đàn thờ Hậu Tắc này. Vậy thì nó được lập vào 1048, dưới đời Lý Thái tông. Chính tên nó đã trở thành địa danh Xã Đàn tồn tại đến ngày nay. Đọc kĩ tài liệu thì thấy: a, cả chính sử và VĐUL đều ghi ở cửa phía nam La Thành; b, đều gọi nó là xã đàn hoặc xã tắc đàn; c, đều tế để cầu thóc, cầu mùa (kỳ cốc); d, thời Lý, không bị các sử liệu khác cạnh tranh; e, với sự tồn tại tối thiểu kéo sang cả nhà Trần, thời làm sách VĐUL, nó đủ uy tín để dùng chỉ địa danh vùng này.
   2.Một hình thức  “Xã đàn” thờ Hậu Thổ ở Yên Lãng.
   Ta biết rằng, tất cả các sách cổ (trước Lý) đều cho rằng Hậu Thổ là đẳng cấp cao nhất của xã thần, được thờ ở kinh sư, các xã thần khác chịu sự quản trị của Hậu Thổ. Vị “xã thần” thứ hai này thông tin cho ta rõ hơn nhiều mặt liên quan đến Hậu Tắc này và giúp ta liên kết không chỉ nguồn VĐUL mà cả nguồn VSL, ĐVSKTT.
   Tên truyện là Ứng thiên Hóa dục Nguyên quân, đặt đứng đầu mục Hạo khí anh linh (bản A. 47).
   Theo VĐUL, Lý Thánh tông (đời vua thứ 3 nhà Lý, làm vua từ 1054 đến 1067), đi đánh Chiêm Thành, gặp nữ thần ở cửa biển Hoàn Hải xưng là tinh của Đại địa Nam quốc, hứa giúp vua thắng trận và mong được thờ tự. Tìm được hình tượng của thần là cây gỗ trên bờ, vua ban hiệu là Hậu Thổ Phu Nhân, lập bàn thờ trên thuyền ngự rồi thẳng tiến. Thắng trận, vua đã rước linh tượng về ngang Hoàn Hải, định lập miếu thờ nhưng thần phản ứng gây sóng gió, cầu đảo thì biết thần muốn thờ ở kinh sư. Về Thăng Long, vua bảo thầy bói xem đất, xây đắp đền thờ ở làng Yên Lãng. Việc này diễn ra vào năm 1069 (VSL ghi: “Năm Kỉ Dậu, tháng 2, ngày Mậu Tuất (24-2-1069), vua hạ chiếu thân đi đánh Chiêm Thành”. Tháng 7 năm đó thì về tâu việc thắng trận với tổ tiên).
   Như vậy, dù các bản VĐUL có ghi vài chi tiết đổi khác nhưng ta thấy việc lập “xã đàn” ở làng Yên Lãng là có thật, tuy không gọi là “xã đàn” như đàn thờ Hậu Tắc (vì sẽ trùng tên với cái đàn tiên vương đã đặt) nhưng đây mới chính danh là xã đàn kinh sư (quốc gia) vì thờ tế Hậu Thổ, còn xã đàn kia là thờ tế Hậu Tắc. (Hậu Thổ là thần đất đai, núi non, là đẳng cao nhất của xã thần, thổ địa, được thờ ở kinh sư. Hậu Tắc là thờ thủy tổ nhà Chu, vì dạy dân trồng lúa nên dùng tế cầu mùa, lúa, lương thực). Cũng khác với thần Hậu Tắc, thần Hậu Thổ này mới mang tính bản địa, vì thần là tinh của Đại địa nam quốc.
   Chưa hết, truyện còn ghi tiếp sự kiện đời vua Lý Anh tông. VĐUL  A.47 ghi:
    “Anh tông thời tuế đại hạn, quần thần thỉnh lập hoàn khâu ư Nam Giao tế Nguyên Quân vi đàn chủ. Thị dạ, đế mộng Nguyên Quân lai ngôn: bộ thần thuộc hữu Câu Mang thần thiện hành vũ. Đế hỉ nhi giác. Thiên đại vũ như thụ. Nghị dĩ xã tắc phối Thiên, hậu thổ phối Địa. Sắc tự kim dĩ hậu, phàm lập xuân chi thổ ngưu nạp vu Nguyên Quân từ hạ dĩ Câu Mang thần vi kì bộ thuộc dã. Trần Trùng Hưng nguyên niên sắc phong Hậu Thổ Địa Kỳ Phu Nhân. Tứ niên gia Nguyên Trung nhị tự. Hưng Long nhị thập niên gia Ứng Thiên Hóa Dục tứ tự”.
   Dịch: “Năm đại hạn thời Lý Anh tông, quần thần thỉnh nguyện lập đàn tròn (hoàn khâu) ở Nam Giao mà tế Nguyên Quân [tức vị thần Hậu thổ này] làm đàn chủ. Đêm ấy, vua mộng thấy Nguyên Quân đến nói rằng, bộ thuộc của thần có thần Câu Mang, giỏi làm mưa. Vua mừng mà tỉnh dậy, lúc đó trời mưa như trút. Liền bàn lấy thần Xã tắc phối với Trời, thần Hậu thổ phối với Đất. Sắc cho từ nay về sau, phàm là tiết lập xuân thì đem trâu nạp tế dưới đền Nguyên Quân với thần bộ thuộc là Câu Mang vậy. Niên hiệu Trùng Hưng năm thứ nhất triều Trần (1285) sắc phong Hậu Thổ Địa Kỳ Phu Nhân. Bốn năm sau (1289) gia phong hai chữ Nguyên Trung. Năm Hưng Long thứ 21  (1313) gia phong bốn chữ Ứng Thiên Hóa Dục”.
   Các bản VĐUL khác lời văn có lệch chút ít nhưng với cái chúng ta đang cần thì thông tin tương đồng. Có điều là, Thần tích Xã thần ở làng Yên Lãng chắc chắn là lầm Lý Anh tông thành Trần Anh tông vì ĐVSKTT cho ta những thông tin để đối chứng.
       3.Đàn Nam Giao thời Lý Anh tông có phối tế cả Hậu Tắc và Hậu Thổ
   Việt sử lược (VSL) ghi: “Năm Nhâm thân, hiệu Đại Định năm thứ 13 (1152), xây thành Hoàn khâu ở cửa nam thành để làm nơi tế trời”.
    Sau đó ĐVSKTT ghi có khác: “Tháng 9 (1154), vua ngự ra cửa Nam thành Đại La xem đắp đàn Viên Khâu”. Các sách VĐUL ghi giống VSL là “hoàn khâu”, đây ghi là “viên khâu”, nghĩa không khác nhưng sự trước sau của văn bản là đáng chú ý. Vả lại “nam môn thành” có thể giống nhưng cũng có thể khác “nam môn Đại La thành”. Cái đàn Viên khâu này mới đích thị là đàn Nam Giao như chúng ta muốn tìm kiếm.
   Như vậy, chúng ta chứng thực vào năm 1048, Lý Thái tông dựng miếu đền Hậu Tắc ở Xã Đàn nay. 1069 đời Lý Thánh tông, đã xây đền tế Hậu Thổ ở làng Yên Lãng. 83 năm sau, khi lập đàn Nam Giao, Lý Anh tông đã phối tế hai thần Hậu Thổ và Hậu Tắc vào Nam Giao và thần Hậu Tổ là chủ đàn. Việc phối tế này được cả hai truyện trong VĐUL (dù nằm ở hai mục cách xa nhau) đồng thanh xác nhận. Và nó cũng là dấu hiệu cho thấy tinh thần bản địa, tinh thần dân tộc ngày càng cao của triều đại này. Vậy vị trí của các đàn là ở đâu? Đó là điều cần tiếp tục tìm kiếm.
   4. Kết luận
   -Hậu Thổ thì chắc chắn là ở làng Yên Lãng vì không có tình trạng tranh chấp.
   -Hậu Tắc đáp ứng nhiều tiêu chí nằm trong vùng khai quật gọi là “Đàn Xã tắc” hiện nay ở nút giao thông Kim Liên – Nguyễn Lương Bằng, cạnh Ô Chợ Dừa.
   -Đàn Viên Khâu (Hoàn Khâu, Nam Giao) sẽ nằm phía Nam La Thành xưa, nếu thời Lý, rất dễ là trục Hà Nội- Hà Đông hiện nay. Đây mới chính là cái “Xã tắc đàn” quan trọng như chúng ta muốn đi tìm và bảo vệ nó một cách quyết liệt thời gian qua. Còn việc nó có nằm trong vùng quanh chùa Xã Đàn hiện nay hay ở trên đất Nhân Mục như một số người quan niệm thì cần tiếp tục tìm hiểu.
    Trong thời Lý, ngoài hai xã thần được thờ từ đời Lý Công Uẩn là Lý Phục Man và Xung Thiên Thần Vương, ta còn chứng kiến ít nhất 3 đàn tế Hậu Tắc, Hậu Thổ và Nam Giao vốn ở những nơi khác nhau và được thỉnh về để khi tế Nam Giao thì phối tế. Việc phối tế này, trong lịch sử, đã bắt đầu từ thời Hán Đường, sau này, thời Minh Thanh ở Trung Hoa hoặc thời Nguyễn ở Việt Nam thì dễ khảo nhưng thời Trần trở về trước thì đây là một dấu hiệu đáng ghi nhận vì như Lê Quý Đôn cũng đã từng than thở: “Lễ nghi tế Giao, tế Miếu về hai triều đại nhà Lý, nhà Trần không thể tra khảo được”.
   Cuối cùng tôi nhấn mạnh lại rằng, việc khai quật khảo cổ học ở Di tích Đàn Xã tắc hiện nay, những tài liệu vật chất của nó, đáp ứng chắc chắn nhất về di tích miếu đền thờ Hậu Tắc, thủy tổ nhà Chu được xây dựng vào thời Lý để cầu thóc, cầu mùa. Nó khác với đàn Nam Giao tế trời đất. Phạm vi và giá trị của nó cũng cần được nhìn nhận theo hướng đó. Lạm dụng thần thánh cũng gây hại như lạm dụng công quyền. Thành thử, giữa việc bảo tồn di tích và việc xây dựng cầu vượt dân sinh (như bản vẽ các hố cột) không quá xung khắc đến độ một mất một còn như một số người nghĩ.
Hà Nội 6 – 5 – 2013.

Tài liệu tham khảo:
-Việt điện u linh – Các bản A 47, A. 1919. Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm và bản dịch của Lê Hữu Mục trên mạng.
-Việt sử lược – Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú giải. Nxb Văn Sử Địa. Hà Nội 1960.
-Đại Việt sử kí toàn thư – Bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội 1983.
-Lê Quí Đôn – Kiến văn tiểu lục. Nxb Văn học. Hà Nội 1962.
- Đào Phương Chi – Nghiên cứu văn bản Việt điện u linh tập và quá trình dịch chuyển của văn bản. Luận án tiến sĩ Ngữ văn. Thư viện Hán Nôm. LA 00152.
-Khanh Hi Thái (chủ biên) – Đạo giáo Trung Quốc. Người dịch Phạm Văn Hưng. Phòng tư liệu khoa Văn học, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.
- Lao Tử - Thịnh Lê (chủ biên) – Từ điển Nho Phật Đạo – Nxb Văn học- Hà Nội 2001.