Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Về hai lần lập Xã đàn và thờ Xã thần dưới đời vua Lý Công Uẩn.

Nguyễn Hùng Vĩ.
Thứ sáu ngày 17 tháng 5 năm 2013 5:31 AM

1. Cách hiểu chung để vào bài.
   Xã thần, tắc thần, xã tắc thần là đối tượng tế lễ của xã đàn, xã tắc đàn. Liên quan tới “lập xã đàn” (theo cách ghi của Việt sử lược)  đời Lý Thái tông (1048) [chính là cái “Đàn xã tắc” đang gây xôn xao dư luận], chúng tôi tìm hiểu những sách trước đó viết về “xã” và “tắc” thì được những thông tin cơ bản như sau (không nói đến sách sau thời Lý vì những người lập xã đàn đương thời không đọc được những gì mà người đời sau viết ra để hướng dẫn cho hành động của mình):
   Sách Lễ kí – Giao đặc sinh viết: “Đất mang chở vạn vật, trời bày muôn hình tượng, lấy của cải ở đất, lấy phép tắc ở trời, cho nên tôn trời mà thân đất. Nên phải dạy dân báo đáp cho xứng đáng”.
   Sách Hiếu kinh viện thần khế viết: “Xã là vị tổng thần của ngũ thổ mà đất đai vốn mênh mông, không thể tỏ lòng kính ở mọi nơi nên phong đất là “xã” để cúng tế, báo đáp công đức của đất”.
   Sách Nhạc kê diệu gia viết: “Xã là chủ của đất đai, đất rộng mà không thể tế khắp nên phong đất là “xã” để báo đáp công lao”.
   Sách Hán thư – Ngũ hành chí chú rằng: “Theo quy định cũ, 25 nhà là một xã”.
   Sách Lễ kí – Tế pháp chú: “Bậc đại phu sắp đặt cho các kẻ sĩ dân dưới mình sống quần tụ lại với nhau, cứ 100 nhà trở lên thì lập xã”. (Về các việc lập xã này, sách Đạo giáo Trung Quốc nhận xét: “Các xã 52 nhà hoặc 100 nhà trở lên này là đơn vị hành chính nhỏ ở địa phương mà các vị thần ở đó được thờ thì gọi là “Xã công” hoặc “Thổ địa”. Tên gọi “Xã công” và “Thổ địa” có từ thời Đông Hán).
   Sách Luận hành – Cơ nhật thiên của Vương Sung viết: “Như Thần thổ địa không chiều theo ý muốn của con người, những kẻ ác gây điều tai họa thì có xem bói, chọn ngày cũng có ích gì đâu”.
   Sách Đạo yếu linh thị thần quỉ phẩm kinh – Xã thần phẩm (xuất hiện vào khoảng thời Lục triều) viết: “Sách Lão tử thiên địa quỉ thần mục lục viết: “ Xã thần ở kinh sư là chính vị thần ở trên trời, trái là âm, phải là dương, họ Hoằng, tên Sùng, vốn là người Lịch Dương ở Cửu Giang đất Dương Châu; thần ở hàng trật vạn thạch, là chủ của các thần lớn là danh sơn trong thiên hạ, xã thần các nơi theo làm bề tôi.Xã  thần Hà Nam là Thiên đế tam quang, trái là xanh, phải là trắng, họ Đái tên Cao, vốn là người Bột Hải đất Kí Châu, thần ở hàng vạn thạch, là chủ sự vận động nối nhau của âm dương”.
   Sách Tam hoàng kinh viết: “ Xã thần ở Dự Châu họ Phạm tên là Lễ; Xã thần ở Ung Châu, họ Tu tên là Lí; Xã thần ở Lương Châu, họ Hoàng tên là Tông; Xã thần ở Kinh Châu, họ Trương tên là Dự; Xã thần ở Dương Châu, họ Trâu tên là Hỗn; Xã thần ở Từ Châu, họ Hàn tên là Quí, Xã thần ở Thanh Châu, họ Ân tên là Dục; Xã thần ở Cổn Châu, họ Phí tên là Minh; Xã thần ở Kí Châu, họ Phùng tên là Thiên. Tắc thần họ Đái tên Cao. Có chín châu trên ứng với căn của cửu tinh trên trời, (…) có thể thưởng thiện ác, cứu giúp thương sinh”.
   Sách Sưu thần kí ghi chuyện Tử Văn người Quảng Lăng làm quan cuối đời Hán, chết là xã thần, sau đó được Ngô Tôn Quyền sắc phong.
   Có thể tra cứu thêm nhiều sách nữa nhưng chỉ thế này chúng ta cũng đủ thấy trước khi Lý Công Uẩn được nước, tri thức về Xã thần đã phổ biến trong không gian An nam đô hộ phủ trước đó và trong không gian Đại Việt đương thời. Cách thờ tự Xã thần của nhà Lý dựa trên văn hóa thờ tự đó. Đọc chính sử phong kiến chép về thời Tiền Lê, ta chưa gặp trang nào ghi công việc các vua lập xã đàn thờ xã thần, làm lễ tịch điền thì có (có thể tài liệu khác có, ta nói sau).
   Với cuộc thiên đô về Thăng Long, ta thấy có sự bùng nổ về văn hóa tín ngưỡng, văn hóa tâm linh, văn hóa tôn giáo của triều đại mới.
2. “Xã thần” Lý Phục Man.
   Việt sử lược (VSL) ghi sự kiện năm 1016: Năm Bính thìn, hiệu Thuận Thiên năm thứ 7,…Động đất. Tế vọng các danh sơn.
   Đại Việt sử kí toàn thư cũng ghi tương tự nhưng mở lời chú cho rõ hơn, lời chú này chắc lấy từ Việt điện u linh: “ Bính thìn, [Thuận Thiên] năm thứ 7 [1016]. Động đất. Làm lễ tế vọng các danh sơn. (Vua nhân đi xem núi sông, đến bến đò Cổ Sở, thấy khí tốt của núi sông, tâm thần cảm động, bèn làm lễ rưới rượu xuống đất, khấn rằng: “Trẫm xem địa phương này, núi lạ sông đẹp, nếu có nhân kiệt địa linh thì hưởng lễ”. Đêm ấy, vua chiêm bao thấy có dị nhân đến cúi đầu lạy hai lạy, nói: “Thần là người làng này, họ Lý tên Phục Man làm tướng giúp Nam đế, có tiếng là người trung liệt, được giao trông coi hai giải sông núi Đỗ Động và Đường Lâm, bọn di lão không dám xâm phạm biên giới, một phương yên bình. Đến khi chết, thượng đế khen là trung thực, sắc cho giữ chức như cũ. Cho nên phàm giặc man di đến cướp đều chống giữ được cả. Nay may được bệ hạ thương đến, biết cho thần giữ chức này lâu rồi”. Rồi đó ung dung nói: “Thiên hạ khi mờ tối, trung thân dấu tính danh, giữa trời nhật nguyệt sáng, ai chẳng thấy dáng hình”. Vua thức dậy nói việc ấy với ngự sử đại phu Lương Nhậm Văn rằng: “Đó là ý thần muốn tạc tượng”. Vua sai bói xin âm dương, quả nhiên đúng như thế. Bèn sai người trong châu lập đền đắp tượng đúng như hình dạng người trong chiêm bao, tuế thời cúng tế…)
   Qua đoạn các sử sách chép như trên, ta đọc được ở đây một lễ phong và lập xã đàn thờ xã thần thời Lý Công Uẩn rất rõ ràng.
   Sau khi được nước, Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long năm 1010. Định đô mới với bao công việc. Bảy năm sau, đợt động đất đầu tiên làm vua chợt nhớ đến long mạch. Động đất là động long mạch. Đặc biệt là Ba Vì với thế núi chủ kéo hướng Đông Tây qua thành Thăng Long. Đất có thổ công, sông có hà bá. Ngài liền làm lễ tế thổ công và chọn đất Cổ Sở để tế vọng sang. Chọn Cổ Sở (nay là Yên Sở) vì đó là hướng chính tây theo phương vị cách nay 1000 năm. Nếu lấy núi Nùng, kéo một đường thẳng tắp lên đỉnh Ba Vì, chúng ta sẽ thấy nó chia đôi làng Yên Sở. Và thần Lý Phục Man đã được phong và thờ ở đó. Từ đó, vọng lên Ba Vì nên gọi là tế vọng.
   Các hành vi tế lễ đúng qui thức của việc lập đàn và hành lễ xã tắc. Đàn lập đơn giản: rưới rượu lên đất (sái tịnh) [ Phật quang đại từ điển: Thủy đàn là lập đàn bằng cách rưới nước lên một vạt đất chọn làm đàn], thỉnh nhân kiệt địa linh [ xem Đạo giáo Trung Quốc], thần ứng mộng và tự xưng là xã thần được Thượng đế phong và yêu cầu vua mới chấp nhận, gieo quẻ âm dương, xác nhận và tạc tượng [giống việc Ngô Tôn Quyền làm với Tử Văn đã nêu trên]. Xã thần Lý Phục Man quản lí, coi giữ phía tây kinh thành, đẳng cỡ vạn hộ (ở Trung Hoa trước đó, đẳng vạn hộ lớn hơn nhiều, nhưng với Đại Việt, trấn ngữ cả phía tây kinh thành cũng có thể đã là đẳng đó), đất là hai vùng Đỗ Động và Đường Lâm. Đồng thời giao việc tế tự cho người dân trong châu (Ở đây tác giả cũng dùng chữ “châu” như  cửu châu ở trên).
   Chúng tôi cho rằng, ngay từ đời Lý Công Uẩn, đã lập xã đàn ở Yên Sở để cầu xã thần ở đó: Xã thần hướng tây.
3. “Xã thần” Xung thiên Thần vương.
   Sách cổ Trung quốc đều ghi về xã thần chín châu. Việc hoàng đế công nhận xã thần chín châu cũng chính là ý thức về vùng đất thuộc quyền mình cai quản. Việc Lý Công Uẩn thừa nhận xã thần làng Phù Đổng là thừa nhận xã thần hướng đông. Việt điện u linh (VĐUL) ghi về sự này hết sức thú vị, giúp ta hình dung rõ hơn về di tích và lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới này.VĐUL chép rõ là Thấn vốn là Thổ địa thần (cũng là Xã thần) giáng sinh. Theo sách Thiền uyển tập anh (TUTA), đất Thần làm xã thần là của “một hương hào họ Nguyễn hiến cho nhà chùa làm đất “Kỳ viên” (đất để Phật tu hành, truyền đạo, ở đây là dựng chùa Kiến Sơ) từ thời nhà sư Chí Thành (? – 860), thế hệ thứ 2 dòng Vô Ngôn Thông. Trong TUTA, họ Lý thường bị đổi thành Nguyễn nên chúng tôi cho rằng, người hiến đất là hương hào họ Lý. Lâu ngày, việc thờ thần sao nhãng, bị cho là miếu thờ dâm thần. Khi Lý công Uẩn còn chưa lên ngôi, đến với sư Đa Bảo và kết làm “đàn việt”, tức là người xuất tài sản bảo trợ cho nhà chùa. Vạn Hạnh, người cha tinh thần của Lý Công Uẩn cũng nói như vây: “Chính nam Phù Ninh, Hộ trạch thần”. Hộ trạch thần cũng là thổ địa thần và cũng là xã thần.
   Sau khi lên ngôi, Lý Thái tổ đã về chùa Kiến Sơ, và cũng như trường hợp Lý Phục Man, thổ thần đã hiển ứng xin phong danh hiệu. Lý Thái tổ phong là Xung Thiên Thần Vương, lập đền, tạc tượng thờ tự, làm lễ cáo với thần. Lễ đó cũng là lễ cáo xã thần, nghĩa rộng cũng là xã tắc thần vậy.
   Điều kì lạ và thú vị là, cũng như trục qui chiếu hướng tây Ba vì thẳng Yên Sở thẳng Hoàng thành thì với Phù Đổng chúng ta cũng nhận thấy, nếu đường thẳng nối Yên Tử sơn với Hoàng thành sẽ cắt đôi làng Phù Đổng. Ngẫu nhiên chăng hay là những phương vị mà khi định đô, trí tuệ địa lí đã hoạch định. Chúng tôi không cho là ngẫu nhiên. Như vậy, cũng giống như trường hợp lập đền thờ Lý Phục Man, đây cũng là một hình thức “tế vọng các danh sơn” nhưng đây là hướng đông. Một điểm cần chú ý nữa là, trên đất Yên Sở có đội đồng là Xa Đống, trên đất Phù Đổng cũng có đội đồng là Đổng Viên, dân vẫn gọi là khu Vườn Đống. Một sự trùng hợp cần để tâm tìm hiểu.
4. Kết luận.
   Hoàng thành Thăng Long với bốn phương tám hướng ẩn chứa những trục phương vị mà chúng ta cần nghiên cứu tiếp tục. Phía bắc, theo truyền thống Phật giáo mà sẽ công nhận Sóc Thiên Vương. Phía nam sẽ là một vị xã thần nào đó chúng ta chưa tường được (Đồng Cổ chăng?). Vậy, trung tâm sẽ là Long đỗ (rốn rồng, rốn long mạch), những xã thần trong kinh thành sẽ tất yếu biến thành Thành hoàng, hậu thổ. Chúng tôi sẽ đề cập tiếp trong những bài viết sau.
   Việc lập các xã đàn đã được bắt đầu từ Lý Công Uẩn với nhiều địa điểm trên kinh thành và chung quanh, cho nên, việc Lý Thái tông lập xã đàn ở ngoài cửa Trường Quảng chỉ là bước tiếp theo mà thôi.
Hà Nội 1 – 5 – 2013.

Tài liệu tham khảo:
-Khanh Hi Thái (chủ biên)- Đạo giáo Trung Quốc. Người dịch Phạm Văn Hưng. Phòng tư liệu khoa Văn Học.
-Việt điện u linh- Các bản A.47, A. 1919 và bản dịch năm 1961 của Lê Hữu Mục trên mạng.
-Đại Việt sử kí toàn thư. Bản khắc in Chính Hòa thứ 18 (1697)- Nxb KHXH Hà Nội 1983.
-Việt sử lược- Bản dịch của Trần Quốc Vượng. Nxb Văn Sử Địa 1960.
-Đào Duy Anh- Từ điển Hán Việt. Nxb KHXH Hà Nội 2001.
-Phật quang đại từ điển- Người dịch Thích Quảng Độ. Hội văn hóa giáo dục Ling Sơn Đài Bắc xuất bản 2000.