Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Cần diễn đạt và sử dụng từ ngữ chính xác dễ hiểu

Sông Đáy
Thứ năm ngày 28 tháng 3 năm 2013 9:46 PM


Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Báo Hà Nội mới số ra ngày 18 và số ra ngày 19-9-2012 vừa qua, đã đăng bài “Dòng tinh hoa bất tận” của tác giả Hồ Quang Lợi ( H.Q.L), nhằm ca ngợi những cống hiến trên nhiều lĩnh vực, nhất là về khoa học xã hội và nhân văn của Giáo sư Vũ Khiêu (V.K.) Đây là bài báo thuộc thể loại phóng sự, viết về người thật, việc thật, đòi hỏi người viết cần phải bảo đảm sự trung thực, chính xác của từng chi tiết; nhận định và đánh giá sao cho vừa phải , đúng mực. Nếu hai yêu cầu này không được tác giả chú ý thì dễ làm giảm sự tin cậy, mến mộ của công chúng đối với nhân vật mà tác giả đề cao. Với tinh thần xây dựng, chúng tôi xin trao đổi về một vài chi tiết, nhận xét và về cách hành văn, dùng từ của tác giả.
1. Trước hết, xin nói về một số chi tiết, nhận xét mà chúng tôi cho là chưa đúng, qua các ví dụ sau:
- “Dấu ấn V.K trên nhiều mặt của văn hóa cống hiến xuyên thế kỷ qua sự đa dạng, liên tục, bền bỉ phi thường đã đưa ông thành một quốc bảo của nguyên khí nước nhà” (những chữ nghiêng, đậm là do chúng tôi nhấn mạnh- SĐ).
Trong cuốn “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của Giáo sư Nguyễn Lân, trang 1503, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 2000 đã định nghĩa “quốc bảo” là : của quý báu của đất nước. Vậy thì tại sao lại viết “quốc bảo của nguyên khí nước nhà” cho tối nghĩa, không cần thiết. Chỉ cần viết “quốc bảo” là đủ.
Câu văn vừa dẫn nên viết lại cho chuẩn xác, giản dị, chứ không nên diễn đạt lủng củng, lòng vòng và rơi vào bệnh “sính nói chữ”.
- “Ông là Giáo sư duy nhất Việt Nam hiện nay làm việc 16 giờ/ngày khi qua tuổi 96”.
Không hiểu Giáo sư có sức khỏe vô địch thế nào mà thời gian làm việc nhiều đến thế. Bạn đọc nghi ngờ về chi tiết này. Đứng về góc độ khoa học y tế thì người ta không thể ngày nào cũng làm việc 16 giờ, nhất là đối với cụ già gần 100 tuổi. Người bình thường và cả người cao tuổi cũng hiếm có ai làm việc nhiều giờ và không nhất thiết như vậy, vì nó dễ dẫn đến nguy hiểm, đột quỵ.
- “… V.K là một học giả đa tài mà uy tín khiến giới khoa học, trí thức kính nể; được nhân dân cả nước mộ phục”
Theo chúng tôi, dùng cụm từ sau cùng là không chính xác, vì những cống hiến của học giả này chỉ có một số đồng chí lãnh đạo và một số người trong giới khoa học xã hội và nhân văn… biết, còn các tầng lớp nhân dân khác không biết. Tác giả viết gộp chung “nhân dân cả nước” là không đúng thực tế.
-“Hàng chục vạn trang bản thảo được Giáo sư đọc, biên tập ở tuổi 94…”.
Chúng tôi e là người viết có sự nhầm lẫn hay vì quá yêu quý nhân vật mà nêu ra con số khổng lồ này. Dẫu Giáo sư có trí tuệ uyên bác và sức làm việc dẻo dai đến mấy thì ở lứa tuổi 94, cụ không thể đọc và biên tập đạt chất lượng cao được số trang bản thảo “khủng” như vậy. Giả sử đọc được hàng nghìn trang cũng là con số lớn lắm rồi.
2. Về cách diến đạt và dùng từ ngữ.
Xin đơn cử mấy ví dụ dưới đây:
- “Yếu nhân thành lập ngành mỹ học Việt Nam đã viết một cuốn sách từng gây tranh cãi khi mới ra đời”
Sự thật là ở Việt Nam ta không có ngành mỹ học riêng mà chỉ có bộ môn mỹ học ở một số trường đại học dạy khoa học xã hội thôi. Còn từ “yếu nhân” hầu như chỉ dùng ở nước ta từ trước Cách mạng tháng Tám, 1945. Hơn nửa thế kỷ qua và cho đến ngày nay, trong văn nói và văn viết, người ta không dùng “yếu nhân” nữa. Tác giả cần sử dụng từ khác để diễn đạt cho đại chúng và dễ hiểu.
- Tác giả đã dùng một số từ ngữ không chính xác về mặt ý nghĩa, trái với cách nói, cách viết quen thuộc của người Việt Nam ta. Đó là các cụm từ: “… quả là bất khả trong một bài báo…”, “Ông luôn trưng cầu cái mới…”, “Sinh ra và ấu thơ ở làng…”. Tại sao không dùng các cụm từ dưới đây cho dễ hiểu, trong sáng để thay thế cho các cụm từ trên như: “… quả là không có thể làm được trong một bài báo…”, “Ông luôn tìm tòi (ủng hộ) cái mới…”, “Sinh ra và lớn lên ở làng…”. Người viết “sáng tác” ra khá nhiều từ mới, cầu kỳ, lập dị và khó hiểu như: uy lẫm, uyên minh, hiếm biệt, mộ phục… Tại sao không tìm những từ khác có sẵn trong kho từ vựng tiếng Việt, lại dễ hiểu, không rắc rối mà vẫn nêu đúng được ý của tác giả muốn đề cập.
Ngoài ra, chúng tôi còn muốn trao đổi với tác giả một vài nhận xét đánh giá của ông, có phần phiến diện, một chiều về vốn cổ văn Hán – Nôm, về các bài văn bia, văn tế do Giáo sư V.K viết. Lại còn tên bài báo và mấy chi tiết khiến người đọc băn khoăn về tính chuẩn xác như mô tả việc cụ ký tên “như thả bay nốt nhạc, chữ ký đẹp, nét thăng, sắc mà người trẻ cũng hiếm ai có nổi” hay ví cụ như một ‘tiên ông”, “thi tiên” khi đến thăm một ngôi chùa...
*
* *
Chúng tôi thiển nghĩ rằng, việc ngợi ca tài, đức và những đóng góp cho dân, cho nước của các bậc danh nhân, hiền tài là việc làm rất có ý nghĩa, cần được khuyến khích, cổ vũ. Song, vấn đề đặt ra là cách viết như thế nào, nội dung thể hiện bao gồm những vấn đề gì để bảo đảm cho được tính trung thực, khách quan và phong phú. Phương pháp diễn đạt và ngôn ngữ sử dụng trong các bài viết phải trong sáng, giản dị, dễ hiểu, đúng với ngữ pháp Việt Nam. “Nói phải củ cải cũng nghe”. Với thiện chí đóng góp xây dựng, nên chúng tôi mạnh dạn nêu lên một số nhận xét nói trên để góp phần rút kinh nghiệm chung đối với các tác giả của thể loại phóng sự, ký sự viết về người thật, việc thật. nhằm tăng thêm tác dụng của báo chí phục vụ công cuộc đổi mới của Thủ đô nói riêng và của cả nước nói chung./.
Hà Nội, 10.10.2012