Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hải Như - một quan niệm văn học

Trần Huy Thuận
Thứ tư ngày 27 tháng 3 năm 2013 8:32 PM


(đọc “CÓ HAI DÒNG VĂN CHƯƠNG”1)

 Xuất phát từ nhận định: “Mỗi con người là một vũ trụ riêng” (Emerson, triết gia Mỹ), nhà thơ Hải Như thường tự nhủ rằng: “Văn học là khoa học khám phá LÒNG NGƯỜI” – ông viết: “Con người ngày càng làm chủ kỹ thuật hiện đại nhưng mãi mãi không làm chủ được lòng mình”1. Và ngay từ khi bước sang tuổi ngoài “thất thập”, ông đã tâm sự: “Người làm văn học – các nhà văn, nhà thơ có sứ mạng cao quý giúp con người nhận diện được mình qua những trang sách, giúp con người tự vấn lương tâm, thanh lọc mình”1. Ông còn quan niệm rằng “Văn học mang tính độc lập và đòi hỏi độc lập cao… Người làm văn học phải dám là mình với niềm tự tin cao”1. Đầu xuân năm nay, trả lời phỏng vấn vietnamnet.vn, Hải Như đã nói: "Làm thơ, viết văn là sáng tác ra tác phẩm nói lên những vấn đề của con người gắn với thời cuộc, thời đại. Người cầm bút cần phải có năng lực dự báo, là cánh chim báo bão, là người đi đầu phản biện góp phần cho sự phát triển các giá trị Chân-Thiện-Mỹ trong xã hội; đem hồn thơ làm thắm đượm hồn người, thơ không nên chỉ lo phục vụ chính trị, mà phải "văn dĩ tải đạo"( http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/108450/nha-van--xin-dung-tu-troi-buoc-minh.html)
Khi tranh luận với Nguyễn Khắc Phê (nhân đọc bài của nhà văn này “Không nên tự trói buộc mình” trên tờ Văn Nghệ 23/6/2007), Hải Như đã  dẫn chuyện nhà chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền, một người nổi tiếng thời Đông Kinh Nghĩa Thục: “Đã mượn lúc say tự tay lấy tập thơ của mình ra châm lửa đốt”. Giải thích cho việc làm đó, Nguyễn Thượng Hiền nói: “Thơ ta trau chuốt bởi hám danh / Say đốt quách đi dạ chẳng đành / Chưa dễ về sau lừa kẻ khác / Mà còn giữ mãi mệt thân mình” và Hải Như khẳng định: mọi thời đều có hai dòng văn chương song hành, đó là dòng văn chương ưu thời và dòng văn chương xu thời. Nhà thơ cho rằng ngay trong một nhà văn, nhà thơ, cũng có khi phân thân, lúc xu thời, lúc ưu thời, như trường hợp Chế Lan Viên, khi cuối đời nhà thơ này đã viết:
… Mậu Thân hai ngàn người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống có ba mươi
Ai chịu trách nhiệm về cái chết hai ngàn người đó?
Tôi – người làm những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong…
 Quan niệm trên của Hải Như, nhất quán trong hầu hết các phát biểu cũng như bài viết của ông. 
Trong bài “Chỉ có một nhà văn”2 nhà thơ Hải Như đã vạch trần một thực tế của hội Nhà văn Việt Nam, đó là vấn đề HỘI VIÊN. Ông viết: “Có thể nói chưa có nền văn học nào có nhiều phân biệt như nền văn học chúng ta. Chúng ta có nhà văn địa phương, nhà văn trung ương, nhà văn trong đảng, nhà văn ngoài đảng, nhà văn hội viên, nhà văn chưa hội viên, nhà văn ban chấp hành, nhà văn ban thư ký… Có nghĩa là muốn được công nhận (đồng nghĩa với được đứng trong biên chế hưởng đặc quyền đặc lợi). Trở thành một hội viên hội nhà văn Việt Nam hôm nay, người cầm bút phải phấn đấu từng mức thang trong mục tiêu, mà quên một mục tiêu duy nhất để trở thành nhà văn, đó là TÁC PHẨM – Không ít nhà văn hội viên chúng ta chưa có tác phẩm. Ở đây chúng ta đừng lẫn lộn giữa đầu sách được in với tác phẩm văn học”. Ông nhấn mạnh: “Nói đến nhà văn là phải nói đến độc giả. Độc giả không chỉ một thời mà độc giả lâu dài do sức bền của tác phẩm nhà văn tạo nên”. Và (nhà văn) hãy “Bằng vào tác phẩm, làm giấy thông hành cho mình”.
Trong bài thơ “TRẢ LỜI BẠN ĐỌC”, Hải Như đã thẳng băng:
“Trên báo Văn Nghệ khi điểm các nhà thơ thế hệ chống Pháp
Không thấy nhắc tên Hải Như
Trên báo Văn Nghệ khi điểm các nhà thơ chống Mỹ
- cũng không thấy!
Xin cho hỏi nhỏ: Tại sao vậy?
- Tại nhà thơ bạn mến mộ không nằm trong Dàn Đồng Ca...
(Sài Gòn, tháng 5 – 2003)”
 Trong Đề cương kịch bản “Trương Chi – tiếng hát bị nhốt”, Hải Như đã có một tuyên bố rất mạnh, rằng “Khi người nghệ sĩ mang tài năng và nghệ thuật của mình phục vụ nhà cầm quyền thì nghệ thuật đó trở thành công cụ của nhà cầm quyền. Nghệ thuật dần dần bị “cung đình hóa”3.
 Trước sau, Hải Như luôn khẳng định: “Đề tài của nhà thơ, nhà văn phải là đề tài có tính nhân loại, cái mà nhân loại quan tâm. Con người thuộc mọi dân tộc, mọi mầu da, mọi thời đại đều yêu cái đẹp, cái thật và ghét cái xấu, cái ác – đều hướng về chân-thiện-mỹ. Chức năng của văn học là làm thức tỉnh con người trở lại “chân thân”. Đối tượng của văn học là con người, không phân biệt đức vua với lê dân. Đức vua cũng cần được nhà thơ, nhà văn thức tỉnh như một người cùng dân”4. Một lần tôi được nhà thơ tâm sự: w.withman ( nhà thơ Mỹ: 1819 -1892) có nói: ai xúc phạm con người là xúc phạm chính Tôi. Tôi tự hỏi, không biết có bao nhiêu người cầm bút chúng ta đã nghĩ và nói được như thế?!.
 “Nhà thơ không chỉ là pháp sư ngôn ngữ mà phải là nhà tư tưởng. Người làm thơ phải ý thức được quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ”. Hải Như khẳng định.
 Ngay trong bài thơ TỰ BẠCH (viết năm 1978), Hải Như đã trải lòng:
“Thơ của anh viết ra không để cho người lười suy nghĩ đọc
Anh không thuộc dòng thù tac – sân chơi
Nhiệm vụ thơ ca với anh phải có ích cho đời
Em xem đó con người vẫn còn bị con người xúc phạm”
Trong bài thơ viết sau đó hai năm, bài MỘT TRĂM NĂM SAU, Hải Như thêm một lần khẳng định quan điểm của mình:
“Nhưng không phải ai cũng nhân danh nhà thơ em nhỉ
Tiêu chuẩn nhà thơ: Bênh vực con người”.
 Do “bênh vực con người”, nên:
“Mọi người sinh ra đều sống một lần. Riêng nhà thơ hai lần được sống
Lần thứ hai không giới hạn trăm năm” (trích Thơ: “Trò chuyện với Kỳ Anh” – con trai nhà thơ Hải Như)
 
Trong suốt cuộc đời làm thơ của Hải Như, ông là bạn bè thân thiết của rất nhiều thế hệ nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ, trí thức như nhà viết chèo Tào Mạt, nhà thơ Quang Dũng, nhạc sĩ Văn Cao, học giả Đào Duy Anh, nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh, KTS Nguyển Cao Luyện, nhà báo Phùng bảo Thạch, hòa thượng Thích Đức Nghiệp… Hải Như cũng là bạn thân của khá nhiều chính khách như Phan Điền, Đoàn Duy Thành, Hoàng Tùng, đặc biệt là Trần Xuân Bách. Ngay cả thời gian ông Bách bị “quản thúc lỏng” cho đến khi được “phục hồi”, năm nào vợ chồng Hải Như cũng ghé thăm nhà, ngược lại, vợ chồng ông Bách cũng nhiều lần đến thăm gia đình Hải Như. Đó tuyệt nhiên chỉ là những mối quan hệ trong sáng, giữa con người với con người! Ông được mệnh danh là nhà thơ có nhiều bài thơ viết về Hồ Chí Minh, nhưng cách viết của ông là cách viết rất riêng, không hề lẫn với nhiều nhà thơ khác. Ông tâm sự: “tôi đề ra cho mình phương châm: Không thần thánh hóa mà người hóa Bác Hồ”. Để chứng minh quan điểm ấy, ngay từ năm 1990, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chí Minh,  Hải Như đã có bài viết nhan đề “Bác Hồ cũng có những hạn chế - tại sao không?”5. Bản thân Hải Như là nhà thơ chiến sĩ (ông tham gia quân đội từ năm 1946), có hàng trăm bài đăng trên báo Nhân Dân; em và con trai ông là liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Vậy mà chưa bao giờ ông nghĩ mình phải đừng trong hàng ngũ của đảng. Có lần một chính khách thân thiết đã đem điều đó hỏi ông, ông trả lời: Tôi muốn mình như một gián quan, một nhà thơ gián quan!  
***
 Hải Như là nhà thơ dịch chuyển, hay đi đây đi đó. Ông để lại dấu ấn tình nghĩa với rất nhiều địa phương ông ghé qua bằng những vần thơ say đắm được rất nhiều nhạc sĩ tiếng tăm phổ nhạc: Từ “Thành phố hoa Phượng đỏ”, đến “Thành phố tiếng thoi”; từ “Hà Nội thành phố của niềm tin” đến “Hà Nội hôm nay, Hà Nội ngày mai”; từ “Ninh Bình điểm hẹn” đến “Khúc tình ca Bình Định”; từ “Nụ cười Đà Lạt” đến “Gửi Phan Thiết”; từ “Hát từ bán đảo Phương Mai” đến “Sông Hàn nước vẫn xanh”… Năm nay Hải như bước qua tuổi 90, sức khỏe nhà thơ có phần giảm sút, nhưng sức sống, sức sáng tạo và tình yêu đất nước, con người trong ông thì như vẫn tràn đầy. Ông vẫn sáng tác, vẫn trả lời phỏng vấn, vẫn đọc văn chương của bạn bè, của cả thế hệ sau ông. Ông không hề có tư tưởng ngơi nghỉ, dưỡng già. Gần đây thấy tôi mắc bệnh trọng, ông vẫn thường xuyên gọi điện động viên: “gắng vượt qua nhé, chúng ta còn phải tiếp tục sống, chưa thể buông tay bút được”.
 Tôi quý trọng tài thơ của Hải Như, trước hết là quý trọng tấm lòng của ông với CON NGƯỜI, đặc biệt là lớp người cùng đinh. Và đó chính là những gì tôi nhận ra khi được tiếp xúc ông và sau khi đọc tập “CÓ HAI DÒNG VĂN CHƯƠNG” của nhà thơ./.
Nam Định, 26/3/2013
THT
--------------- 
1. “CÓ HAI DÒNG VĂN CHƯƠNG” – Hải Như. NXB Trẻ 2009.
2. Sách đã dẫn, trang 176-179.
3. Sách đã dẫn, trang 180.
4. Sách đã dẫn, trang 134.
5. Sách đã dẫn, trang 166.