Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lan man nước Mỹ, người Mỹ, người Việt

Vũ Duy Chu
Thứ tư ngày 27 tháng 3 năm 2013 8:29 PM

Mỹ là cường quốc số 1 thế giới về kinh tế. Nhờ thế họ dễ dàng giữ vị trí số 1 ở nhiều lĩnh vực khác. Và cũng vì thế trong câu chuyện sinh hoạt thường ngày nhiều người hay nói một câu mang tính mặc định mà không gặp sự phản ứng nào: ối giời, khen Mỹ có mà khen cả ngày. Thế là có người khác đế thêm: chú chỉ được cái nói đúng. Dân Hà Nội rất giỏi “chế” ra những câu nói tưng tửng tưng tửng như thế.
Nếu bạn đang nói về những chuyến du lịch, thế nào cũng có người hỏi: Ông đi Mỹ chưa?
Bạn đã đi Mỹ rồi, nghĩa là bạn đã đặt chân tới một miền đất có nhiều múi giờ, có lượng du khách tới thăm thú thuộc hàng nhất thế giới. Nước Mỹ có nhiều thứ để nhìn ngắm, để nghe, để suy nghĩ…
Bạn đã đi chơi Mỹ về, đương nhiên bạn đã hơn rất nhiều, rất nhiều người khác về tiềm năng kinh tế và mức độ hưởng thụ. Trong mắt của những người phải cặm cụi bươn chải kiếm cơm từng ngày, bạn thuộc đẳng cấp khác. Những người Hồi giáo đã đặt chân đến thánh địa Mecca thì phải khác với những tín đồ chỉ ru rú ở nhà hoặc loanh quanh hàng xóm.
Nếu bạn đang nói về chuyện con cái đi du học, thế nào cũng có người hỏi: Con ông du học ở Mỹ à?
Con bạn đang học ở Mỹ, dù cố làm mặt lạnh, người ta vẫn đọc được sự hãnh diện, sự thỏa mãn hơn người thấp thoáng trong cử chỉ lời nói của bạn.
Nếu bạn đang nói về những chiếc xe hơi sang trọng, thế nào cũng có người hỏi: Xe nhập khẩu từ Mỹ ư? Nếu bạn có chiếc xe hơi ấy thì bạn là đại gia…
Những năm đầu của công cuộc đổi mới, người xứ ta có việc sang Mỹ cứ thì thầm, thì thào như thể buôn bạc giả. Nhà văn Lê Lựu hồi ấy được đi Mỹ không kìm được sự sung sướng hả hê. Cố nhà thơ Xuân Sách đọc Lê Lựu viết về nước Mỹ, bèn “vẽ” chân dung Lê Lựu:

Ở đời gặp may hơn khôn
Nào ai dám ghen, dám cãi
Người đã đi Mỹ hai lần
Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.

Một số ông nhà thơ quan chức khác gặp được một số nhà văn, nhà thơ cựu binh Mỹ tại Hà Nội thì mừng cuống quýt, như thể “như chưa hề có cuộc chia li”, quên cả giữ mồm giữ miệng. Có ông nói rằng hồi ở chiến trường ông chỉ bắn dăm phát súng đì đọp lên trời. Thế mà Mỹ thua. Các bà mẹ liệt sĩ Việt Nam chưa kịp nói lời tha thứ với các cựu binh Mỹ thì các nhà thơ nhà văn này đã nói hộ rồi. Thật là nhanh mà không… nhẩu đoảng.
Năm 1987 giới văn nghệ sĩ của chúng ta được cấp trên ”cởi trói”. Năm 1994 Tổng thống Mỹ Bill Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam. Không vui sao được. Cố nhà văn Nguyễn Minh Châu vui bằng Lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa… Vui quá mức thì cũng như uống rượu say vậy, lỡ nói năng bỗ bã một chút, chấp làm gì…
Nhưng nhân dân vẫn còn đau đáu. Chúng ta đã vui được với người Mỹ thì tại sao không thể hòa hợp dân tộc với bộ phận không nhỏ người Việt di tản trong và sau chiến tranh. Họ luôn trở về Việt Nam bằng nhiều cách đấy chứ. Từ năm 2001 đến năm 2008 lượng kiều hối gửi về Ngân hàng Việt Nam hàng năm tăng 3 lần. Riêng năm 2008 đạt 7,2 tỉ USD, chiếm 8% GDP. Xa mặt, cách lòng đã bốn mươi năm rồi còn gì?
Chuyện hòa hợp dân tộc khó khăn và chậm hơn việc xóa bỏ các định kiến, bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Vì người ta chả thấy ông “tư bản giẫy chết” nào cả, chả “người ghét của yêu” nữa. Có người hoảng: chết, khen Mỹ nhưng đừng mất lập trường giai cấp đấy nhá. Thì đã sao, có ai lấy trộm được lập trường giai cấp đâu mà kêu mất.
Nói đi du học ở các nước tư bản thì ít nhiều đã dính dấp đến lập trường giai cấp. Đã có con em gia đình nghèo nào dám mơ đi Mỹ du học. Toàn con cán bộ đảng viên có chức  quyền, có tiền du học. Phải thôi, Mỹ có nền giáo dục vào loại tốt nhất thế giới. Về nước, bằng cấp của Mỹ cho phép con em họ tìm những công việc có mức lương cao. Bằng cấp tốt, thân nhân tốt làm sao họ lại không kiếm một cái ghế có địa vị xã hội?
Nhiều người hy vọng lớp người 4C (con cháu các cụ) này về Việt Nam sẽ có những cách tân, sẽ có những thay đổi triệt để trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Thật là hơi bị giàu trí tưởng… bở. Có ai dại dột đến mức đòi thay đổi cái bệ phóng mình đã từng được đặt lên?
Con một quan chức lớn du học ở Mỹ về, hiện là cán bộ của một trường đại học cứ tưởng mình phát biểu rất khéo. Phóng viên của một tờ báo hỏi, đại ý: có khi nào ông nghĩ sẽ từ bỏ công tác giảng dạy để tham gia chính trường không? Ông trả lời, đại ý: mình là đảng viên - người của tổ chức, nếu tổ chức yêu cầu tham gia thì phải chấp hành thôi. Ông không biết người nghe đã để nguyên cả đôi guốc vào bụng ông. Rất nhiều vị lãnh đạo bảo rằng dân trí Viêt Nam thấp. Đúng như thế và đúng từ rất lâu rồi. Năm sáu chục năm nay dân trí Việt Nam vẫn thấp. Nhưng lâu thế chứ lâu nữa thì vẫn phải đợi chờ sự chăn dắt của các quan trí cao. Người dân làm sao có thể tự túm tóc nhấc mình qua vũng nước được?
Trung Quốc đang xưng hùng xưng bá, muốn biến biển Đông thành cái ao nhà mình. Các chuyến công du mắc cửi qua lại nhà nhau của các nhà cầm quyền Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ, Philipine… Biển Đông luôn cuộn sóng lên dư luận báo chí trong nước và thế giới.
Mỹ tuyên bố họ cũng có quyền lợi ở biển Đông, trước hết là vì chính nước Mỹ cái đã. Các nước có biển ở Đông Nam Á hưởng lợi từ sự hiện diện đầy sức mạnh của Mỹ bên cạnh mình. Đó là một cơ hội đàm phán đa phương với Trung Quốc. Cái món võ Kungfu của anh Tàu khựa chỉ nạt nộ được mấy đàn em be bé, chứ gặp Mỹ không chừng tay chân anh bị bẻ ngoéo có ngày. Mỹ vô khối đồng minh. Còn anh Tàu khựa, ai chơi với anh cũng nơm nớp, mắt trước mắt sau dè chừng. Các nước nghèo nghèo chơi với anh giống như gà chơi với cáo vậy.
Nhưng dân ta chả biết lối nào mà lần. Mấy ông lãnh đạo nhà ta thì luôn kiên trì nhún nhường giơ cao 16 chữ vàng và các thứ tốt khác, giống như khơi gợi lòng trắc ẩn vậy. Còn Trung Quốc thì không cần son phấn nữa, cứ để mặt mộc lên truyền hình kêu ”tả, tả duê nản”! Tờ báo thuộc cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng viết bài phụ họa kêu ”tả, tả duê nản”!…
Dân chúng Việt Nam đã chán súng ống lắm rồi. Chả phải đọc báo in, chả phải nghe ông lớn ông bé diễn thuyết khuyên nhủ này nọ, người dân cũng thừa biết không nên nói đến chuyện đánh nhau với ông anh hàng xóm cường quốc bên kia bờ dậu nhà mình. Ở thượng nguồn, thình lình anh xả lũ người xuống hạ lưu, biết đường nào mà chạy. Việt Nam là nước trả giá máu xương nặng nề nhất, thấm thía nhất so với các nước khu vực và thế giới về bài học chơi với Trung Quốc.
Dư luận xì xầm thì thào không rõ ta có chơi với Mỹ không? Chơi theo từng vụ việc hay chơi thân lâu dài? Hay là chơi theo kiểu lúc mưa lúc nắng?
Không dễ dàng trả lời thẳng vào câu hỏi xương xẩu mà ngay đơ này của mấy bác bình dân rị mọ. Nhưng chẳng lẽ cứ úp úp mở mở, ưỡn ẹo lắt léo mãi thiên hạ người ta ngại, bỏ đi hết…
Đang viết những dòng cuối về Nước Mỹ, người Mỹ người Việt, chợt nhớ tuần này trên Blog của mình, nhà văn Nguyễn Quang Lập kể: ông bảo Nhà thơ Nguyễn Duy - người đã rong chơi đất Mỹ nửa năm ròng:
- Anh hãy nói về nước Mỹ, chỉ bằng một câu ngắn thôi.
Nguyễn Duy:
- Nước Mỹ, đấy là tất cả những gì Mác mơ ước.

Sài Gòn, 3.7.2011
V.D.C