Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Khi hoa ban bắt đầu nở…

Trần Vũ Long
Thứ tư ngày 27 tháng 3 năm 2013 8:26 PM

Bút kí

Đối với người cầm bút thì cái sự đi là quan trọng nhất, nhưng rồi có người phản bác đi không quan trọng bằng nghĩ. Để cân đong giữa đi và nghĩ, cái nào quan trọng hơn với nghề viết quả thật là khó. Nếu đi nhiều mà không có sự quan sát, nghĩ ngợi thì những cái viết ra cũng chỉ như xác chữ. Nhưng dẫu anh là người biết quan sát, biết đào sâu suy nghĩ về một vấn đề, một hiện tượng theo nhiều góc độ nhưng lại chỉ quanh quẩn nơi bàn viết thì trước mặt anh vẫn mãi chỉ là trang giấy trắng. Ta phải kết hợp cả hai yếu tố để có một mệnh đề hoàn chỉnh: Đi – Nghĩ và Viết.
Mới đây trong một chuyến đi công tác cùng với các nhà văn lên Mộc Châu – Sơn La để viết về cây chè và con bò sữa, cái sự Đi – Nghĩ và Viết này lại trở thành đề tài của một nhóm nhỏ anh em trong đoàn chúng tôi. Đây là chuyến đi nằm trong chương trình kí kết hợp tác giữa Hội Nhà văn và Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để có thêm nhiều tác phẩm viết về đề tài nông nghiệp, nông thôn.
Mộc Châu vốn được xem như thủ phủ của cây chè và con bò sữa. Trong mấy năm gần đây, hai ngành này trải qua kha khá những thăng trầm, nên xem ra cũng là đề tài hấp dẫn. Trong suốt mấy ngày công tác, các nhà văn được Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, Công ty chè Mộc Châu, Công ty cổ phần chè Cờ Đỏ đón tiếp nhiệt tình và chu đáo, được nghe báo cáo số liệu rất đầy đủ, những câu chuyện về kinh doanh sản xuất, gương sáng điển hình cũng chẳng thiếu. Ấy vậy, mấy anh em trong đoàn chúng tôi vẫn cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó, rồi nhìn nhau mà rằng: chẳng biết sau chuyến đi này sẽ viết được cái gì cho nên cơm nên cháo hay không, để khỏi phụ lòng các cơ quan đón tiếp mình chu đáo. Để có tác phẩm viết về người công nhân và nông dân, đâu chỉ có ngồi xa lông, uống nước trà nghe báo cáo rồi thăm quan lướt qua một vài trang trại, ngó ngó nghiêng nghiêng, hỏi đôi ba câu, chụp vài kiểu ảnh mà được. Bởi chúng ta không thể chỉ đưa ra các số liệu, các quy trình sản xuất của đơn vị mà ta đến thăm. Thứ nhất, bạn đọc sẽ chẳng cần đến những thông tin đó. Thứ hai, người lao động ở đây cũng không thấy được điều mà họ trông đợi các nhà văn cần viết trong bài bút kí”. Biết được điều đó, cô cán bộ công đoàn của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người lo hậu cần và dẫn đoàn công tác trong suốt chuyến đi mới bảo: “Các bác đừng lo lắng về chuyện bài vở quá như thế, đâu phải chúng em tổ chức đi là bắt các bác phải viết bài cho các cơ sở đâu. Các bác cứ xem đây chỉ là chuyến đi thực tế để có thêm kinh nghiệm, thêm vốn sống phục vụ cho ngòi bút của mình mà thôi”.
Có thể nói, mảng đề tài viết về nông nghiệp nông thôn có chăng chỉ đứng sau đề tài về chiến tranh trong kho tàng văn học Việt Nam. Đã có nhiều tác phẩm văn học viết về đề tài này trở thành những cái đinh trong nền văn học. Đa phần tác giả đều là người sinh ra từ các miền quê, họ được lớn lên trong bùn đất, rơm rạ, trên lưng trâu lưng bò, cầu ao bến nước, lũy tre, chính vì vậy mà tác phẩm của họ có sức sống bền lâu trong lòng độc giả. Hoặc chí ít họ cũng phải được lăn lộn cùng ăn cùng ở, được đắm mình trong cái đời sống mà họ định viết đến. Trong đoàn công tác lần này của chúng tôi có nhà thơ Lê Đình Cánh, cách đây 40 năm đã từng có chuyến đi thực tế cả mấy tháng trời trên mảnh đất Mộc Châu này. Ông cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất, cùng sinh hoạt chi bộ với những người công nhân ở nông trường Mộc Châu hồi đó. Hàng ngày ông phải đi chăn bò, chăn dê trên cao nguyên Tả Phình. Rồi cảnh và người ở đây đã trở nên gắn bó, gần gũi với ông. Chính vì vậy mà sau này ông đã viết được bài thơ Trên cao nguyên Tả Phình được giải nhì cuộc thi thơ của Tuần báo Văn Nghệ, năm 1976, cái giải thưởng đã góp phần làm nên tên tuổi nhà thơ Lê Đình Cánh sau này.
Với tôi, đây là lần đầu tiên được đặt chân đến Mộc Châu nên khá ấn tượng với kiểu khí hậu của vùng đất này, có thể so sánh với Sa Pa (Lào Cai), Bà Nà (Đà Nẵng) hay Đà Lạt. Nó được nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, mùa đông lạnh và khô, mùa hè mát ẩm nhiều mưa. Mộc Châu có độ cao lớn lại nằm giữa sông Đà và sông Mã, do đó khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm chỉ khoảng 18oc. Theo người dân, nếu đến Mộc Châu vào mùa hè thì nơi đây giống như châu âu vậy, cây cối thì xanh tươi, thời tiết nắng ráo mát mẻ, buổi sáng và buổi đêm hơi se lạnh, ta có thể mặc thêm chiếc áo khoác mỏng. Trên các cung đường  mà chúng tôi đi qua là những vườn mận nối tiếp nhau mướt mát non tơ. Cái màu xanh của sự sống. Cái màu xanh như để báo một vụ mùa thu hoạch sắp tới đầy hứa hẹn. Lấp ló sau những tán lá xanh non ấy là từng chùm quả xanh thẫm tròn như viên bi. Trung bình mỗi cây mận đến mùa thu hoạch cho khoảng 70 đến 100 kg quả. Ngắm những vườn mận tươi tốt mà tôi thầm thấy tiếc. Giá như tôi được đến đây vào dịp cuối tháng giêng đầu tháng hai thì sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp đặc sắc của Mộc Châu, đó là những đồi mận trắng muốt trải dài hai bên theo những con đường ta đi qua. Tôi đã từng được ngắm hoa mận ở Sa Pa. Những cánh hoa nhỏ xíu mỏng mảnh, rung rinh trong gió lạnh của mùa đông có thể rụng xuống bất cứ khi nào, gợi cho ta nghĩ đến sự mong manh đến nao lòng. Cái sự mong manh thường trực giữa đất trời nhưng tinh khiết biết nhường nào, mang đến một vẻ đẹp bình yên giúp lòng ta lắng lại.
Nằm xen kẽ với những vườn mận là đồi chè xanh thẫm. Những đồi chè có tuổi đời 40 đến 50 năm đã từng là niềm tự hào và là cây công nghiệp chủ lực cho sự phát triển kinh tế của mảnh đất này. Có thể chè Mộc Châu không ngon bằng chè Thái Nguyên, tuy nhiên nó cũng đã trở thành một thương hiệu có uy tín trong nước và cũng được xuất khẩu ra nước ngoài. Công ty chè Mộc Châu mấy năm gần đây đang phải gắng gỏi vượt qua những khó khăn thử thách để đứng vững trong cuộc cạnh tranh của kinh tế thị trường. Những khó khăn khách quan mà ông giám đốc công ty chè Mộc Châu, người vừa mới đảm nhận chức vụ được mấy tháng, đưa ra là có thực nhưng cũng không phải là quá khó để giải quyết trước sự tranh mua tranh bán giữa người trồng chè và các xưởng sản xuất nhỏ lẻ. Thiết nghĩ đó cũng là quy luật cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Còn những người công nhân chế biến, nông dân trồng chè cũng có những băn khoăn trăn trở của riêng mình, thậm chí có cả những nguyện vọng và kì vọng mà không đạt được. Có lẽ những khó khăn của công ty chè Mộc Châu cũng giống như nhiều ngành kinh doanh sản xuất khác đang gặp khó khăn trong cả nước, đó là yếu tố con người và cơ chế. Để nhìn ra được những điểm yếu có lẽ không phải quá khó, nhưng muốn khắc phục nó dường như lại là một câu chuyện khác, một hướng giải khác đang còn bị bỏ ngỏ của bài toán kinh tế.
Miên man với những chuyện về cây chè, trong đầu tôi lại hiện lên hình ảnh bà Nguyễn Thị Chi, cựu công nhân của Công ty chè Mộc Châu, tức Nông trường Mộc Châu trước đây, mà chúng tôi được gặp. Cách đây 55 năm, cô gái người Hà Nội Nguyễn Thị Chi mới tròn 20 tuổi và 40 cô gái Hà Nội khác tình nguyện lên mảnh đât cao nguyên này để cùng các anh bộ đội của trung đoàn 280, thuộc sư đoàn 335, xây dựng Nông trường trong những ngày đầu sơ khai. Nhưng bên cạnh đó, họ còn có một nhiệm quan trọng hơn, đó là làm chỗ dựa, động viên tinh thần cho các anh bộ đội yên tâm ở lại nông trường để xây dựng kinh tế. Vậy là mấy chục cô gái Hà Nội cùng nhiều các cô gái đến từ các tỉnh thành khác đã ở lại đây, lập gia đình cùng các anh bộ đội, để rồi gắn bó đời mình với mảnh đất này. Nghe câu chuyện này, ta cảm thấy có chút gì đó lấn cấn ở trong lòng, chạnh lòng thay cho các cô gái. Nhưng thời ấy là như vậy đó, họ sẵn sang hi sinh tuổi xuân, hạnh phúc cá nhân cho tổ quốc. Họ cảm thấy việc đền đáp cho các anh bộ đội, những người đã hy sinh xương máu của mình ngoài mặt trận, là một trách nhiệm và nghĩa vụ. Trong câu chuyện ngắn ngủi với bà Chi, chúng tôi cảm nhận được chút gì đó tiếc nưối, day dứt khi nhắc đến Công ty chè Mộc Châu, nơi mà bà đã cống hiến quên mình trong mấy chục năm công tác. Ngồi nói chuyện với bà, mà tôi vẫn chưa thể hình dung ra nổi, tại sao người phụ nữ nhỏ bé này lại từng là kiện tướng hái chè với thành tích 1057kg trong một ngày. Bây giờ nhớ lại, bà chi cũng chỉ cười và lắc đầu, vì không hiểu tại sao hồi đó bà có thể hái được hơn 1 tấn chè trong một ngày, bởi từ trước đến nay người nào hái nhiều cũng chỉ hơn một tạ mà thôi. Bà Chi lại làm tôi nhớ đến nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển, từng vác hai thùng đạn nặng 98 kg vượt qua mưa bom bão đạn để phục vụ chiến đấu tại cầu Hàm Rồng. Thế mới biết khi con người ta có một tình yêu và niềm tin vững chắc thì họ như được tiếp thêm một sức mạnh vô hình nào đó để vượt qua khó khăn thử thách. Niềm tin là cái mà mỗi người chúng ta cần phải có trong cuộc đời này, nhưng tìm cho đúng chỗ để đặt niềm tin xem ra cũng khó lắm thay. Nhất là trong cái thời buổi thật giả trắng đen lẫn lộn, cái xấu và sự giả dối đôi khi lại bá quyền lấn át cái tốt thì việc tìm mảnh đất để gieo hạt cho niềm tin nảy mầm lại càng trở nên khó khăn biết bao. Dẫu sao thì chúng ta vẫn phải kiếm tìm.
Đến với Công ty cổ phần chè Cờ Đỏ, có vẻ như khả quan hơn đôi chút nhưng đời sống của người trồng chè, theo sự tìm hiểu ngoài lề của chúng tôi, nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn vất vả. Có lẽ cây chè cũng giống như bao cây công nghiệp và lương thực khác của nước ta, đó là: nguồn nguyên liệu thô thì dồi dào nhưng ngành công nghiệp chế biến của ta đang còn quá thô sơ, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước và đặc biệt là thị trường thế giới. Chính vì vậy mà nhiều ngành hàng chúng ta chỉ xuất thô sang các nước, để họ chế biến, đóng gói rồi xuất trở lại Việt Nam. Như thế chúng ta đã tự biến mình thành người làm thuê giá rẻ cho các nước khác.
Nhìn những đồi chè mà lòng tôi lại nhớ đến mảnh đất miền trung quê tôi. Cứ mỗi buổi sáng, nhà nào cũng nấu một nồi nước chè xanh, người dân quê tôi gọi là nấu nác (nước) mới, rồi cho người chạy quanh xóm làng, đứng trước cổng mỗi nhà nói vọng vào, ví dụ như: “ông….ơi, mời ông sang nhà uống nác mới nhé”. Tiếng mời uống nước mới vào mỗi buổi sáng râm ran xóm làng nghe thật ấm áp và nặng lòng biết mấy. Người nào sang được thì ngồi uống với chủ nhà một bát nước chè xanh sóng sánh, nói dăm ba câu chuyện rồi ra về để bắt đầu công việc của một ngày mới. Ai không uống quen thì dễ bị say nhưng uống lâu dần lại thành  nghiện. Ở quê tôi từ trẻ con đến người già chỉ uống duy nhất có chè xanh. Đó cũng là nét văn hoá trà rất bình dân mà ấm áp tình người của người dân quê tôi. Rồi tôi lại nhớ, cách đây hơn chục năm, có cô bạn nhà báo tranh luận với ai đó trên báo rằng ở Việt Nam không có văn hoá trà. Tôi đem câu chuyện uống chè ở quê tôi kể cho cô bạn nghe để rồi nhận được câu trả lời đó không phải văn hoá. Theo cô bạn tôi để gọi là văn hoá trà thì phải pha vào ấm tích rồi sau đó được rót ra một cách cầu kì kiểu người Nhật Bản hay rót kiểu “cao sơn lưu thuỷ” của người Trung Quốc, trà phải được ướp với các loại hương hoa, người uống phải có tâm thế thật thanh tao, mà tất cả những thứ đó lại không bắt nuồn từ Việt Nam. Vì vậy cô bạn tôi đã đi đến kết luận là người Việt Nam không có văn hoá trà. Nghe cô bạn phán câu xanh rờn mà tôi thấy buồn và chạnh lòng. Xem ra cái văn hoá rất giản dị nhưng lại rất vô cùng.
Ngày nay, đến với Thị trấn Nông trường Mộc Châu, ta có thể nghe người dân nói nhiều đến con bò sữa. Bởi mấy năm gần đây nghề chăn nuôi bò sữa đã mang lại cuộc sống no đủ cho nhiều gia đình và tạo ra nhiều công ăn việc làm, thậm chí có nhiều hộ gia đình đã trở thành tỉ phú. Để làm được điều đó là nhờ vào công của ông Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Trần Công Chiến, mà người dân ở đây gọi ông là Chiến bò. Với phương thức khoán hộ và mua bảo hiểm cho từng con bò, từng lít sữa để tránh thiệt hại cho người chăn nuôi khi gặp rủi ro, Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu đã tạo được niềm tin cho người chăn nuôi, giúp họ yên tâm sản xuất phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho cộng đồng. Tuy nhà máy sản xuất sữa, trại chăn nuôi bò, nhà máy chế biến thức ăn của công ty chưa thực sự quy mô và hiện đại nhưng dường như Công ty đã tìm ra được hướng đi đúng và vững chắc cho mình, tạo được niềm tin cho người công nhân và nông dân. Đoàn chúng tôi đến thăm một trại chăn nuôi bò sữa của một hộ nông dân nhận khoán của Công ty. Đó là gia đình ông Nguyễn Văn Quất, một người đã nhiều năm lăn lộn làm ăn buôn bán trong nam ngoài bắc, lên voi xuống chó khá nhiều bận. Nhưng kể từ ngày nhận khoán của Công ty, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá và giờ đây ông đã trở thành một tỉ phú. Khi nhận xét về ông Chiến bò, ông chỉ nói mỗi một câu: “tay ấy thế mà được, có sỏi trong đầu”.
Nói chuyện về con bò sữa mà tôi lại cứ thương cho những con bò đang được nuôi trong các chuồng trại, kể ra đây cũng chỉ để cho vui, xin mọi người đừng cười tôi là ngớ ngẩn, lẩm cẩm cho tội. Tất cả những con bò sữa ở đây đều chưa một lần biết đến giống loài của mình còn có những con bò đực. Tất cả bò sữa đến kì sinh sản đều được cho thụ tinh nhân tạo, bởi làm như thế mới đạt yêu cầu và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Còn những chú bê đực khi mới sinh ra, ngay lập tức trở thành món đặc sản bê chao cho các nhà hàng, khách sạn. Phải chăng vì thế mà những con bò sữa ở đây vô tư hồn nhiên hơn, sức khoẻ tốt hơn để cho năng suất sữa cao, trung bình mỗi con cho khoảng 25 lít sữa một ngày, thậm chí có con cho đến 60 lít sữa. Có lẽ thế. Còn tôi, tôi vẫn thấy thương cho chúng khi đã sinh ra trong cái cõi sống bao la này mà chưa biết rõ về giống loài của mình, không hiểu chính mình.
Trong mấy ngày đi thăm các trang trại, nhà máy, đồi chè, đoàn chúng tôi đã nhiều lần đi qua một bản tái định cư của người Thái. Dường như là một phản xạ rất tự nhiên, mỗi lần đi qua cái bản đó trong lòng tôi lại dâng lên một chút gì sa xót trước những ngôi “nhà sàn” được dựng bằng bê tông cốt thép san sát nhau giống như một dãy nhà tập thể. Lại nhớ cách đây mấy năm khi các báo đưa tin bài về dự án khai thác Bô xít ở tây Nguyên có đăng ảnh những khu nhà tái định cư của đồng bào dân tộc giống như những dãy nhà tập thể của công nhân nhà máy mà thấy thậm buồn. Tôi không bàn đến chuyện đúng sai của cái dự án mang tầm quốc gia đó, bởi việc đó đã có đảng và nhà nước lo. Tôi chỉ nghĩ đến mỗi một việc, giá như những người làm quy hoạch tái định cư cho đồng bào dân tộc biết quan tâm đến văn hoá sinh hoạt cộng đồng của bà con thì họ sẽ không cho xây những khu nhà như thế. Ngày nay chúng ta vẫn ra rả kêu gọi giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, thậm chí ngay tại thủ đô Hà Nội còn có cả một làng văn hoá các dân tộc Việt Nam, đón rước đồng bào từ khắp mọi miền tổ quốc bỏ quê hương bản quán về đó để sinh sống, để cho nó có đời sống của một địa chỉ văn hoá dân tộc, trong khi tại các vùng quê chúng ta lại đang dần phá bỏ đi những sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc. Như vậy phải chăng là chúng ta đang phá bỏ cái thật để làm cái giả. Chỉ còn chưa đến một ngày là đoàn chúng tôi sẽ rời khỏi Mộc Châu, chính vì vậy sau khi cùng với cả đoàn đi về khách sạn tôi quyết định thuê một chiếc xe máy để quay lại cái bản tái định cư đấy. Khi đó trời đã bắt đầu xâm xẩm tối, nghĩ đến quãng đường rừng núi ba chục cây số mà cũng ngại, lỡ hỏng xe dọc đường thì biết xoay xở làm sao. Dường như có một động lực nào đó thôi thúc buộc tôi phải quay lại cái bản tái định cư đó ngay chỉ để hỏi mỗi một câu xem họ cảm thấy như thế nào khi ở trong những ngôi “nhà sàn” như thế. Đường thì xa, trời thì tối, đường rừng núi heo hút nhưng cuối cùng tôi cũng tìm được đến cái bản tái định cư Nà Tân (xã Tân Lập) đó. Cũng thật tình cờ khi tôi vào đúng nhà của ông Lường Văn Xương, là phó bản, chủ tịch hội nông dân của bản. Rất cảnh giác, ông Xương bắt tôi cho xem giấy tờ tuỳ thân. Sau những giây phút nghi hoặc, câu chuyện của chúng tôi nhanh chóng trở nên vui vẻ và gần gụi. Ông Xương bảo, thực ra đồng bào không hề muốn ở trong ngôi “nhà sàn” kiểu này. Trước khi di rời, đồng bào đã đề nghị được mang nhà sàn bằng gỗ của mình về đây dựng quây quần theo kiểu làng bản nhưng người ta không cho. Về ở cái bản mới theo kiểu “nhà tập thể” này, tình làng nghĩa xóm cũng không được ấm cúng như trước, đấy là chưa kể nhiều tập tục sinh hoạt, sản xuất cũng bị thay đổi. Sau khi kể một thôi một hồi những khó khăn thiếu thốn khi về ở cái bản mới này, ông Xương chỉ lên mái nhà bằng tôn liền tấm, gồm ba lớp nhưng lâu ngày đã han gỉ, trời nắng thì nóng bức, trời mưa thì kêu lộp bộp, dột tứ lung tung nhưng không có cách nào khắc phục được, bởi nó đâu có đơn giản như cái nhà sàn gỗ lợp mái ngói mái tranh ngày xưa. Chẳng có cách nào xử lý ông đành lấy tấm ni lông căng kín phía dưới để che nước mưa. Ông Xương tha thiết mời tôi ở lại ăn cơm cùng với gia đình, nhưng nghĩ đến quãng đường xa, ngoài trời lại tối như bưng tôi đành phải từ chối đầy tiếc nuối và hẹn với ông một ngày nào đó sẽ quay lại.
Sáng hôm sau, trước khi lên đường về Hà Nội, tôi và nhà thơ Lò Cao Nhum lại thuê một chiếc xe máy, chở nhau lang thang vào một bản người Thái ở cách đó không xa, đó là bản Áng. Chúng tôi vào chơi một gia đình có ngôi nhà sàn vẻ lâu năm, rộng và khá đẹp, nhưng trong nhà chẳng hề có bất cứ một đồ đạc nào ngoài cái tủ quần áo và chiếc vô tuyến cũ kĩ. Câu chuỵện của chúng tôi diễn ra trong bầu không khí buồn hiu hắt nhưng có điều gì đó cứ níu chúng tôi ở lại bên cái bếp lửa đó suốt mấy tiếng đồng hồ. Chủ nhà lại mời chúng tôi ở lại ăn cơm trưa cùng gia đình, nhưng vì sực nghĩ đến kỉ luật của đoàn mà anh em chúng tôi lại phải cáo lỗi.
Lần đầu đến với Mộc Châu, nhưng mảnh đất này đã để lại trong tôi biết bao cảm xúc. Bài viết này của tôi có thể làm ai đó chưa hài lòng. Có thể tôi chưa nói đến điều “cần” phải nói. Nhưng nó là sự tự do trong con chữ của một kẻ viết chưa đến đầu đến đũa như tôi. Nó là cảm xúc của riêng tôi dành cho mảnh đất ấy. Khi chúng tôi rời Mộc Châu thì hoa ban bắt đầu